Sự tương đồng về võ lý giữa Vĩnh Xuân Nội gia với các môn phái, các võ đường và bản chất sâu xa của quyền thuật truyền thống
Trong mấy chục năm qua, từ thời điểm năm 1979 cho đến mấy năm gần đây, tôi mới tìm được những sự tương đồng rất sâu sắc về võ lý và những thể hiện trong công phu giữa Vĩnh Xuân Nội Gia (VXNG) vớí một nhánh Vĩnh Xuân khác qua cuốn “Chi kung Development and Practical Application in Wing Chun Kung Fu” của tác giả - võ sư Dr. Scott Baker, và mới đây, qua bộ phim về Thiếu Lâm truyền thống: “Kungfu Quest: Zen Combatant – Shaolin” trong loạt phim giới thiệu về võ thuật: Kungfu Quest – hành trình võ thuật, trên chương trình National Geographic của truyền hình cáp Việt Nam. Tôi đọc cuốn sách, tôi xem những hình ảnh, tôi nghe những lời giảng giải trong phim và tôi thật mừng trước những sự tương đồng sâu sắc về võ lý và những thể hiện trong công phu từ cuốn sách, từ bộ phim với VXNG của chúng tôi, mặc dù không phải là tất cả.
Kể từ khi sư phụ tôi, cố võ sư Trần Thúc Tiển qua đời, tôi đã đặt tâm tìm hiểu qua các môn phái, qua nhiều võ đường để mong muốn tìm được những điểm giống như những điều tôi đã được sư phụ truyền dạy và giờ đây tôi đã được đọc qua cuốn “Chi kung Development and Practical Application in Wing Chun Kung Fu” của võ sư Dr. Scott Baker và xem bộ phim giới thiệu về võ thuật Thiếu Lâm truyền thống. Thực tế, tôi cũng đã thấy có những môn phái, võ đường có điểm tương đồng, song có chỗ không mang đậm bản chất giống như VXNG của chúng tôi và có chỗ tôi thấy không đồng nhất giữa võ lý với thực tế thể hiện trong võ công. Trước đây, đã có người nói với tôi rằng tôi dạy Vĩnh Xuân theo lối cũ như thế thì mấy ai theo, và có người khuyên tôi phải cải biến đi. Song nhớ lời sư phụ dạy, tôi không dám thay đổi. Thực tế trong suốt bao năm qua, tôi vẫn dạy cho học trò của mình như những gì tôi đã được sư phụ tôi truyền dạy, và bản thân tôi hàng ngày vẫn như sư phụ mình trước đây, đứng hàng tiếng đồng hồ để trực tiếp dạy hệ thống quyền 108 cũng như các công phu khác của bản môn cho các học trò của mình.
Nói về thời điểm năm 1979, một năm chứa đựng dấu ấn quan trọng trong cuộc đời tôi: Cuối năm 1978, đầu năm 1979, hầu hết các học trò của sư phụ tôi vì công việc, vì hoàn cảnh gia đình, nên đã nghỉ tập. Đến đầu năm 1979 chỉ còn lại một mình tôi theo sư phụ, gắn bó với sư phụ cho đến lúc Người ra đi (ngày 07 tháng 2 năm 1980). Khi sư phụ tôi ra đi, cũng chỉ có một mình tôi là học trò cùng Sư mẫu Lê Thị Lạng, anh Trung (con trai sư phụ) và người y tá khiêng sư phụ từ giường bệnh xuống nhà quàn, rồi sau đó là từ nhà quàn cùng những người thân trong họ tộc, gia đình khiêng ra xe tang, rồi từ xe tang đến nơi Người nằm yên nghỉ. Năm 1979 là một năm rất thiêng liêng trong cuộc đời tập luyện của tôi, là năm tôi được sư phụ truyền thụ nội công và được Người truyền dạy cho rất nhiều điều quan trọng trong môn phái. Tôi nhớ những lúc tôi cùng sư phụ tôi ra Bờ Hồ ngồi thở và nhớ những buổi tập mà khi tôi lên nhà, sư phụ bảo tôi ngồi để sư phụ nói chuyện, tôi đã được nghe sư phụ chỉ dạy những điều quan trọng trong tập luyện và truyền dạy những điều quan trọng trong bản môn.
Cho đến mấy năm gần đây, tôi mới tìm thấy được nhiều sự tương đồng sâu sắc giữa những điều được sư phụ tôi dạy với nhánh Vĩnh Xuân của võ sư Dr. Scott Baker, với môn Thiếu Lâm truyền thống, qua chương trình phim Hành trình võ thuật - Kungfu Quest. Tôi cũng hiểu chắc chắn còn có những nhánh Vĩnh Xuân, những môn phái, võ đường, có những điều tương đồng trong võ lý và trong thể hiện công phu giống với VXNG của chúng tôi mà do điều kiện của cá nhân, tôi chưa tìm thấy được. Cho đến nay, đây là cuốn sách duy nhất, bộ phim duy nhất, tôi động viên, khuyến khích các học trò của mình đọc và xem, để tăng thêm hiểu biết và qua đó thấy được những giá trị trong quyền thuật của VXNG.
Trong quá trình truyền dạy, tôi thường nói với các anh chị em học trò về lời dạy của sư phụ tôi: “muốn giỏi Vĩnh Xuân phải biết tập chậm”. Tôi cũng biết một số học trò chưa nhận thức ngay ra điều này, nhất là với một số anh em mới ở các lớp A và B, cho dù tôi có lý giải thêm về một số mặt trong đó. Điều đó chỉ qua thời gian tập luyện chuyên cần mới cảm nhận được sự cần thiết của nó. Trong cuốn “Chi kung Development and Practical Application in Wing Chun Kung Fu” của võ sư Dr. Scott Baker, tôi đã đọc được sự lý giải dưới một hình ảnh thật sinh động và chính xác về việc tập chậm trong Vĩnh Xuân đó là tập với “tốc độ của một bông hoa nở”. Khi lý giải về tính ưu việt của môn Vĩnh Xuân đối với giới nữ, võ sư Dr. Scott Baker đã viết: “Nếu một người phụ nữ không sử dụng được chúng, thì đó không phải là Vĩnh Xuân”. Đây cũng là điều được thể hiện rất rõ nét trong võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội Gia Quyền của chúng tôi trong những năm qua, những học trò nữ thường tiến bộ rất nhanh so với học trò nam.
Trong quá trình tôi tập luyện, sư phụ tôi đã dạy tôi là “anh đừng ham hố vào việc đánh nhau. Anh phải tập trung vào việc luyện quyền sao cho nó phải trở thành của anh, trở thành những hoạt động tự nhiên trong con người anh”. Thấm nhuần lời dạy của sư phụ, tôi không chỉ cố gắng trong tập luyện của bản thân mà trong quá trình truyền dạy, tôi cũng thường nhắc các các học trò của mình phải tập luyện thật nhuần nhuyễn để hình thành kỹ năng vận động của cơ thể theo quy luật vận động tự nhiên, đừng ham hố tập luyện để đánh người mà phải tuân thủ nguyên tắc “giữ được mình tức là thắng được người”, tập để giữ gìn sức khỏe, bảo vệ mình và bảo vệ người thân. Trong phim về Thiếu Lâm nói trên, các võ sư cũng đã chỉ rõ: “Kungfu không chỉ là dùng cơ thể của bạn để giao đấu. Đó là mức thấp nhất của việc tập luyện. Mức cao nhất là tinh thần”. Với tinh thần: “không làm hại mình và hại người khác”, “học làm thế nào để bảo vệ mình và học làm thế nào để giúp đỡ những người khác”. “Đây là trạng thái cao nhất của tâm trí”. “Thông qua việc tập luyện không ngừng, chúng ta sẽ tìm thấy một tiếp cận là cái gì điều khiển tất cả các kĩ năng. Đây là cách tập luyện cổ xưa rất tốt của võ thuật. Từng bước từng bước một” (tiệm tiến). Trong đó “Khí cần phải được nuôi dưỡng tốt (luyện tập thở) trước khi chúng ta tập các kĩ năng chiến đấu”. Tôi cũng đã thường nói “nếu không tập thở thì tốt nhất không nên tập Vĩnh Xuân”.
Rất nhiều điều tôi đã tìm thấy được sự tương đồng về võ lý giữa VXNG của chúng tôi với những điều trong cuốn sách và qua bộ phim trên.
Mỗi tác phẩm (sách, phim…) để cho mọi người có những cái nhìn khác nhau, từ những góc độ khác nhau. Nhưng tôi thiết nghĩ những sự chia sẻ của mọi người về tác phẩm đó là vô cùng cần thiết, cần thiết cho cái nhìn nhận chung toát lên từ tác phẩm. Cách nhìn nhận của tôi có thể khác với cách nhìn của người khác. Song từ trái tim mình, tôi xin được bầy tỏ lòng trân trọng với những tác phẩm nói trên. Tôi rất cảm ơn tác giả cuốn sách, các tác giả của chương trình phim Hành trình võ thuật - Kungfu Quest đã đem lại cho tôi một niềm vui lớn sau mấy chục năm trời tập luyện, truyền dạy và tìm hiểu võ thuật. Một niềm vui mà tôi không thể không chia sẻ với các học trò của mình và giờ đây cho phép tôi được chia sẻ những suy nghĩ của cá nhân tôi cùng mọi người yêu quý võ thuật. Mong sao những truyền thống tốt đẹp trong võ thuật nói riêng và trong cuộc sống nói chung mà các bậc tiền nhân đã dầy công xây dựng sẽ mãi mãi trường tồn trong đời sống con người chúng ta.
Chân thành cảm ơn mọi người đã quan tâm và đọc bài viết của tôi.
Hà Nội ngày 06 tháng 04 năm 2012
Võ sư – kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
Võ sư – kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video
VÕ ĐƯỜNG
LIÊN KẾT