Những nội dung cơ bản cần biết Phần 4: Trích nội dung sách Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền Pháp

VIỆT NAM VĨNH XUÂN NỘI GIA QUYỀN PHÁP
(tiếp theo)
PHẦN HAI
VIỆT NAM VĨNH XUÂN NỘI GIA QUYỀN PHÁP 
A. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CẦN BIẾT
I. Hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia: (xem phần cập nhật ngày 01/9/2008)
II. Công pháp Vĩnh Xuân Nội gia Quyền với đôi điều cần biết: (xem phần cập nhật ngày 11/9/2008)
III. Nội dung đào tạo trong Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền
B. CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CƠ BẢN
I. Các bộ phận trên cơ thể được sử dụng trong quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia (xem phần cập nhật ngày 16/11/2008
II. Chương trình đào tạo cơ bản trong Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia quyền
1. Tập lỏng mềm:
Đây là một yêu cầu bắt buộc đối với môn sinh mới nhập môn. Bởi lẽ Vĩnh Xuân Nội gia lấy NHU để thể hiện quyền thuật, không lỏng mềm sẽ không thể hiện được yêu cầu và bản chất của quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia. Phần tập luyện này kéo dài hoặc rút ngắn, phụ thuộc rất nhiều vào tố chất người tập. Đối với nữ giới, người làm các công tác văn phòng, tri thức, làm việc đầu óc nhiều, ít vận động nặng, việc tập lỏng mềm cũng nhanh. Đối với người lao động chân tay (nhất là lao động nặng), đã tập môn thể thao nặng, môn cương, việc thả lỏng thường khó khăn và thời gian để lỏng mềm được thường kéo dài. Tuy nhiên trên thực tế, điều này còn phụ thuộc cả vào sự quyết tâm và phương pháp của người tập.
Trong Vĩnh Xuân Nội gia quyền, khi đạt được lỏng mềm thì đòn thế sẽ khuôn phép, tốc độ ra đòn nhanh và ra được nội lực. Đây chính là những yếu tố cần thiết trong giao đấu cận chiến: nhanh, mạnh và chính xác. Thông qua tập luyện lỏng mềm ban đầu để đạt được yếu tố này.
Tập lỏng mềm, trên thực tế Vĩnh Xuân Nội gia không có những bài tập riêng cho lỏng mềm. Toàn bộ việc lỏng mềm đều thông qua quá trình luyện tập công pháp và kỹ thuật. Do đó điều quan trọng là môn sinh đặt tâm vào quá trình tập luyện (đây không chỉ là yêu cầu riêng của việc tập luyện này, mà là một yêu cầu xuyên suốt cả quá trình tập luyện lâu dài môn Vĩnh Xuân Nội gia). Trong chương trình cơ bản của Vĩnh Xuân Nội gia, việc tập lỏng mềm ban đầu được tập luyện thông qua một số đòn thế thích hợp. Song như đã viết ở trên, các đòn thế này giúp cho việc lỏng mềm rất thiết thực. Việc tập một số đòn thế này chỉ tạo nên một khả năng lỏng mềm ban đầu, tập lỏng mềm là cả một quá trình dài trong luyện tập công pháp và kỹ thuật của Vĩnh Xuân Nội gia. Đồng thời qua đó, các hệ thống cơ, lực, gân, cốt được phát triển một cách đồng bộ, phù hợp với các yêu cầu quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia. Dưới đây là một số đòn thế cơ bản để giúp cho môn sinh lỏng mềm ban đầu. Và luôn phải lưu ý rằng tất cả quá trình tập này, đều không được dùng sức mạnh, hay gồng cứng mà phải hoàn toàn đặt ý vào quá trình lỏng và mềm. Trước khi vào tập lỏng mềm, phải tập các động tác nghi thức: Lễ, bái tổ và những thế tấn cơ bản kèm theo.
1.1. Lập tấn: trong tư thế đứng thẳng, hai bàn chân sát vào nhau, hai bàn tay nắm đấm để hai bên thắt lưng.
1.2. Nhị tự kiềm dương: đây là thế tấn cơ bản của Vĩnh Xuân. Hai bàn chân song song và để rộng bằng vai. Hai đầu gối hơi trùng và đưa vào trong. Hai bàn tay nắm đấm để hai bên thắt lưng.
1.3. Nhị tự kiềm dương phải: là biến thế của Nhị tự kiềm dương. Từ thế nhị tự kiềm dương, xoay hai gót chân sang phải một góc 45°. Trụ chân phải, hai bàn tay nắm đấm để hai bên thắt lưng. Nhìn về phía trước.
1.4. Nhị tự kiềm dương trái: là biến thế của Nhị tự kiềm dương. Từ thế Nhị tự kiềm dương, xoay hai gót chân sang trái một góc 45°. Trụ chân trái, hai bàn tay nắm đấm để hai bên thắt lưng. Nhìn về phía trước.
1.5. Lễ: Đứng lập tấn. Hai tay mở, chắp lại để phía trước, trên ngực. Đây là một thế đứng lễ Phật.
1.6. Bái tổ: Đứng lập tấn (hoặc nhị tự kiềm dương). Tay trái mở, tay phải nắm đấm để trước ngực, rồi đưa ra phía trước ngực độ 15cm. 
1.7. Khởi thế: Là nghi thức ban đầu mỗi buổi tập và bắt đầu của mỗi bài quyền. Đứng ở thế lập tấn, Lễ, bái Tổ rồi chuyển thế: đưa hai tay ra trước, mở bàn tay phải, lật hai tay (cho lưng hai bàn tay chạm nhau) đưa vòng tay xuống dưới rồi về ức và vòng lên đưa ra trước. Khi gần ra đến ngoài lật hai lưng hai bàn tay đưa ra trước. Rồi nắm hai bàn tay lại thu về hai bên thắt lưng. Chuyển hai mũi bàn chân sang hai bên (vuông ở góc 90°). Rồi xoay hai gót sang hai bên, hai bàn chân song song thành nhị tự kiềm dương và bắt đầu tập hoặc đi quyền.
1.8. Thu thế: Là nghi thức kết thúc buổi tập và kết thúc bài quyền. Đây là cách thức ngược với ở trên (1.7.) Sau khi thu chân về nhị tự kiềm dương, tiến hành Thu thế, bái Tổ và thu hai chân về thế lập tấn (thu hai gót về sát nhau rồi thu hai mũi bàn chân về), lễ và kết thúc. Với những bài quyền khi thu chân về lập tấn luôn thì trong tư thế lập tấn, tiến hành Lễ, bái Tổ và kết thúc.
1.9. Đứng nhị tự kiềm dương. Hai tay mở ra để ngửa từ thắt lưng đưa lên tới ngực quay hai bàn tay úp xuống, từ từ đẩy xuống, người cong dần theo. Khi hai tay gần tới mặt đất thì đảo vòng hai bàn tay và ngửa lên, các ngón tay hướng vào nhau (như đang bê một vật) và nâng dần lên, người lên theo. Khi tới thắt lưng thì vòng hai bàn tay đưa ra ngoài hai khuỷu tay đưa vào trong (sát người), dần đưa hai bàn tay ra sau, ngón tay hướng ra sau, người ngả dần ra sau. Hai khuỷu tay song song, nâng hai tay lên qua đầu rồi hạ dần hai khuỷu tay xuống và đẩy ra phía sau tối đa. Ấn hai bàn tay xuống. Từ từ nâng hai bàn tay, người thẳng lên theo. Hai bàn tay nâng gần tới nách thì chuyển ra trước và lại bắt đầu đẩy xuống như ban đầu. Làm 3 lần như vậy. Sau lần thứ 3 thay vì đẩy tay xuống mà đẩy hai cùi tay ra trước (đẩy chưởng) ra trước thẳng tay. Rồi thu thế (chân vẫn ở nhị tự kiềm dương). Bái tổ. Lễ.
Lưu ý: Thế này sẽ là bắt buộc thực hiện ngay từ đầu buổi tập của tất cả các lớp tập từ thấp lên cao. (coi như một hình thức kiêm khởi động. Bắt đầu từ động tác 1.10, mỗi động tác tập 5 lần cho mỗi bên tay hoặc cho một thế khi thế đó đánh (đỡ) cả hai tay.
1.10. Đứng thế nhị tự kiềm dương. Quay eo, xoay thân, đưa vai ra trước. Hai tay có thể nắm để ở thắt lưng hoặc buông, để tự do văng theo sự xoay thân. Quay đều đặn hai bên.
1.11. Đứng nhị tự kiềm dương. Hai tay từ thắt lưng mở ra, đưa vòng ra ngoài, từ dưới lên, hai bàn tay úp dần. Hai cạnh tay trong hướng vào nhau, ở ngang với thái dương. Đảo cánh tay lật vòng ngửa tay, hai cạnh tay ngoài hướng vào nhau, ở ngang cổ, hai cánh tay sát nhau. Rồi thu về hai bên thắt lưng (tay vẫn mở). Và bắt đầu lại từ đầu.
1.12. Đứng thế nhị tự kiềm dương. Vẫn đánh như trên, thay bàn tay mở bằng nắm đấm.
1.13. Đứng nhị tự kiềm dương. Hai tay từ thắt lưng mở ra, đưa vào trong, hai cánh tay sát nhau, cùng xỉa chếch lên trên ra trước. Xoay úp hai bàn tay đưa cánh tay sang bên ngang vai, hơi cong cạnh cổ tay. Sau đó đưa vòng (xoắn cổ tay) về thắt lưng và ngửa tay. Rồi lại đưa vào trong và lại xỉa chếch lên ra trước. Bắt đầu lại từ đầu.
1.14. Đứng nhị tự kiềm dương. Vẫn đánh như trên thay bàn tay mở bằng tay đấm.
1.15. Đứng nhị tự kiềm dương. Hai bàn tay từ thắt lưng mở ra đưa sang hai bên, lưng cổ tay hướng ra và đưa lên trên, ngón tay hướng xuống đất, đưa hai lưng có tay vào gần tai. Hạ khuỷu, để bàn tay ngang vai và đẩy hai cùi tay sang hai bên, ngang vai. Co lưng cổ tay đưa lên trên, gập khuỷu (để cánh tay gần thẳng xuống đất, cổ tay ngang vai) và chuyển cổ tay, đẩy hai cùi tay sang hai bên ngang vai. Rồi bắt đầu lại từ đầu, đưa lưng cổ tay về gần tai mà không thu tay về thắt lưng.
1.16. Đứng nhị tự kiềm dương. Đưa hai cánh tay ép sát vào nhau, bàn tay ngửa . Trong tư thế đẩy hai cánh tay ra trước hết cỡ rồi xoay hai cổ tay, úp bàn tay xuống, 4 ngón ngoài chếch ra. Hổ khẩu mở rộng, bàn tay ở thế tóm tay đối thủ và thu hai cánh tay về vị trí ban đầu. Rồi lại ngửa tay và bắt đầu lại từ đầu.
1.17. Đứng nhị tự kiềm dương. Hai tay mở ra, tay phải đưa ngược khuỷu tay lên trên rồi vòng ra sau, vặn người và hạ khuỷu xuống đồng thời người ngả ra sau, khuỷu xuống tới vị trí ngang ức thì dừng, cánh tay thẳng. Tay trái bàn tay dựng, đồng thời đẩy bàn tay theo sự vặn người từ sườn trái sang phải. Đẩy cùi tay phải ra (trong tư thế này) độ 20cm. Tay trái đẩy theo ra một chút. Rồi hất khuỷu trái lên (giống như tay phải lúc đầu) vặn người sang trái. Và đánh giống như tay phải lúc đầu. Tay phải lúc này thu về sườn phải và đẩy sang sườn trái theo sự vặn người. Sau khi dừng khuỷu thì hai tay lại đẩy cườm ra như lúc trước. Sau đó lai bắt đầu từ đầu.
1.18. Đứng nhị tự kiềm dương. Hai tay mở ra chém chếch lên ra trước. Hai lòng bàn tay hướng vào nhau, các mũi bàn tay gần chạm vào nhau. Sau đó đánh mạnh 2 khuỷu tay ra sau. Rồi lại phóng hai tay ra trước như lúc xuất phát. Và bắt đầu lại.
1.19. Đứng nhị tự kiềm dương. thúc hai nắm đấm ra trước, lên cao ngang cằm . Cuộn hai nắm đấm vào bên trong và cuộn ra đấm hai nắm đấm ra trước, bằng vai. Đảo vòng 2 cánh tay và cổ tay, đấm thốc lên như lúc đầu. Rồi bắt đầu lại.
1.20. Đứng nhị tự kiềm dương. Đấm hai tay ra trước vào trung lộ, tay phải trên tay trái dưới. Tay phải vòng lên đấm ra trước, tay trái hơi thu về và đấm theo. Tay phải đấm ra gần hết tay thì hạ xuống, cánh tay song song với mặt đất và thu về bụng. Tay trái lúc này đấm ra trước. Rồi lại hạ tay trái. Hai tay đấm liên tiếp theo hình vòng tròn. Vị trí tay đấm được chuyển dần theo các điểm thượng, trung, hạ hoặc theo vòng thượng – hạ. Vòng tròn đấm to nhỏ tuỳ theo yêu cầu tập đặt ra. Sau khi đánh thuận 5 lần, hai tay về tư thế cánh tay nằm ngang, thì đảo tay đấm ngược lại như vừa xang. Sau 5 lần thì đổi thế.
1.21. Đứng nhị tự kiềm dương. Xoay thân sang trái, chuyển trụ sang chân phải. Tay phải mở ra đẩy cùi tay sang ngang trái. Rồi đánh khuỷu sang ngang phải và chém luôn tay ra hết tay. Xoay bàn tay lại đẩy cùi tay sang bên trái hết tay. Rồi lại đánh khuỷu và chém ra. Đánh như vậy 5 lần thì thay vì xoay tay đánh cùi mà đảo bàn tay rồi nắm quyền đưa về thắt lưng. Chân trở lại thế Kiềm dương. Trong quá trình thực hiện động tác không thay đổi chân trụ. Sau đó đánh tay trái như tay phải 5 lần.
1.22. Đứng nhị tự kiềm dương. Xoay chân sang nhị tự kiềm dương phải. Đồng thời mở bàn tay phải đánh cùi tay sang ngang bên trái. Và đánh như 1.21 Nhưng khi chém tay ra xong, xoay bàn tay đẩy về (đỡ) trước ngực rồi úp tay chém ngang bàn tay ra trước. Sau đó đảo bàn tay thu nắm đấm đưa về thắt lưng, đồng thời chân xoay về thế nhị tự kiềm dương. Rồi lại tiếp tục xoay chân sang nhị tự kiềm dương trái và đánh tay trái như tay phải.
1.23. Đứng nhị tự kiềm dương. Hai nắm đấm từ hai bên thắt lưng đưa ra, xoắn chếch hai cánh tay ra trước (như xoắn ốc) xuống dưới vào trung lộ, hai tay hơi khuỳnh. Rồi lật hai nắm đấm đưa lên và hất sang hai bên (hơi đè xuống), khuỷu khép, cánh tay ngang vếch sang hai bên như chữ V. Hơi đưa khuỷu tay ra sau, hai nắm đấm về gần thắt lưng và bắt đầu lại từ đầu.
 xem tiếp Phần 5
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo