Sự tương đồng trong một góc nhìn nhận về Thiền của hai nền triết học Á – Âu

“Thiền”, theo suy nghĩ của bản thân tôi là một phát hiện vô giá và vĩ đại của các bậc tiền nhân về một phương thức tập luyện, tu luyện của con người, trong con người, để qua đó đánh thức được tiềm năng kỳ diệu trong con người, và là phương thức duy nhất đưa con người đến giải thoát, đến hòa nhập và tồn tại cùng với vũ trụ. Sự hiện diện của “Thiền” đã có từ bao vạn năm về trước qua các bức họa hình vẽ ngồi Thiền còn lưu được trên các vách đá, trong các hang động, trong kinh Phệ Đà (Pho kinh cổ nhất của loài người) cách đây trên 6.000 năm, trong sự truyền dạy của Phật tổ Như Lai... Và giờ đây được hiện diện trong cuộc sống tu hành của Đạo Phật, của đời thường trong tập luyện của nhân gian.
Đức Phật đã chỉ ra con đường tu duy nhất để đạt đến sự giải thoát trong tu Phật, đó là “Thiền”: “ Không Thiền, không Định. Không Định, không Huệ”. Chỉ khi đạt được “Định” (Sự tĩnh lặng đến mức tuyết đối trong quá trình ngồi Thiền) mới phát Huệ. Có Huệ, ta mới có thể cho có cái “nhìn” bao quát, sự cảm nhận sâu xa từ “Tiểu Thiên Địa” (bên trong con người) đến “Đại Thiên Địa” (Vũ trụ).
“Thiền”, nếu hiểu một cách đơn giản là một quá trình “tĩnh lặng”. Trong quá trình “tĩnh lặng” đó, con người có thể làm nên những điều kỳ diệu từ những tiềm năng vô cùng lớn lao tiềm ẩn trong con người, và hơn thế nữa phần “Thần” – “Linh hồn” của con người có thể đi ra khỏi thân xác mình hòa vào vũ trụ. Tuy nhiên phải hiểu điều đầu tiên mà “Thiền” mang lại cho con người tu luyện, chính là phát “Huệ” cho con người. “Huệ” không chỉ đơn thuần là “trí tuệ”. “Huệ” đã đưa “Trí tuệ” lên một tầm cao, vượt khỏi lẽ thường, để cho người “Huệ” có những khả năng “nhìn” khắp vũ trụ, “hiểu” về vũ trụ và tiến tới hòa nhập được vào vũ trụ. Triết học Đông Phương (Triết học của Á Châu) cho ta nhận thức được điều đó một cách sâu sắc. Biết bao điều con người phát hiện ra, thực hiện được, nếu không đứng trên phương diện triết học Đông Phương, ta không thể lý giải nổi.
Trong quá trình luyện tập của cá nhân tôi, Triết học Đông Phương cũng đã giúp tôi khai mở và cho tôi hiểu được sâu xa bản chất kiến thức Vĩnh Xuân Nội gia mà sư phụ Trần Thúc Tiển của tôi truyền dạy cho tôi. Trong quá trình truyền dạy Vĩnh Xuân Nội gia cho học trò mình (ngay từ những người mới vào), tôi cũng luôn nhắc các anh chị em: “Để có thể hiểu và tập tốt Vĩnh Xuân Nội gia, tốt nhất là nên tìm hiểu về Triết học Đông Phương, nếu không có thời gian thì tạm hãy công nhận những điều nêu ra trong Triết học Đông Phương như công nhận các tiên đề”.
Triết học Đông Phương (rộng ra là nền khoa học Phương Đông) buộc con người phải nhìn nhận về bên trong và bên ngoài con người, nhìn nhận về vạn vật và mọi hiện tượng trong vũ trụ bằng cảm nhận, bằng tri giác nhiều hơn là bằng nhãn quan (có thể coi đó như một môn “khoa học vô hình”). Ngược lại, nền Triết học Phương Tây (rộng ta là nền khoa học phương Tây), cho con người ta có thể nhìn thấy bên được trong và bên ngoài con người, nhìn nhận về vạn vật và mọi hiện tượng trong vũ trụ bằng nhãn quan, bằng định tính, định lượng... (có thể coi như một môn “khoa học hữu hình”). Tuy khác nhau về hình thái và bản chất thể hiện, những đều đi đến một mục đích lý giải mọi điều liên quan đến con người, đến vũ trụ.
Trong lĩnh vực “Thiền”, Triết học Đông phương cho ta biết qua “Thiền” (qua quá trình “tĩnh lặng”), “Huệ” được hình thành và phát triển. Và tôi vẫn nghĩ chỉ có thể dùng Triết học Đông Phương mới lý giải được phần nào kết quả của “Thiền”. Song khi tôi đọc một câu của W. Got (Johann Wolfgang von Goethe, 1740 – 1832),  một nhà thông thái vĩ đại của Thế giới, một nhà thơ, nhà viết kịch, tiểu thuyết gia, nhà văn, nhà khoa học, nhà họa sỹ của Đức: “Trí tuệ của con người trưởng thành trong tĩnh lặng”, tôi nhận thấy một sự hòa đồng sâu sắc trong tư duy triết học của hai nền triết học, tưởng như khác xa nhau, nhưng lại có cùng một cách nhìn nhận về một lĩnh vực mà Phương Đông ta gọi là “Thiền”. Cho phép tôi được coi W.Got là một đại diện cho nền Triết học châu Âu. Có thể và chắc tại thời điểm W. Got sống, ông không biết có “Thiền” ở một nơi  xa xôi nào đó, những ông đã nhận ra rằng: “Trí tuệ của con người trưởng thành trong tĩnh lặng”. Và đó cũng chính là một kết quả có được trong một chặng đường luyện tập của “Thiền”. Ở đây tôi không muốn nói đến thời gian ra đời của sự phát hiện kết quả qua: “Thiền” – “Tĩnh lặng”, mà tôi muốn nói đến trí tuệ của con người dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới, trong vũ trụ này, vẫn luôn có những điểm tương đồng, những sự cảm nhận giống nhau và luôn luôn được khai mở dù trên những góc độ khác nhau.
Quay trở lại “Thiền” hay đơn giản hơn ta gọi là “Tĩnh lặng”: rõ ràng dù tên gọi có thể khác nhau, xuất phát điểm của sự nhìn nhận khác nhau (triết học Đông Phương hay triết học Tây Phương), song đây chính là một phương pháp đúng nhất đưa con người đến sự minh trí (từ Trí tuệ đến Huệ). Và không có lý gì mà chúng ta không bắt đầu từ bây giờ, nếu ta chưa bắt đầu, đi vào tập luyện trong “Tĩnh lặng” – “Thiền”. Mà việc đầu tiên của “Thiền”, không chỉ đối với Vĩnh Xuân Nội gia, chính là ngồi tập luyện thở trong “Tĩnh tọa”.
Nhân đọc một câu của W. Got, tôi liên tưởng và suy diễn có thể có những điều chưa chuẩn xác như hiểu biết của các bạn. Song đó là những trao đổi chân thành của tôi về một lĩnh vực mà Vĩnh Xuân Nội gia của thầy trò chúng tôi quan tâm số 1: THỞ (trong “Thiền”).
Rất mong các bạn lượng thứ cho những suy nghĩ còn hạn hẹp của tôi.
Nhân dịp đón năm mới 2014, tôi cầu chúc sự an lành, hạnh phúc đến với mọi người,  mọi gia đình, chúc toàn thể các thành viên võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền ở cả Việt Nam và Ba Lan cùng gia đình một năm mới luôn khỏe mạnh, an lành, hạnh phúc, thành đạt và thịnh vượng. 
Chân thành cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của tôi.
Nhân ngày đầu năm mới năm 01/01/2014
Võ sư – kĩ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo