Một điều quan trọng cần biết khi theo tập những môn Nội gia
Trên thực tế một số người khi theo tập võ, thường không mấy khi tìm hiểu kỹ môn võ mình sẽ theo. Do đó không it hiện tượng vào tập một thời gian rồi bỏ, thậm chí cố gắng theo được vài ba năm vẫn bỏ. Tôi loại trừ những yếu tố khách quan khác, mà nhiều nguyên nhân chủ quan do không thích ứng, thích hợp với phương thức tập luyện, hoặc những đòi hỏi cần có khi tập của môn võ đó. Do vậy trước khi theo tập bất kỳ môn gì (cũng như trong đời theo học một ngành gì), cũng nên tìm hiểu kỹ về môn mình sẽ theo trước khi tập.
Nhìn chung, môn võ nào cũng có những nét đặc sắc, những nét hấp dẫn, song phù hợp với những người như thế nào (về cá tính, về hoàn cảnh …của người đó) lại là một việc phải xem xét. Bản thân mỗi môn lại có những đòi hỏi riêng với người tập theo tập môn đó. Theo được, phù hợp được, cũng lại là một chuyện đòi hỏi cao hơn. Từ xưa đến nay, những môn võ trong dòng võ nội gia có những nét rất riêng cùng với những đòi hỏi khắt khe riêng có đối với người tập. Do do đó mà không ít người thích tập võ nhưng không thích tập theo nội gia. Một trong những điều không thích đó là vì tập theo nội gia mất rất nhiều thời gian để có thấy được hiệu quả. Trong cuốn “Chi – kung Development and Practican Applicatian in Wing chun Kung Fu” của võ sư Dr Scott Baker có đoạn viết: “Một cú đấm cơ bản của Karate có thể được học trong một ngày và nếu bạn sử dụng nó để đánh ai trong buổi tối hôm đó cũng có thể gây ra được một số chấn thương đáng kể... Với cú đấm trong Vĩnh Xuân thì không dễ để đạt được điều này. Để đánh đúng và có lực người võ sinh phải cần rất nhiều thời gian để tập luyện. Và điều này cũng đúng với tất cả các kỹ năng khác trong môn võ này” (người dịch Anh Tuấn).
Để tập được những môn võ nội gia (trong bài viết này, tôi xin được nói về cảm nhận qua việc tập luyện Vĩnh Xuân Nội gia), ngoài việc tuân thủ những nguyên tắc, yếu quyết cần thiết của nội gia (như Tiệm tiến, như dụng ý bất dụng lực, như quyền thuật phải nhu nhuyễn, phải lấy khí làm trọng.v.v) thì một điều quan trọng gần như bao trùm lên cả quá trình tập luyện đó chính là phải học, phải tập, phải biết “CẢM NHẬN”. Chỉ với hai từ đó thôi, những để đạt được là cả một sự kiên trì tập luyện, đều đặn hàng năm, nhiều năm liên tục, mà phải ý thức tập ngay từ những ngày đầu nhập môn. Qua đó mới cảm nhận được sự lỏng mềm có thức (trong thi triển quyền), sự va chạm trên da (linh giác), sự chuyển động của khí (khi luỵện thở, khi ra lực, khi chịu đòn…).v.v.
Đúng như sư phụ tôi, cố võ sư Trần Thúc Tiển đã dạy: “muốn giỏi Vĩnh Xuân phải biết tập chậm”. Thực tế chỉ thông qua tập chậm, mới có thể cảm nhận được bản chất, đường đi và sự biến hóa của từng đòn thế, từng bài quyền. võ sư Dr Sctt Baker cũng đã viết trong cuốn “Chi – kung Development practican Applicatian in Wing chun Kung Fu”: “để học một kỹ năng có giá trị, anh ta phải sẵn lòng tập luyện bất chấp là bao lâu để đạt được nó. Luyện tập chăm chỉ hơn và thường xuyên hơn không phải lúc nào có nghĩa là bạn có thể đạt được nó nhanh hơn” (người dịch Anh Tuấn).
“CẢM NHẬN”, đứng trên góc độ của tập luyện, là sự nhận thấy được sự chuyển động của cơ thể (cả bên trong lẫn bên ngoài) khi thực hành các phương pháp tập luyện (cả trong khi động lẫn khi tĩnh). Đó là điều mà bằng tinh thần, người tập nhận thấy được sự kết hợp hài hòa giữa những gì diễn ra trong cơ thể với quá trình chuyển động của thân thể (chân – thân – tay). “CẢM NHẬN”. cũng giống như phương pháp “Quán tự tại” (nhìn vào bên trong cơ thể) của nhà Phật. Đòi hỏi người tu tập phải tập trung cao độ vào cái “nhìn” của tâm trí vào bên trong cơ thể, để thấy được khí của Trời Phật truyền vào cơ thể, thấy được đường đi của khí trong cơ thể, thấy dược từng hoạt động của từng bộ phân trong cơ thể…Để cảm nhận được, nó đòi hỏi phải tập trung tinh thần rất cao. Trong tập luyện nội gia, người tập phải tập trung tinh thần vào từng đòn thể, từng bộ phận cơ thể khi thực hiện đòn thế đó. Sự cảm nhân không chỉ ở hình thể bên ngoài của đòn thế, sự kết hợp của nguyên tắc “ngoại tam hợp” trong quyền thuật, mà cả sự chuyển động bên trong của cơ thể, độ lỏng mềm của cơ khớp, nguyên tắc “nội tam hợp” trong nội gia. Diễn giải thì dài, song trên thực tế, thông qua luyện tập, tất cả sự cảm nhận của toàn bộ các yêu cầu trong quá trình thực thi quyền thuật rất nhanh, chỉ một phần của giây. Người giỏi ở chỗ là sự cảm nhận này liên tục, triền miên, không đứt đoạn, theo được suốt quá trình thời gian thực thi quyền thuật. Trong bài viết “Phép “chi sao” của Vịnh Xuân phái Thiếu Lâm Phật Sơn” của Bruce Lee (đăng tại Tạp chí “Black Bell”) có viết: “Khí lực đưa ở tay ra “đúng” thì giống như nước chảy qua một ống nước. Nếu nước cứ tắt lại mở, lại tắt lại mở (gián đoạn) thì các ống nước sẽ giật” (người dịch cố Giáo sư Trần Văn Từ, người hiệu đính cố võ sư Hồ Hải Long).
Ở dòng võ ngoại gia, trong thực thi quyền thuât cũng đòi hỏi người thực thi khi xuất quyền phải tập trung rất cao, phải kết hợp nhuần nhuyễn “ngoại tam hợp”, thậm chí nhiều khi kết hợp với tiếng thét để nâng cao sức mạnh của đòn đánh. Ở dòng võ nội gia cũng vậy, cùng với một quá trình khí lực ra như một dòng nước chẩy, khi xuất quyền cũng phải lấy nguyên tắc “ý tụ - khí tụ - lực tụ” để tạo ra một sức mạnh cao nhất.
“CẢM NHẬN”, phải hiểu đơn giản đó là sự tập trung tinh thần trong suốt quá trình tập luyện. Điều này đỏi hỏi ở bất kỳ việc gì trong cuộc đời mà chúng ta làm. Trong nội gia, nếu không cảm nhận được những gì bên trong cơ thể trong quá trình tập luyện thì không thể tiến xa được và rất dễ nản. Phải tập luyện cảm nhận ngay từ những đòn thế, những bài quyền đầu tiên. Điều đơn giản đầu tiên là phải nhận biết đường đi của đòn thế và sự tương thích của cơ thể theo đòn thế đó. Tiến đến cảm nhận được những hoạt động bên trong cơ thể hòa hợp nhất quán với những sự vận động của cơ thể mà trong quyền thuật là sự thực thi các đòn thế, bài quyền.
Để kết thúc bài viết, tôi xin lấy câu chuyện mà tác giả, võ sư Dr Sctt Baker cũng đã viết trong cuốn “Chi – kung Development practican Applicatian in Wing chun Kung Fu”: “Có một câu chuyện kể về sự nóng lòng của người đệ tử muốn học được các kỹ năng trong võ thuật thật nhanh: Người đệ tử hỏi sư phụ: “Trong vòng bao lâu thì con mới có thể học thành tài?”. Sư phụ trả lời: “15 năm”. Người đệ tử bị sốc và hỏi tiếp: “ Nếu con tập luyện chăm chỉ gấp đôi thì sao?” Sư phụ: “30 năm”. Người đệ tử tiếp tục: “nhưng nếu con tập luyện chăm chỉ gấp 3 mọi đệ tử khác thì sao?” Sư phụ mỉm cười và nói: “45 năm” Tinh thần của câu chuyện nói lên việc: Nỗi ám ảnh về chuyện phải là người nhanh nhất, giỏi nhất thường lại làm đánh mất khả năng đạt được những kỹ năng mà mình mong muốn.” (người dịch Anh Tuấn).
Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết của tôi.
Hà Nội ngày 29 tháng 09 năm 2013
Võ sư – kỹ sư Nguyễn Ngọc Nội
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video
VÕ ĐƯỜNG
LIÊN KẾT