Ngẫm về một câu nói, nghĩ về chuyện tập luyện

Trong những ngày qua, sau Lễ giỗ Tổ của võ đường, tôi suy nghĩ và nhìn lại quá trình truyền dạy của mình cũng như việc tập luyện của các anh em học trò, tôi lại nghĩ nhiều đến một câu nói rất có ý nghĩa trong lĩnh vực giáo dục mà tôi thấy rất đúng trong tập luyện Vĩnh Xuân Nội Gia: “Giáo dục không phải là việc đổ đầy một cái bình, mà là thắp sáng một ngọn lửa”. Một câu nói bao hàm cả hai mặt của một vấn đề: người thầy dạy như thế nào để khơi dậy cho người trò niềm say mê học tập, định hướng được con đường học tập cho trò và người trò học như thế nào để có thể từ đó nắm bắt tốt được những điều được dạy, có được cách nhìn nhận, đánh giá và giải quyết vấn đề (trong mọi mặt của cuộc sống) rút ra từ trong quá trình học tập và biết làm chủ mình, biết đi như thế nào để đến đích mà chúng ta muốn đến. Trong võ thuật, từ lòng tâm huyết với môn phái, võ đường, trên cơ sở bản chất của môn, hình thành phương thức tập luyện, say mê luyện tập theo những chỉ dẫn, những yếu quyết, những nguyên tắc, đấy chính là “thắp sáng một ngọn lửa” trong tâm trí để soi sáng cho con đường mà chúng ta đi, để chúng ta đi được xa, đến được đích.
Trong những năm qua, võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền đã rất mừng vui và hạnh phúc đón nhận nhiều anh chị em đã đến theo tập luyện. Trong quá trình tập luyện, có nhiều anh chị em đã sớm nhận thức được những nguyên tắc quan trọng trong tập luyện VXNG, họ đã rất từ tốn, cần mẫn tập luyện theo những điều được chỉ dạy. Ở một số lớp, vào những thời gian cuối chương trình, có những khi tôi muốn họ tập nhanh lên để sớm hoàn thành chương trình, nhưng các anh chị em ở một số lớp trong đó, lại rất chân tình xin được dạy chậm lại, để có thời gian cảm nhận được các bản chất trong quyền thuật. Mong muốn đó của các anh chị em tôi thực sự tôn trọng, vì đó cũng chính là yêu cầu cần có và cần thiết của việc tập luyện ở võ đường. Bên cạnh những anh chị em có những nhận thức tốt nêu trên, cũng có một số ít anh em muốn tập nhanh, đến lớp chỉ muốn tập bài mới, đòn thế mới, thiếu sự chuyên cần ôn luyện những phần đã được huấn luyện. Thậm chí có vài người, sau một thời gian được truyền dạy, khi được tập xong phần hình (bài bản, đòn thế) một số chương trình, đã cảm thấy học như vậy là đã nắm bắt đủ kiến thức rồi, việc luyện là ở mình, đã rời bỏ võ đường, rời bỏ thầy. Ở những người này, họ đã không hiểu một điều quan trọng trong Nội gia quyền đó là phải nắm bắt được (“ngộ” ra được) những bản chất nằm ở bên trong các bài bản, các đòn thế, chứ không phải đánh giống hình thế là được. Có những điều phải thông qua sự chỉ dạy, dẫn dắt trực tiếp của người thầy trên cơ sở những yếu quyết, những nguyên tắc, chứ không phải là cứ học hết bài là coi như học xong quyền thuật của môn. Điều này càng lên cao, sẽ càng thấy rõ hơn. Trên thực tế, một số anh em khi tập lên chương trình cao, mới thấu hiểu được điều này.
“Văn ôn, võ luyện”, lời người xưa đã dạy. Chỉ có chuyên cần và đặt tâm vào luyện tập mới có thể dần ngộ ra được những ẩn chứa bên trong các bài bản, đòn thế. Khi đã “vỡ” ra (ngộ ra được, cảm nhận được) trong quá trình tập luyện, sẽ giúp cho ta thấu hiểu sâu sắc bản chất sâu xa, huyền vi trong quyền thuật. Và sẽ như gỡ được đầu dây trong cuộn dây to lớn, để kéo ra toàn bộ cuộn dây một cách nhẹ nhàng, thông thoát. Cùng với việc” ngộ” ra qua tập luyện là việc làm chủ được bản thân mình (trong đó có cả biết điều chỉnh những hoạt động của cơ thể), biết kiềm chế bản thân (mà biết kiềm chế chính là sự thể hiện có giáo dục, có văn hóa), đồng thời hiểu “dục tốc” là “bất đạt”.
Học võ cũng như học văn, đâu là phải chỉ “đổ đầy bình”, mà vấn đề là sử dụng các kiến thức đó ra sao. Trong va chạm, đánh ta như thế nào, là việc của đối thủ. Điều quan trọng là ta phải vận dụng những kiến thức ta đã học được để hóa giải được đòn thế của đối thủ đánh ta một cách hiệu quả nhất. Đó chính là phương thức sử dụng đòn thế. Nếu nói một cách hình ảnh, phương thức đó như ngọn lửa soi đường cho ta đi đến đích của mình: hóa giải được đòn thế của đối thủ. Trong quyền thuật, việc phải luyện tập để những bài bản, đòn thế đó ngấm vào mình, trở thành những kỹ năng vận động của bản thân, điều khiển được chân, tay, thân mình theo được ý của mình, đó là điều rất quan trọng. Đó chính là ta “thắp sáng” “ngọn lửa” trong tâm trí ta để dẫn đường cho việc sử dụng quyền thuật của ta. Từ đó, khi ta ra quyền cũng như ta sử dụng kỹ năng của cơ thể. Phương thức sử dụng quyền thuật đó chính là dùng “vô chiêu để thắng hữu chiêu”. Vô chiêu ở đây chúng ta phải hiểu không phải là chúng ta đánh không có chiêu thức gì cả. Mà thực tế là ta dùng các chiêu thức đã được tập luyện một cách nhuần nhuyễn đã trở thành bản năng, kỹ năng của cơ thể, việc ra đòn rất tự nhiên như sự vận động của cơ thể, để đỡ, đánh lại những chiêu thức cụ thể của đối thủ.
Viết bài này, tôi muốn các anh chị em trong võ đường, nên có những sự nhận thức rõ hơn về việc theo tập luyện VXNG thông qua câu nói rất ý nghĩa: “Giáo dục không phải là việc đổ đầy một cái bình, mà là thắp sáng một ngọn lửa”. Như trong một bài viết trước đây của tôi đã viết: “Học để làm gì? Học như thế nào”. Đó là điều mà mỗi anh chị em môn sinh cần xác định rõ. Khi đã xác định rõ mục đích tập luyện, tuân thủ những nguyên tắc trong tập luyện, ta sẽ xác định được phương thức tập luyện một cách đúng đắn của mình. Như vậy chắc chắn chúng ta sẽ đi được xa trên con đường tập luyện.
Hy vọng một số trao đổi trên sẽ giúp ích được cho các anh em môn sinh cũng như những bạn yêu quý võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền, muốn tập luyện theo võ đường, để thầy trò chúng ta cùng chung tay thắp sáng ngọn lửa soi đường cho chúng ta đi.
Chân thành cảm ơn mọi người đã quan tâm đến bài viết của tôi.
Hà Nội ngày 04 tháng 8 năm 2011
Võ sư – kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo