Tác dụng của các bài tập cơ bản đối với việc luyện thở trong Vĩnh Xuân Nội gia
Các bạn thân mến, sau những năm tháng gắn bó với Vĩnh Xuân Nội Gia (VXNG) và tham gia huấn luyện tại võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội Gia Quyền, tôi nhận thấy những nội dung tập luyện trong chương trình cơ bản có sự thống nhất nội tại bên trong của nó. Tưởng chừng như những bài tập rất đơn giản, nhưng nếu tập theo đúng tinh thần của bài tập và căn cứ vào những yêu cầu đặt ra của bài tập, với một thời gian tập luyện để tích lũy nhất định cho bản thân, bạn sẽ nhận thấy chúng có mối quan hệ logic với nhau. Tập luyện giúp cho luyện thở hiệu quả. Thở cơ bản để tích Khí, tạo nguồn nội khí dồi dào để ra nội lực trong thực thi quyền thuật.
Trong bài viết này, tôi xin được trao đổi về tác dụng của các bài tập trong chương trình cơ bản (A&B) của VXNG với việc luyện thở căn bản. Việc luyện thở cơ bản của VXNG chính là luyện thở Đan điền:
Điều thân: ngồi thở tốt nhất theo tư thế kiết già hoặc bán già; thả lỏng cơ thể, lưng thẳng. Điều tức: hít vào mũi- qua họng- xuống Đan điển rồi thở ra theo con đường đó nhưng theo chiều từ Đan điền trở lên họng và ra mũi; tập trung vào việc dẫn đường thở sao cho đúng yếu quyết của việc luyện thở là: ÊM – ĐỀU – CHẬM – SÂU - DÀI.
Như các bạn đã biết, chương trình cơ bản (A&B) của VXNG bao gồm:
- Các bài tập lỏng mềm: Luyện kĩ năng lỏng, mềm cơ thể (biến thành thói quen vận động của cơ thể); làm quen với các nguyên lí cơ bản khác của Vĩnh Xuân qua việc tập luyện các động tác lỏng mềm: khuôn phép, chính xác;
- Các bài tập mã bộ (xoay chân tại chỗ, tiến lùi, lết,..), các bài đối luyện (thượng trung hạ, thập thức), các bài kĩ thuật tay ngũ hình (quyền tĩnh), các bài Ngũ hình quyền (quyền động), các đòn thế đối kháng (đòn rời…)
- Tập thở cơ bản (thở Đan Điền).
Dưới đây tôi xin được phân tích tác dụng của các bài tập đó với việc thở cơ bản.
1. Tác dụng đối với việc Điều thân
Tập luyện các động tác cơ bản giúp người tập hiệu chỉnh tư thế, phù hợp tốt với việc vận động cơ thể để có tư thế ngay ngắn, nhưng tự nhiên, không gò ép: trụ vững, đúng tư thế, người ngồi (đứng) ngay ngắn, không chúi đầu về trước, đặt đúng trọng tâm, tay – chân - thân ở vị trí chuẩn trong việc thực thi một động tác (trong tập thở, trong tập quyền).
Chương trình cơ bản với thời lượng lớn về các bài quyền tĩnh, lỏng mềm trong tư thế tấn (đứng nhị tự kiềm dương), dần rèn cho người tập sự kiên trì tĩnh tại; đứng tấn lâu đồng thời vẫn tập trung vào việc luyện kĩ thuật của động tác. Như vậy việc tập luyện này cũng bổ trợ cho việc ngồi được lâu, kiên trì mà vẫn tập trung vào việc Điều tức.
Tập lỏng mềm và các bài tập cơ bản + kĩ thuật tay ngũ hình giúp cho lỏng khớp, mềm cơ, giúp cho người tập dễ dàng trong việc thả lỏng cơ thể khi luyện thở. Các động tác lỏng mềm, các bài tập cơ bản được bố trí chặt chẽ tác động lên xương sống, lưng eo, cổ tay, cánh tay, khớp vai….sẽ giúp bạn mở được các khớp, vận động trở nên linh hoạt mềm dẻo, đỡ mỏi hay cứng. Các bài kĩ thuật tay được sắp xếp với ý nghĩa tập luyện nội tại. Hổ - Báo luyện cơ cốt- gân lực: rèn luyện để dần tạo cơ thể mạnh khỏe để luyện thở - cho ta có cảm nhận về sự có sức sống của bản thân mình, làm chủ bản thân để luyện thở được tốt. Hạc- Xà – Long luyện Tinh - Khí – Thần, giúp cho cơ thể, hệ thống khớp được lỏng mềm, hệ thống kinh lạc được lưu thông, khí được lưu thông, có được thần thái trong tập luyện.
Tập luyện có ý thức trong lỏng mềm và các bài cơ bản giúp cho việc thả lỏng cơ thể có Tỉnh thức trong điều thân. Kĩ năng lỏng mềm có tác dụng rất tốt cho việc điều thân. Lỏng mềm chính là NHU. NHU chính là môi trường để Khí có thể vận hành thông suốt. Vì vậy, VXNG chú trọng việc rèn kĩ năng lỏng mềm ngay từ khi môn sinh bước vào buổi tập đầu tiên. Hãy ngẫm để cảm nhận chính xác khái niêm lỏng mềm trong VXNG. Có những sắc thái tinh tế, khác với mềm dẻo, õng ẹo, thư giãn một cách buông thả; khác với việc thư giãn nghỉ ngơi hoàn toàn, không cần biết gì hết như khi bạn mệt và bạn nằm phịch xuống giường (Thở trong một sự Điều thân như vậy bạn sẽ cảm thấy thân thể mình nặng nề, tư thế thở sẽ dần trở nên không ngay ngắn, giảm sự tập trung trong luyện thở) - một sự nghỉ ngơi tiêu cực dễ dẫn đến sự trì trệ. Lỏng mềm trong VXNG có lỏng, mềm, thư thái nhưng vẫn có độ Tỉnh thức: có ý thức, ngay ngắn, có sự kiểm soát trong đó. Sự Tỉnh thức trong lỏng mềm của VXNG chính là Ý tồn tại trong NHU, có một sự Điều thân Tỉnh thức như vậy thì KHÍ mới lưu thông, mới là môi trường tốt để Điều tức.
Để có một cảm nhận tốt về sắc thái “tỉnh thức” này trong lỏng mềm, bạn có thể liên hệ với thuật ngữ Bodhi (Bồ Đề) - nguyên nghĩa Tiếng Phạn là Tỉnh thức, chỉ đạo Phật. Vĩnh Xuân Nội gia có nền tảng triết học là Đạo Phật.
2. Tác dụng đối với việc Điều tức
Trong các bài viết của mình cũng như khi hướng dẫn thở, sư phụ tôi, võ sư – kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội có nói việc phải Điều tức phải tuân thủ yếu quyết của việc luyện thở là: ÊM - ĐỀU – CHẬM - SÂU- DÀI. Khi tập thở, tôi nhận thấy sự liên hệ hữu cơ giữa tập lỏng mềm và tập quyền với việc Điều tức rất rõ rệt.
Người xưa vẫn nói “Tâm viêm, ý mã”, tâm con Khỉ, luôn nhảy nhót chỗ nọ chỗ kia; ý con Ngựa, chạy rất nhanh. Làm sao để lấy ý mà dẫn khí trong sự ÊM – ĐỀU - CHẬM- SÂU- DÀI được. Không dễ để chúng ta có thể có được kĩ năng đó, nhất là trong nhịp độ cuộc sống thời hiện đại. Không phải cứ duy ý chí là có thể điều khiển được. Bởi cơ thể ta, tâm trí ta có những thói quen nhất định, những thói quen cản trở việc luyện thở, không phải ngày một ngày hai là có thể xóa bỏ. Các bài tập sẽ tẩy dần những thói quen không tốt và hình thành dần các thói quen tốt cho cơ thể và tâm trí:
ÊM – ĐỀU - CHẬM Việc tập lỏng mềm lưu ý bạn không được thực hiện các động tác một cách giật cục, tập khoán, đứt đoạn hay tập nhoay nhoáy, liến thoắng, mà phải từ từ đều đặn, liên tục, êm và thư thái cảm nhận tác động của động tác lên các cơ khớp. Đặt tâm luyện tập nhiều kĩ năng này, bạn có thể tạo được cho mình một bản năng tự điều hòa cơ thể - tự điều chỉnh mình cho đầu óc thư thái bớt căng thẳng trong khi vẫn tập trung vào công việc mình đang làm. Và đó là tiền đề tốt để bạn có thể hình dung và thực hiện được việc điều khiển cho hơi thở của mình ÊM – ĐỀU - CHẬM một cách đều đặn.
SỰ TẬP TRUNG: Khi bạn dành thời gian luyện thở, tức là bạn chỉ có bạn và chính bạn, không ai làm phiền, không có tivi, phim ảnh - Bạn thực sự có một không gian cho riêng mình, thực sự rảnh rỗi. Như một logic lấp chỗ trống, các suy nghĩ, ý nghĩ ùa đến. Con khỉ nhảy nhót, con ngựa chạy như bay đến tận đẩu tận đâu. Và bạn quên mất việc thở của mình, hoặc đôi khi nghĩ đến. Các bài tập trong chương trình A sẽ bổ trợ khắc phục dần những nhược điểm này. Bạn sẽ nhận thấy chương trình có thời lượng lớn các nội dung tập đơn; HLV thỉnh thoảng nhắc bạn: động tác không có ý, hoặc nhận xét là bạn đang tập khoán, cần đặt tâm vào động tác. Việc tập một mình, tự hiệu chỉnh đòn thế của mình trong thế tấn Nhị tự kiềm dương (lỏng mềm + quyền tĩnh) rèn cho bạn thói quen suy nghĩ tập luyện, cảm nhận, phân tích, điều khiển bản thân mình (ở bài tập cơ bản là thân, tay chân) trong một không gian của riêng mình (không ai tác động, quấy rầy). Đó là bước chuẩn bị tốt cho bài tập cao hơn trong việc điều khiển cơ thể bạn: điều khiển hơi thở. Thay vì điểu khiển chân tay, đối tượng điều khiển bây giờ là KHÍ - hơi thở của bạn (thứ mà bạn không nhìn thấy bằng mắt mà phải bằng sự cảm nhận từ tâm thức).
SỰ TỈNH THỨC TRONG ĐIỀU TỨC: Theo tôi, nếu bạn nghĩ luyện thở là nghỉ ngơi, thư giãn hoàn toàn thì chưa đúng. Đó thực sự là tập luyện, làm công việc điều khiển Khí (hiểu đơn giản là điều khiển hơi thở trong cơ thể). Luyện thở giống với sự nghỉ ngơi thư giản ở chỗ để tâm trí quên hết mọi lo lắng bộn bề, suy tư; cơ thể thả lỏng hoàn toàn. Song luyện thở khác với nghỉ ngơi buông thả ở sự tập luyện- đòi hỏi sự điều khiển của tâm trí - tỉnh, chủ động, như căn nhà có người chủ điều hành chứ không phải mơ hồ, vô thức. Nếu mình buông hết tất cả, tận hưởng sự thư giãn không cần biết gì hết thì không có được “Ý” để khiển khí, sự không nghiêm túc ngay ngắn trong ý thức (tỉnh) dẫn đến việc thở không nhất quán, không theo dõi được, như khí không có người dắt đi. Khí không thể lưu thông theo mục đích mình đặt ra nếu không có ý dẫn.
Việc tập các động tác cơ bản có tác dụng rèn luyện kĩ năng tập luyện có tỉnh thức cho học viên. Không phải các động tác cứ học thuộc, tập theo thói quen là xong (mặc dù yêu cầu thuộc động tác đến mức thành phản xạ cũng là một yêu cầu của việc tập luyện), mà cần đặt tâm, đặt ý vào động tác để đòn đánh trở nên “sống”, có THẦN. Vấn đề là ta thực hiện động tác như thế nào, và rồi dần dần biến nó thành kĩ năng điều khiển, bản năng vận động của ta. Từ đó có được cái thần trong từng đòn đánh, trong mỗi chuyển động, trong từng phản xạ.
* Những bài đối kháng và đối luyện thường có tính trực quan sinh động và dễ hấp dẫn người tập hơn nhưng cần lưu ý tập với một mức độ nhất định, bởi tập đơn tại chỗ là nội dung có ý nghĩa quan trọng trong tập luyện (đơn cử như ý nghĩa bổ trợ cho luyện thở nêu trên). Vĩnh Xuân lấy KHÍ làm nguồn lực để ra nội lực. Sư phụ tôi vẫn nói “Nếu không luyện thở thì tốt nhất đừng tập Vĩnh Xuân”. Lỏng là để đường KHÍ được lưu thông, từ đó ra được khí - lực. Nếu không tập thở thì không có nguồn lực để ra lực, lực sẽ bị hạn chế. Bởi vậy, chú trọng tập lỏng mềm, quyền tĩnh và tập đơn sẽ giúp bạn đến gần hơn với chiếc chìa khóa để mở cánh cửa Vĩnh Xuân. Sư phụ tôi vẫn thường nhắc nhở: “Vĩnh Xuân muốn giỏi thì phải giỏi quyền tĩnh” và “Vĩnh Xuân muốn giỏi phải biết tập chậm”.
SÂU - DÀI: Sự tích lũy qua luyện tập
Do việc tích lũy của tôi chưa được nhiều, kiến thức còn hạn hẹp nên việc phân tích có thể còn hạn chế. Tuy nhiên, tôi cũng xin được mạnh dạn trao đổi một vài nhận định của cá nhân về ý nghĩa của tập luyện chương trình cơ bản trong việc góp phần tạo nên hơi thở Sâu và Dài trong tập luyện:
Hơi thở sâu và dài có liên quan mật thiết đến sức khỏe, tuổi thọ và tâm trạng của chúng ta. Khi ta mất bình tĩnh, ta thở nông và ngắn (gấp gáp), nếu điềm tĩnh và có bản lĩnh – hơi thở sẽ bình thản (êm- chậm) và sâu – dài hơn. Thở sâu và dài, khí xuống Đan Điền nhiều, ta sẽ tích được nhiều KHÍ. Khí là nguồn lực để ra được nội lực trong Vĩnh Xuân Nội gia. Nhiều khí thì sẽ có được sức bền, lực ra mạnh (như ta có nhiều năng lượng để làm việc). Nếu không có tích lũy về khí thì dù kĩ thuật có giỏi, cũng bị hạn chế về độ mạnh của lực, sức bền và sau đó là Thần của đòn đánh (do ít năng lượng). Hiểu ý nghĩa của câu nói “nếu không tập thở thì đừng có tập Vĩnh Xuân” cũng là hiểu theo nghĩa này. Thở ÊM - ĐỀU - CHẬM nhưng NÔNG và NGẮN thì KHÍ xuống Đan Điền sẽ thưa thớt, không được nhiều, ít hiệu quả thậm chí còn tỷ lệ thuận với độ tập trung điều khiển khí (cũng phải nói thêm rằng nếu độ tập trung kém thì cũng làm cho việc điểu khiển khí không Sâu và Dài được).
Theo tôi nghĩ, việc thở sao cho SÂU và DÀI đòi hỏi sự tích lũy về luyện thở. Cho nên có thể dễ hiểu với nhiều bạn ngay trong những buổi tập thở đầu tiên “tại sao hơi thở của tôi chưa sâu và dài, chưa xuống Đan Điền”.
Luyện thở kiên trì đều đặn mỗi ngày cùng với việc tập luyện các bài cơ bản - với tác động về mặt cơ sinh lý lên cơ thể để lỏng khớp, mềm cơ, thông kinh mạch- tích lũy các kĩ năng cốt yếu cho luyện thở: ngay ngắn, tập trung, lỏng, mềm, điều khiển ý có tỉnh thức…giúp cho việc thông đường đến Đan Điền nhanh hơn, khả năng điều khiển, theo dõi hơi thở tốt hơn để tiến đến làm cho hơi thở Sâu và Dài dần ra theo ý mình.
Bên cạnh việc lưu ý rằng các kĩ năng luyện tập đựợc qua các bài tập (như đã nói ở trên) là những kĩ năng căn bản của việc luyện thở và xuyên suốt việc tập luyện, sao cho thành bản năng điều khiển và tự điều chỉnh của cơ thể thì phải nói thêm vai trò của các bài đối luyện, đối kháng, các bài quyền động trong việc tạo nhu cầu hồi khí, thúc đẩy việc thở sâu và dài. Các bài tập ngũ hình quyền với đặc điểm mô phỏng phương thức vận động của 5 linh vật, có tác động lên cơ thể con người một cách hệ thống: củng cố cơ - cốt (Hổ), gân- lực (Báo), mở khớp vai tay hông cho thông khí, rèn độ vững (Hạc); rồi đến luyện Khí- rèn luyện sự quyển chuyển của cơ thể mà cốt yếu là sự mềm dẻo của xương sống, lưng, di chuyển cao thấp với tốc độ từ từ rồi nhanh bất ngờ (Xà). Và cuối cùng là Long- với tổ hợp đặc điểm của những bài trên: uy dũng đầy bạo liệt mà lại uyển chuyển ảo diệu và trầm hùng, cao quý. Khi tập các bài quyền này, các bạn sẽ thấy cảm giác dần khác, đặc biệt là đến bài Xà và bài Long, sẽ thấy đòi hỏi sự dẻo dai và sức lực rất lớn. Nhất là bài Long quyền tiêu sức rất nhiều nhưng cảm giác lại rất sảng khoái sau khi tập, do nó tổ hợp tác động lên toàn bộ cơ thể (như là ta vắt kiệt hết khí độc ra khỏi cơ thể và có nhu cầu thay sinh khí mới). Khi tập bài Long vài lượt với đúng tinh thần của nó, bạn sẽ có nhu cầu hồi sức ngay. Ngồi thở lúc đó bạn sẽ nhận thấy Khí theo hơi thở tự vào, như một cái chai cao su vừa ép hết khí ra nay phình ra để hút khí vào vậy. Các bài đối luyện thượng trung hạ và thập thức được sắp xếp trước các bài quyền động để tạo cho người tập các kĩ năng của Vĩnh Xuân cũng như làm quen dần với việc huy động sức, tâm trí trong sự đối kháng động. Việc tập đối luyện nhiều cũng giúp cho bạn có nhu cầu bổ sung khí (hồi khí) khi thấm mệt. Điều đặc biệt là tất cả các bài đối kháng và quyền trên được thực hiện trong khi vẫn phải đảm bảo yêu cầu lỏng mềm, điềm tĩnh, tỉnh, chính xác và tập trung. Có như vậy thì trong một yêu cầu cần hồi hơi thở lớn bạn sẽ thở sâu và dài dễ dàng hơn.
Có người cho rằng khi luyện thở, tức là mình đang nghỉ ngơi. Thực ra, bên trong sự thầm lặng của một người luyện thở là cả một sự tập trung cao độ và làm việc miệt mài: điều khiển hơi thở và cảm nhận, phát hiện. Có một vẻ giống nhau: Bạn cũng sẽ cảm nhận thấy một sự thầm lặng khi đến lớp tập Vĩnh Xuân Nội gia, không hò hét, không ồn ào. Mọi người miệt mài tập luyện để hiệu chỉnh các đòn thế của mình, rèn luyện cho mình khả năng điều khiển…Sẽ rất hiệu quả nếu bạn đến lớp tập VXNG mà tập trung, có ý thức vào từng động tác và đòn thế mình đang tập. Vậy là, nội dung tập dù rất cơ bản và tưởng chừng như giản đơn nhưng thực sự nó là bước chuẩn bị và là sự hỗ trợ song hành để bạn đi vào thế giới của việc luyện thở.
Trên đây là một số trao đổi trên cơ sở sự cảm nhận còn hạn hẹp của tôi qua thời gian tập luyện của bản thân. Tôi cũng hy vọng có thể giúp ích được phần nào các bạn mới theo tập ở võ đường VXNG. Sự “ngộ” ra của mỗi ngưòi có thể theo những trạng thái, cơ địa và sự tiếp nhận thông tin của bản thân mỗi người khác nhau. Nhưng tất cả vẫn phải quy tụ theo bản chất của hệ thống quyền thuật VXNG. Theo một châm ngôn ở đời “tìm thì sẽ găp”, chúng ta cùng nhau quyết tâm tìm hiểu VXNG để theo tập được tốt quyền thuật VXNG, trong đó có việc quan trọng là tập luyện THỞ, tin rằng chúng ta sẽ đi được đến thành công.
Chân thành cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết của tôi.
Hà Nội ngày 08/7/2011
Huấn luyện viên Kiều Ngọc Diệp
Huấn luyện viên Kiều Ngọc Diệp
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video
VÕ ĐƯỜNG
LIÊN KẾT