Vĩnh Xuân Việt Nam - Những điều suy nghĩ

Như có cơ duyên, tạp chí Ngày Nay có rất nhiều bài viết về môn phái Vĩnh Xuân ở những góc độ khác nhau, của người trong môn, của người ngoài môn. Là một người trong môn phái Vĩnh Xuân, tôi rất trân trọng tạp chí Ngày Nay trước những gì mà tạp chí đã giành cho môn phái Vĩnh Xuân.
Trong số Tết Ất Dậu (No. 2 + 3 + 4, từ 15/1 - 30/2/2005) tạp chí Ngày Nay đã đăng tải một số bài viết về môn Vĩnh Xuân, trong đó đã mạnh dạn đưa ra hình ảnh "thực trạng và những vấn đề tiềm ẩn" của môn Vĩnh Xuân Việt Nam dưới góc nhìn của tác giả Nguyễn Giang. Là một võ sư của môn phái Vĩnh Xuân, tôi thấy cũng cần đưa ra một số ý kiến trên những vấn đề "thực trạng" và "tiềm ẩn" mà tạp chí Ngày Nay đề cập đến. Tất nhiên, đây hoàn tòan là những suy nghĩ cá nhân, song trên góc độ là một người có tâm huyết với môn phái.
Về tên gọi và lịch sử môn phái
Tôi nghĩ đã đến lúc, không nên tranh luận nhiều về tên gọi. Ai đã gọi là Vĩnh Xuân hãy cứ tiếp tục gọi là Vĩnh Xuân, ai đã gọi là Vịnh Xuân hãy cứ tiếp tục gọi là Vịnh Xuân. Sư phụ của ta gọi sao, ta hãy gọi đúng như vậy. Tất cả đều có lý của mình. Dù gọi là Vĩnh Xuân hay Vịnh Xuân thì đây đều là trong môn phái do sư tổ sáng lập là Ngũ Mai Sư Bá. Có như vậy, chúng ta mới không thấy xa nhau vì một tương lai của môn phái do Sư tổ Ngũ Mai Sư Bá sáng lập.
Cho đến nay, về cơ bản chúng ta chưa có những tư liệu xác thực về lịch sử môn phái, mà hầu hết là các truyền thuyết. Một thực tế khó phủ nhận là những điều kể lại bị phụ thuộc rất nhiều vào người kể tại thời điểm kể lại như: sự ghi nhớ trước đây khi được nghe kể; tư duy kể lại; khả năng diễn đạt. sức khỏe lúc kể, v.v và v.v. Tôi chắc rằng không ai dám khẳng định sự truyền lại là 100% những điều đã được nghe (chỉ có thể nói là "cơ bản như vậy"). Do đó, các nhánh đã đưa ra các phả hệ theo góc độ của nhánh mình, tôi nghĩ chúng ta cùng nên tôn trọng. Ngay như thời điểm Sư tổ Nguyễn Tế Công sang Việt Nam (là thời điểm gần ta nhất) cũng có những tư liệu khác nhau. Người cho là từ 1907, người cho  là 1939. Ai đúng ai sai đây ?  Cơ sở đánh giá ở đâu?  Nhân đây tôi cũng xin nói lại một tìm hiểu về Sư tổ Nguyễn Tế Công của một người có nhiều nghiên cứu về võ học, đã từng làm công tác phụ trách về võ thuật, đã được học nhiều môn võ, trong đó có hơn một năm học sư phụ tôi (Cố võ sư Trần Thúc Tiển). Tuy nhiên việc học sư phụ tôi chỉ là tìm hiểu, nghiên cứu. Tóm tắt tìm hiểu về Sư tổ Nguyễn Tế Công như sau:  Vào những năm 1930, Sư tổ Nguyễn Tế Công là người rất giỏi võ ở Trung Quốc. Lúc này Người (Sư tổ Nguyễn Tế Công) ở vùng Đông Bắc Trung Quốc. Năm 1937, người Nhật chiếm đóng vùng Đông Bắc Trung Quốc, biết được Sư tổ Nguyễn Tế Công là người giỏi võ, đã cho mật vụ đến bắt. Hay tin, Người đã bỏ trốn xuống phía Nam (Phật Sơn - Trung Quốc). Một thời gian sau, người Nhật dò ra tung tích của Người, lại cho người đến bắt. Người buộc phải rời Phật Sơn và đi sang Việt Nam lánh nạn cuối năm 1939. Và Người ở Việt Nam, truyền thụ võ công cho đến lúc quy tiên (năm 1959). Nếu tìm hiểu này là đúng, thì đúng như sư phụ tôi truyền lại, cuối năm 1939, Sư tổ Nguyễn Tế Công mới sang Việt Nam.
Ngay như việc gọi thứ tự các đời cũng chưa thống nhất. Nếu tính từ Sư tổ Ngũ Mai Sư Bá là đời thứ nhất thì đến Sư tổ Nguyễn Tế Công là đời thứ 6. Nếu tính từ Sư tổ Nghiêm Vĩnh Xuân là đời thứ nhất thì Sư tổ Nguyễn Tế Công là đời thứ 5. Cách gọi này phụ thuộc vào việc định đời đầu tiên từ đầu. Tất nhiên việc này không khó, song cũng phải có sự thống nhất chung. Nếu cứ tranh luận mà không ai đưa ra được cứ liệu chính xác, đảm bảo sự tin cậy thì sẽ không có hồi kết. Chúng ta phải cùng nhau thấy rằng: Sư tổ Nguyễn Tế Công là Sư tổ Vĩnh Xuân Việt Nam. Nhờ có Người mà trong kho tàng võ học Việt Nam có được môn võ quý: môn Vĩnh Xuân.
Hiện tại Vĩnh Xuân Việt Nam, theo tôi biết, có các chi nhánh:
  • Ở Hà Nội có các chi nhánh: chi nhánh của sư phụ tôi (cố võ sư Trần Thúc Tiển); chi nhánh của cố võ sư Trần Văn Phùng và chi nhánh của cố võ sư Ngô Sỹ Quí. Các cố võ sư đều là học trò của Sư tổ Nguyễn Tế Công.
  • Ở Hải Dương có chi nhánh của cố võ sư Vũ Bá Quý. Cố võ sư Vũ Bá Quý cũng một thời là học trò của Sư tổ Nguyễn Tế Công, song hiện nay, chi nhánh của cố võ sư Vũ Bá Quý không lấy tên Vĩnh Xuân (hay Vịnh Xuân) mà lấy tên là "Vũ Gia Thân Pháp".
  • Ở TP Hồ Chí Minh có chi nhánh của võ sư Nam Anh (võ sư Nam Anh cho biết học Vĩnh Xuân từ cố võ sư Hồ Hải Long, một học trò của Sư tổ Nguyễn Tế Công, và học từ Nguyên Minh Đại Sư)...
Các chi nhánh này cũng đã và đang phát triển, hình thành các thế hệ dậy và học tiếp theo.
Về Hệ thống Quyền thuật
Qua nghiên cứu, tìm hiểu, tôi được biết hiện nay cơ bản có những hệ thống quyền thuật chính như sau:
  • Ở Trung Quốc và Hồng Kông: hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân có các bài quyền Tiểu Niệm Đầu, Tầm Kiều, Tiêu Chỉ, Mộc Nhân Thung và 2 bài binh khí (Lục Điểm Bán Côn và Bát Trảm Đao). Ngoài ra còn có những phương pháp tập luyện khác nữa. Tôi cũng được biết ở Trung Quốc các nhánh cũng có sự khác nhau một phần về nội dung trong các bài quyền. Song về cơ bản như tôi đã trình bày ở trên.
  • Ở Việt Nam có những hệ thống quyền thuật như sau:
     - Chi nhánh của sư phụ tôi gồm các bài:  Thủ Đầu Quyền, Ngũ Hình Quyền (có 6 bài gồm 5 bài của 5 hình là Long - Xà - Hổ - Báo - Hạc và một bài Ngũ Hình Tổng Hợp), các bài 108 (bài 108 tại chỗ, bài 108 tiến lùi, bài 108 mộc nhân), bài Khí Công Vĩnh Xuân Quyền, hai bài binh khí (Lục Điểm Bán Côn và Song Đao). 
     - Chi nhánh của cố võ sư Ngô Sỹ Quý, về cơ bản cũng giống chi nhánh của sư phụ tôi. Cũng gồm các bài: Thủ Đầu Quyền, Ngũ Hình Quyền Tổng hợp, Long Quyền, Xà Quyền, Hổ Quyền, Báo Quyền, Hạc Quyền, Nhất Linh Bát (hay Một linh tám) và một bài Mộc Nhân Thung. Trong binh khí có hai bài: Bát Trảm Đao và Lục Điểm Bán Côn. (theohttp://www.vinhxuan.com2.info).
     - Chi nhánh của cố võ sư Trần Văn Phùng và cố võ sư Vũ Bá Quý, do tôi chưa tìm hiểu được nên chưa được rõ hệ thống quyền thuật của hai chi nhánh này.
     - Hệ thống quyền thuật của "Võ đường Thiếu Lâm Vịnh Xuân Nam Anh Kung fu" bao gồm các bài Tiểu Hình Ý, Tiểu Mai Hoa, Đại Mai Hoa, Ngũ Hình Quyền, Ngũ Hình Tổng Hợp, hệ thống 108 mộc nhân, binh khí có Lục Điểm Bán Côn, Bát Trảm Đao (hệ thống theo bài viết của võ sư Nam Chính Trực trên tạp chí Ngôi Sao Võ Thuật No. 4/2002)
Trên đây là hệ thống quyền thuật cơ bản của một số chi nhánh Vĩnh Xuân Việt Nam. Ngoài ra các chi nhánh đều có những phương pháp tập luyện khác, thậm chí có những phương pháp có tính bí truyền (như phương pháp tập nội công).
Như vậy ta thấy có những sự khác biệt (một phần) giữa các hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân. Sự khác nhau, tôi nghĩ đó là điều tất yếu trong quá trình truyền bá võ công. Nguyên nhân sâu xa là ở người truyền thụ. Đó là: do mức độ được truyền dậy, do khả năng tiếp thu, do khả năng nhớ và truyền thụ, do sự giác ngộ, do thiên hướng, do mục đích, do hòan cảnh .v.v. Tất cả đều rất đáng tôn trọng. Tuy nhiên, trước hết, mỗi môn đồ phải biết tôn trọng những gì mà sư phụ mình đã truyền lại cho mình. Và bằng tấm lòng với môn phái, với sư phụ, hãy luyện tập thật tốt những gì đã được sư phụ truyền dạy.   Sau đó, khi đã thuần thục, có thể được, thì tìm hiểu công phu của các nhánh khác. Điều quan trọng là phải biết đó là của nhánh nào, và đến với tinh thần học tập: Tránh việc coi công pháp và kỹ thuật của nhánh khác lấy làm của mình. Tôi nghĩ như thế sẽ tốt hơn, sẽ rõ ràng hơn, và thể hiện sự tôn trọng sư phụ mình, tôn trọng các nhánh khác trong môn phái.
Về sự phát triển hệ thống quyền thuật
Mọi sản phẩm, nhất là sản phẩm trí tuệ đều không ngừng được hoàn thiện. Qua thời gian, mọi sự sửa đổi đúng đều được tồn tại, mọi sự sửa đổi sai đều bị đào thải.
Qua tìm hiểu, tôi thấy môn Vĩnh Xuân được hoàn thiện rất cơ bản qua các sư tổ ở Hồng Thuyền. Bản chất của môn Vĩnh Xuân là cận chiến, là nội gia - nhu quyền. Do đó, đòn thế đòi hỏi rất khuôn phép và có những quy tắc (yếu quyết) rõ ràng. Mọi sự "sáng tạo', phát triển không tuân thủ bản chất quyền thuật của môn phái đều sẽ làm hỏng đi hình ảnh về môn phái. Tôi đồng ý với suy nghĩ của tác giả Nguyễn Giang viết trong Tạp chí Ngày Nay số Xuân Ất Dậu 2005, trong bài "100 năm sau: Thực trạng và những vấn đề tiềm ẩn":  "sáng tạo, đặc biệt là trong võ thuật, nếu không phải là từ sự chiêm nghiệm, tâm huyết của một võ sư đã đạt tới trình độ cao thâm nhất định, đôi khi còn có hại". Tôi muốn bổ sung thêm cái hại mà tôi cho là lớn nhất, đó là làm mất dần đi bản chất quyền thuật của môn phái, làm cho mọi người không còn thấy những gì là tinh túy võ thuật của môn phái Vĩnh Xuân.
Trong thực tế hiện nay, tôi tin rằng bản chất của quyền thuật Vĩnh Xuân sẽ không mất dần. Hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân cũng không bị "dần rơi vãi". Tất nhiên, trong hòan cảnh xã hội hiện tại, cuộc sống kinh tế thị trường như cơn lốc lôi cuốn con người, liệu có bao người dám ra khỏi cơn lốc kinh tế, để bình tâm tĩnh trí mà theo đuổi môn phái và đi đến cùng với môn phái ?  Tuy vậy, tôi vẫn tin rằng môn phái Vĩnh Xuân sẽ vẫn luôn giữ được bản sắc của môn phái như đã có từ hàng trăm năm qua. Cũng như mùa Xuân, không bao giờ mất đi bản chất của mùa Xuân, không bao giờ mà không có sự đâm chồi, nẩy lộc, sinh trưởng tươi đẹp và đầy sự quyến rũ.
Thay cho lời kết
Một số người lo có những trận "thư hùng" trong môn phái để khẳng định sự hơn hẳn giữa chi nhánh này với chi nhánh khác, tôi nghĩ rằng đây là sự lo quá xa. Tất nhiên, trong cuộc sống, trong một tổ chức, trong một môn phái, không phải không có những con người không tốt lành. Song đó chỉ là số ít, số rất ít. Không một ông thầy võ nào không đòi hỏi người trò phải có võ đức. Chính sự đòi hỏi này buộc người thầy càng phải nêu cao võ đức của chính người thầy. Võ đức, nhất lại là võ đức của Vĩnh Xuân Phật Gia càng không thể để xẩy ra những trận "thư hùng" chỉ vì cao thấp trong môn phái. "Cao nhân tắc hữu cao nhân trị", "núi này cao, còn có núi khác cao hơn", "giữ được mình tức là thắng được người"...Con nhà võ, mấy ai không hiểu những điều này. Tôi tin rằng những môn đồ Vĩnh Xuân Phật Gia sẽ luôn vì sự trong sáng của môn phái, gạt bỏ những sự khác biệt tất yếu, đoàn kết cùng nhau xây dựng môn phái, góp phần phát triển môn phái vững mạnh, xứng đáng với sự ngưỡng mộ của nhứng người hâm mộ môn Vĩnh Xuân trong nước và trên thế giới. Nếu cần thiết phải tìm ra người đứng đầu môn phái Vĩnh Xuân Việt Nam (như Chủ tịch Hội Vĩnh Xuân Việt Nam) sẽ có nhiều cách, nhiều hình thức để chúng ta tìm ra người xứng đáng với sự tin cậy của mọi môn đồ Vĩnh Xuân Việt Nam. Và người đó phải biết vì lòng tin của các môn đồ mà làm tròn trách nhiệm được giao. Cùng nhau xây dựng, phát triển môn phái Vĩnh Xuân mãi tươi đẹp, quyến rũ và tràn đầy sinh lực như mùa Xuân.
Xuân Ất Dậu, 20/2/2005
 
(Đã đăng trên Tạp chí Ngày Nay số 13/2005, 1-15/7/2005 với đầu đề "Quyến rũ Vĩnh Xuân quyền" do tòa soạn đặt )
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo