Đôi nét về Thiền

(Trích trong cuốn “Dưỡng sinh Vĩnh Xuân Nội gia”)
Hiện nay có rất nhiều sách viết về Thiền, trong đó có những quan niệm, nhìn nhận, phân tích, đánh giá về Thiền trên nhiều góc độ. Với gần 40 năm tập luyện theo dòng Nội gia, từ Yoga (hình 1) đến Vĩnh Xuân Nội gia (hình 2), theo sự giác ngộ của bản thân, tôi xin trình bầy một số hiểu biết của tôi về Thiền như sau:
Thiền là phương pháp tu hành của nhà Phật và là phương thức tu luyện duy nhất đưa người tu luyện có thể đi đến sự giác ngộ tuyệt đối, đồng thời là một phương thức tập luyện hữu hiệu nhất để người tập luyện có thể đạt được mục đích trong tập luyện của mình.
Hình 1Hình 2
Trong quá trình truyền dạy Phật pháp cho đệ tử, chúng sinh, Đức Phật đã chỉ ra con đường đi duy nhất để đạt được sự giác ngộ tuyệt đối (sự giải thoát) cho những người tu hành đó là THIỀN: “không Thiền, không Định. Không Định, không Huệ”. Chính vì vậy mà chữ “Định” thường được gọi chung với chữ “Thiền” là Thiền Định.
Chỉ với tám chữ thôi “không Thiền, không Định. Không Định, không Huệ”, những đã thể hiện rõ rệt con đường mà người tu hành phải đi theo nếu muốn thành chính quả. Nói ngắn gọn và đơn giản hơn nữa thì: Thiền là con đường duy nhất đi đến sự giải thoát. Đó là một con đường duy nhất, kéo dài suốt cuộc đời, nhiều khi đi qua nhiều kiếp người. Mà hành trang để đi được rốt ráo của sự tu luyện trên con đường đó chính là THIỀN, và chỉ có Thiền mới đưa được người tu luyện đến được đích của sự tu hành.
Chỉ có Thiền, con người tu hành mới có thể đạt được sự tĩnh lặng tuyệt đối (Định) để cho bản ngã được hiện hữu như một hồ nước phẳng lặng tuyệt đối, trong vắt đến tận đáy. Và từ đây, minh trí và sự giác ngộ được phát Huệ, Người tu luyện hoàn toàn làm chủ mọi mặt của con người mình một cách tuyệt đối. Con người và Vũ trụ hòa làm một. Sự sống – chết không còn ý nghĩa gì với người tu luyện. Con người đi vào sự giải thoát. Đây là đích cuối cùng của sự tu hành.
Trong tu Thiền (tôi xin được nhấn mạnh chữ “tu”), tôi nghĩ, người tu hành còn phải “ngộ” ra một chân lý tuyệt đối mà Phật tổ Bồ Đề Đạt Ma đã truyền dạy để người tu hành có thể đến được sự giải thoát. Đó là: Thiền “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”. (không lập chữ nghĩa, truyền ngoài giáo điều, chỉ thẳng vào tâm, thấy tính thành Phật).
Tôi không phải là nhà tu hành, song với những năm tháng ngồi Thiền, nương theo pháp “Quán tự tại”, tôi có đôi chút hiểu biết về con đường “tu”, nay mạo muội đưa ra cùng trao đổi, để có thể cùng nhau tìm ra được con đường tốt nhất trong tập luyện cho bản thân mỗi người trong Thiền.
Trong tập luyện võ thuật, dưỡng sinh, hoặc tập luyện khác để thúc đẩy tiềm năng trong con người, Thiền là phương thức tập luyện hữu hiệu nhất giúp cho con người tập luyện có thể đạt được mục đích tập luyện của mình bên cạnh nhiều phương pháp khác. Thông qua Thiền, người tập luyện có thể đưa vào đó những phương pháp tập luyện như các phương pháp thở, dẫn khí, các phương pháp quán tưởng.v.v. Qua đó đánh thức nhanh và tốt nhất những tiềm năng trong cơ thể con người, từ đó có thể đem lại cho người tập luyện những công phu cao, rất cao, mà các phương pháp khác khó có thể cho kết quả được như vậy.
Đây là cuốn sách tôi viết về dưỡng sinh Vĩnh Xuân Nội gia, cho nên tôi không thể đi sâu vào các lĩnh vực khác được. Tôi chỉ xin phép được trình bầy đôi nét về Thiền theo sự giác ngộ của tôi trong quá trình tập luyện. Để hiểu thêm về Thiền, các bạn có thể tìm hiểu thêm qua rất nhiều tác phẩm về Thiền hiện có.
Tác giả: Võ sư – kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo