PHƯƠNG PHÁP DƯỠNG SINH VĨNH XUÂN NỘI GIA

(Trích trong cuốn “Dưỡng sinh Vĩnh Xuân Nội gia” của võ sư - kỹ sư Nguyễn Ngọc Nội)
(tiếp theo)
 
1. Các thế ngồi điều thân:
a. Thế ngồi Kiết già (Thế hoa sen):                    
Về vấn đề ngồi tập luyện thở:
Trong nhiều hình thức tập luyện, tôi chỉ xin đưa ra 2 hình thức tốt nhất, hiệu quả nhất trong tập luyện thở, đó là: Thế ngồi Kiết già (hình 3, hinh 4) và Thế ngồi Bán già (hình 5).
Trong tất cả các tranh ảnh, tượng Phật, các Đức Phập đều ngồi tu luyện ở một trong hai tư thế này.
Trước hết, khi ngồi lưng để thẳng tự nhiên, đầu trong tư thế nhìn thẳng, miệng mím nhẹ (gần như là hơi mỉm cười), đầu lưỡi hơi chạm vào nướu răng hàm trên, khuôn mặt thật bình thản, tươi vui, mắt nhắm nhẹ. Với cặp mắt nhắm nhẹ, bạn sẽ “nhìn” vào bên trong cơ thể mình. Dùng tay đưa bàn chân trái lên đùi phải, kéo sát vào bụng dưới, lòng bàn chân ngửa lên trời. Sau đó, dùng tay đưa bàn chân phải lên trên cẳng chân trái, kéo sát vào người, bàn chân ngửa. Tùy theo thói quen của từng người mà ta có thể đưa chân phải trước, hoặc chân trái trước. Xem hình 3 và hình 6.
Có nhiều thế tay trong khi ngồi tập thở. Ở đây tôi xin đưa ra một thế tay cơ bản nhất áp dụng trong khi ngồi thở ở võ đường VXNG. Thế tay này đều có thể dùng khi ngồi ở thế Kiết già hoặc Bán già:
+ Đầu hai ngón tay cái và ngón tay trỏ bấm nhẹ vào nhau, để ngửa hai tay lên hai đầu gối, cổ tay áp vào đầu gối (xem hình 3 và hình 4). Thế tay này cũng thể hiện đúng bản chất của thế ngồi luyện thở mà người xưa gọi là thế ngồi “Ngũ tâm hướng thiên”. Thế ngồi này giúp cho việc hấp thu năng lượng khí tốt nhất. Khí (năng lượng) của vũ trụ không chỉ qua mũi, mà còn được hấp thu qua 5/6 trung tâm thu khí khác (đỉnh đầu, 2 lòng bàn tay, 2 lòng bàn chân) của cơ thể. Trong phần nói về luyện thở ở phần sau, tôi sẽ phân tích thêm về điều này.
Ngoài ra cũng có thể để tay thế đan xen các ngón tay với nhau, hai đầu ngón tay cái chạm vào nhau (hình 7, hình 8).
 
b. Thế ngồi Bán già:
Cách thức ngồi cũng giống như thế ngồi Kiết già, chỉ khác là hai chân không đan chéo nhau mà đẻ chân trên, chân dưới. Bàn chân trên, gác lên đùi bàn chân dưới, Tùy theo thói quen và sự phù hợp khi ngồi của từng người mà có thể để chân nào lên trên cũng được. Hai tay cũng áp dụng như nói ở trên. Thế ngồi này chỉ dùng khi chưa ngồi được Kiết già và trong những lúc thời gian ngồi thở ít. Xem hình 4 và hình 7.
 
c. Thế ngồi xếp chân bằng tròn:
Trên thực tế, có những người do khớp chân quá cứng, ngồi bán già ngay cũng không được, do đó với những người do khó khăn như vậy cũng có thể ngồi xếp chân bằng tròn để tập luyện thở trong khi chưa có thể ngồi Bán già hoặc Kiết già. Tuy nhiên, với cách ngồi này, hiệu quả của buổi tập luyện thở không thể bằng như ngồi Bán già hoặc Kiết gìà được. Xem hình 9 và hình 10.
 
d.   Luyện tư thế ngồi (điều thân):
Trên thực tế, người ta có thể vừa luyện điều thân vừa luyện điều tức. Hai cách luyện này khi luyện đồng thời, cũng tương hỗ cho nhau, giúp cho việc tập luyện thở được nhanh hơn. Song đòi hỏi người tập phải cố gắng rất lớn trong quá trình tập luyện. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của bản thân tôi, ta nên dành một khoảng thời gian nhất định (tùy theo công phu và sự giác ngộ của mỗi người) để luyện điều thân trước khi đi đến luyện điều tức (luyện thở). Khi cơ thể đã thoải mái trong thế ngồi đã chọn, việc luyện thở sẽ vào rất nhanh, vì không bị tác động của thế ngồi vào quá trình luyện thở. Không phải không có cơ sở khi các bậc tiền bối định ra việc điều thân trước tiên trong quá trình tu luyện nói chung và luyện thở nói riêng. Khi đã làm chủ được quá trình điều thân, ta có rất nhiều ứng dụng hữu hiệu trong cuộc sống cũng như trong tập luyện. Nhất là trong thời đại có quá nhiều áp lực tác động đến cuộc sống của con người. Dưới đây tôi xin trình bầy khái lược việc luyện điều thân để các bạn tập theo.
Sau khi chọn một trong hai cách ngồi nói trên, sao cho phù hợp với khả năng ngồi của mình (trên tinh thần hướng đến ngồi được Kiết già, nếu thời gian đầu chưa ngồi được), ta tập trung vào luyện ngồi trong thế ngồi đó để sao cho trong thế ngồi đó, ta có thể ngồi được với thời gian lâu nhất mà không bị tư thế ngồi đó tác dộng đến cơ thể, như đau, mỏi, tê bại… Việc luyện tư thế ngồi đó được bắt đầu bằng sự kiểm soát sự thả lỏng của cơ thể (sẽ nói ở phần sau). Nếu duy trì tư thế ngồi đó được như vậy trong vòng 15 phút trở ra, ta có thể bắt đầu cho việc tập luyện Điều tức.
Khi luyện điều thân, ta cũng phải gạt bỏ mọi tạp niệm, tập trung vào thả lỏng cơ thể. Dùng ý nghĩ kiểm soát toàn bộ sự thả lỏng của cơ thể từ đỉnh đầu trở xuống. Đây chính là một viêc làm mang nhiều ý nghĩa giúp cho việc tập trung suy nghĩ vào luyện tập, sau khi điều thân. Thực tế người ta có thể thực hiện nhiều cách khác nhau để tạo nên sự tập trung trước và trong quá trình tập luyện thở, như nhìn vào chóp mũi, như nhìn vào nén hương, như nghĩ đến một hình ảnh, một điều gì đó tốt đẹp, như niệm danh hiệu Phật, như đếm số.v.v và .v.v. Bằng sự kiểm soát toàn bộ sự thả lỏng của cơ thể, ta đã đưa suy nghĩ ĐỊNH vào quy trình tập luyện thở.
Quá trình kiểm soát sự thả lỏng của cơ thể được thực hiện như sau:
Toàn bộ quá trình kiểm soát sự thả lỏng của cơ thể là một quá trình đưa ý nghĩ đi dần đến từng bộ phận của cơ thể mà ta kiểm soát để thả lỏng cơ khớp ở bộ phận đó. Việc kiểm soát này được duy trì trong suốt quá trình tập luyện thở, vì trên thực tế, sự căng cơ trở lại ở một bộ phận nào đó hay thậm chi là nhiều bộ phận luôn sẩy ra trong quá trình ngồi tập luyện thở.
Điều đầu tiên là kiểm soát khuôn mặt. . Đây là một việc quan trọng mà ta phải làm thật tốt. Toàn bộ khuôn mặt không được để bất cứ chỗ nào được căng cơ. Tốt nhất là trước tiên khi vào tập ta nên cười nhẹ, mồm vẫn mím nhẹ (hàm tiếu), việc làm này giúp rất nhanh cho sự mềm mại của khuôn mặt. Việc thả lỏng được khuôn mặt rất quan trọng cho toàn bộ quá trình thả lỏng các bộ phận khác trên cơ thể. (Ngay cả trong quá trinh tập luyện quyền thuật tại võ đường VNVXNGQ, tôi vẫn thường xuyên nhắc các học trò của mình phải luôn thả lỏng khuôn mặt, không được mím chặt hai môi). Với các vị tu luyện đến bậc đại thượng thừa, khả năng cảm nhận sự thả lỏng đến mức siêu phàm, chỉ “một cái lông mày còn cứng thì khí (trong người) còn chưa thông hết”. Sau khi kiểm soát xong việc thả lỏng ở khuôn mặt, ta chuyển xuống kiểm soát việc thả lỏng từ cổ xuống hai vai rồi theo hai cánh tay dần ra đến các ngón tay. Sau đó, kiểm soát việc thả lỏng từ cổ xuống thân (ngực, bụng và toàn bộ lưng). Cuối cùng là hai chân. Mặc dù trong tư thế ngồi, bản thân hai chân cũng có những bộ phận co cứng (do tính chất cấu tạo của hệ cơ). Nhưng ta vẫn phải đưa ý lỏng đến toàn bộ hai chân của mình. Có như vậy mới đảm bảo việc thả lỏng toàn bộ cơ thể, từ đó ngồi được lâu dài và nâng cao được khả năng hấp thụ năng lượng của khí. Tôi xin được nhắc lại là trong giai đoạn đầu, ta tập từ tốn, đưa dần ý nghĩ đến tuần tự từng bộ phận cơ thể theo trình tự từ trên xuống dưới. Không vội vàng. Luôn nhớ “dục tốc bất đạt” và một trong những nguyên tắc tập luyện của Nội gia phải tuân thủ là “tiệm tiến”.
Đôi điều trao đổi thêm về việc điều thân:
Các bạn dù có eo hẹp về thời gian cũng không nên vì thế mà bỏ qua việc điều thân trước khi điều tức. Quá trình điều thân tốt giúp cho cơ thể có thể ngồi thoải mái (ít nhất là 15 phút) rồi mới chính thức vào điều tức, sẽ giúp cho điều tức được hiệu quả hơn. Nói thì có vẻ dài, nhưng khi chúng ta đã có khả năng kiểm soát cơ thể, thì chỉ sau một, hai nhịp thở, cơ thể đã có thể được đưa vào trạng thái thả lỏng để tiến hành điều tức được. Chỉ nói riêng trong lĩnh vực tập luyện thôi, những hữu ích của việc điều thân là vô cùng lớn. Thông qua việc luyện điều thân, bạn đã làm chủ được một phần cơ thể của mình rồi đấy. Bạn có thể điều hòa mọi chỗ trên cơ thể như: làm mềm đi khuôn mặt để giảm bớt căng thẳng, nóng giận; làm lỏng một bộ phận nào đó của cơ thể, khi bộ phận đó có biểu hiện quá sức, căng cứng, đau.v.v.
Với việc bạn làm lỏng mềm toàn bộ cơ thể, bạn đã và đang giúp cho khí (nội khí) của bạn trong cơ thể bạn được lưu thông tự nhiên, sức khỏe của bạn qua đó được hồi phục, củng cố, gia tăng. Điều này đi theo nguyên lý của y học Đông phương “khí thông thì huyết thông, khí huyết lưu thông thì bách bệnh tiêu tán”. Những phương pháp vật lý trị liệu, mát sa, xoa bóp phục hồi chức năng…, tất cả đều đi đến một mục đích là làm lỏng mềm cơ thể, cho các cơ được nghỉ ngơi, từ đó cơ thể đỡ mệt mỏi, sức khỏe được hồi phục. Những phương pháp này về bản chất lại đi theo đúng mục đích của người xưa đưa ra trong phương pháp tập luyện là làm lỏng mềm cơ thể để khí huyết được lưu thông. Chỉ có khác là với những người tập luyện thì việc thả lỏng cơ thể là khả năng tự làm, qua đó tạo sự bền vững của cơ thể có gốc rễ từ bên trong. Còn thực hiện theo các phương pháp kia là do sự tác động từ bên ngoài (do người khác làm cho, hoặc do máy móc tác động). Việc này phụ thuộc vào khả năng của người làm, khả năng của máy. Và tác dụng thường không kéo dài, không có sự bền vững..
Các bạn nên luôn nhớ rằng: khí chỉ lưu thông được tốt trong một cơ thể lỏng mềm. Mọi sự cứng nhắc (cơ, khớp) của cơ thể với bất cứ lý do gì, đều vô tình làm ngăn cản sự lưu thông của khí. Mà khí (có) thông thì huyết (mới) thông, đó là bản chất của sự vận động khí - huyết trong cơ cấu hoạt động của cơ thể người.
 
2. Điều tức:
  Trước khi vào thực hiện việc tập luyện (điều tức), các bạn nên nắm bắt những điều cần thiết sau:
+ Toàn bộ quá trình tập luyện thở đều phải thở bằng mũi. Khí vào – ra đều qua mũi.
+ Không để đầu óc chạy theo những suy nghĩ khác, ngoài việc tập trung vào theo dõi hơi thở. Đây là một điều không dễ đối với người tập luyện và thường xuyên xẩy ra trong tập luyện. Khi ta ngồi yên tĩnh, mọi suy nghĩ về những việc đã qua, việc sắp tới, bắt đầu trỗi dậy, dồn dập tác động tới suy nghĩ trong ta, làm cho ta không thể tập trung vào việc theo dõi hơi thở được Trong tập luyện, hiện tượng này được gọi là “tâm viên, ý mã” (cái tâm con khỉ, cái ý con ngựa). Hai loài vật này được cho là chạy nhẩy lung tung, khó kiểm soát. Suy nghĩ của con người nhiều khi cũng như vậy, nhất là trong tư thế tĩnh tại (như đang ngồi tập). Trong những lúc như vậy, ta phải bằng lý trí, gạt bỏ (một cách nhẹ nhàng) tạp nghĩ, để định tâm, định trí, vào việc tập luyện thở. Nếu không được, ta nên quay lại tiếp tục kiểm soát cơ thể (tập luyện điều thân). Đến khi tâm trí được ổn định, sẽ quay trở lại tập luyện thở.
+ Về cơ bản không được dùng ý cưỡng, ép quá trình tập luyện thở. Phải để tình trạng cơ thể trong quá trình tập luyện thở và sau khi tập luyện thở (ngay sau khi tập hoặc trong quá trình hoạt động sau đó) phản ảnh kết quả của việc tập luyện thở: thấy cơ thể thoải mái, nhận thấy tinh thần tốt hơn, khả năng làm việc hưng phấn hơn, tốt hơn, đó là thể hiện việc tập luyện thở của ta (trước đó) là đúng, tốt. Việc không cưỡng ép trong quá trình tập luyện thở thể hiện:
- Không ép về độ dài hơi thở. Đừng vì phải thở “dài”, “chậm”, mà ta định ra thời gian cho một hơi thở vượt quá khả năng thích ứng của cơ thể.
- Không ép về tốc độ hơi thở. Việc thở nhanh hay chậm trong một nhịp thở hoàn toàn phải để tự nhiên. Khả năng thích ứng của cơ thể sẽ cho bạn một quyết định đúng về tốc độ hơi thở. Tuy nhiên bạn cũng cần “cố một tý” để giúp cho hơi thở được “chậm” lại dần. Trong VĐVNVXNGQ của chúng tôi, tôi vẫn thường nhắc câu của sư phụ tôi dạy “Vĩnh Xuân muốn giỏi phải biết tập chậm”. Thông qua tập chậm, người tập mới cảm nhận được sâu sắc về đường quyền của mình, mới nghe được các chuyển động của bản thân khi xuất đòn (đỡ, đánh). Với việc thở chậm, bạn sẽ cảm nhận được đường đi của khí và sau đó mới có thể dẫn được khí (“khiển khí”), qua đó mới có thể phát huy tác dụng của khí trong quá trình hoạt động của cơ thê (như ra lực, như thúc đẩy các tiêm năng của cơ thể….)
- Không ép phải tập thở tiếp khi khả năng tập trung đã không còn. Lúc này cần ngừng việc tập luyện thở, nếu bạn còn thời gian tập luyện, nên chuyển sang thả lỏng cơ thể (kiểm soát việc thả lỏng) hoặc tập luyện phương thúc khác.
+ Không để các tác động khác của cơ thể phát sinh ra trong quá trình tập luyện thở tác động đến sự tập trung vào đường thở của mình. Như không để tâm vào các hiện tượng như: chỗ này hay chỗ khác trên cơ thể có hiện tượng nóng, chỗ này hay chỗ khác có hiện tượng tê, buồn, hoặc ở chỗ nào đó trên cơ thể có những biểu hiện khác nào đó… Phải gạt bỏ việc bị tác động bởi những điều trên, mà chỉ tập trung vào theo dõi đường thở
Trước khi dẫn giải những vấn đề trong Điều tức, tôi xin được nói đến nguyên lý bất biến trong việc điều tức mà mọi người dù tập theo mục đích gì đều phải tuân theo. Đó là:
LẤY Ý KHIỂN KHÍ, LẤY KHÍ RA LỰC.
Thực ra ý nghĩa đầy đủ của nguyên lý này là chính là Nội tam hợp (ý – khí – lực) của các môn võ trong dòng võ Nội gia. Với việc tập luyện dưỡng sinh, chúng ta chủ yếu lấy câu đầu: Lấy ý khiển khí. Tuy nhiên khi ta đã khiển được khí thì việc “lấy khí ra lực” là điều không khó khăn lắm. Bởi vì chỉ cần lỏng mềm tốt, khiển khí tốt, lực có thể ra được trong chừng mực nhất định theo ý của mình. Tôi thiết nghĩ đây cũng là điều nên có trong cuộc sống đời thường của một con người bình thường. Do vậy tôi muốn đưa ra đầy đủ ý nghĩ của nguyên lý này để mọi người quá quá trình tập luyện có thể nhận ra dược.
 
 (Còn tiếp)
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo