Trích đăng sách Dưỡng sinh Vĩnh Xuân Nội gia
Các bạn yêu quý võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia quyền thân mến,
Trong thời gian vừa qua, có một số bạn ở xa có gửi thư cho sư phụ chúng tôi, võ sư – kỹ sư Nguyễn Ngọc Nội đặt vấn đề muốn sư phụ chúng tôi cho đăng một số nội dung chính trong cuốn sách “Dưỡng sinh Vĩnh Xuân Nội gia”, để các bạn tìm hiểu, vì các bạn ở xa không có điều kiện tìm mua cuốn sách này. Hôm nay, được phép của sư phụ chúng tôi, chúng tôi xin đăng tải một nội dung quan trọng trong công phu dưỡng sinh nói riêng và công phu Vĩnh Xuân Nội gia Quyền nói chung, đó là công phu tập luyện thở. Do số trang viết về nội dung này cũng nhiều, nên chúng tôi xin phép được đăng tải dần những nội dung trong đó. Rất mong các bạn thông cảm và quan tâm theo dõi.
Cảm ơn tình cảm các bạn đã dành cho sư phụ tôi cũng như võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền của chúng tôi.
Ngày 15 tháng 3 năm 2013
Admin võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền
Admin võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền
PHƯƠNG PHÁP DƯỠNG SINH VĨNH XUÂN NỘI GIA
(Trích trong cuốn “Dưỡng sinh Vĩnh Xuân Nội gia” của võ sư - kỹ sư Nguyễn Ngọc Nội)
(Trích trong cuốn “Dưỡng sinh Vĩnh Xuân Nội gia” của võ sư - kỹ sư Nguyễn Ngọc Nội)
Khi nói đến tập luyện dưỡng sinh, về cơ bản, các môn dưỡng sinh đều chia ra hai phần tập luyện cụ thể, đó là:
- Tập luyện thở.
- Tập luyện các tư thế, động tác theo mục đích dưỡng sinh.
Phương pháp dưỡng sinh của Vĩnh Xuân Nội Gia (VXNG) cũng như vậy. Người tập phải tập luyện theo hai phương thức như trên: Tập luyện thở và tập các đòn thế, bài quyền. Hai phương thức này được tập luyện đồng thời và quan hệ với nhau hữu cơ khăng khít. Thúc đẩy nhau tốt lên trong quá trình tập luyện. Không thể thiếu một trong hai phương thức trong quá trình tập luyện dưỡng sinh theo VXNG, nhất là tập luyện thở. Tôi thường nói với những người theo tập VXNG và cũng như đã viết trong một số bài viết trước đây về công phu VXNG: “ Tập Vĩnh Xuân Nội Gia mà không tập thở thì tốt nhất là không nên theo tập Vĩnh Xuân Nội Gia”.
A. Phương pháp tập thở Vĩnh Xuân Nội gia (Phương pháp tích lũy năng lượng khí theo Vĩnh Xuân Nội gia)
Như mọi người chúng ta đều biết: thở là một chức năng quan trọng nhất trong mọi hoạt động của cơ thể. Thiếu thức ăn, thiếu nước uống, cơ thể chúng ta có thể chịu đựng được nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần. Nhưng nếu thiếu không khí, cơ thể chúng ta không thể sống được qua vài phút. Hiểu sâu sắc về điều này đối với con người ta , từ ngàn xưa, các bậc tiền bối đã dồn bao tâm trí, sức lực để tìm ra những phương pháp hữu hiệu nhất, đem lại những điều hữu ích lớn nhất của việc hấp thu khí vào cơ thể con người qua việc tập luyện thở. Có thể nói: Thở là phương thức hiệu quả nhất giúp cho con người đạt được sức sống tốt nhất (sức sống bao gồm sức khỏe và khả năng đạt được những mục đích trong tập luyện, tu luyện trong quá trình sống của mỗi người).
Để có thể giúp cho việc tập luyện thở đạt hiệu quả cao nhất, các bạn (nếu có thể) nên dành thời gian tìm hiểu về Triết học Phương Đông hoặc tìm hiểu về Khí - Huyết trong lý luận Đông y qua sách và những tài liệu hiện có. Nếu không có thời gian tìm hiểu, thì bạn nên thừa nhận về sự vận hành Khí – Huyết trong con người theo như Triết học Phương Đông và lý luận Đông y đã đưa ra (như một tiên đề). Như vậy việc cảm nhận về Khí của bạn trong khi tập sẽ dễ đạt được theo yêu cầu của tập luyện.
Đã từ bao đời nay, người ta đều gọi việc tập luyện hấp thu khí vào cơ thể con người là “tập luyện thở”. Cũng có thể đây là cách gọi đơn giản cho tiện. Nhưng thực ra, nói như vậy, mới chỉ nói đến phần nổi (phần theo y học thông thường), một phần nhỏ của quá trình tập luyện thở. Thực chất của quá trình tập luyện này chính là một quá trình tích lũy năng lượng của khí được hấp thụ từ khí, khi chúng ta (những người tập luyện thở) tập luyện thở. Phần thở chỉ là phần trao đổi khí thuần túy (CO2 và O2) tại phổi của người. Điều mà con người không cần nghĩ đến, nó vẫn cứ diễn ra đối với cơ thể con người để duy trì chức năng sống. Phần tinh túy trong khí chính là năng lượng của khí (Yoga Ấn Độ gọi là Prana). Đó là phần mà con người rất cần hấp thu trong quá trình sống của mình để có thể giúp cho hoạt động sống tốt hơn và qua đó có thể phát huy được những khả năng tiềm ẩn, những điều kỳ diệu có trong con người mà (hầu hết) chỉ có thể khai mở được qua quá trình hấp thu khí từ việc tập luyện thở mà thôi.
Trong quá trình tìm hiểu cơ thể con người, người xưa đã tìm ra một vị trí (cơ quan) quan trọng nhất, cơ bản nhất, tốt nhất, trong việc hấp thu khí và giữ được năng lượng khí nhiều nhất trong cơ thể đó chính là ĐAN ĐIỀN trong cơ thể người (Đan Điền là vị trí bên trong bụng dưới, nằm dưới rốn khoảng 5cm). Khi tập thở theo phương pháp của người xưa (phương pháp ngày nay là hít vào ngực phồng, thở ra ngực xẹp) thì người tập đều phải lấy ĐAN ĐIỀN làm bộ phận chủ yếu (trung tâm) thu nạp năng lượng của khí. Phương pháp thở này được gọi là phương pháp thở Đan Điền, hay còn được gọi bằng những tên khác như: thở bụng, thở thai tức… Khí khi được đưa vào Đan Điền, năng lượng trong khí được ngấm vào Đan Điền và được tích lũy dần tại Đan Điền. Quá trình tích lũy này là một quá trình rất dài, nhiều năm và phải tập luyện suốt đời để năng lương khí luôn được tích tụ và ngày càng nhiều lên trong Đan Điền. Từ đó mới tạo ra được năng lương sống đầy đủ, đồng thời tùy theo phương pháp và mục đích tập luyện mà có thể thúc đẩy được những tiềm năng kỳ diệu của con người, trong con người, phát tiết, khai mở ra. Không phải vô cớ mà người xưa đặt tên cho vị trí đó trong cơ thể con người là ĐAN ĐIỀN (ruộng trồng Đan), và coi đây là một nơi để luyện Nội Đan. Đan là một loại thuốc hình thành qua quá trình chế biến (đun luyện) các loại dược liệu quý hiếm mà người xưa coi đó có thể đem lại sự trường thọ, thậm chí là bất tử cho con người. Năng lượng khí được tích lũy qua quá trình tập luyện thở tại Đan Điền sẽ trở thành một loại ĐAN KHÍ (Nội Đan). ĐAN KHÍ tàng chứa một năng lượng vô cùng lớn, tác động vào quá trình sống của con người, kéo dài sự sống, đồng thời tạo nên những khả năng to lớn, thậm chí là kỳ diệu trong quá trình hoạt động của con người (sức khỏe, khả năng chịu đựng và phát xuất sức lực, tự chữa bệnh, có khả năng chữa bệnh, có những khả năng đặc biệt, kỳ diệu.v.v)
Theo tôi, tập thở phải gọi đúng là tập luyện tích lũy năng lượng khí. Như vậy mới đúng với bản chất của việc tập luyện. Qua cuốn sách này, tôi xin được gọi việc tập thở (hay phương pháp thở) là tập tích lũy năng lượng khí (hay Phương pháp tích lũy năng lượng khí)
Để thực hiện việc tập luyện tích lũy năng lượng khí, người ta có nhiều phương thức (phương pháp và hình thức) thực hiện. Trong đó có những hình thức: ngồi, nằm, đứng, đi… là chủ yếu. Ngồi là một phương thức tốt nhất, hữu hiệu nhất trong tập luyện tích lũy năng lượng khí. Khi những người ngồi tập luyện tích lũy năng lượng khí nói riêng hoặc để tập luyện theo một mục đích nào dó, người đời thường hay gọi đó là ngồi THIỀN
1. Đôi nét về Thiền: (Đã đưa lên trang web của võ đường ngày 16/01/2013)
2. Phương pháp cơ bản tích lũy năng lượng khí theo Vĩnh Xuân Nội gia
Phương pháp cơ bản tích lũy năng lượng khí theo Vĩnh Xuân Nội gia (VXNG) tôi trình bầy ở đây là phương pháp căn bản xuyên suốt toàn bộ quá trình tập luyện của các môn đồ VXNG. Để đơn giản trong theo dõi các trình bầy của tôi trong sách, và cũng để phù hợp với những trình bày trước kia của tôi trong các bài viết và bộ sách “ Việt Nam Vĩnh Xuân Nội Gia Quyền Pháp”, tôi xin được gọi tắt “Phương pháp cơ bản tích lũy năng lượng khí theo VXNG” là “phương pháp thở cơ bản của VXNG”. Tuy nhiên về bản chất, phải hiểu đó là “Phương pháp cơ bản tích lũy năng lượng khí theo VXNG”
“Phương pháp thở cơ bản của VXNG” được tập luyện theo 2 bước:
Bước 1: Điều Thân điều chỉnh thân thể đúng phép trước khi vào thở
Bước 2: Điều Tức (thở): Điều chỉnh hơi thở, nhịp thở theo phương pháp thực hiện
Thực tế trong việc tập luyện thở còn có bước thứ ba là Điều Tâm: Điều khiển tâm trí của mình theo mục đích đặt ra trong tập luyện.
Tuy nhiên việc điều tâm mang nặng tính Thiền, tính tu hành. Do giới hạn bởi mục đích tập luyện, cho nên bước thứ 3 không đưa vào chương trình tập luyện thở.
2.1. Điều Thân:
Trước khi vào thực hiện việc tập luyện (điều thân), các bạn nên nắm bắt những điều cần thiết như sau:
- Bạn nên tạo cho mình một chỗ ngồi có không gian an lành, yên tĩnh. Tránh được (hạn chế) những tiếng động không cần thiết (tiếng đài, tiếng người, tiếng xe..), tránh được (hạn chế) những mùi vị không nên có (mùi thức ăn, các mùi vị khác), tránh nơi gió lùa, tránh để gió thốc vào người, đừng để quá lạnh hoặc quá nóng đối với cơ thể.
- Chọn thế ngồi hợp nhất với bản thân mà theo tư thế ngồi đó có thể ngồi được lâu nhất. Tuy nhiên, tôi xin được khuyên, nên cố gắng ngồi theo thế Kiết già. Ngoài ra còn tùy theo hoàn cảnh, có thể ngồi theo bất kì tư thế nào miễn là phải để cho bụng hoạt động thuận lợi. Tuy nhiên cần hiểu là khi ngồi đúng tư thế thì việc tập sẽ hữu ích hơn, hiệu quả nhiều mặt hơn.
- Tránh mặc quần áo quá chật và đeo những vật dụng bó chặt tay chân, như đồng hồ, vòng kim loại to, nặng, bít tất.
- Trước khi vào ngồi tập, cố gắng gạt đi mọi điều có thể tác động đến suy nghĩ kéo dài không liên quan đến việc tập. Toàn bộ tư duy, suy nghĩ chỉ dành cho việc tập.
- Thời gian ngồi hoàn toàn để tự nhiên theo khả năng chịu đựng của cơ thể, ngồi tới khi thế ngồi tác động đến cơ thể, gây đau, khó chịu làm ảnh hưởng đến kết quả thở và cơ thể không thể chịu được nữa. Hoặc ngồi theo thời gian có thể, trước khi phải làm những việc khác (như phải đi làm, sẽ phải đi đâu đó, phải làm việc nhà, việc cá nhân….).
- Trước khi đứng dậy, kết thúc buổi tập, phải có một thời gian nhất định (từ 5 phút trở lên), để “xả thiền” (sẽ nói đến ở phần sau), để đưa cơ thể trở lại trạng thái hoạt động bình thường. Bạn tuyết đối không được đứng dậy ngay, đầy là điều tối kỵ. Trong trường hợp thời gian ngồi không được lâu (bạn còn phải đứng dậy để làm một việc gì đó. Như ngồi thở độ 10 phút rồi còn tập chẳng hạn), thì bạn nên ngồi bán già là hơn cả.
- Trên đây là những điều cần thiết đối với một buổi tập luyện chính thức. Đối với khi tập thở không phải là buổi tập chính, thì tiện thế nào bạn ngồi như thế. Không câu nệ vào môi trường xung quanh cũng như thế ngồi, quần áo bạn đang mặc. Bạn đang ngồi trên ô tô, dù đông người, dù có tiếng xe, bạn vẫn tập thở được trong tư thế ngồi trên ghế xe; bạn đang ngồi làm việc ở cơ quan, ở nhà, bạn vẫn có thể tập thở trong tư thế đang ngồi làm việc .v.v. và .v.v. Chỉ xin lưu ý các bạn một điều là cố gắng để bụng bạn trong tư thế thả lỏng tốt nhất có thể, để giúp cho khí lưu thông dược dễ dàng hơn.
(Còn tiếp)
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video
VÕ ĐƯỜNG
LIÊN KẾT