Đôi điều trao đổi về "Tam luyện" trong Vĩnh Xuân Nội gia

Trong mấy ngày qua, sau khi tập 5, tập cuối trong bộ sách “Việt Nam Vĩnh Xuân Nội Gia Quyền Pháp” của tôi được phát hành, tôi có nhận được một số thư, điện thoại, hỏi và đề nghị tôi nói thêm về nội dung “Tam luyện” trong Vĩnh Xuân Nội gia tôi đề cập trong phần cuối của tập sách. Tôi cũng đã trả lời và nói rõ thêm về việc trình bầy nội dung của “Tam luyện”. Qua những ý kiến này, tôi nghĩ cũng nên trao đổi chung cùng mọi người để mong mọi người hiểu những điều tôi viết ra.
“Tam luyện” là phần quan trọng trong hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia, song thực tế tôi không thể làm khác được trước những căn dặn của sư phụ tôi, tôi cũng không thể trình bầy kỹ hơn được. Ngay cả những yếu quyết “Tam tinh”, cũng là những yếu quyết rất quan trọng trong hệ thống quyền thuật, tôi cũng không thể trình bầy vượt quá những điều đã trình bầy trong tập 1 của bộ sách. Nhân đây tôi cũng nói thêm về những yếu quyết “Tam tinh”, để qua đó mọi người hiểu và thông cảm cho những điều tôi phải tuân thủ. “Tam tinh” trong Vĩnh Xuân Nội gia như sư phụ tôi, cố võ sư Trần Thúc Tiển, truyền dạy cho tôi có những thứ bậc “Tam tinh” cao thấp khác nhau:
+ “Tam tinh cơ bản”, là Tam tinh quan trọng xuyên suốt toàn bộ hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia. Mọi thứ bậc, trình độ trong môn đều phải tuân theo. “Tam tinh cơ bản” tôi đã trình bầy trong tập 1 của bộ sách.
+ “Tam tinh” khác, như sư phụ tôi căn dặn, chỉ được truyền cho những môn đệ kế nghiệp, thực sự kế nghiệp mình. Những nội dung của “Tam tinh” này rất sâu sắc và cần thiết cho việc kế nghiệp.
Trước những điều căn dặn của sư phụ tôi, tôi không thể trình bầy rộng ra được. Kính mong mọi người hiểu giúp cho.
Trên thực tế, hệ thống “Tam tinh” cùng với “Tam luyện” tạo nên một bản sắc riêng có của quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia. Những điều căn dặn của sư phụ tôi, hoàn toàn đúng với một nguyên tắc quan trọng của môn, đó là “Tiệm tiến”. Mọi cái đều tuần tự, có trước, có sau, không thể đốt cháy giai đoạn. Cũng như việc ra lực trong Vĩnh Xuân Nội gia. Không tập luyện thở thì không có nội khí; không có nội khí thì không có nội lực, không có nội khí thì cũng không có được nội tam hợp. Nếu không có nội tam hợp thì phải có được ngoại tam hợp thì mới có lực khi ra đòn. Đã không có nội tam hợp mà ngoại tam hợp lại không đạt được thì lấy đâu ra sức mạnh trong đòn thế?. Để đạt được đến các công phu cao trong bản môn không có cách nào khác là phải tập luyện từng bước trong hệ thống quyền thuật thật tốt. Tập tốt phần trước sẽ thúc đẩy phần sau tập nhanh và tốt hơn, tập phần sau tốt sẽ giúp cho phần trước được tinh diệu hơn. Tập luyện Vĩnh Xuân Nội gia nói riêng và các môn võ nội gia nói chung, bắt buộc chúng ta phải tuân thủ nguyên tắc “Tiệm tiến”. Một trong những bài học để đạt được “Tiệm tiến” nhanh, chính là chúng ta đừng đặt tâm vào những phần mà mình chưa được dạy, hãy chuyên tâm vào phần mình đang học, đang được dạy và phấn đấu tập thật tốt đã. Thực tế điều này sẽ làm cho chúng ta đi nhanh hơn.
Tôi muốn trình bầy thêm một số vấn đề trên với thiển nghĩ để mọi người hiểu thâm ý sâu xa của các bậc tiến bối, không muốn người tập bị phân tâm bởi những điều cao xa, khi mà công phu chưa tới được và chưa đủ thời gian để biểu lộ tâm đức của mình.
Kính mong mọi người thể tất cho những điều tôi không trình bầy được.
Nhân bài viết này, tôi cũng xin được giới thiệu phần tôi viết về “Tam luyện” trong Vĩnh Xuân Nội gia trong tập 5 bộ sách “Việt Nam Vĩnh Xuân Nội Gia Quyền Pháp” của tôi, mới chính thức phát hành ngày 28/9/2011, nhân 6 năm tìm được mộ Sư tổ Nguyễn Tế Công.
ĐÔI NÉT VỀ “TAM LUYỆN” TRONG VĨNH XUÂN NỘI GIA
Với việc kết thúc giới thiệu bài quyền “108 Mộc nhân”, về cơ bản tôi đã trình bầy toàn bộ hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia của chúng tôi. Tuy nhiên để nói đến sự hoàn chỉnh của hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia, tôi không thể không nhắc đến (dù cũng không thể trao đổi một cách cụ thể trong cuốn sách này) hệ thống “Tam luyện”, hệ thống luyện tập cao nhất trong Vĩnh Xuân Nội gia. Chúng tôi cũng hiểu, trên thực tế, những nội dung trong “Tam luyện” đều là những yêu cầu quan trọng, cần thiết trong thực thi quyền thuật nói chung, không riêng gì Vĩnh Xuân Nội gia. Tuy nhiên, cũng giống như yếu quyết “Tam tinh”, “Tam luyện” đã được hình thành mang một sắc thái riêng trong hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia.
Như tôi đã giới thiệu trong tập 1 của bộ sách, (phần “Một số yếu quyết và nguyên tắc cơ bản trong quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia”) về yếu quyết “Tam tinh”: “Đây là những yếu quyết cơ bản nhất và là bộ yếu quyết riêng có của Vĩnh Xuân Nội gia” xuyên suốt toàn bộ hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia đối với mọi trình độ. Còn “Tam luyện” là những hình thức tập luyện cao nhất và chỉ dành cho những môn sinh cao cấp. Nói như vậy không có nghĩa là chỉ đến khi tập lên cao mới luyện “Tam luyện”. Trong quá trình tập luyện quyền thuật trong Vĩnh Xuân Nội gia, các bài quyền, các phương thức tập luyện khác cũng đã giúp cho một số mặt trong “Tam luyện” được phát triển tốt, đủ khả năng tạo hiệu quả trong giao đấu. Tuy nhiên, khi chính thức đi vào tập luyện “Tam luyện”, các yếu tố được hình thành trước đó được tụ hợp lại và phát huy được hiệu quả đến mức cao nhất trong quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia.
“Tam luyện” trong Vĩnh Xuân Nội gia gồm:
  • Luyện lực
  • Luyện linh
  • Luyện nội
1. Luyện Lực
Trong quyền thuật, luyện lực là một phương thức tập luyện đầu tiên và liên tục. Không có lực, không đỡ được đòn đánh của đối thủ; không có lực, không thể đánh được đối thủ (làm mất khả năng chiến đấu của đối thủ; làm tổn thương đối thủ và hoặc có thể tiêu diệt đối thủ). Tuy nhiên do bản chất và phương thức tập luyện của từng môn phái khác nhau mà có rất nhiều phương thức tập luyện lực.
Với Vĩnh Xuân Nội gia, khí chính là nguồn lực. Nội khí sinh ra nội lực. Do đó muốn có lực, phải có khí; muốn có khí phải luyện thở. Luyện thở để có được nội khí mạnh mẽ, dồi dào, đòi hỏi phải có thời gian. Sư kết hợp giữa luyện thở và luyện quyền đã giúp cho môn sinh hình thành dần khả năng ra lực trong thực thi quyền. Việc luyện lực để có được khả năng ra lực cao nhất trong Vĩnh Xuân Nội gia hoàn toàn là việc tập trung vào luyện nội – khí lực từ bên trong cơ thể. Giúp cho việc nâng cao và phát ra được nội lực trong Vĩnh Xuân Nội gia là việc phải tập với thầy (đánh vào thầy) và tập với Mộc nhân (cũng được coi là một người thầy), ngoài ra không có bất kỳ hình thức tập luyện với đối tượng hoặc công cụ nào khác. Trong quá trình thực thi quyền thuật, chỉ với việc thực thi tốt “tam hợp” trong khi ra đòn, đã có thể tạo ra lực khắc chế được đối thủ. Khi có được nội khí mạnh mẽ, trên nguyên tắc: “lấy ý khiển khí, lấy khí ra lực”“nội tam hợp” được hình thành. Khi sử dụng đòn thế, kết hợp được “ngoại tam hợp” và “nội tam hợp” lực sẽ gia được tăng mạnh mẽ qua “lục hợp”, giúp cho đòn đánh được hiệu quả cao. Tuy nhiên điều quan trọng nhất trong việc ra lực của Vĩnh Xuân Nội gia chính là sự ra lực liên tục như dòng nước chảy. Nội lực luôn tiềm ẩn trong dòng nước và luôn sẵn sàng phát lực khi có va chạm. Đây chính là sự khác biệt, riêng có, của phương thức ra lực trong Vĩnh Xuân Nội gia và phù hợp với việc thực thi quyền thuật trong Vĩnh Xuân Nội gia. Để làm được điều này, các môn đồ cao cấp của Vĩnh Xuân Nội gia được truyền dạy phương thức luyện lực theo cách riêng của Vĩnh Xuân Nội gia. Đây chính là phương thức luyện lực cao nhất trong Vĩnh Xuân Nội gia. Và luyện lực chính là phương thức luyện đầu tiên trong “Tam luyện” của Vĩnh Xuân Nội gia.
2. Luyện Linh:
Trong Vĩnh Xuân Nội gia, luyện Linh chính là luyện Linh giác.
Linh giác trong Vĩnh Xuân Nội gia, như sư phụ tôi nói: đứng trên quyền và là đỉnh cao của quyền thuật. Luyện tập linh giác là một hình thức luyện tập công phu bậc nhất trong luyện tập Vĩnh Xuân Nội gia: “đại đại công phu”.
Nếu hiểu một cách đơn giản: linh giác là khả năng cảm nhận về đối thủ khi tiếp xúc với đòn của đối thủ qua tay mình. Từ đó có thể biến hóa đòn thế để hóa giải đòn của đối thủ và đánh trả đối thủ trong sự tinh tế sâu sắc và hiệu quả cao nhất. Sâu xa hơn thế, luyện Linh giác chính là luyện tập quyền thuật một cách toàn diện ở mức độ cao nhất trong quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia.
Chính vì sự luyện tập Linh giác rất dày công, mất rất nhiều thời gian và đòi hỏi người trò phải hội tụ được nhiều yếu tố căn bản trong quyền thuật. như có được nội khí tốt, ra lực tốt, khả năng ra lực liên tục (luyện lực tốt), lỏng mềm tốt, khả năng tập trung tốt, độ vững tốt… thì việc luyện Linh mới có được hiệu quả. Đó là tôi chưa nói đến mối quan hệ thầy trò phải gắn bó, thân thiện ở mức cao thì khả năng truyền tải công phu của thầy sang trò mới thực sự đạt được hiệu quả cao. Với những điều cần thiết như vậy, việc luyện Linh thực sự chỉ có những môn đồ cao cấp mới có khả năng đáp ứng được và được tập.
3. Luyện Nội
Nội công là một tuyệt kỹ, một công phu cao nhất trong quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia. Theo truyền thống, Nội công chỉ truyền lại cho đệ tử được coi là kế nghiệp trong môn phái.
Nội công trong Vĩnh Xuân Nội gia không chỉ để chịu đòn đánh vào người, mà nội công trong Vĩnh Xuân Nội gia còn giúp cho môn đồ được hoàn thiện nhiều mặt trong thực thi quyền thuật cũng như trong làm chủ cơ thể của mình. Tuy nhiên điều quan trọng bậc nhất là: đệ tử được truyền công phu nội công phải dùng công phu nội công để truyền dạy công phu của bản môn cho các thế hệ sau. Đó là một trách nhiệm không thể rời bỏ. Đó là một cái nghiệp mà mình phải theo. Đó cũng là một lời nguyện mà mình phải thực hiện.
Mặc dù nội công trong Vĩnh Xuân Nội gia quan trọng như vậy, nhưng chúng ta cũng nên hiểu rằng: đây là một công phu (cho dù cao nhất) trong hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia. Nó quan hệ chặt chẽ, hữu cơ với các công phu khác trong môn phái, nhất là với thở và khả năng dẫn khí trong luyện thở.
“Tam luyện” trong Vĩnh Xuân Nội gia, mặc dù là những công phu cao nhất, song nó đều dựa trên một nền tảng tập luyện quyền thuật trước đó. Nếu không có công phu luyện tập tốt từ các hệ thống quyền thuật: lỏng mềm, quyền tĩnh (kỹ thuật tay), quyền động (bộ Ngũ hình), hệ thống quyền 108, các yếu quyết và nhất là việc tập thở, thì không thể luyện tập tốt “Tam luyện”. Do đó. việc luyện tập quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia là một sự tập luyện rất đồng bộ, có trước, có sau, có trên, có dưới, cân bằng mọi mặt, đều đặn và tiệm tiến. Có như vậy mới có thể đạt được đỉnh cao trong quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia.
Hà Nội ngày 17/10/2011
Võ sư – kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo