Trao đổi thêm về điều quan trọng cần biết khi theo tập những môn Nội gia

Như chúng ta đều biết, mỗi môn võ đều mang những bản sắc riêng trong những hình thái chung của võ thuật, trong những đòi hỏi chung của võ thuật. Cũng là những đòn: đấm, đá, chặt, chém, sỉa...; cũng là những đòi hỏi phải nhanh, mạnh, vững, khéo..., nhưng phương thức tập luyện, cách thực thi quyền thuật của mỗi môn lại mang trong đó bản chất khác nhau. Tôi thiển nghĩ, khó có thể lấy cái hay của môn này lắp vào môn khác mà vẫn giữ được bản chất của cái hay đó. Nhất là giữa hai dòng phái: Nội gia và Ngoại gia, đơn giản hơn là giữa nhu và cương. Nói là như vậy và có thể nhiều người hiểu như vậy, nhưng để cảm nhận được bản chất của vấn đề trong đó, nhất là trong hoàn cảnh cuộc sống hiện tại đúng là không dễ.
Một trong những quan niệm rất đúng, ai cũng hiểu trong việc tập võ là: tập võ là phải tập ra được lực (gọi đơn giản chung là sức lực). Có sức lực để khỏe mạnh, để đỡ được đòn của đối thủ, để đánh trả và gây nguy hiểm cho đối thủ. Song để có sức lực, mỗi môn lại có bản chất thể hiện khác nhau , những đòi hỏi khác nhau, cách tập luyện khác nhau. Đơn cử như dòng phái Ngoại gia thông qua việc tập luyện ngạch công để có sức lực; dòng phái Nội gia thông qua tập luyện khí công để có sức lực. Cũng như trong Vĩnh Xuân Nội gia, một trong ba tiêu chí của Vĩnh Xuân Nội gia là “lấy khí làm nguồn lực”. Bản chất khác nhau, cách tập luyện khác nhau, đương nhiên là thời gian để đạt được sự mong muốn là khác nhau. Một điều quan trọng nữa mà chúng ta cũng đều biết: trong võ thuật có lực là chưa đủ mà còn phải có kỹ thuật, kỹ năng sử dụng quyền thuật để hóa giải đòn thế của đối thủ và để phản đòn đối với đối thủ. Người xưa đã dạy: “lực bất đả quyền; quyền bất đả công...”. Ở đây, người xưa đã chỉ ra rằng: người khỏe, có sức lực (lực)  khó đánh được (nếu không muốn nói là không đánh được) người có quyền (võ). Và người có quyền (luyện quyền thuần túy) khó đánh được (nếu không muốn nói là không đánh được) người có luyện công (luyện quyền cùng với luyện khí công). Tôi muốn dẫn lại một đoạn trong cuốn “Chi – kung Development and Practican Applicatian in Wing chun Kung Fu” của võ sư Dr Scott Baker mà tôi đã trích dẫn trong bài viết  “Một điều quan trọng cần biết khi theo tập những môn Nội gia”, đó là: “Một cú đấm cơ bản của Karate có thể được học trong một ngày và nếu bạn sử dụng nó để đánh ai trong buổi tối hôm đó cũng có thể gây ra được một số chấn thương đáng kể... Với cú đấm trong Vĩnh Xuân thì không dễ để đạt được điều này. Để đánh đúng và có lực người võ sinh phải cần rất nhiều thời gian để tập luyện. Và điều này cũng đúng với tất cả các kỹ năng khác trong môn võ này(người dịch Anh Tuấn). Tôi xin gạch chân những điều quan trọng.
Trong những năm qua, để giúp cho những người quan tâm đến Vĩnh Xuân Nội gia và cũng để cho học trò của tôi có thêm những kiến thức về mặt võ lý của môn, tôi đã có nhiều bài viết trên website của võ đường cũng như đã cho ra mắt bộ sách “Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền Pháp” trình bầy những nét cơ bản trong hệ thống tập luyện Vĩnh Xuân Nội gia cùng những điều cần biết, cần hiểu trước và trong quá trình tập luyện tại võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền. Song, bên cạnh hầu hết những người học trò của tôi có sự cảm nhận và có sự “ngộ” ra rất tốt về bản chất của môn phái, định hình được con đường tập luyện, tuân thủ những đòi hỏi đặt ra trong quá trình tập luyện và đã có những kết quả tốt qua tập luyện, vẫn còn có những người học trò (tuy không nhiều) còn ham muốn thành công nhanh, bỏ qua nguyên tắc “tiệm tiến” trong tập luyện của bản môn, bỏ qua việc quan trọng hàng đầu là tập luyện thở để có được khí lực, nặng sự hơn thua, ham sự “đối lực”. Khi thấy chậm tiến bộ lại lấy những quan điểm tập luyện khác đưa vào việc tập luyện riêng của mình. Từ đó càng tập lên cao càng đuối, càng không đón nhận được sự tinh tế và sâu xa trong công phu của bản môn. Dẫn đến hạn chế trong kết quả tập luyện. Và vô hình chung lại càng kéo kết quả tập luyện thụt lùi. Tất yếu là sẽ không thể tập lên cao được. Đó là điều mà người tập Vĩnh Xuân Nội gia nên tránh. Trong quá trình truyền dạy, tôi cũng đã phân tích thêm, giảng giải thêm và minh chứng thêm những về những nguyên tắc và kết quả khi tuân thủ những nguyên tắc, những yêu cầu trong tập luyện Vĩnh Xuân Nội gia. Song nếu trong tu duy ngay từ ban đầu không định hình và kiên định với những yêu cầu trong tập luyện của bản môn, sẽ không tiến bộ được. Với bài viết vừa qua của tôi, bài “Một điều quan trọng cần biết khi theo tập những môn Nội gia”, tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm những điều cần biết và phải hiểu khi theo tập Vĩnh Xuân Nội gia nói riêng và những môn trong dòng phái Nội gia nói chung. Trên thực tế, tất cả những anh em kiên trì tuân thủ mọi điều trong tập luyện đều có những kết quả tốt, rất tốt qua tập luyện, đồng thời chính thế đã giúp cho họ đi nhanh được, đi xa được trong tập luyện. 
Qua bài viết này, tôi cũng muốn trao đổi thêm với những người yêu mến võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia quyền của thầy trò chúng tôi, chia sẻ với những học trò của tôi cho dù ở những trình độ khác nhau, nhất là với những người học trò trong tâm trí còn có những điều chưa “ngộ” ra được hết bản chất của Vĩnh Xuân Nội gia, và cũng như với những ai có mong muốn theo tập Vĩnh Xuân Nội gia, cần phải biết tuân thủ những điều quan trọng trong tập luyện theo Vĩnh Xuân Nội gia để có thể đi xa trên con đường Vĩnh Xuân Nội gia.
Rất mong mọi người nhìn nhận tâm ý chia sẻ chân thành của tôi qua bài viết này.
Tôi chân thành cảm ơn mọi người.
Hà Nội ngày 20 tháng 12 năm 2013
Võ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo