Những nội dung cơ bản cần biết Phần 5: Trích nội dung sách Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền Pháp

VIỆT NAM VĨNH XUÂN NỘI GIA QUYỀN PHÁP
(tiếp theo)
PHẦN HAI
VIỆT NAM VĨNH XUÂN NỘI GIA QUYỀN PHÁP 
A. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CẦN BIẾT
I. Hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia: (xem phần cập nhật ngày 01/9/2008)
II. Công pháp Vĩnh Xuân Nội gia Quyền với đôi điều cần biết: (xem phần cập nhật ngày 11/9/2008)
III. Nội dung đào tạo trong Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền
B. CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CƠ BẢN
I. Các bộ phận trên cơ thể được sử dụng trong quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia (xem phần cập nhật ngày 16/11/2008
II. Chương trình đào tạo cơ bản trong Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia quyền
1. Tập lỏng mềm: (xem phần cập nhật ngày 11/01/2009)
2. Mã bộ:
2.1. Các thế tấn cơ bản:
Trong Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền không có nhiều các thế tấn. Đây chính là một đặc điểm của quyền thuật cận chiến mà môn Vĩnh Xuân Nội gia đã phát triển rất sâu sắc. Trong Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền có những thế tấn cơ bản như sau:
2.1.1.  Thế nhị tự kiềm dương
Đây là thế tấn cơ bản của Vĩnh Xuân. Từ thế tấn này, các thế tấn khác được thi triển thích ứng với những tình huống giao đấu cụ thể.
2.1.2.  Thế nhị tự kiềm dương phải (trái)
Biến thể của thế nhị tự kiềm dương.Từ thế nhị tự kiềm dương, xoay 2 gót chân sang phải (trái) 45º. Trụ vào chân phải (trái). Cùng với thế nhị tự kiềm dương, hai thế nhị tự kiềm dương phải, nhị tự kiềm dương trái là những thế mã bộ cơ bản trong bài 108 tại chỗ.
2.1.3.  Thế tiến lùi
Đây cũng là thế tấn cơ bản nhất áp dụng trong giao đấu của Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền. Với cách đứng trụ chân sau, giúp cho việc giữ vững mã bộ, đảm bảo an toàn thế tấn, sự tiến, thoái cũng như thi triển mã bộ ra các hướng một cách nhanh chóng. Đồng thời tạo cho khả năng ra đòn, phát lực được hiệu quả cao. Thế tiến lùi có tiến lùi phải (chân phải trên ), tiến lùi trái (chân trái trên). Thế tấn này được sử dụng ở các vị trí cao và vị trí thấp. Đây cũng là thế tấn cơ bản trong bài 108 tiến lùi. Tên bài được lấy theo tên mã bộ. Trong quá trình tiến lùi (di chuyển mã bộ) việc chuyển nhanh chân trụ là điều trọng yếu nhất và cũng quyết định hiệu quả của việc sử dụng thế tấn này trong thực thi quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia.
2.1.4.  Thế thoái hư hay còn gọi là trá tẩu - giả chạy
Trong cận chiến, thế này được sử dụng để tạo hiệu quả và tính an toàn trong giao đấu. Thế thoái hư cũng có thoái hư lùi, thoái hư tiến. Căn cứ vào thực tế giao đấu mà sử dụng thoái hư tiến hoặc thoái hư lùi.
Trên đây là những thế tấn cơ bản nhất trong quyền thuật Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền. Ngoài ra còn một số thế tấn khác chỉ áp dụng trong những trường hợp nhất định (như trong những bài quyền động thể hiện).
2.2.  Sự di chuyển
Vĩnh Xuân là môn phái cận chiến. Mặc dù sự di chuyển mã bộ có dài, có ngắn... Song luôn tuân thủ các yêu cầu của cận chiến. Di chuyển chính là một yêu cầu trong thực thi tam hợp, lục hợp, thất đáo trong giao đấu. Căn cứ vào các thế tấn cơ bản, trong Vĩnh Xuân có một số hình thức di chuyển cơ bản như sau:
2.2.1.  Sự di chuyển 1 cửa (nhất môn) – không thay đổi hướng công thủ. Ta và đối thủ trực diện nhau.
Chuyển từ nhị tự kiềm dương sang nhị tự kiềm dương phải hoặc nhị tự kiềm dương trái và ngược lại. Đồng thời từ nhị tự kiềm dương phải sang nhị tự kiềm dương trái và ngược lại. Khi xoay toàn bộ 2 bàn chân sát đất (không nhấc chân) lấy gan bàn chân làm trụ xoay gót sang bên 45º. Đây là hình thức di chuyển tại chỗ phù hợp với những tình huống bất ngờ, nhanh, hóa giải và trả đòn tức thì. Sự di chuyển này trong Vĩnh Xuân được gọi là “xoay chân tại chỗ” hay còn gọi là “âm dương bộ”. Xoay chân kết hợp với xoay eo sẽ giúp cho tay đánh được dài ra và dễ hoá giải được đòn đánh của đối thủ.
Chuyển từ nhị tự kiềm dương sang thế tiến lùi phải hoặc thế tiến lùi trái và ngược lại (từ nhị tự kiềm dương chuyển chân phải hoặc trái lên trước hoặc lùi về thành thế tiến lùi. Sự di chuyển này là một nửa bước của di chuyển tiến lùi.
Sự di chuyển tiến lùi (giữ nguyên thân pháp) hay còn gọi là tiến lùi. Tức là từ thế tiến lùi phải (hoặc trái) tiến lên (hoặc lùi về) thành tiến lùi trái (hoặc phải).
Lết: Đây là hình thức di chuyển tiến hoặc lùi mà không thay đổi chân trụ trong và sau khi di chuyển và được áp dụng trong thi triển thế tấn tiến lùi. Khi áp dụng lết trong khi xuất phát từ nhị tự kiềm dương thì tiến hoặc lùi đây chính là sự kết hợp đồng thời thế tiến (hoặc lùi) của di chuyển tiến lùi và lết. Di chuyển lết có lết tiến, lết lùi, có lết dài, lết ngắn. Sự di chuyển chân trụ trong lết là một quá trình liên tục diễn ra rất nhanh. Kết hợp tiến lùi và lết tạo nên một sự di chuyển nhanh, hợp lý, thích ứng với nhiều tình huống, tạo nên sự công thủ hiệu quả, áp dụng trong di chuyển nhiều cửa (từ 1 cửa đến 8 cửa), trong giao đấu quần hùng (với nhiều đối thủ).
Lưu ý: Nên tập xoay chân để chân trần. Song phải dùng bột (có tính chất như phấn rôm) để giảm ma sát ở chân với nền nhà (tránh phồng rộp bàn chân). Khi mới tập thấy bàn chân nóng thì nên nghỉ tập xoay.
2.2.2.  Sự di chuyển 2 cửa: trước và sau
Đối với 2 cửa trước – ngang hoặc trước – chếch ngang được trình bầy và áp dụng trong di chuyển 4 cửa hoặc 8 cửa: chuyển ngang – di chuyển chếch. Đây chính là sự chuyển đổi mã bộ tại chỗ (xoay chân) có chuyển thân pháp về hướng chân quay. Từ nhị tự kiềm dương phải (trái) khi xoay thân pháp sang trái (phải) thành tiến lùi trái hoặc tiến lùi phải. Hay nói cách khác là sự di chuyển từ cửa trước ra cửa sau (hoặc ngược lại) chính là sự xoay chân tại chỗ đồng thời chuyển thân pháp theo. Tức là từ tiến lùi phải xoay chân và thân ra sau thành tiến lùi trái (và ngược lại). Đối với trường hợp đang ở thế nhị tự thì phải tiến chân lên thành thế tiến lùi rồi mới xoay chân và thân ra sau. Tùy theo tình thế mà có thể đồng thời xoay chân và thân pháp ra sau khi tiến.
2.2.3.  Sự di chuyển 4 cửa (tứ môn) hay còn gọi là di chuyển ngang
Di chuyển ngang chính là bước di chuyển từ cửa đối diện sang cửa an toàn cho bản thân (hoặc để đến gần, rồi thủ hoặc công). Sự di chuyển 4 cửa chính là sự kết hợp di chuyển 3 cửa (trước, 2 bên) với di chuyển 2 cửa trước sau mà thành.
Từ nhị tự kiềm dương, nhị tự kiềm dương phải (hoặc trái) đưa chân phải (hoặc trái) sang trái (hoặc phải), đồng thời xoay thân, xoay chân theo thành tiến lùi phải (hoặc trái). Hoặc đơn giản hơn nếu không tiến chân thì:
+ Từ nhị tự kiềm dương xoay chân và thân quay sang phải (hoặc trái) thành thế tiến lùi phải (hoặc trái)
+ Từ nhị tự kiềm dương phải (hoặc trái) xoay thân sang trái (hoặc phải) thành tiến lùi trái (hoặc phải)
Ngoài ra còn từ 3 thế nhị tự cơ bản trên lùi chân phải (hoặc trái) ra sau sang trái (hoặc phải) xoay chân, quay thân sang trái hoặc phải thành tiến lùi trái (hoặc phải).
Từ thế tiến lùi phải (hoặc trái) đưa chân trái (hoặc phải) về gần chân phải (hoặc trái) rồi vòng (cong) sang trái (hoặc phải) thành tiến lùi trái (hoặc phải). Hoặc đưa chân trái sang trái (ngang chân phải) xoay thân sang trái thành tiến lùi trái (hoặc đồng thời xoay lại sang phải thành tiến lùi phải). Hoặc đưa chân phải về phải (ngang chân trái) xoay thân sang trái thành tiến lùi trái. Hoặc giữ nguyên vị trí xoay lại sau thành tiến lùi trái (hoặc phải).
Lưu ý: tập theo hình thức di chuyển này phải tập cả 2 chiều: như trên và về ngược lại
2.2.4. Sự di chuyển 8 cửa (bát môn) hay còn gọi là di chuyển chếch
Di chuyển chếch chính là bước biến của di chuyển ngang. Di chuyển chếch kết hợp di chuyển ngang và di chuyển 2 cửa trước sau mà tạo thành sự di chuyển 8 cửa.
Từ nhị tự kiềm dương hoặc nhị tự kiềm dương phải (hoặc trái) đưa chân phải (hoặc trái) hơi lết chếch sang phải (hoặc trái) 45º rồi kéo chân trái (hoặc phải) theo thành tiến lùi phải (hoặc trái).
Từ nhị tự kiềm dương hoặc nhị tự kiềm dương phải (hoặc trái) đưa chân phải (hoặc trái) một góc 135° (theo phương ngang về phía trước) đồng thời kéo chân trái (hoặc phải) theo, thành tiến lùi phải, hoặc trái.
Từ nhị tự kiềm dương chuyển thành tiến lùi. Hoặc từ tiến lùi phải (hoặc trái) xoay lại sau thành tiến lùi trái (hoặc phải).
Lưu ý: hình thức di chuyển trên là đối với 2 cửa chếch phía trước. Đối với 2 cửa chếch phía sau. Về cơ bản vẫn áp dụng 2 hình thức đầu nói ở trên (2.2.4) và kết hợp di chuyển 2 cửa trước sau (xoay lại) để ứng phó.
2.2.5.  Di chuyển thoái hư (giả lùi – trá tẩu).
Đây là 1 trong những hình thức di chuyển mà một chân không di chuyển áp dụng để tránh đòn là chủ yếu và sau đó phản công hoặc tiếp tục lùi thủ. Tuy giống nhau đều gọi là thoái hư nhưng có thoái hư tiến, thoái hư lùi.
Thoái hư lùi (là cơ bản): Từ thế tiến lùi đưa chân trước sang phía bên qua chân sau ra sau và trụ ở chân đó.   
Thoái hư tiến: Từ thế tiến lùi đưa chân sau ra trước qua sau chân trước. Chuyển trụ vào chân trước, chân sau có thể được đưa gài vào chân trước đối thủ.
2.2.6. Ngoài những hình thức di chuyển cơ bản như trên, còn có 1 số hình thức di chuyển đặc trưng khác như sự di chuyển của Xà, của Hạc...Song không mang tính cơ bản nên không đề cập ở đây.
Các hình thức di chuyển được trình bầy ở trên cơ bản là di chuyển chân bám đất. Khi đã tập luyện thuần thục, việc di chuyển sẽ được thay đổi ở hình thức chân di chuyển được nhấc lên để di chuyển. Song lưu ý là chân nhấc thấp trong di chuyển, tránh nhấc cao chân trong di chuyển.
(Còn tiếp)
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo