Nặng nghĩa tình với mái trường thân yêu

Ngày 27/4 vừa qua, tôi được sư phụ gọi đi cùng đến trường THCS Thanh Quan để trao cho trường một số văn bản tư liệu quan trọng về lịch sử của trường. Buổi gặp mặt giữa thầy trò chúng tôi với Ban Giám hiệu và đại diện công đoàn nhà trường diễn ra chân thành, ấm cúng, nhẹ nhàng mà để lại trong tôi nhiều suy nghĩ và xúc động.
Nhờ sự quan tâm, hướng dẫn của anh Đỗ Hữu Lộc (một người đồng môn của chúng tôi, người đã đóng góp công sức rất lớn trong việc tìm ra quyết định thành lập trường Thanh Quan từ Trung tâm lưu trữ Hải ngoại nước Cộng hòa Pháp) trong những ngày đầu tháng Tư năm 2012, tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, sư phụ tôi đã tìm được công văn đề nghị ngày 15/4/1948 và văn bản chuẩn y ngày 06 tháng 9 năm 1948 về việc đổi tên một số trường để được mang tên mới của một số danh nhân văn hóa, lịch sử của dân tộc ta như trong văn bản có ghi “…lựa chọn trong danh hiệu các Sử-gia, thi–ba, văn–hào, v.v… đã để lại cho hậu thế những tác phẩm bất hủ…” , trong đó trường nữ tiểu học Hàng Cót được đổi thành trường nữ tiểu học Thanh Quan - mang tên Nữ thi sĩ Bà Huyện Thanh Quan. Cùng với các văn bản trên còn có bản tên trường của một số trường qua những chặng đường phát triển và một số tư liệu khác trong lịch sử phát triển của trường.
Sư phụ tôi gắn bó với mái trường này từ nhỏ, sinh ra đã thấy ngôi trường, là học sinh của trường, là phụ huynh học sinh của trường và gắn bó với ngôi trường trong việc truyền dạy Vĩnh Xuân. Với nhãn quan của một người thầy, và như sẵn có thiên hướng, sư phụ tôi mong mỏi tìm hiểu về gốc rễ thành lập và ý nghĩa cái tên của ngôi trường. Việc tìm ra quyết định thành lập trường có từ ngày 12 tháng 8 năm 1910, làm sư phụ rất phấn khởi. Cùng chung niềm vui như bao thế hệ học trò của trường - vì ngôi trường của mình có bề dày lịch sử 100 năm - sư phụ rất tin và đặt tâm tìm kiếm quyết định đổi tên trường thành trường Thanh Quan. Và việc tìm được quyết định lần này, cũng như lần trước, thầy vui mừng kể cho các học trò của mình nghe việc tìm quyết định, việc làm biển đồng đánh dấu sự kiện... Chúng tôi, những người học trò, thường đều đang công tác, vốn mải mê với cuộc sống, ban đầu cứ nghĩ đó như chuyện không phải của mình.
Vậy mà, những chuyện kể của thầy ngấm vào chúng tôi lúc nào không hay. Những ngày kỉ niệm thành lập trường Thanh Quan, ngày 20-11, ngày trường tổ chức sự kiện của trường, cờ hoa băng rôn khắp trường cũng là dịp để những môn sinh võ đường Vĩnh Xuân Nội gia ngắm nghía ngôi trường mình gắn bó tập luyện. Đứng ở sân trường ngước nhìn lên, bóng cây cao râm mát, mái trường cao cổ kính, bỗng thấy nó đẹp, tôn nghiêm và mến thương lạ thường. Chợt hiểu ra rằng nó đã là nơi chốn yêu thương mình bấy lâu nay. Và việc sư phụ phát động đúc tượng đồng bà Huyện Thanh Quan trong võ đường được anh em môn sinh nhiệt tình hưởng ứng. Mái trường Thanh Quan thực sự cũng đã là mái ấm của anh em chúng tôi. Thật xúc động biết bao khi nghe Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng Vân, thay mặt Nhà trường phát biểu: “Nhà trường luôn coi võ đường Vĩnh Xuân như là một thành viên của Nhà trường”.
Để đó thực sự là nguồn động viên khích lệ các thế hệ giáo viên và học sinh, để luôn gợi nhớ cho các em về truyền thống của trường, và cũng là nơi để các thế hệ học trò cũ và những người yêu mến ngôi trường, quan tâm đến sự nghiệp trồng người của trường bày tỏ tình cảm của mình, sư phụ tôi có ý tưởng thành lập Quỹ Bà huyện Thanh Quan để làm quỹ tặng thưởng cho các tài năng dạy tốt học tốt của nhà trường.
Đọc lại các bản sao lục về đổi tên trường Thanh Quan, tôi nhận thấy việc làm của sư phụ thực ra là một truyền thống giáo dục vốn có của cha ông, được nối tiếp qua bao thế hệ- mong mỏi giáo dục cho thế hệ sau truyền thống uống nước nhớ nguồn, niềm tự hào dân tộc, noi gương các anh hùng, các bậc danh tài của đất nước: ‘‘….lấy danh hiệu đặt cho các trường cốt ý để trẻ em luôn luôn nhớ đến các Ngài: đó là một phương cách thiết thực dạy chúng lịch sử, rèn luyện tinh thần, tâm hồn chung và tỏ lòng biết ơn các bậc danh tài…’’(Trích trong công văn đề nghị đổi tên trường ngày 15/4/1948).
Bằng những việc làm đầy tâm huyết như vậy, sư phụ khiến tôi thấy thấm thía: cái tâm, truyền thống và sự tri ân sẽ tiếp sức mạnh cho mỗi chúng ta. Chúng tôi nguyện noi gương sư phụ không chỉ trong tập luyện mà cả trong mọi mặt của cuộc sống, mà trong đó nổi bật lên là tấm lòng tri ân, biết ơn bằng cả tâm khảm và việc làm.
Trong niềm vui cùng với trường Thanh Quan đón nhận thời điểm trường được chính thức mang tên nữ thi sĩ Bà Huyện Thanh Quan, 06/9/1948, võ đường chúng tôi chúc trường Thanh Quan mãi mãi xứng đáng là trường chuẩn Quốc gia, mãi mãi xứng đáng với tên gọi trường Thanh Quan, tên của Nữ thi sĩ tài đức của dân tộc: Bà Huyện Thanh Quan.
Hà Nội ngày 29 tháng 4 năm 2012 
Võ sư Kiều Ngọc Diệp
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo