Về nguồn gốc Vịnh Xuân
Diệp Chuẩn
Nghiên cứu lịch sử võ công Trung Hoa thập phần gian nan. Đó là do bởi thiếu các thư tịch. Lịch sử của mỗi môn phái thường được truyền khẩu từ thầy cho trò. Sau một thời gian, người trò trở thành thầy và lại truyền những gì nghe được cho trò của mình. Lịch sử được truyền khẩu từ thế hệ này đến thế hệ khác như vậy. Trong quá trình này, có những người không được học hành hay có trí nhớ kém. Lại có cả những người không quan tâm tới lịch sử và sự truyền dạy nó. Nhiều điều đã thất truyền. Một số người lại vay mượn từ văn học những nhân vật anh hùng, thêm thắt, cường điệu, gắn thêm tính huyền thoại cho sư tổ của họ. Sau vài thế hệ, sự thật lịch sử sẽ bị mai một bởi chỉ còn đồn đại và truyền thuyết. Như các môn phái ở miền Nam, họ dựng nên các truyền thuyết xung quanh các Sư tổ, nên tất cả các Sư tổ này nếu không phải xuất thân Thiếu Lâm Tự, thì cũng từ Võ Đang (Mo Dong). Họ đều là các đại sư hay đạo sĩ. Do đó, bỗng nhiên hào quang và cả sự cường điệu được gán ép cho những nơi yên bình và những con người hiền lành đó. Điều đó trở thành trò cười.
Cũng đã có những truyền thuyết về nguồn gốc Vịnh Xuân phái, truy lại tận thời kỳ trước Lương Tán Tổ sư. Đó chỉ là truyền thuyết vì không có những thư tịch đầy đủ. Các truyền thuyết đó nói chung như sau:
Vịnh Xuân được thành lập bởi Nghiêm Vịnh Xuân. Bà học từ Ngũ Mai Đại sư, Thiếu Lâm Tự. Có nghĩa là Vịnh Xuân có gốc từ Thiếu lâm. Nghiêm Vịnh Xuân lấy chồng là Lương Bác Trù (Leung Bok Chau), rồi theo chồng về lại Siu Hang, Quảng Đông. Vịnh Xuân công-fu truyền đến Lương Tán (Leung Jan) qua Lương Bác Trù. Có hai truyền thuyết khác nhau ở đây. Một cho rằng, Lương Bác Trù dạy cho Lương Lan Quế (Leung Lan Kwai), Hoàng Hoa Bảo, Lương Nhị Đệ và những đệ tử khác. Hoàng Hoa Bảo và Lương Nhị Đệ sau đó truyền cho Lương Tán. Một lại cho rằng Lương Tán cùng nhiều đệ tử khác đã học trực tiếp từ Lương Bác Trù. Những truyền thuyết này về nguồn gốc Vịnh Xuân giống như bài viết của Tiên sư Diệp Vấn, và bài viết của tôi năm 1972 cho “Hội Võ thuật Đương đại Hồng Kông”. Chúng cũng giống các câu truyện thông thường về lịch sử Vịnh Xuân.
Năm 1982, tôi ở Phật Sơn, có đến thăm Bành Nam (Pang Nam) (biệt danh là Hắc Diện Nam). Bành Nam là một môn đồ cao niên, nhưng không hẳn ở thứ bậc cao, của Phật Sơn Vịnh Xuân Võ phái. Ông đã 80 tuổi lúc đó. Khi nói chuyện về nguồn gốc VX, Bành Nam nói “Vịnh Xuân được truyền đến Phật Sơn từ miền Bắc do một người có biệt danh là Than-Thủ Ngũ (Tan-sau Ng.). Nghiêm Vịnh Xuân chỉ là một nhân vật tiểu thuyết...”. Ông có vẻ rất chắc chắn về điều này.
Sau này, tôi tình cờ phát hiện vài thông tin về Than-Thủ Ngũ, trong thư tịch cổ về Ca Kịch Trung Hoa, có liên quan đến nguồn gốc Vịnh Xuân. Đó là cuốn sách của Khiếu Hà Quân (Mak Siu Har) “Nghiên cứu về lịch sử Ca Kịch Quảng Đông” (hiện lưu tại Thư viện Thị Chính Hồng Kông). Trong đó có một đọan đại ý như sau:
Trước triều Ung Chính (1723-36, Mãn Thanh), Ca Kịch Quảng Đông không phát triển lắm do tổ chức kém và phân công lao động không rõ ràng. Vào thời Ung Chính, Trương Ngũ, người Hồ Bắc, còn được biết với tên là Than-Thủ Ngũ, đã truyền nghề tới Phật Sơn và lập nên Hồng Hoa Hội Quán (Hung Fa Wui Koon). Từ đó, Ca Kịch Quảng Đông mới phát triển vượt bậc.
Quyền sách này còn ghi: ngoài việc là một diễn viên Ca Kịch giỏi, Trương Ngũ còn rất giỏi võ. Than Thủ của ông ta là vô địch võ lâm.
Một thông tin khác ở trang 631, tập 3, quyển “Lịch sử Ca Kịch Trung Hoa” của Mãnh Dao (Mang Yiu), do NXB Chuen Kay in năm 1968: “Vì một số lý do, Trương Ngũ đã không thể ở lại Kinh thành, phải ẩn trốn tại Phật sơn. Đó là vào thời Ung Chính. Ông này, với biệt danh là Than-Thủ Ngũ, là một nhân vật “xuất chúng cả về văn võ nhạc và kịch”. Ông đặc biệt giỏi võ Thiếu Lâm. Sau khi cư ngụ ở Phật sơn, ông đã truyền nghề kịch và võ thuật cho những người trong đoàn Hồng Thuyền, và tạo dựng Hồng Hoa Hội Quán ở Phật sơn. Đến nay, các nhóm Ca Kịch Quảng Đông vẫn tôn ông làm Tổ sư, và vẫn gọi ông là Trương sư phó.
Từ hai thông tin trên: Trương Ngũ, cũng là Than-Thủ Ngũ, không chỉ giỏi võ mà còn dạy võ. Ông có biệt danh Than-Thủ Ngũ vì “Than Thủ của ông là vô địch võ lâm”
So với truyền thuyết về Nghiêm Vịnh Xuân, tôi cho rằng câu chuyện về Than Thủ Ngũ có vẻ xác thực hơn về nguồn gốc Vịnh Xuân do các lý do sau:
1. Trương Ngũ đến Phật Sơn dưới thời Ung Chính, tức trước khi chùa Thiếu Lâm bị cháy (thời Càn Long, 1736-95) khoảng 40-50 năm. Trước cả câu chuyện về Nghiêm Vịnh Xuân khoảng 100 năm, vì chuyện đó vào thời Hàm Phong (1851-61) hoặc Đạo Quang (1821-50)
2. Than Thủ là một công phu chỉ của riêng Vịnh Xuân. Trương Ngũ lại nổi tiếng vì Than Thủ (vô địch võ lâm). Trương Ngũ cũng đã dạy võ tại Phật Sơn Hồng Thuyền. Và Phật Sơn là cái nôi của Vịnh Xuân.
3. Vài năm trước, bạn đồng môn của tôi Bành Kam Fat nói cho tôi là thế tấn khép chân chữ “Nhị” rất thích hợp trên thuyền. Suy nghĩ tiếp, có thể thấy các cú đánh, và diện tích tập luyện đều có vẻ phù hợp với các chiếc thuyền hẹp.
4. Trước khi, võ nghệ được truyền cho Lương Tán, những người liên quan như Lương Lan Quế, Đại Hoa Diện Cẩm, Hoàng Hoa Bảo, Lương Nhị Đệ...đều là người trong Hồng Thuyền
Tất nhiên, rất khó kiểm chứng nguồn gốc Vịnh Xuân từ tư liệu ít ỏi về Trương Ngũ này. Do vậy, trong khi chưa tìm được thêm thông tin và chứng cứ, chúng ta có thể tạm giả định như sau:
Vào thời Ung Chính, một nghệ nhân Hồ Bắc là Trương Ngũ, biệt danh là Than Thủ Ngũ, do điều gì đó đã phải trốn khỏi Kinh thành đến Phật Sơn. Ông đã thành lập Hồng Hoa Hội Quán tại Đại Cơ Vĩ (Tai Kay Mei), Phật Sơn. Ngoài Ca Kịch, ông còn dạy võ và được gọi là Trương sư phó. Võ thuật của ông lúc đó đã có những nguyên tắc và kỹ thuật của Vịnh Xuân, có thể là chưa đủ tòan bộ, hoặc chưa hòan thiện. Sự truyền bá và phát triển (chủ yếu là trong Hồng Thuyền) đã trải hàng trăm năm, với những cố gắng của nhiều người như Nghiêm Vịnh Xuân, Lương Bác Trù, Hoàng Hoa Bảo, Lương Nhị Đệ, Vịnh Xuân trở thành một môn võ hoàn chỉnh, được truyền bá và phát huy dưới thời Lương Tán.
Giả thuyết này gạt bỏ những yếu tố huyền bí gán cho Vịnh Xuân, và có được sự trật tự của các sự kiện. Nó cũng cung cấp một hướng gợi mở cho những ai quan tâm đến lịch sử Vịnh Xuân. Ngày nay đang có phong trào truy tầm nguồn gốc. Xin các bạn đồng môn cùng nỗ lực.
(Người dịch: Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền)
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video
VÕ ĐƯỜNG
LIÊN KẾT