Trích bài phóng vấn của Đài tiếng nói Việt nam với võ sư – kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội và một số Huấn luyện viên, võ sinh võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền

Ngày mùng 06 tháng 10 năm 2013, Phóng viên Đình Châu của Đài tiếng nói Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn võ sư – kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội tại nhà riêng của võ sư. Ngày 08/10/2013, Phóng viên Đình Châu đã đến võ đường Thanh Quan gặp và trao đổi, phỏng vấn một số Huấn luyện viên, võ sinh của võ đường. Ngày 13/10/2013, vào lúc 07h15, Đài tiếng nói Việt Nam đã phát thanh nội dung của hai cuộc phỏng vấn trên và phát lại vào 15h45 cùng ngày. Để các bạn không có điều kiện nghe được chương trình phát thanh buổi phóng vấn, được sự đồng ý của sư phụ Nguyễn Ngọc Nội, chúng tôi xin được trích sao một phần nội dung của hai buổi phóng vấn nói trên, các bạn có thể nghe toàn bộ hai cuộc phóng vấn bằng cách truy cập website: radiovietnam.vn. Rồi vào VOV2, tìm ngày 13/10/2013 vào chuyên mục “Những bông hoa đẹp” ở buổi 07h15 hoặc buổi 15h45 và bấm nghe lại.
Qua trang web của võ đường, Võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền xin cảm ơn Đài tiếng nói Việt Nam, phóng viên Đình Châu đã dành những tình cảm và những lời nói tốt đẹp cho sư phụ Nguyễn Ngọc Nội và cho Võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền của chúng tôi.
     Hà Nội ngày 16 tháng 10 năm 20913
Võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền
 
Lời người dẫn chương trình (NDCT): Thưa quý vị và các bạn, trong làng võ thuật cổ truyền Hà Nội, Chủ nhiệm – võ sư trưởng Nguyễn Ngọc Nội thuộc môn phái Việt nam Vĩnh xuân Nội gia được nhiều người biết đến không chỉ vì tài năng và đức độ, mà ông còn có kiến thức sâu rộng trong môn phái. Vừa tham gia công tác chính quyền, vừa viết sách, rồi làm công tác huấn luyện, đào tạo các Huấn luyện viên và võ sinh trẻ. Võ sư – kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội luôn trăn trở làm thế nào giúp các Huấn luyện viên và các võ sinh lĩnh hội được tất cả những kiến thức của môn phái và biết yêu quý võ cổ truyền. Những mong có thể giữ gìn và bảo tồn cho các thế hệ mai sau.
Võ sư – kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội  là một trong số những đệ tử xuất sắc của cố võ sư Trần Thúc Tiển. mà cố võ sư Trần Thúc Tiển  chính là đồ đệ của cố võ sư Nguyễn Tế Công, người đầu tiên khai sáng và truyền dạy môn phái Vĩnh Xuân ở nước ta. May mắn được truyền thụ những bí kíp độc đáo của môn phái, võ sư – kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội đã luyện tập không ngừng và trở thành một võ sư có đẳng cấp cao ở Hà Nội…
(Dưới đây là cuộc phỏng vấn của phóng viên Đình Châu với võ sư – kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội)
Phóng viên Đình Châu (PVĐC): Xin chào quý vị và các bạn. Chúng tôi đang có mặt tại nhà võ sư – kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội tại ngõ 82 phố Hàng Khoai. Chắc các quý vị và các bạn đang băn khoăn vì sao võ sư Nguyễn Ngọc Nội lại có thêm chức danh Kĩ sư nữa. Đây cũng là điều chúng tôi muôn hỏi võ sư – kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội.
Võ sư – kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội (VS NNN): Trước khi tôi về nghỉ, tôi là kỹ sư xây dựng và nguyên là Trưởng phòng tổ chức lao động của Công ty xây dựng công nghiệp Hà Nội. Tại sao tôi đề võ sư – kĩ sư cũng có những nguyên nhân. Một số các anh em học trò cũng góp ý là thầy nên đề như thế để cũng thể hiện một cái tạm gọi là mình cũng có một tri thức nhất định nào đó. Và tôi cũng thấy rằng điều đó cũng ý nghĩa nào đấy, cũng muốn để cho mọi người hiểu rằng bên cạnh kiến thức về võ học, tôi cũng có một mặt trí thức nhất định nào đấy để có thể gắn với việc võ trên cơ sở tư duy của một người kĩ sư, thì chắc tốt hơn.
PVĐC: Trước khi đến đây, tôi cũng hỏi qua Hội võ thuật Hà Nội và được một võ sư ở đây tiết lộ là thầy Nội rất bận, công việc thì lu bù. Và quả thật sau rất nhiều cú điện thoại, ông mới thu xếp được thời gian thích hợp tiếp chúng tôi…..
PVĐC: Ông dành thời gian để viết sách về võ thuật vào lúc nào? Tôi được biết ông cũng viết khá nhiều cuốn sách nghiên cứu về võ thuật.
VS NNN: Thực ra trong cuộc đời của tôi, tôi thấy băn khoăn là tôi rất bận. Tôi gần như không có thời gian cho riêng mình.. Hàng ngày tôi vẫn phải đi dạy, tất cả các buổi chiều…Những thời gian khác tôi viết sách. Tôi là một kỹ sư xây dựng, không được học về văn phạm, báo chí hoặc là viết văn. Để đạt được điều này, cũng là một sự cố gắng rất lớn trong cuộc đời của tôi và cũng chiếm mất rất nhiều thời gian. Bởi vì để viết ra một trang sách, chắc tôi không được thanh thản như các nhà văn…Tôi phải trăn trở, đọc đi đọc lại, để cố gắng sao cho đến mức cao nhất, tạm gọi là mình thấy được. Tôi cũng dành rất nhiều thời gian để viết các bài trên trang web của tôi. Cũng trên trăm bài viết chia sẻ những kiến thức mình đã học, những điều mình trao đổi trong lĩnh vực mà mình quan tâm.
PVĐC: Cách đây vài năm, ông và học trò xuất hiện trên chương trình chuyện lạ Việt Nam. Điều tôi ấn tượng nhất là ông đứng làm bình phong cho các học trò đấm thoải mái vào người mà chẳng có hề hấn gì cả. Bây giờ nghe nói trong khi giảng dạy, ông vẫn làm thế cho dù tuổi đã cao. Có đúng không ạ?
VS NNN: Cái chịu đòn, trong chúng tôi gọi là “nội công”. Cũng rất may mắn tôi có cơ duyên được sư phụ truyền thụ lại. Tất nhiên khả năng ấy không phải để rồi cứ lúc nào cũng đem ra để mà khoe khoang. Bởi vì chịu đòn không phải là cái để mà nói lên sự lĩnh hội cao nhất của quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia. Thực ra, từ đấy đến nay, cho đến ngay bây giờ, hàng ngày tôi vẫn dạy và vẫn chịu như vậy. Chịu như vậy không phải là việc khó khăn, miễn cưỡng. mà đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ để giúp cho học trò của mình nâng cao được trình độ trong quá trình luyện tập (lĩnh hội kiến thức) Vĩnh Xuân Nội gia. Đấy là một công việc đòi hỏi tôi phải làm.
PVĐC: Nhiều người nhận xét rằng thầy Nội dạy khó tính lắm. Ông có thừa nhận điều này không?
VS NNN: Đấy là chuyện thực tế, không chỉ riêng với Vĩnh Xuân Nội gia mà bất kể môn võ nào cũng có những đòi hỏi khắt khe với người theo. Và đó cũng là quá trình phát triển tất yếu của quy luật. Tôi không trách họ. Tôi thấy cảm ơn họ, vì họ đã có thể hiểu được những cái khắt khe trong việc luyện tập.. Các bạn đã học tôi, rồi thôi, có thể có nhiều nguyên nhân. Trong đó có thể có nguyên nhân như bạn đã nói rằng tôi khắt khe, tôi đòi hỏi đối với người tập rất là chu toàn. Tôi đã từng nói rằng: “không có ông thầy võ nào mà không muốn học trò mình giỏi. Và muốn giỏi, đòi hỏi mồ hôi và công sức. Phải xác định rằng không có thành quả nào được trải thảm lụa mà không có mồ hôi và công sức rất lớn đổ ra.”.
NDCT: Thưa quý vị và các bạn. Với các huấn luyện và võ sinh môn phái Vĩnh Xuân Nội gia, võ sư – kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội được xem là tấm gương sáng trong việc truyền thụ võ học. Phóng sự ngắn sau đây sẽ nói rõ điều đó.
6h tối, trường THCS Thanh Quan, 29 phố Hàng Cót vẫn có một phòng học sáng đèn. Đó là lớp luyện võ của các võ sinh thuộc trình độ cơ bản A và B của môn phái Vĩnh Xuân Nội gia do các học trò của võ sư – kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội đứng lớp. Bàn ghế được xếp ngay ngắn ở góc phòng. Trong khi các võ sinh tập luyện khá tập trung. Ở đây chẳng có tiếng hò hét, chẳng có tiếng đấm dá huỳnh huỵch như tại các võ đường khác.
Huấn luyện viên Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Thầy Nội chủ yếu giảng dạy ở võ đường Hồng Phúc, tức là nơi chủ yếu đào tạo các môn sinh cao cấp để trở thành các Huấn luyện viên và võ sư. Có thời gian thầy lại sang đây để kiểm tra và trực tiếp huấn luyện cho các võ sinh trẻ.
Huấn luyện Nguyễn Mạnh Hùng: Thầy truyền dạy rất nghiêm túc, đúng như những gì thầy đã học. Hết sức chân thành như tình cảm của một người cha, người chú. Bất kỳ người thầy thành đạt, đam mê với môn phái, có đạo đức thì tôi nghĩ sẽ canh cánh trong lòng trách nhiệm.
NDCT: Võ sinh Nguyễn Thị Mỹ Hạnh đã theo học được gần 2 năm. Mục tiêu ban đầu là đi tập để cho khỏe rồi đam mê với môn phái lúc nào chẳng hay. Cô nói đến thầy Nội với một tình cảm chân thành.
Võ sinh Nguyễn Thị Mỹ Hạnh: Chúng em rất là kính trọng thầy về sự uyên thâm cũng như sự gần gũi của thầy. Thày chỉ bảo cho chúng em rất là tận tình. Thầy là một người am hiểu mỗi một môn sinh có những sự phát triển riêng. Vì vậy thầy không bao giờ ép buộc cả mà thầy chỉ đưa ra đường hướng thôi. Bọn em chưa bao giờ cảm thấy căng thẳng cả.
NDCT: Huấn luyện Đõ Hữu Lộc thì chia sẻ: Anh gắn bó với môn phái hơn 6 năm nay. Lý do là vì nể phục những chỉ bảo tận tình cũng như nhìn thấy những tâm huyết mà thầy muốn gửi gắm đến mọi người.
Huấn luyện viên Đỗ Hữu Lộc: Chúng tôi là những người theo học và may mắn được theo thầy. Chúng tôi cũng suy nghĩ rất nhiều phải làm sao có thể theo được tấm gương của thầy, làm sao có thể phát triển được môn phái, quảng bá rộng hơn đến mọi người học môn này, có thể có được sức khỏe tốt. Mà nếu có được sức khỏe tốt thì ta có thể làm được rất  nhiều việc, phục vụ tốt hơn cho xã hội, cho đất nước.
NDCT: Lúc nào cũng tất bật với công việc, võ sư – kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội coi đó niềm may mắn. Bởi đối với ông, được làm những gì mà mình yêu thích thì đó chính là hạnh phúc. Và ông lại càng hạnh phúc hơn khi chứng kiến các học trò ngày càng trưởng thành.
VS NNN: … Với tôi, võ là cái nghiệp. Và tôi cảm thấy mình còn rất nhiều điều mình còn phải làm, phải tìm hiểu nâng cao hiểu biết của mình lên. Hy vọng rằng với những kiến thức mà tôi đã có, có thể giúp ích cho một số người nào đó ham mê môn này. Cái đấy tôi cũng thấy là một niềm vui và niềm hạnh phúc. Lắm lúc tôi cứ đùa, tôi bảo: “giá mà một ngày có 26 tiếng, thì chắc mình sẽ làm được nhiều việc”.
PVĐC: Theo tôi biết, trước đây, các môn phái võ thường chỉ dạy cho những người trong gia đình, nội tộc, chứ không truyền ra bên ngoài. Nhưng bây giờ có vẻ như đã thay đổi khá nhiều rồi. Đó phải chăng là một tất yếu khách quan và Vĩnh Xuân Nội gia cũng nằm trong số đó?
VS NNN: Việc truyền bá những kiến thức của người thầy đã học cho thế hệ sau, tôi nghĩ người thầy nào cũng mong muốn. Với Vĩnh Xuân Nội gia của chúng tôi, có những nét đặc thù riêng. Nó có những môn quy nhất định và đòi hỏi tôi hoặc tôi nghĩ rằng bất kỳ người thầy nào đó thôi cũng phải biết chọn những người trò để mình truyển những kiến thức đó. Võ thuật từ ngày xưa mang một  truyền thống rất Đông Phương, trong rất nhiều năm là “độc truyền”. Nhưng cũng rất may là cuộc sống hiện đại, con người ta có những cái cởi mở hơn, thông tin có những cái rộng rãi hơn. Cũng rút kinh nghiệm những bài học của người xưa, khi mà độc truyền thì những cái yếu tố bất ngờ làm mất đi người được độc truyền ấy, thì cũng mang đi vĩnh viễn những cái bí mật. Mà những cái bí mật ấy nó được tích lũy hàng nhièu năm, nhiều thế hệ mới có được. Và bây giờ tôi nghĩ: bản thân tôi cũng khác trước. Ngay bản thân sư phụ tôi là cố võ sư Trần Thúc Tiển cũng đã nghĩ khác với Sư tổ Nguyyễn Tế Công một chút là việc truyền dạy đã rộng hơn. Những kiến thức mang tính bí truyền cũng đã được phổ biến nhiều hơn. Bản thân tôi cũng vậy. Tôi nghĩ rằng trách nhiệm của tôi cũng vẫn sẽ còn phải tìm những người học trò mà với tôi thấy thực sự tâm huyết. Họ thực sự gắn bó với môn phái và có một cái tâm trong sáng, chân thành với môn phái, thì trách nhiệm của tôi phải truyền dạy
PVĐC: Các học trò của ông bây giờ nhiều người là Huấn luyện viên. Họ đang tiếp tục nối dài con đường mà ông đã và đang làm. Đó là truyền thụ võ công cho các thế hệ trẻ. Chắc ông rất vui mừng về điều đó. Có đúng không ạ?
VS NNN: Tôi cho đó là điều hạnh phúc của tất cả những người tập võ. Tôi vẫn thường nói với các học trò của tôi là : “Các anh, các chị phải giỏi hơn tôi. Đấy là điều mong muốn của tôi. …như các cụ ngày xưa đã dạy phải: con hơn cha thì nhà đấy mới có phúc. Chứ nếu cha khuất đi rồi thì kiến thức rơi rụng đi. Điều ấy không phải là phúc cho gia đình hoặc cho môn phái….
PVĐC: Xin chân thành cảm ơn võ sư – kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội đã có những chia sẻ thú vị trong chương trình hôm nay. Hy vọng là thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục được nghe thêm những tin vui từ ông cũng như môn phái Vĩnh Xuân Nội gia. một lần nữa, xin cảm ơn ông.
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo