Lễ giỗ Tổ năm Nhâm Thìn - 2012 tại võ đường Vĩnh Xuân Nội gia
Ngày 06 tháng 7 năm 2012 tức ngày 18 tháng Năm năm Nhâm Thìn, ngày chính giỗ Sư tổ Nguyễn Tế Công, Sư tổ Vĩnh Xuân Việt Nam. Võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền của chúng tôi ở cả Hà Nội – Việt Nam và Vacsava – Ba Lan đều đã tổ chức trọng thể với sự có mặt của toàn thể các anh chị em trong võ đường, những hậu duệ của Sư tổ Nguyễn Tế Công.
Cũng như mọi năm, buổi sáng (ngày hôm giỗ Sư tổ, 18 tháng Năm âm lịch), đại diện Ban điều hành, Ban huấn luyện cùng đại diện các lớp ở võ đường Hồng Phúc, võ đường Thanh Quan và võ đường Xuân Thủy đã đến trước Ban thờ môn phái tại nhà tôi, cùng với tôi, thầy trò thành kính làm giỗ Sư tổ, thắp nén hương tâm thành, kính dâng lên Sư tổ lòng thành kính, lòng biết ơn vô hạn. Cũng trong buổi sáng ngày giỗ Sư tổ, bên Ba Lan, anh Trương Anh Tuấn, Trưởng ban điều hành võ đường Đại Nghĩa, cũng đã thay mặt các anh em trong võ đường, sắm sanh lễ vật, thành tâm làm giỗ Sư tổ và hướng về Sư tổ với lòng thành kính và biết ơn vô hạn.
Buổi chiều, cùng ngày (ngày 06 tháng 7 năm 2012 tức ngày 18 tháng Năm năm Nhâm Thìn), đúng 18h30, Lễ Giỗ Tổ của Võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền của chúng tôi đã được tổ chức rất trọng thể, trang nghiêm và sâu sắc nhất từ trước đến nay. Vì điều kiện mặt bằng của trường Thanh Quan cũng hạn hẹp với việc tổ chức Lễ Giỗ Tổ, do đó tôi đã mượn hội trường của một công ty gần võ đường Thanh Quan để tiến hành tổ chức Lễ Giỗ Tổ được trang trọng hơn.
Tham dự Lễ Giỗ Tổ của võ đường, ngoài thầy trò chúng tôi ở cả 3 võ đường: võ đường Hồng Phúc, võ đường Thanh Quan và võ đường Xuân Thủy, còn có bác Nguyễn Thế Trường, nhà khoa học, nhà Yoga số 1 của Việt Nam, cố vấn của võ đường, còn có những học trò cũ, những anh chị em môn sinh do hoàn cảnh đã phải tạm nghỉ tập cũng đến tham dự. Do hoàn cảnh cuộc sống chung và điều kiện của võ đường, Võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền của chúng tôi một năm chỉ có ngày Giỗ Tổ là tề tựu đông đủ các lớp trong các võ đường với nhau. Đây là dịp để mọi người bầy tỏ lòng tri ân đến Sư tổ và cũng là dịp để anh chị em trong võ đường biết nhau, trao đổi với nhau, hiểu nhau, tăng thêm tình gần gũi, thân thiện, hòa đồng trong một gia đình Vĩnh Xuân.
Sau phần giới thiệu cụ thể các thành phần tham dự, toàn thể võ đường đã đứng dậy hướng về tượng Sư tổ, cùng nhau tưởng nhớ đến Sư tổ. Trong không khí vô cùng trang nghiêm, thành kính, lời của người dẫn chương trình (võ sư Kiều Ngọc Diệp) nhẹ nhàng vang lên, tha thiết và sâu nặng, đưa toàn thể Hội trường hiện diện trước Sư tổ, bày tỏ với Người sự tri ân sâu nặng từ trong tâm khảm:
“Kính thưa Sư tổ Nguyễn Tế Công:
Hôm nay, toàn thể các hậu duệ của Người trong võ đường Vĩnh Xuân Nội Gia qua các thời kỳ đã tề tựu tại nơi đây để bày tỏ lòng tri ân vô cùng sâu nặng đến Người. Do điều kiện của võ đường, nên chúng con chỉ có được một số đại diện hậu duệ của Người, đến thắp hương tưởng nhớ Người trước ban thờ môn phái. Giờ đây, trước bức tượng của Người, chúng con kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ, mong Người hiển linh để chúng con được gặp và báo công với Sư tổ, điểm lại những việc đã làm được, chưa làm được trong năm qua và cầu mong Sư tổ phù hộ cho võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền của chúng con, phù hộ cho thầy trò chúng con trong việc tập luyện và truyền dạy, phát triển môn phái.
Chúng con, những môn đệ Vĩnh Xuân, qua những tháng ngày tập luyện, cần mẫn luyện, càng ngày lại càng nhận thấy giá trị vô cùng to lớn của môn võ mà Sư tổ đã để lại cho chúng con. Càng thấm thía hơn cả những hạnh phúc và những gian truân trên con đường tập luyện lĩnh hội những thành quả mà các thế hệ Vĩnh Xuân để lại, gìn giữ và truyền dạy, phát triển môn phái…đem mùa xuân đến cho đời.
Chúng con cần lắm sự chỉ bảo dẫn dắt của Người, nâng bước thêm sức mạnh cho chúng con. Mỗi dấu ấn, sự kiện trọng đại, chúng con đều lấy ngày 18 tháng Năm (âm lịch) để được Người phù hộ. Hạnh phúc biết bao khi tìm được mộ Người, gia quyến của Người, biết Người ở đâu mà thắp hương thỉnh cầu Người về với chúng con. Chúng con hạnh phúc vững bước trên con đường phía trước bởi chúng con có bóng Người chở che, ấm áp – bao dung, dẫn dắt và phù hộ. Thầy trò chúng con thành tâm hướng về Người với lòng tri ân sâu nặng trong Lễ trọng đại này”.
Sau những phút cả võ đường nghiêm trang tưởng nhớ, hướng về Sư tổ, tôi đã lên nói về những bước đường đi của võ đường trong một năm qua, kể từ ngày Giỗ Tổ năm Tân Mão - 19/6/2011. Trong niềm xúc động lớn lao hướng về Sư tổ, tôi đã bộc bạch điều thôi thúc tôi trong bao năm, kể từ khi sư phụ tôi, cố võ sư Trần Thúc Tiển qua đời. Điều này trong 32 năm qua, tôi chỉ nói với mấy học trò cũ của tôi, trong đó có võ sư – trưởng tràng võ đường Trần Thanh Ngọc.
Trong quá trình ở bên sư phụ Trần Thúc Tiển, nhất là vào thời điểm năm 1979, khi mà chỉ còn một mình tôi là học trò ở bên sư phụ, tôi được sư phụ kể những chuyện về Sư tổ, trong đó có một chuyện làm tôi day dứt trong lòng bao năm: đó là sự ân hận của sư phụ đã không thực hiện được lời hứa với Sư tổ, sau khi được Sư tổ truyền dạy những công phu bí truyền của bản môn: là sẽ dạy lại các con của Sư tổ công phu của môn Vĩnh Xuân mà Sư tổ đã truyền lại cho. Sư phụ chỉ kể cho tôi nghe về sự ân hận của sư phụ, nhưng những lời nói đó in đậm trong tâm trí tôi bao năm không nhạt nhòa. Thời kỳ trước năm 2000, do hoàn cảnh gia đình, do cuộc sống bồn bề với bao lo toan, tôi không thể dành thời gian để có thể tìm đến những người thân của Sư tổ mà tôi hy vọng vẫn còn ở lại sau những thăng trầm của năm 1979. Sau năm 2000, tôi đã dành nhiều thời gian âm thầm hỏi thăm, tìm kiếm ở quanh ngõ Đồng Khánh, quanh khu chợ Lớn với hy vọng có thể có được những thông tin về gia đình của Sư tổ. Song do không ở trong đó, thời gian vào trong đó ít, lại ngắn, nên việc tìm kiếm gần như muôn vàn khó khăn. Ngay cả khi tôi nhờ người học trò cũ của tôi, anh Phạm Hồng Sơn, đăng những thông tin tìm kiếm trên báo Sài Gòn Giải Phóng trong 3 kỳ, song cũng chỉ có được những thông tin phản hồi không chính xác. Tôi đã gần như không còn hy vọng có thể tìm thấy được những người thân của Sư tổ.
Và rồi, quả đúng như người đời thường nói: “Tâm xuất, Phật biết”, Trời Đất thấu hiểu tấm lòng chân thành, tâm huyết của tôi, đã thương tôi, đã dẫn dắt tôi trong một lần chuyện trò với võ sư Đinh Diệp Hòa, một học trò của cố võ sư Ngô Sĩ Quý, tại một cuộc họp của Ban chấp hành Hội võ thuật Hà Nội, khi thấy tôi nói về chuyện tìm kiếm người thân của Sư tổ Nguyễn Tế Công, võ sư Đinh Diệp Hòa đã cho biết sẽ hỏi hộ tôi với võ sư Nguyễn Đăng Quang, một học trò của cố võ sư Lục Viễn Khai, vì võ sư Nguyễn Đăng Quang quan hệ với rất nhiều người Hoa ở trong đó. Sau đó ít thời gian, võ sư Đinh Diệp Hòa đã cho tôi biết tin vui là võ sư Nguyễn Đăng Quang có biết nhà của con trai Sư tổ, qua em trai của cố võ sư Lục Viễn Khai là võ sư Lục Hà Kim. Vui mừng khôn tả. Ngay sau khi nhận được tin, tôi đã thu xếp để bay vào thành phố Hồ Chí Minh. Và sau khi khai giảng lớp A2 của võ đường Thanh Quan (tối 27/9/2005), tôi đã bay chuyến đêm 27/9/2005 vào thành phố Hồ Chí Minh. Sáng hôm sau 28/9/2005, tôi đến gặp võ sư Nguyễn Đăng Quang, và được võ sư Nguyễn Đăng Quang dẫn đến gặp anh Nguyễn Chí Thành, con trai của Sư tổ Nguyễn Tế Công. Đầu giờ chiều, anh Nguyễn Chí Thành đã dẫn thầy trò chúng tôi (tôi cùng học trò Trần Thanh Ngọc và người học trò cũ Phạm Hồng Sơn) đến nghĩa trang Bình Dương, nơi yên nghỉ của Sư tổ Nguyễn Tế Công kính lễ Sư tổ. Từ ngày 28/9/2005 đến nay, thấm thoắt đã 7 năm trôi qua. Mặc dù tôi đã không giúp được sư phụ tôi thực hiện lời hứa của sư phụ tôi với Sư tổ, song tôi đã thật hạnh phúc vì đã giúp cho mọi người biết được nơi yên nghỉ của Sư tổ, để hậu duệ của Người có thể đến để bày tỏ lòng tri ân vô hạn với Người. Mà trước đó, qua 46 năm, Người chỉ có được những nén hương tưởng nhớ của những người thân của Người: Sư tổ mẫu Đàm Thiếu Quỳnh, bác Dung, người con gái của Sư tổ và của bác Thành, người con trai của Sư tổ. Giờ đây trên mộ Người đã luôn có những nén hương thơm tâm thành của những hậu duệ của Người, không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở những nơi khác trên thế giới đến với Người.
Ngay từ khi hình thành ý định thành lập võ đường, tôi đã tâm niệm sẽ lấy ngày này, ngày giỗ của Sư tổ làm ngày Giỗ tổ của võ đường. Một ngày trọng đại nhất trong năm của võ đường. Biết bao sự kiện: từ việc ra đời trang web của võ đường, ngày thành lập võ đường, đến các sự kiện quan trọng trong bước đường phát triển võ đường, đều được diễn ra trong ngày Giỗ Tổ. Thực tế, từ năm 1980, ngay sau khi sư phụ tôi qua đời, tôi đã lập ban thờ thờ Sư tổ và sư phụ. Đã 32 năm qua, tôi tuân thủ lời dạy của người xưa: “sống tết, chết giỗ”, tôi luôn làm trọn vẹn mọi công việc tâm linh với Sư tổ và sư phụ. Và tôi tin tưởng sắt đá rằng: trên bước đường tôi đi, tôi luôn được Sư tổ và sư phụ tôi phù hộ cho tôi, cho võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền của thầy trò chúng tôi, vượt qua được mọi khó khăn trở ngại để vững vàng đi lên tốt lành.
Nhìn lại chặng đường một năm qua, những gì đã đến với võ đường của chúng tôi, tôi và một số anh chị em trong Ban điều hành đã viết bài đăng tải trên trang web của võ đường.
Từ những buổi đi lễ nơi vùng đất Địa Linh, Nhân Kiệt: Kiếp Bạc – Côn Sơn; những lần vào kính lễ nơi Sư tổ yên nghỉ; những lần lên kính lễ nơi Tôn sư của các anh chị em, sư phụ của tôi, cố võ sư Trần Thúc Tiển yên nghỉ; những chuyến đi Ba Lan để phát triển võ đường Đại Nghĩa - VXNG, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Liên đoàn võ thuật và thể thao chiến đấu Ba Lan, nơi mà võ đường chúng tôi là một thành viên; lễ phong các danh hiệu võ sư, huấn luyện viên các cấp của võ đường; những buổi khai giảng các lớp A14, A15, A16, A17; bế giảng lớp A11; gặp mặt các môn sinh nữ nhân dịp mùng 8 tháng 3; phát hành tập 5 (tập cuối) trong bộ sách “Việt Nam Vĩnh Xuân Nội Gia Quyền Pháp”; tham gia Giải thi đấu võ cổ truyền Hà Nội đầu năm 2012; đến việc tiếp tục tìm ra quyết định quan trọng trong bước đường phát triển của trường THCS Thanh Quan (nơi võ đường khởi nghiệp), quyết định cho trường được mang tên Nữ thi sĩ bà Huyện Thanh Quan (06/9/1948), thể hiện tình cảm chân thành của thầy trò chúng tôi với trường THCS Thanh Quan. Hiện nay tôi cũng đang triển khai việc đúc tượng đồng Bà Huyện Thanh Quan để tặng nhà trường.
Những việc làm tâm huyết, chân thành của thầy trò chúng tôi là những lễ vật tâm thành kính dâng lên các Sư tổ môn phái, Sư tổ Nguyễn Tế Công và Tôn sư Trần Thúc Tiển, bày tỏ lòng tri ân sâu nặng của thầy trò chúng tôi đến các Sư tổ và Tôn sư.
Bên cạnh những việc làm chân thành và tâm huyết của thầy trò chúng tôi, cũng có việc chưa được mà tôi cũng nhắc đến trong ngày Giỗ Tổ. Đó là còn hiện tượng có anh em bỏ võ đường theo tập võ đường khác. Trong quy luật phát triển nói chung (quy luật hình chóp), đây cũng là một việc tất yếu, không thể tránh được. Điều tôi nhắc đến là trong số những người thôi học ở võ đường, có những kẻ thiếu tâm đức, võ đức đã bằng mọi hình thức, thủ đoạn, rủ rê, lôi kéo một số anh em trong võ đường của chúng tôi rời bỏ võ đường đi theo họ. Họ đưa ra những điều khác biệt trong quyền thuật để khẳng định rằng quyền thuật của võ đường nơi họ đã sang hơn hẳn quyền thuật của võ đường chúng tôi. Tôi không phân tích công phu của võ đường nào hơn võ đường nào. Đó là sự nhìn nhận của mỗi người muốn theo tập. Như tôi đã nói trước đây, việc theo tập môn phái nào, theo tập ở đâu, theo tập ai, đều là cơ duyên của mỗi người với môn phái mình theo, với người thầy mình theo. Tôi khuyên các anh chị em trong võ đường, bằng sự minh trí của bản thân để cảm nhận hệ thống quyền thuật, phương thức huấn luyện, sự tin tưởng đối với mỗi võ đường, đối với mỗi người thầy mà mình muốn theo để quyết định con đường võ thuật của mình. Nếu cảm thấy hệ thống quyền thuật, cách huấn luyện, các quy định của võ đường không phù hợp, thì nên sớm chuyển sang võ đường nào hợp với mình, cho đỡ mất thời gian của cả bản thân và của thầy cùng các huấn luyện viên. Song nên thể hiện lòng trung thực khi nói về công phu của võ đường sau khi thôi, cũng như khi trao đổi với các anh chị em khác về công phu của nơi mình mới đến tập. Đừng giở thủ đoạn lôi kéo thiếu trung thực. Đó chính là Đức võ cần có của người học võ.
Cũng nhân nói về việc này, tôi cũng khẳng định với các anh chị em trong võ đường rằng: tôi không thay đổi phương thức, chương trình huấn luyện mà tôi thực hiện từ khi sư phụ của tôi qua đời (năm 1980) cũng như đã và đang thực hiện truyền dạy, huấn luyện ở các võ đường trực thuộc trong võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền: võ đường Hồng Phúc, võ đường Thanh Quan, võ đường Đại Nghĩa (Ba Lan) và võ đường Xuân Thủy. Đó là những điều tôi đã được sư phụ tôi truyền dạy, chỉ dẫn, khuyên bảo cho tôi. Tôi cũng đưa ra một ví dụ về tuân thủ lời dạy của sư phụ mình: đó là việc chỉ cho môn sinh vào tay với Mộc nhân khi đã luyện thành thục bài 108 tại chỗ và 108 tiến lùi. Hoặc ít nhất thì cũng thuần thục 108 tại chỗ. Mỗi buổi dạy, tôi phải dứng hàng giờ để dạy các anh chị em, trong khi Mộc nhân ở võ đường Hồng Phúc nhiều khi để không. Nếu muốn đỡ vất vả, lại chiều theo ý thích của học trò, tôi có thể để mọi người đánh nhiều với Mộc nhân. Nhưng tôi không làm như vậy vì tôi muốn các trò của tôi phải giỏi (tất nhiên theo cách mà tôi đã được sư phụ tôi truyền dạy, chỉ bảo cho tôi). Tôi cũng nhắc anh em giữ tính Phật trong tập luyện, tuân thủ tiêu chí của võ đường “SỨC KHỎE, BẢN LĨNH VÀ TRÍ TUỆ” kiên quyết không cho đấu thử, nhất là đấu với các võ đường khác với bất cứ lý do gì. Trừ việc phải chiến đấu để bảo vệ mình và người thân của mình. Tập luyện trước hết là để điều khiển được bản thân mình theo ý của mình. Đồng thời phải luôn tôn trọng các võ đường khác, bất kể võ đường đó thuộc môn phái Vĩnh Xuân hay không.
Một vấn đề nữa cũng được tôi nhắc đến về việc tập luyện. Đó là không có người thầy nào muốn trò mình kém cả, và cũng không phải ai cứ theo tập là thành. Vĩnh Xuân Nội gia là một môn tập luyện rất khó, đòi hỏi ở người tập rất cao về nhiều mặt. Chỉ nói riêng về thời gian, càng lên cao, càng phải dành thời gian cho việc tập luyện rất lớn. Không chỉ là 30 – 40 phút, mà hàng tiếng, nhiều tiếng trong ngày. Đơn cử có những bài quyền phải tập 30 – 40 phút mới hết bài (mà phải tập thường nhật), rồi tập thở hàng ngày ít nhất cũng phải 30 – 40 phút, tập luyện các phương thức quyền thuật khác cũng độ 30 – 40 phút (đó là tôi chỉ nói đến thời gian tối thiểu), như vậy đã hết 2 tiếng trong một ngày. Trong khi nhịp độ hoạt động của cuộc sống thì luôn gấp gáp. Làm thế nào để có thời gian theo tập đây??? Đó cũng là câu hỏi tôi xin đặt ra cho các anh em trong võ đường khi mà chúng ta quyết tâm đi theo Vĩnh Xuân Nội Gia, để mỗi người chúng ta tự xác định con đường chúng ta sẽ đi đến đâu, dừng lại ở đâu (khi mà chúng ta không thể có đủ thời gian theo tập lên cao), trong quá trình tập luyện. Do thời gian buổi lễ cũng có hạn, nên cũng có một số vấn đề tôi không nêu ra được, hoặc không được nêu trọn vẹn hết ý nghĩa của vấn đề.
Với lòng tin sắt đá vào Sư tổ và sư phụ, tôi luôn cầu mong các Sư tổ môn phái, Sư tổ Nguyễn Tế Công, Tôn sư Trần Thúc Tiển phù hộ cho môn phái Vĩnh Xuân, cho võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền của chúng tôi phát triển thịnh vượng vững bền, phù hộ cho mỗi môn đệ trong võ đường đạt được tâm nguyện chân thành trong tập luyện theo cơ duyên của mình.
Cũng trong buổi lễ trọng đại này, trên cơ sở kết quả tập luyện và huấn luyện của một số anh chị em ở võ đường Hồng Phúc, tôi cũng phong danh hiệu Huấn luyện viên cấp 2 cho bốn anh chị em. Bác Nguyễn Thế Trường, cố vấn của võ đường, đã trao chứng chỉ Huấn luyện viên cấp 2 cho bốn anh chị em.
Trong phát biểu trước võ đường, cùng với việc khen ngợi những bước phát triển võ đường trong năm qua, bác Nguyễn Thế Trường đã kể cho mọi người ở võ đường về một kỷ niệm khi bác Thế Trường dạy dưỡng sinh cho cố Tổng bí thư Ban chấp Đảng nhân dân cách mạng Lào Cay-xỏn Phôm-vi-hản, đã được cố Tổng bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản cho biết một số bài tập (dưỡng sinh và thở) mà bác Thế Trường dạy, rất giống các đòn thế, cách thở mà cố Tổng bí thư đã được học trực tiếp từ Sư tổ Nguyễn Tế Công, khi còn đang theo học tại trường Bưởi, Hà Nội. cố Tổng bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản còn khuyên mọi người theo tập những bài tập mà bác Thế Trường đã dạy và sau đó bác Thế Trường đã được mời sang Lào trực tiếp dạy dưỡng sinh cho các cán bộ Đảng và nhà nước của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Sau buổi lễ trang nghiêm, trọng thể và sâu sắc tại hội trường, thầy trò chúng tôi cùng bác Thế Trường đã về võ đường Thanh Quan dự tiệc chung vui trong ngày trọng đại của võ đường - Lễ Giỗ Tổ năm Nhâm Thìn – 2012.
Tại Ba Lan, buổi chiều cùng ngày (06/7/2012), sau buổi tập, đông đảo các anh em ở võ đường Đại Nghĩa cũng đã tổ chức ngày Giỗ Tổ tại võ đường. Các anh em đã nghiêm trang kính cẩn tưởng nhớ và hướng về Sư tổ Nguyễn Tế Công. Anh Trương Anh Tuấn cũng đã phát biểu, nói về ý nghĩa sâu sắc của ngày Giỗ Tổ của võ đường. Nói về công lao vô cùng to lớn của Sư tổ đã truyền lại cho thế hệ sau một môn võ vô cùng quý giá. Vĩnh Xuân là một sản phẩm trí tuệ của các bậc tiền bối trong môn phái trong mấy trăm năm qua và đã gìn giữ, lưu truyền đến ngày nay. Đây là một kho báu của nhân loại về kiến thức võ thuật và triết lý cuộc sống, đạo làm người. Anh Trương Anh Tuấn cũng nói về lòng tri ân của các hậu duệ của Sư tổ, về ý nghĩa vô cùng lớn lao của việc tìm được mộ Sư tổ Nguyễn Tế Công.
Chắc chắn Sư tổ Nguyễn Tế Công dưới suối vàng cũng thấy ấm lòng trước tấm lòng chân thành, sự tri ân vô cùng sâu nặng của thầy trò chúng tôi ở cả Việt Nam và Ba Lan.
Ngày hôm sau, ngày 07 tháng 7 năm 2012, tôi cùng ba người học trò của mình, võ sư Nguyễn Ngọc Tiến, võ sư Kiều Ngọc Diệp, huấn luyện viên cấp 1 Vũ Mạnh Thắng, đã thay mặt võ đường, bay vào thành phố Hồ Chí Minh để đến kính lễ tại Ban thờ ở nhà riêng của Sư tổ và đến mộ Người ở Nghĩa trang lái Thiêu, tỉnh Bình Dương. Cũng như bao lần đến kính lễ Sư tổ, tôi luôn cảm nhận được sự hiện diện, hiển linh của Sư Tổ. Tôi như được Sư tổ tiếp thêm cho sức mạnh, nội lực, sự minh trí, để có thể vững vàng đi theo con đường của Người đã chỉ ra cũng như dẫn dắt các học trò của mình đi theo con đường đó. Bác Nguyễn Chí Thành, con trai Sư tổ rất cảm động trước tình cảm của thầy trò võ đường chúng tôi.
Trong ngày trọng đại này của võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền, tôi cùng các học trò trong toàn võ đường một lần nữa xin được bầy tỏ lòng thành kính tri ân, lòng biết ơn vô hạn đến Sư tổ Nguyễn Tế Công, Tôn sư Trần Thúc Tiển, nhân ngày giỗ lần thứ 53 của Sư tổ Nguyễn Tế Công. Cầu chúc các Sư tổ môn phái, Sư tổ Nguyễn Tế Công, Tôn sư Trần Thúc Tiển luôn được mát lành nơi chín suối.
Thầy trò chúng tôi xin được chia sẻ niềm hạnh phúc lớn lao trong ngày trọng đại của võ đường, ngày chính giỗ Sư tổ Nguyễn Tế Công cùng mọi người yêu quý môn Vĩnh Xuân, yêu quý võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền của chúng tôi. Và xin chân thành cảm ơn tất cả.
Hà Nội ngày 11 tháng 7 năm 2011
Võ sư – kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
Võ sư – kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video
VÕ ĐƯỜNG
LIÊN KẾT