Trao đổi về nội dung bộ sách "Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền Pháp"

Thế là đến hôm nay đã là một tháng kể từ khi tôi chính thức phát hành tập 5, tập cuối trong bộ sách “Việt Nam Vĩnh Xuân Nội Gia Quyền Pháp” của tôi. Trong một tháng qua, cũng như trong hơn 4 năm qua, tôi đã nhận được những tình cảm chân thành của bạn bè, anh em huynh đệ đồng môn, những môn đệ của môn phái, của võ đường, những anh em trong võ thuật cùng những bạn yêu quý võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội Gia Quyền chia vui, chúc mừng, động viên, đón nhận và tìm đọc bộ sách tôi viết. Chính những niềm vui, niềm hạnh phúc được đón nhận những tình cảm của mọi người, cũng đã an ủi tôi về một tội lỗi trước Sư tổ và sư phụ tôi là đã viết ra hệ thống quyền thuật của bản môn mà tôi đã được truyền dạy.
Trong hơn 4 năm qua, kể từ ngày đặt tâm suy nghĩ viết về bộ sách tôi đã xác định cho mình khi viết phải thật chân thành, tâm huyết, với một lòng tri ân sâu nặng với Sư tổ Nguyễn Tế Công và sư phụ Trần Thúc Tiển. Và trong suốt quá trình viết của tôi (không chỉ bộ sách mà cả trong những bài viết khác) tôi đã làm đúng điều tôi đã tâm sự trong phần cuối “Thay cho lời kết” của tập 5, phát hành ngày 28/9/2011, nhân kỷ niệm 6 năm ngày tìm được mộ Sư tổ Nguyễn Tế Công: “Tôi chỉ biết cố làm theo lời người xưa dạy: "tâm sáng thì văn thông" trong quá trình viết của mình”. Toàn bộ những điều tôi đã viết ra là những điều tôi đã được truyền dạy từ sư phụ tôi, cố võ sư Trần Thúc Tiển. Ngay cả những điều tôi đã ngộ ra cũng đều được khởi nguồn từ những lời dạy bảo của sư phụ tôi.
Kể từ ngày tôi cho phát hành những cuốn sách đầu tiên trong bộ sách tôi viết, tôi chưa hề nhận được (cũng có thể là tôi chưa được nghe) những thông tin phản hồi về nội dung sách tôi viết. Song trong những ngày vừa qua, sau khi phát hành tập 5 của bộ sách, tôi được nghe có người nói (đại ý) là có bài quyền (tôi đã trình bày trong bộ sách) tôi không được học hết, chỉ được dạy có thế thôi. Lúc được nghe nói lại, tôi cũng thấy thực sự ngạc nhiên là tại sao người ta lại có thể nói được như vậy. (Thực ra tôi cũng còn nghe cả điều khác mà tôi không cần nêu ra vì thấy không liên quan và có những điều tôi đã trao đổi trong bài viết trước đây, bài “Lễ giỗ Tổ năm Đinh Hợi - 2007 tại võ đường Vĩnh Xuân Nội gia”). Từ đáy lòng, tôi không tin sư phụ tôi lại dạy không hết bài quyền cho tôi. Bởi có rất nhiều điều sâu xa, huyền vi trong quyền thuật, có những yếu quyết chỉ dành cho những nội đồ thật tâm huyết, có những chuyện mà tôi biết không phải ai sư phụ cũng nói ra, trong đó có cả những chuyện sư phụ theo tập Sư tổ Nguyễn Tế Công, sư phụ tôi cũng nói cho tôi biết thì một vài đòn thế trong bài quyền, sư phụ tôi việc gì phải bớt lại không dạy cho tôi. Tôi thật may mắn đến hạnh phúc vì có cơ duyên với sư phụ. Trong năm cuối cùng của cuộc đời của sư phụ (mà trước đó tôi không nghĩ sư phụ mình lại ra đi nhanh như thế) có lẽ chỉ còn mình tôi vẫn được sư phụ tiếp tục truyền dạy, vì trong suốt thời gian đó, tôi không gặp ai đến học. Sư phụ tôi còn bảo “lúc nào anh rỗi, anh cứ đến tập nhé, không cứ phải đúng buổi”. Mặc dù được sư phụ yêu quý, nhưng tôi cũng hiểu rằng, có thể còn nhiều điều mà tôi chưa học được. Có thể do cơ duyên, có thể do hoàn cảnh, hoặc lúc đó sư phụ chưa nghĩ đến dạy điều này.
Trước những điều tôi được nghe họ nói về việc khiếm khuyết trong bài quyền, bên cạnh sự ngạc nhiên, tôi cũng phải nhận thấy rằng, xã hội là như vậy. Và rồi cũng có thể biết đâu đó, cơ duyên võ học của họ lớn, họ có thể sáng tạo thêm vào đó chăng. Và nếu những điều họ sáng tạo thêm vào phù hợp với bản chất quyền thuật của bản môn, của bài quyền, thì đó là rất phúc cho môn phái. Người xưa đã nói: “con hơn cha là nhà có phúc”. Tôi hy vọng một ngày nào đó, tôi được nhìn thấy những phần họ sáng tạo trong quyền thuật, cũng như những kiến thức võ học của họ đóng góp vào kho tàng kiến thức võ học của nhân loại cũng như của môn Vĩnh Xuân.
Như trên tôi đã viết, những gì tôi viết ra (trong bộ sách và trong những bài viết), tôi xin khẳng định đó là những điều tôi đã được học, được ngộ ra từ những truyền dạy của sư phụ tôi, cố võ sư Trần Thúc Tiển. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu còn nhiều điều tôi cũng chưa học được. Việc viết ra có thể có phần còn hạn chế. Rất mong mọi người thể tất cho những hiểu biết còn hạn hẹp của tôi. Và hiểu cho lòng chân thành của tôi, mong muốn được góp một chút kiến thức nhỏ nhoi của mình vào kho tàng kiến thức võ thuật nói chung và của môn Vĩnh Xuân nói riêng.
Tôi thiết nghĩ: từ xưa đến nay, anh hùng là do thiên hạ suy tôn, chứ có ai tự nhận là anh hùng mà được.
Tôi xin chân thành cảm ơn và biết ơn những tình cảm mọi người đã dành cho tôi, cho võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội Gia Quyền của chúng tôi.
Cảm ơn mọi người đã quan tâm và đọc bài viết này của tôi.
Hà Nội ngày 28 tháng 10 năm 2011
Võ sư – kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội.
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo