Một câu chuyện – một bài học vô cùng sâu sắc trong cuộc đời

Trong bao năm qua, tôi nghĩ hầu hết mọi người trong nhiều thế hệ của chúng ta đều đã biết đến một tác phẩm kinh điển rất nổi tiếng của Tác giả Ngô Thừa Ân trong nền văn học Trung Hoa, đó là tác phẩm TÂY DU KÝ.
Cuốn tiểu thuyết kinh điển này thuật lại trong đó quá trình vô cùng gian nan, vất vả, đầy chông gai và nguy hiểm của nhà sư Huyền Trang (Đường Tam Tang) cùng 3 đồ đệ: Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới (Trư Ngộ Năng) và Sa Tăng (Sa Ngộ Tĩnh) đi sang Đất Phật, Tây Trúc (Ấn Độ) để lấy Kinh.
Mỗi một chặng đường đi qua, mỗi một câu chuyện sẩy ra trên chặng đường đi qua, là những bài học lớn cho sự nhìn nhận muôn mặt của cuộc sống, cho sự thấu hiểu cách ứng xử trong cuộc đời và vượt lên tất cả là sự “ngộ” ra những chân lý, giáo lý, nguyên tắc trên con đường ĐẠO.
Trong những câu chuyện được thuật lại trong bộ tiểu thuyết đó, có một chuyện mà tôi ngẫm thấy như một bài học rất sâu sắc trong việc “ngộ” ra trên con con đường ĐẠO, mà gần hơn là trên con đường võ thuật. Đó là câu chuyện kể về thời gian đầu cuộc đời của Tôn Ngộ Không, khi mà Tôn Ngộ Không với mong ước luyện được trường sinh bất tử đã lên đường tìm thầy học đạo. Vượt qua hai biển lớn, một cõi đất trời với bao núi cao, rừng sâu, qua chín năm trời đằng đẵng, Tôn Ngộ Không đã tìm được sư phụ là Bồ Đề Sư Tổ. Sau bẩy năm đến với sư phụ, một hôm, khi được sư phụ hỏi về mục đích cao nhất đến tu luyện, Tôn Ngộ Không đã khẳng định mục đích đến tu luyện chỉ để được trường sinh bất tử. Sự kiên định trong quá trình trả lời sư phụ của Tôn Ngộ Không đã làm Bồ Đề Sư Tổ thể hiện sự bực tức. Người đã gõ vào đầu Tôn Ngộ không ba cái, rồi chắp tay ra sau, quay vào phòng, đóng cửa. Trong khi các đồng môn, người thể hiện sự thương hại, người thì trách móc, riêng Tôn Ngộ Không bên ngoài vẫn cười giỡn vui tươi, song bên trong thì mừng rỡ vô cùng vì đã nhận ra được thông điệp từ người thầy qua những cách thức ứng xử của sư phụ đối với mình. Và đúng như sự “ngộ” ra được lời nhắn nhủ của sư phụ, canh ba đêm hôm đó, Ngộ Không đã qua cửa sau vào gặp được sư phụ. Cảm nhận được sự thành tâm của Ngộ Không và nhất là thấy được “ngộ tính” rất cao của Ngộ Không (đã đoán nhận được thông điệp gửi cho qua cách ứng xử), Bồ Đề Sư Tổ đã truyền thụ phép thuật trường sinh và sau đó là bẩy mươi hai phép thần thông quảng đại cùng phép Cân đẩu vân.
Câu chuyện kể là như vậy, nhưng tôi thiển nghĩ bên trong đã hàm chứa những điều về giáo lý, những nguyên tắc vô cùng sâu xa trong việc truyền dạy và học “đạo”.
Trong việc truyền dạy công phu (nói đơn giản là kiến thức trong lĩnh vực truyền dạy) - tôi xin phép được gọi chung là “đạo” – từ câu chuyện trên, ta đã thấy ngay từ những thời rất xa xưa đã có những giáo lý, những nguyên tắc bất thành văn. Những công phu đặc biệt, chỉ truyền trực tiếp từ người thầy sang người trò (một thầy, một trò), Thậm chí chỉ truyền cho một người duy nhất (“độc truyền”). Người được truyền không được tự ý thể hiện những gì mình được truyền dạy riêng cho mọi người biết (ngay cả với đồng môn của mình), khi chưa được sư phụ cho phép (đây cũng chính là một cách thức tự bảo vệ mình để tránh những đố kỵ có thể gây hại cho bản thân mình). Những điều này như một quy chuẩn nghiêm mật, bất thành văn và được lưu truyền, thực thi trong hầu hết các “đạo”, cũng như các “môn” mang những nét đặc trưng riêng có, trong xã hội loài người từ ngàn xưa cho tới nay. Mọi sự vi phạm đều được xử lý rất nghiêm khắc, và không khoan nhượng. Trong câu chuyện về Tôn Ngộ Không nói trên, khi biết Tôn Ngộ Không tự động biểu diễn phép thuật được học cho đồng môn xem, ngoài việc vì môn quy và cũng để bảo vệ cho trò (Tôn Ngộ Không), Bồ Đề Sư Tổ đã bắt Tôn Ngộ Không phải rời bỏ nơi tu luyện ngay lập tức. Đồng thời cũng để bảo vệ nguồn gốc công phu riêng của bản môn đã truyền thụ, Bồ Đề Sư Tổ còn buộc phải có cách giải quyết thực sự khắc nghiệt là buộc Tôn Ngộ Không không được nói ra người dạy mình.
Những giáo lý, những nguyên tắc dạng như trên đã được thể hiện không chỉ qua rất nhiều các tác phẩm văn học qua các thời đại, mà thực tế cũng phần nào phản ảnh thực sự như vậy.
Tôi liên tưởng đến hình ảnh Sư tổ Nguyễn Tế Công khi truyền thụ công phu cao cấp của bản môn cho sư phụ tôi, cố võ sư Trần Thúc Tiển, cũng buộc sư phụ tôi phải tập riêng (một thầy, một trò) trên gác hai, khóa cửa ngoài và để yên tâm hơn còn dạy sư phụ tôi bên trong màn (để có ai đó cố tình nhìn qua lỗ khóa cũng khó nhận được các cách thức Sư tổ truyền dạy), đồng thời trong quá trình Sư tổ truyền dạy, Sư tổ còn không cho phép sư phụ tôi bộc lộ cho ai biết những gì được Sư tổ dạy riêng.
Trong học “đạo” nói chung và trong học tập các kiến thức, công phu nói riêng, sự “ngộ” ra được bản chất sâu xa hàm chứa bên trong những “nội dung” được học của người theo học cũng là một vấn đề không đơn giản. Câu chuyện chỉ có mình Đức Ma Ha Ca Diếp trong số hàng trăm môn đồ, “ngộ” được ý nghĩa sâu xa khi Đức Phật Thích Ca Mầu Ni cầm cành sen trên tay đưa lên, đã nói lên để có được “ngộ tính” của bản thân, hiểu được những hàm ý sâu xa trong sự truyền dạy của sư phụ quả là sự đòi hỏỉ rất nhiều điều từ người trò, trong tâm người trò. Cũng như câu chuyện về Tôn Ngộ Không nói trên, trước biết bao học trò, chỉ có mình Tôn Ngộ Không hiểu được ý nghĩa sâu xa của cách xử sự của sư phụ đối với mình.
Trong việc truyền “đạo”, có biết bao ẩn ý thâm sâu hàm chứa trong các nội dung được thể hiện mà không phải dễ gì nhận thấy được. Nói gần hơn, đơn giản hơn là trong võ thuật, những công phu võ thuật, nếu không thực sự say mê, tâm huyết, chân thành và cần mẫn tập luyện, với sự truyền dạy tâm huyết của người thầy thì cũng không dễ “ngộ” ra được bản chất thật sự bên trong những công phu đó. Không như vậy thì mới chỉ là tiếp xúc được, học được cái “hình”, cái bên ngoài của “công phu” đó mà thôi. Trong Yoga có một lời khuyên thật hữu ích: “tìm thì thấy”. Ở đây cái khó nhất trong câu là chữ “tìm”. Ta “tìm” thế nào để thấy mới là vấn đề phải đặt tâm. Đã thực sự muốn “tìm” chưa và có đủ kiên nhẫn để “tìm” thấy điều mà mình muốn tìm chưa, trong khi việc “tìm” cũng đâu phải dễ dàng để “thấy” được điều muốn tìm. Tìm thấy rồi thì phải luyện như thế nào với sự chỉ dạy tâm huyết của sư phụ để thành, lại là một chặng đường không ngắn.
Đã mấy nghìn năm qua, đã biết bao đời nay, chữ “ngộ” luôn là một từ hàm chứa bao điều sâu xa mà không thể có từ nào thay thế được. Xuất phát từ có cơ duyên với “đạo”, với lòng khát khao “tìm” đến “đạo”, tâm huyết theo “đạo”, say mê học “đạo”, được thầy tận tậm chỉ dạy “đạo pháp”, tâm được khai sáng, “ngộ tính” được lộ ra, tất yếu sẽ “ngộ” được mọi điều trong “đạo pháp” mà thầy truyền cho. Đó là một quá trình hình thành tất yếu và đó chính là bản chất của việc “tìm thì thấy”.
Những câu chuyện của người xưa truyền khẩu qua các đời, qua các tác phẩm văn học bất hủ, luôn chứa đựng những bài học vô cùng sâu sắc cho người đời. Mọi người chúng ta đều có thể thấy được những bài học sâu sắc đó khi mà ta đặt tâm “tìm thì thấy”.
Nhân những ngày đầu xuân Quý Tỵ - 2013, tôi mạo muội viết ra những thiển nghĩ của tôi về một câu chuyện trong tác phẩm văn học bất hủ TÂY DU KÝ. Kính mong các bậc cao nhân và mọi người thể tất cho những khiếm khuyết trong những lời dông dài trong những ngày đầu xuân mới.
Tôi chân thành kính chúc các huynh đệ đồng môn, các anh em trong giới võ thuật, mọi người yêu mến võ thuật, yêu mến võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền của thầy trò chúng tôi cùng gia đình một năm mới Quý Tỵ – 2013 luôn dồi dào sức khỏe, mọi sự an lành, hạnh phúc, thịnh vượng và thành công.
Cảm ơn mọi người đã quan tâm đến bài viết của tôi.
Hà Nội, những ngày Tết, đầu xuân Quý Tỵ - 2013
Võ sư – kỹ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo