Tính Phật, tính nhân văn qua một phương châm ứng xử trong võ thuật
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển loài người, võ thuật cũng được phôi thai và hình thành dần qua những hoạt động để sinh tồn của loài người. Trong hàng nghìn năm qua, võ thuật đã trở thành một lĩnh vực quan trọng trong đời sống của con người và là phương tiện, là vũ khí, là sức mạnh, nhiều khi là duy nhất, đưa con người đến đỉnh cao của danh vọng, của địa vị, của niềm tự hào, kiêu hãnh trong xã hội, trong một cộng đồng, trong một tổ chức, cho một dòng tộc, cho một gia đình. Con người ta luyện tập võ thuật với niềm khát khao chiến thắng, thậm chí bằng mọi giá để có thể đạt được chiến thắng. Điều này là một tiêu chí phấn đấu cho những người đi vào con đường võ thuật từ ngàn xưa và cho đến tận bây giờ. Tuy nhiên, khi Sơ tổ Thiền tông Trung hoa Bồ Đề Đạt Ma đặt nền móng cho nền võ thuật mà giờ đây đã phát triển ra trên toàn thế giới, Người cũng đã đưa tính Phật vào trong võ thuật để tiết chế đi tính hiếu thắng, tính sát khí trong võ thuật. Mục tiêu cao nhất của Người đặt ra trong tập luyện võ thuật là: SỨC KHỎE VÀ TỰ VỆ. Trong đó SỨC KHỎE được đặt lên hàng đầu, vì lúc đó Người muốn các Phật tử trước hết phải có sức khỏe để tu hành. Song hành với việc nâng cao sức khỏe, các kỹ năng TỰ VỆ đã dần được hình thành để bảo vệ bản thân và nơi tu hành. Trong quá trình phát triển, phương châm ứng xử “GIỮ ĐƯỢC MÌNH, TỨC LÀ THẮNG ĐƯỢC NGƯỜI” đã trở thành một đường hướng trong tập luyện mang đậm tính Phật và tính nhân văn. Đây cũng là điều sư phụ tôi, cố võ sư Trần Thúc Tiển đã dạy tôi, và trong suốt bao năm qua, tôi kiên định thực hiện lời giáo huấn này của sư phụ.
Như mọi người chúng ta đều biết: trong võ thuật điều quan trọng bậc nhất là không được để đối thủ đánh trúng mình. Khi mình đã giữ không cho đối thủ đánh trúng mình, thì việc đánh lại đối thủ sẽ không còn là điều khó khăn. Trên góc độ tính Phật, tính nhân văn trong phương châm ứng xử này, ta nhận thấy: Trong giao đấu, muốn hạ đối phương, buộc phải đánh trúng và trúng những yếu huyệt trên người của đối phương. Nếu ta giữ (phá những đòn đánh của đối thủ) không cho đánh trúng ta, thì rõ ràng đối thủ không hạ được ta. Từ đó đối thủ rất dễ bộc lộ những sơ hở mà ta có thể dễ dàng đánh trúng, để hạ đối thủ, nếu ta muốn, hoặc trong những trường hợp bắt buộc ta phải hạ đối thủ. Việc thắng thua trong giao đấu (cho dù chỉ là thử nhau, chỉ là giao đấu hữu nghị), luôn là tiền đề tạo sự cay cú, hơn thua, cao hơn là sự hận thù, mong muốn trả thù, rửa hận, trả nợ, đòi lại danh dự. Và như vậy, như lời Phật dạy: điều đó sẽ là tạo nghiệp chướng cho bản thân, gây “oan oan tương báo”, không bao giờ đem lại cho bản thân sự thanh thản trong cuộc đời, trong tập luyện. Do đó khi ta không để đối thủ đánh được mình và mình không hạ đối thủ, giữ ở thế cân bằng, có thể dễ làm cho đối thủ hiểu tính khiêm nhường của ta, hiểu được khả năng của bản thân họ, mà từ bỏ việc tranh dành hơn thua với ta, hoặc từ bỏ việc muốn hạ ta. Đây là điều không dễ thực hiện khi giao đấu nếu không kiên định thực hiện phương châm ứng xử này trong suốt quá trình tập luyện võ thuật.
Trong Vĩnh Xuân Nội gia của chúng tôi, tôi kiên định trong việc thực hiện được phương châm trong tập luyện là SỨC KHỎE VÀ TỰ VỆ. Điều này được tôi cụ thể hóa qua điều 6 trong Quy chế của võ đường: “Võ đường “Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền” hoạt động với tinh thần “tự vệ là chính”, “giữ được mình tức là thắng được người”. Do đó nghiêm cấm các thành viên võ đường giao đấu với các thành phần bên ngoài võ đường. Các thành viên võ đường chỉ được phép sử dụng công phu đã học để tự vệ (khi bị uy hiếp đến tính mạng) và bảo vệ người khác (khi người đó bị uy hiếp đến tính mạng) trong trường hợp chính đáng. Tại võ đường, các thành viên chỉ được luyện tập giao đấu dưới sự hướng dẫn và giám sát của các võ sư, các huấn luyện viên”.
Tôi đặt ra yêu cầu trong tập luyện là phải phấn đấu tập luyện nhuần nhuyễn những công phu của bản môn bằng chính nỗ lực của bản thân là chủ yếu để những công phu đó trở thành kỹ năng vận động của bản thân, chứ không lấy đối kháng với nhau làm chủ yếu để tạo phản xạ trong sử dụng quyền thuật.
Để nhìn nhận sâu xa tính Phật, tính nhân văn trong phương châm ứng xử này trong tập luyện cũng như trong sử dụng võ thuật, không phải ai cũng có thể nhìn nhận được. Cho nên ở võ đường chúng tôi, có thể điều này cũng hạn chế và không thích hợp với mục đích tập luyện của một số người đã đến tập luyện tại võ đường. Do đó số người theo tập ban đầu ở võ đường cũng nhiều, nhưng cũng không ít người rời bỏ võ đường giữa chừng.
Trong một bài viết về tính Phật trong võ thuật, tôi cũng đã viết “Đi học võ, nhiều người chăm chú đến việc xây dựng cho mình khả năng tự vệ hoặc chiến đấu (vì các mục đích khác nhau). Song nếu ta không nghĩ đến tính Phật trong võ, tức là ta đã bỏ đi hơn phân nửa giá trị thực của võ. Thậm chí ta bỏ đi phần gốc mà chỉ học phần ngọn, xa rời nền tảng đạo lý võ thuật… Phải xác định ngay từ buổi đầu tiên phương châm: “giữ được mình tức là thắng được người”, lấy tự vệ là chính. Như vậy sẽ học được nhiều nhất, sâu nhất, chắc chắn nhất, bền vững nhất, thành công nhất… Đó mới là cái gốc của võ thuật”.
Qua bài viết này, tôi muốn được nói rõ thêm và chia sẻ những suy nghĩ của bản thân về một phương châm ứng xử quan trọng trong võ thuật, một phương châm mà tôi kiên định tuân thủ theo lời dạy của sư phụ tôi trong suốt mấy chục năm qua, một phương châm trong đó chứa đậm tính Phật, tính nhân văn, phương châm: “giữ được mình tức là thắng được người”.
Tôi chân thành cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này của tôi.
Hà Nội ngày 05 tháng 01 năm 2012
Chủ nhiệm – võ sư trưởng võ đường
Kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
Chủ nhiệm – võ sư trưởng võ đường
Kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video
VÕ ĐƯỜNG
LIÊN KẾT