Nhớ sư phụ, nghĩ về những điều truyền dạy

Nhìn lên di tượng của Người, sư phụ của tôi, cố võ sư Trần Thúc Tiển, tôi dõi mắt vào cõi xa xăm, thấy đâu như phảng phất hình bóng Người dịu hiền, gần gũi. Vừa mới ngày nào đây thôi, được sư phụ dẫn tay từng đòn thế, được ngồi bên sư phụ, nhìn xuống mặt Hồ Gươm, nghe sư phụ kể chuyện ngày xưa theo Sư tổ, được sư phụ chỉ dạy cho những yếu quyết của bản môn, thế mà… Thế mà đã 33 năm trôi qua, đã 33 năm tôi chỉ được nhìn thấy sư phụ qua ảnh của Người, qua tượng của Người, được gặp sư phụ qua những giấc mơ. Mỗi khi tôi chạm tay vào ảnh Người, chạm tay vào tượng Người, chạm tay vào mộ Người, tôi lại sống lại những cảm giác khi theo tay Người trong buổi tập. Quả thật, đã mấy năm qua rồi, qua mấy lần giỗ rồi, hôm nay, trong ngày giỗ sư phụ năm nay, lòng tôi lại gieo nặng một nỗi buồn sâu nặng, một nỗi nhớ sư phụ đến xé lòng…
Nhắm mắt lại, những hình ảnh trong những ngày tháng ở bên sư phụ trôi qua trong tâm trí tôi, những lời nói của sư phụ vẫn vang lên bên tai tôi cũng như những lời tôi nói với sư phụ, hứa với sư phụ mỗi khi đến bên mộ Người, mỗi khi thắp hương trước ban thờ Người trong suốt 33 năm qua, lại vang lên trong lòng. Đã không ít lần, tôi phải sám hối trước mộ Người về những điều đã hứa với Người mà chưa làm được, mà không làm được.
Thời gian cứ trôi, chả đợi chờ ai, trong khi mà cuộc sống đổi thay đến chóng mặt. Sự thay đổi như dòng lũ lớn, đã cuốn đi những bao lời dạy của người xưa về nghĩa Thầy trò, về tình huynh đệ, về lòng trung thành, về suy nghĩ trước sau…
Lúc này đây lời tán thán của Đại thi hào Nguyễn Du, tác giả của Truyện Kiều bất hủ lại vang lên trong tôi:
“Ba trăm năm nữa ta đâu biết,
Thiên hạ ai người khóc Tố Như?”
Cơ duyên đã dẫn dắt cho tôi là người học trò cuối cùng trong cuộc đời truyền dạy của sư phụ và cũng trong năm cuối cùng của sư phụ cũng chỉ còn một mình tôi gắn bó cùng Người. Tôi hạnh phúc được sư phụ kể cho nghe nhiều chuyện trong cuộc đời tập luyện và truyền dạy của sư phụ. Những câu chuyện cả vui, cả buồn, của sư phụ, vẫn in đậm trong tâm trí tôi suốt 34 năm qua và tôi nhận thấy sư phụ cũng nhẹ lòng khi kể lại cho tôi nghe. Những tâm trạng vui, buồn của sư phụ vẫn ở trong tôi, vẫn tái hiện trong tôi mỗi khi nhớ lại những điều sư phụ đã kể cho nghe và mỗi khi tôi ngẫm về quá trình tập luyện, truyền dạy trong quãng đời đã qua trong cuộc đời mình.
Đã 33 năm rồi, nỗi nhớ sư phụ không lúc nào nguôi.
Đã không ít người bảo tôi là bảo thủ, cứ giữ mãi lối dạy truyền thống, không chịu mở lòng để truyền dạy rộng công phu đã học được cho nhiều người để qua đó còn phát triển, cứ đóng cửa mà dạy, ai biết có công phu gì, công phu thực đến đâu.v.v. và v.v.. Thật lòng tôi không phải là người quá bảo thủ, tôi đã mở lòng, tôi đã có sự cố gắng để đổi thay và cũng đã có những thay đổi trong tiềm thức về việc truyền dạy. Nhưng mỗi lần đứng trước mộ sư phụ, trước ban thờ sư phụ, nhớ lại những điều được truyền dạy, nghĩ về những gì đã qua trong quá trình tôi truyền dạy, tôi đã không ít lần phải sám hối và tôi phải răn dặn lòng mình hãy tuân thủ những điều đã được sư phụ dạy, sư phụ dặn, mà đó cũng là những gì mà sư phụ đã được Sư tổ Nguyễn Tế Công truyền cho.
Giờ đây, trong nỗi nhớ sâu thẳm về sư phụ, tôi lại nhớ về những điều tôi đã đọc được trong cuốn “Võ thuật thần kỳ” (đã được tái bản lần thứ ba), do võ sư cao cấp Kim Dao, nguyên Chủ tịch Hội võ thuật Hà Nội dịch từ tiếng Trung Quốc sang, có nói về việc truyền dạy trong dòng võ Nội gia: “nội gia quyền có năm loại không truyền: kẻ tâm hiểm, kẻ hay đấu đá, kẻ nát rượu, kẻ hời hợt lộ liễu, kẻ xương mềm tư chất kém. Trong số những loại người này, bốn loại người xếp ở trên đều khó hy vọng có được võ đức, vì vậy chẳng nên truyền làm gì”. Càng ngẫm, tôi càng thấy mình phải sám hối nhiều hơn trước Sư tổ Nguyễn Tế Công và trước sư phụ.
Đã 33 năm trôi qua, tôi hạnh phúc đi trên con đường mà Sư tổ Nguyễn Tế Công đã vạch ra và được sư phụ dắt tay dẫn vào con đường đó. 33 năm đã trôi qua, giờ đây tôi thấy mình vẫn chưa làm được bao nhiêu để bầy tỏ được lòng tri ân sâu nặng đến Sư tổ Nguyễn Tế Công và sư phụ Trần Thúc Tiển.
Thắp nén hương thành kính dâng lên sư phụ nhân ngày giỗ của Người, tôi lại cầu mong, những lời cầu mong trong suốt 33 năm qua, cầu xin Sư tổ, và sư phụ phù hộ cho tôi trên con đường tập luyện, tu luyện Vĩnh Xuân và cho tôi có thể đem những công phu của mình đã học, đã ngộ, để giúp cho môn phái được phát triển, đem lại vẻ vang cho tên tuổi của Sư tổ và sư phụ. Và tôi cầu mong có được những người học trò tâm huyết, chân thành, chung thủy, để cùng tôi, để sẽ nối nghiệp tôi trên con đường phát triển môn phái, phát triển võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền ở Việt Nam, ở Ba Lan và có thể rộng ra trên thế giới.
Thời gian đang dần trôi để đến một mùa xuân mới, mùa xuân của năm Quý Tỵ. Hương vị của năm mới cũng đang đến gần, rất gần.
Nhân dịp chuẩn bị đón năm mới Quý Tỵ - 2013, tôi xin chân thành cầu chúc mọi người, mọi gia đình có một năm mới với sức khỏe dồi dào, mọi sự luôn an lành, như ý, hạnh phúc và thịnh vượng. Cầu chúc cho môn Vĩnh Xuân và võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền của thầy trò chúng tôi phát triển vững bền ở cả Việt Nam và Ba Lan cũng như rộng ra trên thế giới.
Cảm ơn và biết ơn mọi người đã dành sự tin yêu cho võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền của thầy trò chúng tôi.
Nhân ngày giỗ của sư phụ 21 tháng Chạp năm Nhâm Thìn
                                                                                          (01 tháng 02 năm 2013)
                                                                                        Võ sư – Kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo