Cảm nhận “tứ khổ” trong kinh Phật từ góc nhìn của dưỡng sinh

Tôi không phải nhà tu hành, cũng không phải nhà “tâm linh học” (tôi xin phép được gọi những người hiểu biết về khoa học cổ xưa như xem số, xem phong thủy, nhà ngoại cảm.v.v. với tên gọi chung như vậy) mà một võ sư của môn phái Vĩnh Xuân, một môn phái mang đậm trong đó nền triết học Đông phương sâu xa, huyền vi, một nền triết học bao trùm lên những giáo lý sâu xa trong cuộc sống thường nhật. Từ góc độ dưỡng sinh Vĩnh Xuân, tôi xin phép được đưa ra đôi điều thiển nghĩ đến một điều Phật chỉ cho chúng sinh biết vận trình của con người, đó là “tứ khổ”: Sinh – Lão – Bệnh – Tử. Con người từ khi sinh ra đến khi thân xác rời khỏi cõi trần, đều phải đi qua các giai đoạn trong vận trình “tứ khổ”, đó là điều không thể thay dổi, không thể khác được. Dù cho thọ như ông Bành tổ, theo truyền thuyết sống thọ trên 600 năm, vẫn phải đến giai đoạn cuối của vận trình cuộc đời con người trong “tứ khổ” đó là “tử” .
Trong cuộc sống, cả về mặt lý luận lẫn thực tế, có những điều sẩy ra là không thể thay đổi được, đó là những điều bất biến; có những điều có thể tác động (bằng nhiều hình thức) làm thay đổi điều đang và sẽ sẩy ra, đó là những điều không bất biến.
Đơn cử như trong lĩnh vực tâm linh, mọi người thường nhắc đến lời người xưa có dạy rằng: “Nhân sinh bản mệnh bởi Trời” (Mệnh của con người là do Trời định), không phải do con người quyết định, đó là điều không thay đổi (bất biến). Trong lịch sử trước đây, một câu chuyện mà rất nhiều người trong chúng ta đã đọc, đã nghe nói về sự cố gắng thay đổi mạng số của con người (song không được) là của Đại quân sư Gia Cát Khổng Minh: Lập đàn cúng xin được thọ thêm, đến gần giờ cuối cùng của khóa lễ, mọi việc đều thông thuận tưởng như lời cầu xin đã thấu Trời xanh, thế rồi vì lo giặc đến, tướng Ngụy Diện chạy vào Đàn lễ để bẩm báo quân sư, luồng gió do Ngụy Diện chạy vào gây ra đã làm tắt ngọn đèn chủ trên Ban thờ, chấm dứt niềm hy vọng xin được thọ thêm của Đại quân sư Gia Cát Khổng Minh và điều này cũng minh chứng cho điều bất biến: Mệnh của con người là do Trời định, không thể thay đổi (bất biến). Song trong dân gian cũng lại thường nhắc đến lời cụ Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều: “xưa nay nhân định thắng Thiên đã nhiều” (nói về sự cải biến số mệnh của con người do con người thực hiện, điều tưởng như “bất biến”, lại “không bất biến”). Trên thực tế, con người ta thường dùng ĐỨC (“Đức năng thắng số”), dùng CÁC PHÉP trong lễ bái (lập đàn cúng giải hạn.v.v.), dùng CÁC PHÉP trong thuật phong thủy (như chọn hướng đất, hướng nhà, hướng ban thờ, hướng bếp, nơi để mồ mả.v.v.) v.v. để hy vọng cải được số mệnh, mà trước hết là giải các hạn, kiếp nạn – những điều không may mắn - và tiến đến kéo dài sự sống – kéo dài số mệnh. Bằng khoa học hiện tại, người ta có khi còn dùng các phương pháp y học (như cho thở ôxy kéo dài sự sống thực vật) làm thay đổi ngày giờ ra đi theo số mệnh của con người. Chọn ngày giờ sinh để mổ đẻ, không để sinh tự nhiên. Đó là những cách con người sử dụng cái “không bất biến” để hy vọng thay đổi được cái “bất biến” trong cuộc đời người. 
Trong “tứ khổ” mà Đức Phật đã chỉ ra, từ góc độ của cuộc sống, của dưỡng sinh, tôi thiển nghĩ, trong cái “bất biến” có điều “không bất biến”. Và như trao đổi về bản mệnh con người ở trên, cũng có những điều mà ta có thể thông qua đó, phần nào tác động đến những cái tưởng như bất biến trong đó.
Phật đã chỉ ra “tứ khổ”: Sinh – Lão – Bệnh – Tử, là bốn điều “khổ” của đời người phải trải qua. Song bốn điều “khổ” nằm trọn trong ba giai đoạn của đời người: giai đoạn sinh  – giai đoạn sống (trong sống có lão – già và bệnh) – giai đoạn chết (tử). Ta có thể thấy, theo góc độ tự nhiên, sinh – lão – tử là những điều “bất biến”, cho dù ngày nay người ta có thể đẻ mổ, kéo dài sự sống bằng cho thở ôxy, dùng các phương pháp y học để làm chậm sự già nua. Song đó là những điều không thay đổi trong vận trình của đời người: không thể để đẻ quá non hay quá già; không thể cứ để cho thở để sống thực vật (khi mà cơ thể con người đó không có gì cần cho sự nghiên cứu khoa học hay vì một mục đích nào đó), không thể liên tục làm chậm quá trình già (kể cả trình độ hiện nay của ngành y học).
Ngoài ba điều “sinh – lão – tử”, điều còn lại trong “tứ khổ” là “bệnh”, ta có thể nhìn nhận đó là điều “không bất biến”. Từ ngàn xưa, con người trải qua bao kinh nghiệm trong cuộc sống, đã tìm ra những phương pháp tập luyện giúp cho con người thoát khỏi bệnh tật, ốm đau, giúp cho cơ thể khỏe mạnh, thậm chí khỏe mạnh tới phút cuối của cuộc đời chỉ là do cơ thể già nua, không còn duy trì nổi sự sống chứ không phải vì bệnh tật. Điều này đã giúp cho “bệnh” trong “tứ khổ”, trở nên “không bất biến” trong vận trình của đời người, qua đó phần nào cũng tác động đến quá trình “lão – tử” trong “tứ khổ”.
Chúng ta, không ít người phải chứng kiến cảnh vật vã của người thân trên giường bệnh khi ốm đau, bệnh tật. Và chắc chắn không ai muốn mình sẽ phải chịu cảnh vật vã, đau đớn do bệnh tật như đã chứng kiến. Để được như vậy, ngoại trừ thuốc phòng mà y học đã tìm ra (điều này ngoài những tác dụng phụ không mong muốn, còn để con người bị phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc), điều hiệu quả nhất chính là tập luyện cho cơ thể khỏe mạnh vững bền từ bên trong. Mỗi người có thể tập theo những phương pháp thích hợp với bản thân. Song tốt nhất là phải tập luyện từ khi mình còn đang khỏe. Không để “nước đến chân mới nhẩy”. Nói một cách khác: ta hãy bỏ một ít thời gian mỗi ngày vào quỹ sức khỏe của chúng ta qua việc tập luyện, để quỹ sức khỏe của chúng ta ngày càng lớn lên theo thời gian, giúp chúng ta chiến thắng và loại trừ bệnh tật đến với mình.
Hiện nay có rất nhiều phương pháp tập luyện hữu hiệu để mọi người lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh của bản thân. Trong đó Vĩnh Xuân Nội gia là một trong những phương pháp đó. Điều khác biệt của phương pháp tập luyện Vĩnh Xuân Nội gia nói riêng và dòng võ nội gia nói chung, đó là các bài quyền, đòn thế, phương pháp thực hiện, rất gắn bó với những hoạt động của cơ thể trong cuộc sống thường nhật, phù hợp với các quy luật của tự nhiên, quy luật hoạt động bên trong của cơ thể. Đơn cử như việc tập lỏng mềm trong Vĩnh Xuân Nội gia, qua đó không chỉ giúp cho việc thực thi quyền thuật của Vĩnh Xuân Nội gia, mà còn giúp cho cơ thể được quân bình nhiều mặt, từ đó phục hồi sức lực và phát huy được các tiềm năng của cơ thể, khống chế, chiến thắng được các tác nhân gây bệnh. Cũng giống những phương pháp y học hiện nay như vật lý trị liệu, tập luyện phục hồi chức năng, massage, tắm nước nóng… Tất cả đều nhằm mục đích giúp cơ thể được thả lỏng, mềm mại, qua đó phục hồi được sức lực cũng như các bộ phận của cơ thể bị bệnh, khắc phục sự suy yếu các chức năng của cơ thể, giảm bệnh tật của cơ thể, nâng cao sức khỏe.
Trong nhánh Vĩnh Xuân của chúng tôi, sư phụ tôi, cố võ sư Trần Thúc Tiển, trước khi đến với môn Vĩnh Xuân, trong người mắc bệnh nan y. Song nhờ được Sư tổ Nguyễn Tế Công truyền thụ cho công phu Vĩnh Xuân, sư phụ tôi không chỉ khỏi được bệnh nan y mà còn đạt được những công phu thượng thừa của bản môn. Sư tỷ của tôi, chị Nguyễn Thị Vân, từ một người bệnh tật, phải về mất sức từ khi mới ngoài 30 tuổi, đến với Vĩnh Xuân, không chỉ lĩnh hội được công phu cao cấp của Vĩnh Xuân do sư phụ tôi truyền thụ cho, mà còn kéo dài cuộc sống của mình khỏe mạnh thêm hơn 30 năm nữa. Với võ đường Việt nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền của thầy trò chúng tôi, kể từ khi tôi mang công phu Vĩnh Xuân Nội gia ra truyền thụ tại võ đường, cũng đã có rất nhiều người đã nâng cao được sức khỏe, chiến thắng được bệnh tật, nâng cao được bản lĩnh trong cuộc sống, qua tập luyện tại võ đường.
Người xưa đã dạy “Linh tại ngã, bất linh tại ngã”. Nếu ta phòng bệnh từ khi ta chưa có bệnh, giữ gìn sức khỏe từ khi ta còn khỏe, thì sẽ hạn chế bệnh đến với ta và nếu bệnh có đến, khả năng chống đỡ bệnh của ta sẽ cao hơn rất nhiều so với việc ta không phòng từ trước.
Hy vọng mọi người sẽ cố gắng tập luyện, tập luyện từ khi còn khỏe, để giảm bớt được cái “khổ” trong “tứ khổ” mà Phật đã chỉ ra cho chúng ta.
Cầu mong sức khỏe, mọi sự an lành, hạnh phúc đến với mỗi người, mỗi nhà. 
Hà Nội ngày 12 tháng 9 năm 2013
Võ sư – kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
Xem thêm những bài viết về Dưỡng sinh trong trang web này hoặc xem đầy đủ hơn về phương pháp dưỡng sinh của Vĩnh Xuân Nội gia qua cuốn “Dưỡng sinh Vĩnh Xuân Nội gia“ đã xuất bản.
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo