Đôi điều về một số ý nghĩa sâu xa trong tập luyện bài quyền “Tam Thức” trong Vĩnh Xuân Nội gia

Đã không ít người, trong đó có những môn sinh của võ đường, hỏi tôi về ý nghĩa tập luyện của bài “Tam Thức”. Một bài quyền cơ bản đầu tiên của Vĩnh Xuân Nội gia (VXNG) và còn được gọi là bài Thượng – Trung -  Hạ (TTH). Trong đó câu hỏi thường nổi bật lên là: vì sao bài quyền “Tam Thức” là một bài quyền đơn giản chỉ có 3 thế đánh đỡ mà thầy lại nhấn mạnh tính quan trọng trong giai đoạn tập luyện ban đầu?
Thực ra theo nếp truyền dạy mà sư phụ tôi nói lại đó là: tập luyện Vĩnh Xuân, người tập phải cố gắng tự “ngộ” ra những điều sâu xa của quyền thuật Vĩnh Xuân thông qua quá trình tập luyện trên cơ sở những điều cơ bản mà thầy chỉ cho, chứ người thầy không nói rành rọt, chiết khúc ra được. Có như vậy mới làm cho người trò phải chịu khó đào sâu suy nghĩ trong quá trình tập luyện và có như vậy mới “ngấm” được những điều sâu xa trong quyền thuật của bản môn một cách sâu sắc khi “ngộ” ra. Trước đây tôi cũng giữ nếp như vậy trong việc truyền dạy công phu. Tuy nhiên do hoàn cảnh thực tế của cuộc sống, tôi cũng có những thay đổi nhất định trong phương pháp truyền dạy. Đã nói rõ hơn, giải thích rõ hơn về những điều cần nhìn nhận trong tập luyện một cách cụ thể. Với mong muốn giúp anh chị em đi nhanh hơn trên con đường tập luyện.
Trong cuốn tập 1 của bộ sách “Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền Pháp”, tôi cũng đã viết về bài quyền “Tam Thức” như sau: “Tuy chỉ có ba thế đánh - đỡ, song TTH (một tên gọi khác của bài “Tam Thức”) chứa đựng những yêu cầu trong tập luyện rất cao mà để tập được cũng không hề đơn giản. Những yêu cầu kỹ thuật trong TTH là: khuôn phép, chính xác, lỏng mềm, tam hợp, tam tinh, tứ đáo (mắt, bộ, thân, thủ), ngũ đáo (là mắt, ý, bộ, thân, thủ) và cao hơn là tập theo phương pháp “tâm ứng thủ”. Chính vì vậy không thể coi nhẹ TTH…Vĩnh Xuân Nội gia rất coi trọng việc tập bài TTH đối với các môn sinh mới nhập môn”
Trong bài viết này, tôi chỉ xin nói rõ thêm về một số yêu cầu cần thiết đặt ra trong quá trình tập luyện bài “Tam Thức” trong hệ thống quyền thuật VXNG, nhằm làm rõ những điều mà một số bạn đã hỏi.
Như các bạn đã tập VXNG và đã tìm hiểu về VXNG đã biết, “Tam tinh” là một yếu quyết quan trọng xuyên suốt trong quá trình tập luyện và thực thi quyền thuật VXNG. Trong hệ thống quyền thuật VXNG, “Tam tinh” được thể hiện một cách rất sâu sắc trong việc tập luyện bài “Tam Thức”. Chính vì vậy, bài “Tam Thức” là bài quyền đầu tiên trong hệ thống quyền thuật VXNG được các môn sinh tập luyện ngay từ những tháng đầu nhập môn (sau khi tập luyện những đòn thể giúp cho cơ thể lỏng mềm).
Toàn bộ ba thế trong “Tam Thức” đều thể hiện rõ mục tiêu “Giữ Trung lộ mình, đánh Trung lộ người”. Các đòn đều được đỡ qua Trung lộ (bảo vệ trung lộ mình) và đánh vào Trung lộ đối thủ (đánh từ trung lộ mình sang Trung lộ người). Ba thế đó cũng là ba thế đánh đỡ đồng thời (“Tiêu đả”). Không tay nào trước, tay nào sau. Tay đỡ dừng thì tay đấm đến nơi. Trong bài “Tam Thức”, tay gạt đòn đối thủ nhưng không đánh bung tay đối thủ mà tay gạt vẫn dính liền với tay đối thủ, đòn đánh giao hòa đồng thời cùng với lúc tay đối thủ bị gạt sang bên. Đó chính là một nét của dính hòa liền được thể hiện trong bài Tam Thức.
Với bài quyền đầu tiên “Tam Thức”, việc tập luyện “Tam hợp” cũng là một yêu cầu tối thượng đặt ra trong quá trình tập luyện. Việc tập luyện theo yêu cầu này đòi hỏi ở người tập rất cao về sự kiên trì, cần mẫn. Điều này cũng không dễ đối với những người mới vào tập, trong khi để thuộc bài quyền này thì nhiều khi chỉ cần một, hai buổi. Chỉ với việc tập luyện tốt “Tam hợp” ngay từ ban đầu thôi, uy lực của đòn đánh đã được gia tăng. Việc sử dụng tốt yếu quyết “Tiêu đả” cùng với việc thực thi tốt “Tam hợp”, hiệu quả của đòn thế được thể hiện rất rõ rệt. Và điều này cũng là một yếu tố quan trọng giúp cho việc tập tốt những bài quyền cao cấp trong VXNG sau này (như khi tập vào hệ thống quyền 108).
Với việc phân định cơ thể ra 3 phần : Thượng – Trung – Hạ, các bậc Sư tổ môn phái đã đơn giản hóa điểm đành của đòn ra, giúp cho đòn đánh hiệu quả hơn . Bởi trên thực tế, toàn bộ các vị trí trong cơ thể nằm trên trục Trung lộ khi bị đánh vào, đều có thể gây nguy hiểm cho cơ thể. Do đó, khi luyện bài “Tam Thức”, thực tế là luyện đánh vào các phần của cơ thể sao cho đúng với ý trong đầu: Ý đánh vào đâu (vào phần cơ thể đối thủ hở), thì tay ra đòn đúng vào phần đó của đối thủ. Đây chính là việc luyện “tâm ứng thủ” mà tôi đã nhắc đến trong tập 1 bộ sách “Việt Nam Vĩnh Xuân Nội Gia Quyền pháp”, phần viết về bài “Tam Thức” (Thượng – Trung – Hạ). Do đó càng luyện tốt bài “Tam Thức” sẽ càng làm cho công pháp “tâm ứng thủ” được lên cao. Khi phải va chạm, trong quá trình biến quyền, công phu “tâm ứng thủ” sẽ giúp cho đòn ra hiệu quả rất lớn.
Ngay ở võ đường VNVXNGQ của chúng tôi, cũng có một số anh em hiểu về bài “Tam Thức” một cách chưa thấu đáo, cho là các thế đánh quá đơn giản. Do đó việc tập bài quyền này chưa được chú trọng theo đúng giá trị và yêu cầu đích thực của nó. Một số anh em cứ nghĩ phải học lên cao mới sử dụng công phu VXNG được tốt mà không nhìn nhận để có thể “ngộ” ra một điều rằng: quyền cao còn ở người dùng, chứ không hoàn toàn là ở khối lượng công phu học nhiều. Đó chính là “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”.
Đồi điều trao đổi để xin được làm sáng tỏ thêm những công phu trong quyền thuật VXNG qua bài quyền “Tam Thức”.
Chân thành cảm ơn các bạn quan tâm đến bài viết này của tôi.
 
Hà Nội ngày 08 tháng 4 năm 2013
Võ sư – kỹ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo