Thư ngỏ thứ chín của võ sư Nguyễn Ngọc Nội

Trong tháng vừa qua, tôi nhận được một số thư của các anh em yêu mến võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền gửi trực tiếp cho tôi, hỏi tôi về một số vấn đề mà họ quan tâm.
Trước hết, tôi rất cảm ơn các bạn đã tin tưởng nơi tôi, nên đã viết thư hỏi. Song tôi cũng chân thành nói thật là có những điều các bạn hỏi, tôi cũng không biết thế nào để mà trả lời và cũng có những điều các bạn hỏi, tôi cũng phải xin lỗi không trả lời được (vì những lý do rất riêng mang tính nội bộ). Thêm nữa, có những điều tôi cũng khó trả lời riêng cho từng bạn. Về một số câu hỏi tương đối trùng nhau, tôi xin được trả lời chung qua thư ngỏ này trên trang web của võ đường chúng tôi.
* Trong mấy năm gần đây, tôi nghĩ tôi cùng các bạn và nhiều người yêu mến môn Vĩnh Xuân rất vui vì đã có nhiều võ đường Vĩnh Xuân (Vịnh Xuân) được hình thành, phát triển không chỉ ở Hà Nội mà cả ở các tỉnh phía Nam. Trong đó có cả những võ đường (theo như giới thiệu) không xuất phát từ Sư tổ Vĩnh Xuân Việt Nam Nguyễn Tế Công. Điều này đã nói lên sự phát triển rất đáng phấn khởi của môn Vĩnh Xuân Việt Nam. Trong sự phát triển, tôi nghĩ khó có thể tránh khỏi những điều khác biệt ít nhiều giữa hệ thống công phu của các võ đường. Như các bạn cũng hiểu, một võ đường mới ra đời, người đứng đầu (người thầy) có thể không chỉ truyền thụ lại công phu mình đã học được (có thể học được từ nhiều bậc sư phụ) mà còn là những công phu mà bản thân người thầy đó ngộ ra trong quá trình tập luyện, đồng thời có thể (tôi nói có thể) còn có những công phu mà người thầy đó tìm hiểu được (tự học) qua những tài liệu trên những phương diện thông tin. Sự lĩnh hội (tiếp thu đòn thế của bản thân qua được truyền dạy), sự ngộ ra của bản thân, hoặc có thể qua tự học qua các tài liệu, đều rất quan trọng trong quá trình luyện tập của bản thân người học, từ đó có thể tạo nên sự khác biệt ít, nhiều, trong khi dạy lại cho thế hệ sau. Ở đây tôi xin loại trừ việc nói đến sự khác biệt hẳn về bản chất quyền thuật. Để có thể nhìn nhận sâu hơn về nguồn gốc công phu của một võ đường, của người thầy, các bạn có thể tìm hiểu qua nhiều kênh thông tin khác nhau, nhưng quan trọng hơn cả, các bạn cần minh trí cảm nhận, suy luận và đánh giá trên cơ sở những hiểu biết của mình. Từ đó, các bạn sẽ tìm được cho mình câu trả lời Vì sao cùng một bài quyền, có võ đường dạy từ đầu cho các môn sinh mới, có võ đường chỉ dạy cho những môn sinh cao cấp. Và vì sao bài quyền có cùng tên, lại khác nhau không chỉ một số đòn, mà còn khác hẳn bản chất thể hiện, khác hẳn cả về đòn thế? v.v. Việc các bạn theo học ở võ đường nào, nhiều khi không phải các bạn cứ muốn là được. Trong điều kiện hiện nay, có rất nhiều điều mà các bạn phải chịu sự tác động, không theo ý muốn của các bạn. Ví như võ đường bạn thích lại ở xa chỗ bạn ở, xa chỗ làm việc của bạn, làm sao mà bạn theo được. Hoặc như võ đường bạn muốn theo, thời gian tập lại không phù hợp với hoàn cảnh công việc và sinh hoạt của bạn chẳng hạn, bạn cũng không thể theo được.v.v. Theo tôi các bạn nên tùy duyên bối cảnh, đừng quá gượng ép mà khó thành, trong quá trình học cần lấy minh trí của bản thân để giúp ngộ ra những điều cần thiết trong tập luyện để nâng cao công phu cho bản thân mình. Các bạn đã theo học ở đâu, hãy tôn trọng công phu nơi đó. “Nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc” mà. Trăm sông đều ra biển cả.
Về việc các bạn hỏi sự khác nhau giữa hai dòng võ: Nội gia và Ngoại gia, Thực ra tôi đã nói đến trong những bài viết trước đây. Nhưng qua việc các bạn hỏi lần này, tôi xin chỉ được nói rõ thêm một trong những điểm quan trọng nhất thể hiện sự khác biệt giữa hai dòng võ là việc luyện Ý, luyện Khí trong quyền thuật. Dòng võ Nội gia đặc biệt quan tâm hàng đầu là luyện Ý và luyện Khí. Đây là hai điều mấu chốt để đạt được những đỉnh cao về quyền thuật trong dòng võ Nội gia như: nội lực, nội công, độ vững, độ linh… Quá trình luyện Ý, luyện Khí trong luyện tập trong các môn thuộc dòng võ Nội gia là một quá trình liên tục, triền miên, không đứt đoạn. Chính vì thế mà với những bài quyền, những phương thức tập luyện quan trọng và những bài quyền có liên quan đến luyện ý, luyện khí của các môn thuộc dòng võ Nội gia thường rất dài, không chỉ 15, 20 phút mà có thể kéo dài đến cả tiếng đồng hồ cho một bài quyền. Đây chính là một trong những đặc điểm khó khăn cho người tập theo dòng võ Nội gia. Và đây cũng chính là một đặc điểm làm cho thời gian theo tập các môn thuộc dòng võ Nội gia thường kéo dài, không vượt qua được nguyên tắc “tiệm tiến” và không có cách nào rút ngắn được, làm cho không ít người không thể theo được lâu dài, nhất là trong thời đại kinh tế sôi động hiện nay.
* Với việc các bạn hỏi làm thế nào để được theo tập tại võ đường Hồng Phúc của chúng tôi, thì như các bạn đã biết: võ đường Hồng Phúc chủ yếu đào tạo các môn sinh cao cấp để trở thành các Huấn luyện viên, các võ sư của võ đường. Các môn sinh sau khi hoàn thành chương trình B, tùy theo khả năng phát triển, điều kiện tập luyện, sự tâm huyết và mức độ cảm nhận bản chất Nội gia của môn phái, mà môn sinh được chuyển lên đào tạo cấp cao hơn: Huấn luyện viên, võ sư tại võ đường Hồng Phúc. Trước đây, từ tháng 5 năm 1980 đến năm 1984, trước khi tôi đi nước ngoài công tác, mỗi khi tiếp nhận học trò mới (kể từ lớp dầu tiên tôi dạy, có học trò Trưởng tràng Trần Thanh Ngọc của tôi), tôi đều đưa đến mộ sư phụ tôi, cố võ sư Trần Thúc Tiển làm lễ, sau đó về mới bắt đầu tiến hành dạy. Từ năm 1987 cho đến nay, tôi cho làm lễ theo học tại nhà. Khi có điều kiện mới đưa lên lễ trên mộ sư phụ. Các bạn có thể đọc thêm trên trang web của võ đường một số bài viết về việc này và xem một số ảnh thầy trò chúng tôi lễ sư phụ tôi tại Nghĩa trang Văn Điển (trước năm 1982), và sau đó là trên Yên Kỳ, Bất Bạt (từ năm 1982 cho đến nay).
Còn một vài điều mà qua thư các bạn có đề cập cụ thể, nhưng như trên tôi đã viết: tôi cũng không biết vì sao lại như vậy, nên tôi không thể trả lời các bạn được. Rất mong các bạn hiểu, thông cảm và bỏ qua.
Một lần nữa xin chân thành cảm ơn các bạn đã tin tưởng nơi tôi, viết thư hỏi tôi. Rất mong các bạn và mọi người quan tâm, giúp đỡ võ đường Việt nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền của chúng tôi trên con đường phát triển.
Cảm ơn mọi người đã quan tâm đến bài viết của tôi.
Hà Nội ngày 22 tháng 7 năm 2012
Võ sư – kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo