Những nội dung cơ bản cần biết Phần 6: Trích nội dung sách Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền Pháp

VIỆT NAM VĨNH XUÂN NỘI GIA QUYỀN PHÁP
(tiếp theo)
PHẦN HAI
VIỆT NAM VĨNH XUÂN NỘI GIA QUYỀN PHÁP 
A. NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CẦN BIẾT
I. Hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia: (xem phần cập nhật ngày 01/9/2008)
II. Công pháp Vĩnh Xuân Nội gia Quyền với đôi điều cần biết: (xem phần cập nhật ngày 11/9/2008)
III. Nội dung đào tạo trong Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền
B. CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CƠ BẢN
I. Các bộ phận trên cơ thể được sử dụng trong quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia (xem phần cập nhật ngày 16/11/2008
II. Chương trình đào tạo cơ bản trong Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia quyền
1. Tập lỏng mềm: (xem phần cập nhật ngày 11/01/2009)
2. Mã bộ: (xem phần cập nhật ngày 26/02/2009)
3. Tập thở:
Đây là một yêu cầu tập luyện cho bất kỳ một hình thức nào liên quan đến vận động (võ thuật, thể dục, thể thao,...). Đối với các môn Nội gia thì lại càng đòi hỏi rất cao và là công pháp quan trọng xuyên suốt quá trình tập luyện. Đối với Vĩnh Xuân Nội gia quan trọng là phải thông qua tập luyện thở để trở thành động hình trong việc sử dụng khí (hấp thụ, điều hành) của cơ thể.
Cũng như mọi phương pháp thở, môn sinh phải thực hiện 2 giai đoạn, đó là: điều thân và điều tức.
3.1. Điều thân:
Đây là điều chỉnh tư thế ngồi tập để giúp cho quá trình tập thở đạt hiệu quả cao nhất. Có nhiều cách ngồi để tập, trong Vĩnh Xuân Nội gia lấy 2 cách ngồi cơ bản để tập thở, đó là ngồi bán già và ngồi kiết già. Trong đó kiết già là cách ngồi tốt nhất, có khả năng thu khí của Trời Đất cao nhất. Trong cơ thể con người, ngoài mũi và mồm (2 trung tâm chính) còn có 6 trung tâm trên cơ thể con người dùng để thu khí của trời đất là 2 lòng bàn chân (huyệt Dũng tuyền), 2 lòng bàn tay (huyệt Lao cung), đỉnh đầu (huyệt Bách hội) và huyệt Hội âm (gần hậu môn).
Khi ngồi kiết già, 2 bàn tay có thể đặt ở các tư thế:
- 2 bàn tay đan các ngón tay xen kẽ vào nhau, 2 đầu ngón cái chạm nhau, để ở trên 2 gót chân
- 2 bàn tay để ngửa trên đầu gối, đầu ngón cái và đầu ngón trỏ chạm nhau, các ngón khác để tự nhiên.
Trong tư thế này có 5 trung tâm thu khí hấp thụ thiên khí đó là 2 lòng bàn chân, 2 lòng bàn tay và đỉnh đầu. Cho nên tư thế này còn được gọi là thế “Ngũ tâm hướng thiên”. Ngoài ra còn tùy theo hoàn cảnh, có thể ngồi theo bất kỳ tư thế nào miễn là phải để cho bụng hoạt động thuận lợi. Tuy nhiên cần hiểu là khi ngồi đúng tư thế thì việc tập sẽ hữu ích hơn, hiệu quả nhiều mặt hơn. Trong tư thế ngồi điều quan trọng là phải thả lỏng và mềm mại toàn bộ thân thể, không có chỗ nào, điểm nào trên cơ thể bị co cứng, người phải ngay ngắn, lưng thẳng, miệng khẽ ngậm, mắt nhắm nhẹ nhàng, khuôn mặt hơi cười. Cần nhớ rằng để khí lưu thông được trong cơ thể thì cơ thể phải mềm lỏng. Khí không thể vận hành được trong một cơ thể hay một bộ phận cơ thể cứng nhắc. Đây chính là mục tiêu phải đạt được của việc “điều thân”.
3.2. Điều tức: (tập thở)
Phương pháp thở cơ bản đầu tiên của Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia quyền đó là: thở bụng theo chu kỳ 2 hơi (hít vào – thở ra). Cụ thể:
Hít nhẹ nhàng vào qua mũi, rồi đưa khí đi thẳng xuống bụng dưới tới Đan điền (điểm bên trong bụng dưới và dưới rốn, khoảng 2 cm), bụng dưới từ từ PHỒNG ra. Sau đó thở ra đưa khí từ Đan điền nhẹ nhàng đi ngược lại theo đường dẫn vào, qua mũi ra ngoài, bụng dưới từ từ XẸP lại. Rồi lại bắt đầu hít vào, thở ra.
Điều quan trọng trong việc tập thở là:
- Hai hơi (hít vào – thở ra) bằng nhau (có thời gian hít vào, thở ra bằng nhau - đều) và phải để hơi thở có độ dài tự nhiên không được ép (cưỡng bức) dài ra. Tuy nhiên, dần (lâu dài) phải từ tốn đưa ý vào để hơi thở được dài ra. Quá trình này phải lâu dài, không ép nhanh, không “dục tốc”.
- Quá trình phồng – xẹp phải mềm mại, nhẹ nhàng. Tuyệt đối không được để bụng bị co cứng.
- Hít vào, thở ra phải êm nhẹ nhàng và từ từ (chậm)
- Khí phải xuống tới Đan điền (sâu)
Phương pháp thở này là phương pháp thở cơ bản trong quá trình tập luyện môn Vĩnh Xuân Nội gia. Trong quá trình tập, người thầy sẽ căn cứ vào sự tiến bộ toàn diện của người trò để đưa ra những phương pháp tập thở cao hơn. Song điều này chỉ dành cho những môn sinh trung, cao cấp.
Đối với môn Vĩnh Xuân Nội gia, không tập thở tốt thì không thể tập lên cao được. Ngoài việc tạo nên nội khí trong con người được đầy đủ, qua đó nội lực được nâng cao và giúp cho việc tập nội công được thâm hậu. Một điều không kém phần quan trọng là giúp cho sự cân bằng âm dương trong con người, giúp cho cơ thể được lỏng mềm một cách sâu, đồng thời còn để dưỡng sinh, nâng cao sức khoẻ, phục hồi sức khoẻ, chống đỡ (làm giảm và chữa) bệnh tật. Về những vấn đề này, khi có điều kiện, tác giả sẽ viết riêng để đi vào cụ thể và phân tích sâu hơn.
4. Một số yếu quyết và nguyên tắc cơ bản trong quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia
Trước khi vào tập các bài quyền trong hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia, các môn sinh cần phải hiểu và nắm vững một số yếu quyết, nguyên tắc cơ bản trong quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia.
4.1. Tam tinh
Đây là những yếu quyết cơ bản nhất và là bộ yếu quyết riêng có của Vĩnh Xuân Nội gia. Nếu các môn sinh Vĩnh Xuân Nội gia không tuân thủ, ghi nhớ thì công pháp, đòn thế sẽ không mang bản sắc của môn phái Vĩnh Xuân Nội gia, môn sinh sẽ không luyện tập được đầy đủ các yêu cầu cần thiết. Và nhất là sẽ không thể hiện được tính kế nghiệp một cách đúng đắn nhất khi ở vị trí cao.
Tam tinh có 3 cấp độ. Tam tinh cơ bản là bộ yếu quyết cơ bản nhất của môn phái Vĩnh Xuân Nội gia. Nó xuyên suốt quá trình thực thi quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia cho mọi trình độ. Tam tinh thứ hai và tam tinh thứ ba, bao gồm các yếu quyết chỉ dành cho các môn đồ được truyền dạy nội công và chọn làm kế nghiệp.
Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền lấy Tam tinh làm kim chỉ nam cho mọi công pháp, kỹ thuật trong quá trình tập luyện. Chính vì vậy trong biểu tượng của mình – Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền – Tam tinh được thể hiện bằng 3 quả núi nằm bên trong biểu tượng.
Tam tinh cơ bản bao gồm:
- Trung lộ
- Tiêu đả
- Dính hòa liền
Dưới đây là những điểm cơ bản trong từng “tinh” của Tam tinh cơ bản.
4.1.1. Trung lộ
Trung lộ là đường giữa nằm dọc cơ thể thẳng theo xương sống, đi từ đỉnh đầu, qua giữa mặt xuống yết hầu, ức, rốn và xuống dưới. Vùng cơ thể nằm theo Trung lộ là vùng nguy hiểm nhất (trọng yếu) đối với cơ thể con người. Do đó không riêng Vĩnh Xuân mà hầu hết các môn phái võ đều phải chú trọng đến Trung lộ. Vĩnh Xuân Nội gia chỉ có điểm khác là gắn Trung lộ vào trong bộ yếu quyết để tạo thành bộ yếu quyết riêng có của mình: “Tam tinh”.
Thực thi “tinh” Trung lộ, nói cụ thể đó là thực thi nguyên tắc: “giữ trung lộ, đánh trung lộ”. Nguyên tắc này nhắc nhở các môn đồ Vĩnh Xuân Nội gia trong tập luyện cũng như trong lâm sự phải chú ý giữ Trung lộ của mình và tập trung đánh vào Trung lộ của đối thủ. Nguyên tắc này cũng còn được hiểu theo một nghĩa là: “luôn chiếm trung lộ” trong giao đấu.
Để giữ Trung lộ, ngoài việc đặt tâm để giữ, trong quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia lấy thế “xoay chân” và “khép khuỷu” làm cơ bản. Chính sự khép khuỷu này đã tạo ra một thế đặc trưng của Vĩnh Xuân. Đòn đánh của Vĩnh Xuân Nội gia hầu hết đều xuất phát từ Trung lộ, đường đi của đòn đánh là một đường thẳng ngắn nhất tới đối thủ (từ trung lộ mình sang trung lộ đối thủ). Đồng thời điều này còn thể hiện tính cận chiến cao. Khi tập luyện và thực thi khép khuỷu thuần thục, việc thu khuỷu tay về giúp ta hóa giải được nhiều đòn thế khi đối thủ đánh vào Trung lộ. Do đó, để thực thi được nguyên tắc “giữ Trung lộ, đánh Trung lộ”, điều quan trọng là môn sinh phải tập thuần thục thế khép khuỷu tay, và phải luôn biết “chiếm trung lộ” trong giao đấu.
4.1.2. Tiêu đả
Trong quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia, tiêu đả cũng là một nguyên tắc quan trọng. Đòn tiêu đả của Vĩnh Xuân chiếm đại đa số các chiêu thức trong quyền thuật Vĩnh Xuân. Nó không phải nguyên tắc “lấy công làm thủ, lấy thủ làm công” hoặc “đỡ rồi mới đánh”. Mà đòn tiêu đả là đòn đỡ đánh đồng thời. Do đó làm cho đối thủ khó tránh được đòn ta đánh ra và khó phán đoán được đòn đánh của ta. Hiệu quả của tiêu đả sẽ rất cao khi nội lực của môn sinh tốt, đồng thời thực hiện tốt các nguyên tắc khác của Vĩnh Xuân như “khuôn phép”. Tiêu đả là một yếu quyết trong cận chiến. Chính vì vậy môn đồ Vĩnh Xuân Nội gia phải luyện thuần thục yếu quyết này trong quá trình tập luyện quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia.
4.1.3. Dính hòa liền
Đây gần như là công pháp riêng có của Vĩnh Xuân. Thông qua việc “niêm dính” trong giao đấu, đòn thế của ta hòa vào đòn thế của đối thủ. Từ đó ta có thể nắm được ý đồ của đối thủ đối với ta, nhìn, nhận được hướng đi của đòn thế. Do đó mà ta có thể hóa giải được đòn thế của đối thủ và trả đòn hiệu quả. Dính hòa liền nếu giải nghĩa một cách đơn giản là tay ta “dính” vào tay đối thủ, “hòa” vào sự vận động của đối thủ, luôn “liền” với đòn của đối thủ và đòn ra thường liền nhau, liên tiếp, đây được gọi là “đánh liền đòn”. Dính hòa liền là một phần luyện tập trong “linh giác”. Mà “linh giác” là một công phu rất cao trong quyền thuật Vĩnh Xuân. Để đạt được đỉnh cao trong linh giác, thời gian luyện tập phải rất dài và chỉ những môn sinh trung cao cấp mới hội tụ được đầy đủ những yêu cầu đặt ra trong quá trình tập luyện linh giác. Dính hòa liền cũng là một phần tập luyện rất khó trong chương trình cơ bản. Để nhận thức được, môn sinh phải tập trung cao độ ý chí, tinh thần và sự cần mẫn. Có như vậy mới dần thấy được sự cảm nhận tinh tế ở 2 tay. Qua đó mới đạt được những đòi hỏi như chính tên gọi của yếu quyết “Dính hòa liền”. Thực thi “Dính hòa liền” cũng chính là thực hiện một phần của nguyên tắc “lai lưu khứ tống, sủy thủ trực xung”: đón khi địch đến, theo khi địch về, rỗi tay đánh thẳng.
4.2. Tam hợp
Tam hợp là một yếu quyết của võ thuật. Hiểu một cách đơn giản là sự hòa hợp 3 yếu tố (trong võ thuật là bộ, thân, thủ) vào cùng 1 lúc, cùng 1 thời điểm vào 1 điểm để tạo được sức mạnh cao nhất.
Tam hợp có 2 hình thức thể hiện: Nội tam hợp, và Ngoại tam hợp.
- Nội tam hợp gồm Ý – KHÍ – LỰC hòa hợp với nhau. Việc luyện này dành cho các môn sinh trung cao cấp đã luyện khí tốt.
- Ngoại tam hợp gồm bộ pháp – thân pháp – thủ pháp (BỘ – THÂN – THỦ) hòa hợp với nhau trong 1 đòn thế. Với mỗi đòn thế hầu hết đều bao gồm 3 yếu tố trên cấu thành. Bộ pháp đến và vững, thân pháp đến và đúng, thủ pháp đến chính xác và mạnh. Khi 3 yếu tố này cùng đến một lúc (đồng thời, hợp nhất) sẽ tạo được uy lực đòn đánh. Do đó trong quá trình tập luyện, môn sinh phải luyện sao cho mỗi đòn thế hội đủ 3 yếu tố cấu thành trên vào cùng 1 lúc, cùng 1 thời điểm vào 1 vị trí. Như vậy mới thực thi được yếu quyết ngoại tam hợp trong quyền thuật.
4.3. Lục hợp
Đó là sự hội tụ, hợp nhất 6 yếu tố (Nội tam hợp, Ngoại tam hợp) vào cùng 1 lúc, cùng 1 thời điểm vào 1 vị trí. Lục hợp chỉ có được ở những môn sinh đã luyện Khí. Đối với các môn đồ đã luyện Khí lực thì thực thi lục hợp là việc tối quan trọng để phát huy sức mạnh của đòn đánh đến đỉnh điểm.
4.4. Thất đáo
Đó là 7 cái đến (thất đáo).
Thất đáo bao gồm nhãn đáo và lục hợp đáo: mắt đến, ý đến, bộ pháp đến, thân pháp đến, thủ pháp đến, khí đến, lực đến. Kể ra thì dài, song tất cả (thất đáo) diễn ra rất nhanh, chỉ trong một phần của giây. Có như vậy mới đạt được hiệu quả trong giao đấu. Tập lên cao, môn sinh sẽ luyện ra đòn rất nhanh (2 ÷ 3 đòn trong 1 giây). Do đó ngay tập chương trình cơ bản, môn sinh phải luyện tập quan sát, phán đoán trên những nguyên tắc cơ bản. Và trước hết là luyện tứ đáo: mắt đến, bộ đến, thân đến, thủ đến. Rồi luyện ngũ đáo: thêm ý đáo vào tứ đáo. Có như vậy khi luyện lên cao mới đạt được thất đáo.
4.5. Khuôn phép
Do đặc thù của môn phái Vĩnh Xuân, cho nên đòi hỏi môn đồ phải giữ khuôn phép trong đòn thế rất cao. Chính vì thế mà đòn thế Vĩnh Xuân Nội gia không phóng khoáng, hoa mỹ, rộng. Việc giữ khuôn phép trở thành rất tự nhiên khi thi triển đòn thế, mà không đòi hỏi sự cố gắng hay đặt tâm vào. Đạt được khuôn phép sẽ giúp cho đòn ra chính xác. Hay nói cách khác là đánh đúng khuôn phép chính là tiền đề để đòn đánh chính xác. Có chính xác mới có hiệu quả cao trong giao đấu. Luyện tập Thượng – Trung – Hạ, chính là sự tập luyện khuôn phép, chính xác ngay từ lúc ban đầu. Phải tập luyện để tiến đến “ý” vào đâu, tay (chân) phải đến đúng đó với đầy đủ “lục hợp”, “thất đáo”. Vĩnh Xuân Nội gia “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Mọi đòn thế đều phải luyện tập đến nhuần nhuyễn, khuôn phép, chính xác. Để tiến tới luôn bảo vệ được mình và hạ được đối thủ. Trong luyện tập, các điểm đánh tương ứng được lấy từ người mình ra để tập.
4.6. Tay bất ly thân
Trong cơ thể con người, thân người (bao gồm: thân và đầu) là bộ phận quan trọng nhất của cơ thể, chứa đựng những cơ quan đảm bảo sự sống cho con người. Do đó trong quá trình thực thi quyền thuật phải đặc biệt giữ gìn. Một trong những biện pháp để bảo vệ thân đó là sử dụng tay để đỡ (tay thủ). Từ đó mà có yếu quyết “tay bất ly thân”. Song nếu tay không ra xa thân thì không thể đánh được đối thủ và nhiều khi đỡ không hiệu quả. Chính vì vậy, để thực hiện yếu quyết “tay bất ly thân”, Vĩnh Xuân Nội gia có những nguyên tắc trong việc sử dụng tay trong đòn thế. Đó là: “tay trong, tay ngoài”; “tay trên, tay dưới”; “tay trước, tay sau”; “tay công, tay thủ”. Một điều cần biết là Vĩnh Xuân không có “tay thực, tay hư”, mà hai tay trong Vĩnh Xuân phải như nhau (kể cả tay công, tay thủ).
Như vậy trong quá trình thực hiện đòn thế, hầu hết phải có ít nhất là 1 tay ở gần thân để hộ thân. Ngay cả khi thực thi “tiêu đả” trong tam tinh cũng không tách rời khỏi yếu quyết này. Trong Vĩnh Xuân Nội Gia, chỉ khi nào cầm chắc thắng, hoặc đòn đánh mang tính quyết định, lúc đó mới xuất thủ cả 2 tay để công. Thực thi khuôn phép, khép khuỷu cũng chính là thực thi yếu quyết “tay bất ly thân”. Và trong võ thuật phải luôn nhớ rằng “giữ được mình, tức là thắng được người”. Do đó “tay bất ly thân” – tay thủ là tay rất quan trọng trong quyền thuật. Chính vì vậy mà Vĩnh Xuân Nội gia chú tâm luyện tập 2 tay như nhau.
4.7. Chân bất ly địa
Nói đơn giản là chân không rời đất. Điều này đúng với mọi nghĩa. Trên thực tế Vĩnh Xuân Nội gia dùng rất ít đòn chân. Chính vì thế mà nhiều người cho rằng Vĩnh Xuân không có (đòn) chân. Việc sử dụng đòn đá (đá cao, đá thấp, đá nhiều, đá ít) phụ thuộc vào quan điểm sử dụng quyền thuật. Với Vĩnh Xuân Nội gia thì “chân bất ly địa” là một yếu quyết trong thực thi quyền thuật. Vĩnh Xuân Nội gia có ít đòn chân, không có những đòn đá cao và nhất là không đá bốc cả 2 chân (song phi). “Chân bất ly địa” cũng phải hiểu không có nghĩa là đứng như chôn chân xuống đất. Việc di chuyển thế tấn (mã bộ) phải nhanh, chính xác, vững và phải đạt được “tam hợp”, “lục hợp”, “thất đáo” trong giao đấu. Cũng như các võ phái khác, Vĩnh Xuân Nội gia coi trọng độ vững rất cao trong thực thi quyền thuật. Và đặt trọng tâm trong việc thực thi yếu quyết “chân bất ly địa”.
Trên đây là một số yếu quyết cơ bản đồng thời cũng là một số điều trong võ lý mà môn sinh trong chương trình cơ bản cần phải hiểu và nắm vững, để từ đó xây dựng được phương pháp tập luyện đúng, thực hiện được những yêu cầu của môn, đạt được những hiệu quả trong thực thi quyền thuật.
Võ Đường Vĩnh Xuân Nội gia xin trân trọng giới thiệu.
- Đối với các bài quyền cơ bản trong hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia, xin các bạn xem trong bộ sách “Việt Nam Vĩnh Xuân Nội Gia Quyền Pháp” (đã xuất bản tập 1)
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo