Những nội dung cơ bản cần biết Phần 2: Trích nội dung sách Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền Pháp

VIỆT NAM VĨNH XUÂN NỘI GIA QUYỀN PHÁP
(tiếp theo)
PHẦN HAI
VIỆT NAM VĨNH XUÂN NỘI GIA QUYỀN PHÁP 
A. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CẦN BIẾT
I. Hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia: (xem phần cập nhật ngày 01/9/2008)
II. Công pháp Vĩnh Xuân Nội gia Quyền với đôi điều cần biết:
Công pháp Vĩnh Xuân trong phạm vi Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền có một số điều cần biết như sau:
2.1. Vĩnh Xuân Nội gia lấy NHU trong thể hiện quyền thuật, lấy KHÍ làm nguồn lực để ra nội lực và phát huy nội công. Do đó điều đầu tiên đặt ra cho người tập là phải tập cho cơ thể mềm lỏng và tập thở (tập khí). Đây là hai yếu tố có quan hệ rất chặt chẽ với nhau trong con người, và trong tập luyện. Sự mềm - lỏng, nhanh - chậm phụ thuộc vào tố chất và công phu của người tập. Đối với nữ giới điều này rất thuận lợi. Bởi lẽ Vĩnh Xuân rất phù hợp với tố chất của người nữ giới. Sự thuận lợi trong tập lỏng mềm còn có ở những người trong giới trí thức, văn phòng. Nó sẽ khó khăn hơn đối với người lao động chân tay hoặc những người đã qua tập luyện các hình thức cứng mạnh. Tuy nhiên khi đặt tâm vào việc luyện tập, mọi điều đều có thể vượt qua những khó khăn ban đầu một cách tốt đẹp. Với Vĩnh Xuân Nội gia, nếu không lỏng mềm tốt sẽ không đạt được tốc độ cao,  không nhanh khi ra đòn, sẽ không ra được nội lực, sẽ khó (thậm chí là không thể) khuôn phép trong đòn thế và làm cho đòn ra kém chính xác. Do đó trong lĩnh vực này người tập phải phấn đấu đạt được tiêu chí là “lỏng khớp, mềm cơ”.
Tập khí, hiểu đơn giản là tập thở và sau đó là dẫn khí. Đây là phương pháp tập bắt buộc đối với học trò ngay từ những ngày đầu nhập môn. Phải hiểu rằng để tập lên cao được trong môn Vĩnh Xuân Nội gia thì bắt buộc phải tập khí tốt. Tập khí càng tốt càng giúp cho con đường đi lên trong môn Vĩnh Xuân Nội gia rộng mở. Nói cách khác là: nếu không tập khí thì không thể lên cao được trong môn Vĩnh Xuân Nội gia. Trong khi tập khí thường được gắn với tập “Ý”. Càng luyện lên cao, việc tập “Ý”, tập “Khí” càng đòi hỏi công phu. Chính vì vậy các phương pháp tập “Khí”, tập “Ý”, hoặc các công phu khác như bài “Khí công Vĩnh Xuân quyền”, thở theo “Tiểu chu thiên”… chỉ dạy cho những môn sinh trung cao cấp.
2.2. Trong suốt quá trình tập luyện (từ sơ khởi) môn Vĩnh Xuân Nội gia luôn có những yếu quyết, nguyên tắc đòi hỏi người trò phải tuân thủ (xem những yếu quyết, nguyên tắc đã trình bầy ở trên). Những nguyên tắc này dần được đưa ra trong quá trình tập luyện, trên cơ sở khả năng trình độ đạt được qua tập luyện và được ứng dụng vào từng giai đoạn, từng bài quyền, từng phương pháp đang tập luyện.
2.3. Ngoại trừ các bài 108 mang một sắc thái tập luyện khác biệt, quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia xoay quanh kỹ thuật của năm hình là:  Hổ – Báo – Hạc – Xà – Long.Đây là 5 linh vật được các Sư tổ lựa chọn ra qua nhiều nghiên cứu các động tác, hình thế trong quá trình sinh tồn của các động vật để xây dựng các kỹ thuật các bài quyền phù hợp với tố chất, bản chất con người, phù hợp với các đòi hỏi trong quá trình thực thi các kỹ năng chiến đấu. Những bài tập này (bài Hổ – bài Báo – bài Hạc – bài Xà – bài Long) được tập phát triển từ thấp lên cao (tùy theo trình độ của các môn sinh). Trong đó mỗi hình thể hiện các kỹ thuật và yêu cầu cụ thể khác nhau. Đòi hỏi người tập phải thể hiện được tình thần (hồn) của bài quyền qua các hình thức và giai đoạn tập luyện. Từ đó người tập tạo được cho mình những yếu lĩnh cơ bản về phản xạ (đỡ, đánh) ở những tình huống cụ thể khác nhau. Những kỹ năng này được thể hiện thông qua việc tập luyện thực tế. Đồng thời qua đó còn nâng cao thể lực (sức khỏe, sức mạnh) hoàn thiện được bản năng hoạt động của bản thân để dần thích ứng với những hình thức tập luyện cao.
2.4. Bài 108, đây là bài quyền cơ bản nhất và cũng là cao cấp nhất trong quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia. Mặc dù bài 108 chỉ dạy cho những môn sinh trung, cao cấp, song ngay từ những ngày đầu nhập môn, môn sinh cũng đã được tiếp cận với những hình thức tập luyện theo bài 108. Bài 108 hội tụ những yêu cầu cao đòi hỏi cần có trong kỹ thuật cận chiến. Mà cận chiến là bản chất của quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia. Việc thi triển các đòn thế ở gần, giáp với đối thủ là một điều đòi hỏi rất cao đối với người trong cuộc về khả năng phát lực, tốc độ, độ chính xác và đường ra đòn. Phương pháp tập luyện bài 108 tại chỗ và tiến lùi (đặc biệt là bài 108 tại chỗ) mang một sắc thái rất khác biệt mà không có một nhánh Vĩnh Xuân nào có, hoặc một môn phái nào có. Đó là người tập phải tập với thầy -1 thầy 1 trò- từ khi bước vào bài 108 cho khi luyện lĩnh hội được tinh hoa của bài 108. Thời gian tập luyện bài 108 tại chỗ không phải tính bằng tháng mà tính bằng năm. Để lĩnh hội được tinh hoa của bài 108, không thể tập với ai khác ngoài tập với người thầy có nội công (là người thầy có thể cho trò đánh thẳng trực tiếp vào người trong suốt quá trình tập luyện bài 108). Và trong môn Vĩnh Xuân Nội gia chỉ có những người được truyền nội công mới được xếp vào hàng những người kế nghiệp. Người tập bài 108 chỉ có thể thông qua việc tập luyện với thầy (vào tay với thầy) mới có thể dần ngộ ra được những tinh hoa của bài 108. Đây là một thực tế không thể nói qua sách vở hoặc nhận thức qua tự tập với nhau (trò với trò) hoặc tập một mình. Để có được một công pháp cơ bản và đầy đủ cho người tập bài 108, căn cứ vào mức độ tiến bộ của người trò, mà người thầy dạy tiếp bài 108 tiến lùi, bài 108 với mộc nhân. Người tập dần phải tập đồng thời 3 bài 108 (tại chỗ, tiến lùi và mộc nhân). Với Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia quyền, nếu không tập được bài 108 thì không thể đạt được trình độ cao trong quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia.
2.5. Một số phương pháp tập luyện đặc biệt
Trong quá trình tập luyện môn Vĩnh Xuân Nội gia, đây thường là những hình thức tập luyện do thầy trực tiếp chỉ dẫn, truyền dạy. Thậm chí có những phương pháp hoàn toàn bí truyền “bất lập văn tự”. Có thể điểm một số phương pháp như sau:
2.5.1. Tập ra sức
Ra được sức trong thực thi quyền thuật là một việc quan trọng để đảm bảo sức công phá trong đòn thế. Ở Vĩnh Xuân Nội gia việc ra sức (phát sức, phát kình lực) được gọi là ra nội lực. Bằng những phương pháp riêng, sức (ra sức, ra lực, phát kình) của người tập ngày càng được phát triển và nâng cao đúng với bản chất của Vĩnh Xuân Nội gia: lấy khí làm nguồn nội lực. Người tập sẽ nhận thức được sự thay đổi và gia tăng về “sức” trong quá trình tập luyện. Qua đó đạt được những yêu cầu về kỹ thuật trong tập luyện quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia nói chung, bài 108 nói riêng và trong việc phát sức.
2.5.2. Tập linh giác
Đây là một phương pháp (hình thức) tập luyện được mọi nhánh Vĩnh Xuân (Vịnh Xuân) truyền dạy dưới những tên gọi khác nhau “Li thủ” (Chi sau), “Niêm thủ”, “Thính thủ”, “Nhiếp thủ”, hay đơn giản là “Linh giác”. Trên thực tế phương pháp này giữa các nhánh cũng có sự khác nhau cả về hình thức lẫn nội dung. Có nhánh cho các học trò tập với nhau ngay từ lúc mới nhập môn theo sự hướng dẫn của thầy. Có nhánh phải sau một thời gian tập luyện quyền thuật, thầy mới cho tập và chỉ được tập với thầy, do thầy trực tiếp chỉ dạy dẫn dắt. Nội dung tập của các nhánh cũng khác nhau. Song tất cả đều có một mục đích chung là tạo nên sự linh cảm của đôi tay để nhận biết đòn thế và lực của đối thủ, từ đó tạo ra thế thượng phong để áp đảo và chiến thắng đối thủ. Ngoài mục đích trên, Vĩnh Xuân Nội gia còn đồng thời hướng tới một số mục đích tập luyện khác kèm theo. Vấn đề này phụ thuộc vào sự chỉ dẫn của người thầy. Với Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia quyền, đây là một phương pháp tập luyện quan trọng trong quá trình tập luyện môn Vĩnh Xuân Nội gia. Việc tập này do thầy trực tiếp chỉ dạy, dẫn dắt. “Linh giác” là một phương pháp tập luyện cực kỳ công phu (đại công phu), đòi hỏi ở người tập một sự tập trung cao độ, sự cần mẫn lớn lao; và để đạt được trình độ cao, thời gian tập luyện không phải ngắn.
2.5.3. Tập vững
Thế tấn vững vàng là một yêu cầu đòi hỏi cao trong quyền thuật của bất kỳ một môn võ nào. Với Vĩnh Xuân Nội gia, điều này càng quan trọng vì mã bộ của Vĩnh Xuân Nội gia không nhiều, đồng thời Vĩnh Xuân lại là môn võ cận chiến. Việc tập vững cũng phản ánh rõ nét quá trình hoàn thiện môn Vĩnh Xuân đến cao độ của các Sư tổ trong Hồng thuyền. Trong điều kiện sinh hoạt và sống trên thuyền, việc đi lại, di chuyển đòi hỏi phải vững là rất cần thiết. Vững cũng là một yêu cầu kỹ thuật trong quyền thuật. Do đó các Sư tổ trong Hồng thuyền đã nâng việc tập vững lên một đòi hỏi cao hơn trong tập luyện ở môn Vĩnh Xuân. Tập vững được tập cùng quá trình tập luyện quyền thuật và các phương pháp tập luyện khác. Đồng thời nó cũng là biểu hiện tổng hòa kết quả của những hình thức tập luyện (Đọc thêm câu chuyện của võ sĩ-bác sỹ Phạm Xuân Nhàn để nhìn nhận công phu của việc tập vững)
2.5.4. Một số các phương pháp và các yếu quyết cần thiết khác trong tập luyện mà các môn sinh phải hiểu và tập luyện đồng thời trong quá trình tập luyện quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia như: “Tam tinh”, “Ngoại tam hợp”, “Nội tam hợp”, “Lục hợp”, “Thất đáo”... Trong quá trình tập luyện, người thầy trên cơ sở mức độ  công phu đạt được của từng người mà giảng giải các phương pháp và các yếu quyết trong các tình huống quyền thuật cụ thể để giúp cho môn sinh nhận thức nhanh hơn và thực tế hơn (trong phần sau sẽ được trình bày cụ thể).
2.5.5. Nội công   
Ngoài những phương pháp trên, Vĩnh Xuân Nội gia còn một phương pháp tập luyện đặc biệt có tính bí truyền, chỉ được truyền trực tiếp từ thầy sang trò, “bất lập văn tự”. Đây là một tuyệt kỹ cao nhất trong Vĩnh Xuân Nội gia, đó là Nội công. Nội công Vĩnh Xuân nếu hiểu đơn giản là khả năng chịu đòn (để cho đòn đánh thẳng trực tiếp vào người) giống như khả năng của công phu Thiết Bố Sam của phái Thiếu Lâm. Hiện nay Nội công được hiểu trong võ thuật theo một nghĩa khác là khả năng công phá của đòn thế chứ không phải là khả năng chịu đòn như của nội công Vĩnh Xuân Nội gia. Nội công của Vĩnh Xuân Nội gia, khi đã thành (đạt được), còn giúp cho việc phát triển các công pháp khác trong quyền thuật Vĩnh Xuân và là chỗ dựa vững chắc khi thi triển quyền thuật. Đồng thời nó còn giúp cho việc bảo vệ sức khỏe của bản thân. Với Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền, khi được thầy truyền dạy cho Nội công tức là chính thức được đào tạo trở thành võ sư kế nghiệp. Vì chỉ khi có được Nội công thì mới có đủ căn cơ để dạy được bài quyền cao cấp 108. Và thực tế điều này còn thể hiện trách nhiệm (không thể bỏ qua) với môn phái. Bên cạnh đó, khi có nội công mới hội tụ được những yêu cầu cần có và phải có đối với một võ sư Vĩnh Xuân Nội gia.
 xem tiếp Phần 3
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo