Đôi điều trao đổi về tính thực chiến trong Vĩnh Xuân Nội gia

Sau lễ giỗ Tổ năm Tân Mão – 2011, ngày 19/6/2011, một số anh em ở võ đường có hỏi tôi về tính thực chiến của Vĩnh Xuân Nội gia (VXNG). Tôi thấy đây cũng là một vấn đề cần làm rõ hơn với các anh em trong võ đường, để mọi người cùng thấy được tính thực chiến sâu xa của VXNG. Thực tế, mỗi khi đến lớp (A & B), tôi luôn lý giải, mở rộng và chứng minh tính chiến đấu, sự hiệu quả của những đòn thế mà các anh em đang tập. Tuy nhiên, sau đó tôi vẫn khuyên các anh em nên tập đúng, tập chính xác đòn thế đã được hướng dẫn, không nên vội nghĩ đến việc sử dụng nó trong chiến đấu. Tôi cũng đã viết “đừng biến khi tập, để có thể biến hóa (được tốt) khi va chạm”; khi chưa điều khiển được tay chân theo ý của mình thì đừng nghĩ đến việc có thể đánh thắng người khác.
Để hiểu tính thực chiến của VXNG, không thể không hiểu tính cận chiến của quyền thuật VXNG. Tính cận chiến là một trong những bản chất cơ bản của quyền thuật VXNG, nó xuyên suốt toàn bộ hệ thống quyền thuật của VXNG. Đó là “Lấy lỏng mềm – nhu để thể hiện quyền thuật; lấy khí làm nguồn lực để thể hiện nội lực và nội công; lấy cận chiến làm phương châm ứng xử trong giao đấu”. Trong quyền thuật VXNG, hầu như không có đòn đánh xa, kể cả đòn chân. Tất cả các đòn đỡ, đánh đều nằm trong một tầm tay của mình. Điều này thể hiện rõ tính tự vệ – tính Phật trong võ thuật sâu sắc: chỉ đỡ, đánh lại, khi bị đối thủ đánh trước. Mà đối thủ muốn đánh ta, (hầu hết) bắt buộc đối thủ phải vào gần, đánh gần - cận chiến. Để đạt được hiệu quả trong cận chiến, điều cần thiết là: đòn ra phải nhanh, đòn đi phải ngắn, đòn đánh phải chính xác và đòn ra phải có lực. Tất cả những điều này đòi hỏi phải tập luyện nhuần nhuyễn, chính xác các đòn thế, thực hiện tốt những yêu cầu đòi hỏi trong tập luyện, “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Qua đó toát lên một điều là thời gian tập không phải là vài ba tháng, một vài năm, mà thường phải khá dài. Trong cuốn sách viết về Vĩnh Xuân rất hay của võ sư Vĩnh Xuân người Mĩ, Dr. Scott Baker (cuốn “Chi-kung, Development and Practical Application in Wing Chun Kung Fu”), võ sư cũng đã nói đến Tổ sư môn phái Vĩnh Xuân Quyền đã cho biết để luyện tập thành công Vĩnh Xuân Quyền phải mất 7 – 15 năm, trong đó phải gắn bó với Vĩnh Xuân 24 giờ trong ngày (điều mà ngày nay có thể nói là không tưởng). Thế thì tại sao, chúng ta là những hậu duệ, lại cứ muốn thành công phải nhanh??? Vĩnh Xuân Quyền là một môn võ rất khó tập và cũng không dễ ngộ ra được. Tính tiệm tiến trong Vĩnh Xuân Quyền rất cao. Tôi thiển nghĩ dù có ngộ tính cao đến đâu cũng không thể vượt qua mốc thời gian mà Sư tổ môn phái đã nói đến.
Những đòi hỏi trong cận chiến cùng với yếu quyết Tam tinh trong VXNG chính là những ưu việt của tính thực chiến trong VXNG. Với tốc độ 2 – 3 đòn trong một giây (có thể thực hiện như vậy hàng chục phút), trong một cự ly rất ngắn (40, 30, 20 thậm chí 10cm), thực hiện việc đỡ đánh đồng thời, liền đòn, thực thi tốt Tam hợp, chắc chắn đối thủ khó có thể tránh được. Để có được như vậy, đâu phải ít công phu. Do đó, khi mà khả năng điều khiển chân tay còn hạn chế (chưa có thể dừng lại đòn khi muốn) thì sẽ rất nguy hiểm khi tập luyện với nhau trong võ đường. Trên thực tế, các đòn đỡ, đánh của VXNG cũng rất nguy hiểm cho đối thủ. Và cũng chính điều này, ngay trong Quy chế của võ đường, cũng chỉ cho phép môn đệ của võ đường được sử dụng công phu đã học để tự vệ mình, bảo vệ người khác, khi bị uy hiếp đến tính mạng; nghiêm cấm giao đấu với bên ngoài võ đường. Trong chương trình tập luyện của võ đường, chương trình đối luyện, đối kháng cũng được chú trọng và được thường xuyên thực hiện trong buổi tập. Tuy nhiên trong khi tập đối luyện, đối kháng ở võ đường, việc phải đảm bảo an toàn cho nhau luôn được đặt lên hàng đầu, do đó không được phép đánh vào người nhau khi đối luyện, đối kháng. Có lẽ điều này làm giảm tính hấp dẫn của việc tập, làm giảm đi sự khát khao đánh được người của một số người chăng? Trong võ học, chữ KHIÊM vô cùng quan trọng. Luôn nhớ rằng núi này cao, còn núi khác cao hơn, “giữ được mình tức là thắng được người”. Như vậy phải chiến thắng chính bản thân mình trước khi muốn chiến thắng người. Điều tôi luôn đặt ra trong quá trình tập luyện của các học trò là phải điều khiển được chân, tay mình theo được ý của mình, luyện tập chính xác các bài quyền, các đòn thế, tuân thủ các yêu cầu, các yếu quyết, các nguyên tắc và chương trình tập luyện. Có như vậy mới có thể đi xa được trong tập luyện VXNG.
Người xưa đã dạy “linh tại ngã, bất linh tại ngã”. Trên cơ sở mọi cái có trong người mình, cùng với “cơ duyên” với môn phái, với thầy, mỗi người chúng ta đều phải xác định con đường đi của mình trong võ học. Song theo tôi hiểu, đã đặt chân vào con đường võ học, tức là đã đặt cho mình trước một nghiệp chướng (qua việc chỉ muốn đánh người; chỉ muốn hại người; muốn làm phương hại đến cuộc sống xã hội, cuộc sống dân sinh; thậm chí chủ tâm làm chết người). Do đó mình phải lấy Đức trong võ, lấy Đạo của võ, và phải nhận thức được sâu sắc sự cần thiết “Tính Phật trong võ” mới có thể ngăn được nghiệp chướng cho bản thân. Từ đó ta xác định được việc học võ của ta ra sao: Học để làm gì? Học như thế nào?
Hy vọng với đôi điều trao đổi về tính thực chiến trong VXNG cũng như những điều liên quan, có thể giúp ích được phần nào về sự nhìn nhận về tính võ (tính chiến đấu) trong võ thuật nói chung và trong VXNG nói riêng.
Rất mong các bậc cao nhân, các huynh đệ đồng môn thể tất cho những điều còn khiếm khuyết trong kiến thức võ học của tôi.
Tôi cũng mong các anh em học trò cùng tôi luôn lấy Đức trong võ, lấy Đạo của võ, lấy “Tính Phật trong võ” soi đường cho bước đường tập luyện của mình.
Chân thành cảm ơn mọi người đã đọc bài viết của tôi. Chúc mọi người luôn được tốt lành, hạnh phúc trong cuộc sống.
Hà Nội ngày 25 tháng 6 năm 2011
Chủ nhiệm – võ sư trưởng võ đường VN VXNGQ
Võ sư - kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo