Những nội dung cơ bản cần biết Phần 1: Trích nội dung sách Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền Pháp
Thân gửi các bạn yêu quý môn Vĩnh Xuân, Yêu quý võ đường Vĩnh Xuân Nội gia!
Trong những năm qua, võ đường chúng tôi đã nhận được rất nhiều những sự động viên, những chia sẻ, những trao đổi, và cả những đề nghị của các bạn. Thầy trò chúng tôi rất trân trọng, rất cảm động trước những tình cảm mà các bạn đã giành cho võ đường của chúng tôi. Cũng trong những thời gian vừa qua, võ đường chúng tôi cũng đã tiếp nhận nhiều đề nghị mua sách qua đường bưu điện, và chúng tôi cũng cố gắng đã đáp ứng những đề nghị của các bạn. Chúng tôi cũng được biết một số bạn ở nước ngoài phải nhờ người thân trong nước mua sách rồi gửi sang. Trước những tình cảm của các bạn, và được phép của sư phụ chúng tôi, chúng tôi sẽ đưa dần một số thông tin có tính lý luận cơ bản trong cuốn “Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền Pháp” của sư phụ chúng tôi lên trang Web của võ đường. Để qua đó các bạn chưa có sách, có thể tìm hiểu được phần nào về bản chất của môn Vĩnh Xuân Nội gia.
Rất mong các bạn quan tâm theo dõi và có những gì cần trao đổi, xin gửi thư đến với chúng tôi.
Chân thành cảm ơn các bạn.
Admin VĐ VNVXNGQ
VIỆT NAM VĨNH XUÂN NỘI GIA QUYỀN PHÁP
PHẦN HAI
VIỆT NAM VĨNH XUÂN NỘI GIA QUYỀN PHÁP
PHẦN HAI
VIỆT NAM VĨNH XUÂN NỘI GIA QUYỀN PHÁP
A. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CẦN BIẾT
1. Hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia
Viết (hoặc nói) về quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia quả là một điều rất khó. Bởi lẽ quyền thuật của Vĩnh Xuân Nội gia không chỉ đơn thuần là kỹ năng điều khiển cơ thể phù hợp với các thế, các đòn, các chiêu thức trong tập luyện, trong giao đấu (trong lĩnh vực này Vĩnh Xuân Nội gia cũng đã đòi hỏi rất cao), mà còn hàm chứa trong đó những triết lý sâu xa, những lẽ huyền vi mà chỉ có thông qua tập luyện thực sự với thời gian công phu mới có thể “ngộ” ra được. Đối với người chưa tập và cả đối với người mới tập những điều này rất khó hiểu đến khó tin. Song thực tế là vậy. Vĩnh Xuân Nội gia đòi hỏi rất cao đối với người tập. Tập Vĩnh Xuân Nội gia không chỉ là công phu mà là đại công phu. Để tập luyện được môn Vĩnh Xuân Nội gia, người tập phải có một niềm tin rất cao, một tư duy sâu sắc, một sự tập trung cao độ, một sự kiên trì, cần mẫn và thực sự phải dành thời gian đáng kể cho việc tập luyện. Đồng thời phải luôn ghi nhớ rằng: tập võ trước hết là tập điều khiển cơ thể mình theo được ý của mình, sau đó mới có thể sử dụng công phu đã học để bảo vệ mình, bảo vệ người khác được.
Vĩnh Xuân Nội gia là môn NHU nên không phù hợp với những người ưa sức mạnh cơ bắp; vì là môn luyện công, luyện khí nên không thể “dục tốc” (muốn thành công nhanh); vì không phải là môn có nhiều bài quyền, nên đòi hỏi rất cao sự tinh luyện (“quý hồ tinh bất quý hồ đa”); các bài quyền lại không thiên về sức mạnh cơ bắp, không hoa mỹ, cho nên không phải là môn võ có thể biểu diễn hấp dẫn. Với một tiêu chí rất cao đòi hỏi hiệu quả trong giao đấu cận chiến, môn Vĩnh Xuân Nội gia đã bỏ đi những sự rườm rà, vòng vèo, uốn lượn bay bướm của động tác, mà thường đi thẳng đến mục đích (điểm đánh, đỡ) với con đường ngắn nhất, với sự chính xác cao, với tốc độ nhanh nhất, và sức mạnh tối đa (đây cũng là những yêu cầu cơ bản của cận chiến). Chính vì vậy mà đòn thế Vĩnh Xuân Nội gia đòi hỏi rất cao về độ chính xác, sự khuôn phép cũng như những nội dung bên trong các đòn thế. Để hiểu được đúng đắn những điều trên, chỉ có thể thông qua tập luyện và chỉ có qua tập luyện mới “ngộ” ra được mà thôi.
Vĩnh Xuân Nội gia là một môn võ không có nhiều bài quyền. Ngoại trừ các bài về binh khí, tiêu biểu như: Song đao Lục điểm bán côn, có thể kể tên các bài quyền trong quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia gồm:
- Thủ đầu quyền (ở một số nhánh khác có bài gần giống như vậy và được gọi là Tiểu Niệm Đầu. Ngoài ra còn có tên khác nữa là Tiểu luyện đầu
- Khí công Vĩnh Xuân Quyền.
- Hệ thống bài Ngũ hình ( bài Hổ quyền – bài Báo quyền – bài Hạc quyền – bài Xà quyền – bài Long quyền ) được phát triển từ thấp lên cao.
- Bài Ngũ hình tổng hợp (là bài quyền tổng hợp một số thế đại diện cho 5 hình trong một bài)
- Bài 108: Đây là bài quyền cao cấp nhất và cũng mang một sắc thái, một công pháp hoàn toàn khác biệt với các bài quyền của các nhánh Vĩnh Xuân, cũng như các môn võ khác trên Thế giới. Thực chất bài 108 có 3 cách thức tập luyện (có thể gọi là 3 bài 108). Đó là 108 tại chỗ, 108 tiến lùi và 108 với mộc nhân. Ở một số nhánh khác có bài Mộc nhân thung, cách đánh khác bài 108 với mộc nhân của Vĩnh Xuân Nội gia.
- Ngoài các bài quyền kể trên, Vĩnh Xuân Nội gia còn có một số phương pháp tập luyện đặc biệt theo những nguyên tắc riêng của môn phái được tập luyện đồng thời với tập quyền. Đó là:
- Tập thở.
- Tập Linh giác
- Tập ra sức
- Tập vững
- Nội công
Trong đó nội công là một công phu bí truyền, chỉ truyền trực tiếp từ thầy sang trò và chỉ truyền cho những học trò được chọn để kế nghiệp.
- Thực thi quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia, môn sinh còn phải tuân thủ những yếu quyết, nguyên tắc cơ bản. Như:
- Lỏng mềm
- Khuôn phép
- Chính xác
- Tam tinh
- Tam hợp (có nội tam hợp, và ngoại tam hợp)
- Lục hợp
- Thất đáo
- Tay bất ly thân
- Chân bất ly địa ...
Các yếu quyết, nguyên tắc cơ bản này sẽ được trình bày rõ ở phần sau.
Như vậy có thể thấy số lượng bài quyền của Vĩnh Xuân không nhiều. Ở một số nhánh Vĩnh Xuân khác số bài còn ít hơn. Có thể kể tên các bài như: bài “Tiểu Niệm đầu”, bài “Tầm Kiều”, bài “Tiêu Chỉ”, bài “Mộc Nhân Thung”. Có nhánh có thêm một số bài dạng khác.
Qua những điều kể trên, nói lên một điều: Dù ở bất kỳ nhánh nào của Vĩnh Xuân, cũng đều đòi hỏi sự tinh luyện cao độ. Chỉ có thế mới thể hiện được những yêu cầu rất cao của kỹ thuật cận chiến từ đó mới có thể khẳng định được vị thế của Vĩnh Xuân trong võ lâm.
xem tiếp Phần 2
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video
VÕ ĐƯỜNG
LIÊN KẾT