HƯỚNG VỀ SƯ TỔ, HẠNH PHÚC ĐI THEO CON ĐƯỜNG CỦA NGƯỜI

Do bận nhiều công việc, cả hai thầy trò chúng tôi đã bay vào chuyến sớm và về chuyến đêm trong ngày.
Ngồi trên máy bay, nghĩ đến vào gặp Sư tổ, sẽ lại được Sư tổ ứng truyền cho sức mạnh, sự minh trí để vững vàng đi trên con đường của Sư tổ, tôi thấy hạnh phúc đến vô cùng. Càng nghĩ, tôi càng thấy mình vô cùng hạnh phúc và có cơ duyên vô cùng lớn mới gặp được sư phụ tôi, cố võ sư Trần Thúc Tiển, được sư phụ truyền dạy cho công phu Vĩnh Xuân Nội gia, được sư phụ dẫn dắt đi theo con đường mà Sư tổ Nguyễn Tế Công, vị Sư tổ vô cùng đáng kính trọng, Sư tổ Vĩnh Xuân Việt Nam đã vạch ra.
Nhớ lại những tháng năm được ở bên sư phụ, dù đã phải xa cách sư phụ 34 năm, nhiều khi tôi vẫn cảm như mới đây thôi, tôi được sự phụ vừa truyền dạy vừa giảng giải cho từng đòn thế, từng bài quyền, từng công phu. Nhớ những lúc được ngồi bên sư phụ trong những buổi tôi lên tập, sư phụ mệt, thầy trò ngồi bên nhau trò chuyện; hoặc trong những khi tôi đưa sư phụ đi dạo dọc phố hàng Đào, hàng Ngang, hàng Bạc; hoặc trong những lúc cùng sư phụ ngồi bên Hồ Hoàn Kiếm... Trong những lúc này, tôi được nghe sư phụ kể bao câu chuyện đã qua trong cuộc đời sư phụ; được nghe sư phụ kể về những điều sư phụ biết về Sư tổ Nguyễn Tế Công trong những năm tháng theo học Sư tổ; được nghe sư phụ kể về những huynh đệ của sư phụ; được nghe sư phụ kể về những người học trò của sư phụ; được nghe bao lời truyền dạy, giảng giải, dặn dò tâm huyết của sư phụ... Rất nhiều, rất nhiều. Có những câu chuyện tôi chôn chặt trong lòng, không bao giờ tôi được phép nói ra, bởi tôi hiểu rằng, sư phụ rất quý tôi, rất tin tôi mới kể cho tôi nghe những câu chuyện như vậy, thật riêng như vậy.

Nhớ lại những chuyện tôi được sư phụ tôi kể cho nghe: Trước giải phóng năm 1954, gia đình sư phụ tôi là một gia đình thành danh, giầu có. Có lẽ cũng không có nhiều người biết rằng, khi sư phụ tôi theo Sư tổ Nguyễn Tế Công, sư phụ tôi hết mực chân thành với Sư tổ. Sư tổ là người nghiện thuốc phiện. (Nhưng theo anh Nguyễn Chí Thành, con trai Sư tổ, cho biết: Sư tổ chỉ hút tại nhà mà không bao giờ đến nhà hàng hút). Sư phụ tôi, mỗi khi thấy Sư tổ có biểu hiện thiếu thuốc, tối đến, sau khi tập xong, sư phụ tôi đi mua thuốc (thời ký đó vẫn có chỗ được phép bán thuốc phiện mà giá thì không hề rẻ), rồi cầm sang biếu Sư tổ, lúc đó Sư tổ ở phố Hàng Buồm. Trong những thời gian sư phụ tôi theo Sư tổ, việc này thường xuyên như vậy. Có lẽ sau này, Sư tổ nhìn thấy tình cảm chân thành nhất mực của sư phụ tôi với Sư tổ, mà Sư tổ đã truyền lại cho sư phụ tôi những công phu thượng thừa, bí truyền của bản môn. Mà theo giáo lý phong kiến thời đó, điều này không bao giờ được phép làm. Ngay bản thân sư phụ tôi khi kể với tôi cũng nói là chỉ biết nghĩ như vậy khi được Sư tổ truyền dạy. Bởi vì trước đó, dù sư phụ tôi thật tâm, chân thành với Sư tổ, nhưng không bao giờ sư phụ tôi dám hỏi gì từ Sư tổ, Sư tổ dạy sao, tập vậy và không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ được Sư tổ truyền dạy cho những công phu cao của bản môn. Và sau đó, cũng chính vì là gia đình giầu có, mà sư phụ tôi cũng đã hết lòng chu cấp tiền bạc cho những người thân quen Sư tổ có khó khăn đến với sư phụ tôi mà không cần để ý đến thân phận của họ, để rồi sư phụ tôi phải gánh chịu một kiếp nạn lớn trong cuộc đời. Nhưng rồi mọi việc cũng đã qua đi. Các Sư tổ môn phái đã để cho sư phụ tôi trong gần chục năm cuối của cuộc đời truyền dạy lại cho các học trò của mình những công phu của bản môn mà sư phụ đã được Sư tổ truyền dạy. Để những công phu đó được tiếp tục lưu truyền cho đến ngày nay. Đó là điều thật Đại phúc cho môn phái.

Từ khi tìm được mộ Sư tổ (ngày 28/9/2005) cho đến nay, năm nào cũng đôi ba lần, tôi đều vào thành phố Hồ Chí Minh để kính lễ Sư tổ và thăm anh Nguyễn Chí Thành. Tôi và anh Nguyễn Chí Thành, anh em chúng tôi đã bao lần trò chuyện, tâm sự cùng nhau. Tôi được nghe anh Nguyễn Chí Thành kể nhiều về cuộc đời bố của mình, Sư tổ Nguyễn Tế Công của chúng ta, mà anh được biết, cũng như của gia đình Sư tổ và của bản thân anh trong những năm sống ở Hà Nội và trong những năm sống ở Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) cho đến nay. Như: Gia đình Sư tổ về Hà Nội vào năm 1939. Ở Hà Nội, Sư tổ không đi làm cho ai cả. Ngoài việc đi dạy võ, Sư tổ ở nhà (thuê nhà ở phố Hàng Buồm), nhận chữa các bệnh về gân khớp (sai khớp, bong gân, gãy chân tay....). Sư tổ rất giỏi về chuyên khoa này. Ngay cả khi di cư vào Nam, Sư tổ vẫn lấy việc bó thuốc, chữa bệnh về khớp, tay, chân làm nguồn sống chính của gia đình (Sư tổ ngồi nhờ một chỗ trong nhà thuốc Lôi công của người Trung Quốc nằm trên đường Nghĩa Thục, Chợ Lớn). Mẹ già của anh Thành, phu nhân đầu của Sư tổ, có hai người con gái. Một mất ở Trung Quốc, một mất ở Việt Nam. Mẹ của anh Thành, Sư tổ mẫu Đàm Thiếu Quỳnh, sinh hạ được anh Nguyễn Chí Thành và người chị của anh Thành, lớn hơn anh Thành bốn tuổi, chị Nguyễn Chí Dung, cả hai chị em anh Thành đều được sinh ở Hà Nội. Anh Thành còn nhớ mình được sinh ở nhà hộ sinh trên phố Lương Ngọc Quyến (có lẽ nhà hộ sinh đó nay là Trung tâm y tế quận Hoàn Kiếm), khi đó Sư tổ 68 tuổi.

Tôi không có ý định và cũng không dám nghĩ đến việc viết về những gì mình được biết về Sư tổ qua những điều được nghe sư phụ kể, qua những điều được anh Nguyễn Chí Thành, con trai Sư tổ nói lại. Những trao đổi trên, tôi cũng chỉ muốn chia sẻ với mọi người đôi điều về một số điều mình đã được nghe. Đối với tôi, hình ảnh Sư tổ vô cùng Tôn quý và đầy ân đức. Sư tổ một con người đầy Nghĩa tình, đầy tâm huyết với môn phái, đã vượt qua khuôn phép nghiêm ngặt, để truyền lại cho người Việt Nam chúng ta mọi công phu của bản môn. Người Việt Nam chúng ta nhờ đó đã được thụ hưởng một sản phẩm trí tuệ vô cùng quý giá được hình thành và tích lũy qua bao thế hệ: công phu Vĩnh Xuân. Tôi hạnh phúc khi hàng ngày được ngắm nhìn hình ảnh cùng tượng Sư tổ, sư phụ ngự trên Ban. Tôi hạnh phúc vô cùng mỗi khi vào với Người, thắp nén hương tâm thành vô hạn dâng lên Người, được đón nhận Sức mạnh và sự Minh trí từ nơi Người ứng truyền cho, để cho tôi được vững vàng trên con đường tập luyện và truyền dạy công phu Vĩnh Xuân Nội gia. Điều này tôi cũng luôn cảm nhận được mỗi khi đến với sư phụ tôi, cố võ sư Trần Thúc Tiển.
Nhớ đến, nghĩ đến Sư tổ, sư phụ, tôi thấy hạnh phúc tràn ngập trong lòng. Cho dù cuộc sống ở đời không dễ (“Ở sao cho vừa lòng người, Ở rộng người cười, ở hẹp người chê”), nhưng Sư tổ và sư phụ tôi đã cho tôi một niềm tin sắt đá trên con đường tôi đã, đang và mãi mãi đi theo. Tôi luôn tin tưởng sắt đá rằng, Sư tổ và sư phụ thấu hiểu sự tâm huyết, sự chân thành đến vô cùng của tôi với môn phái, với Sư tổ, với sư phụ. Sư tổ và sư phụ tôi luôn ở bên tôi phù hộ cho tôi, cho võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền của thầy trò chúng tôi. Và cũng như Sư tổ đã làm, cũng như sư phụ đã làm, tôi cũng sẽ luôn tâm thành gìn giữ và phát huy cũng như truyền lại cho những người trò tâm huyết của tôi những công phu Vĩnh Xuân Nội gia mà tôi đã được học, đã ngộ ra, để không phụ lại tình yêu thương vô cùng lớn lao mà Sư tổ và sư phụ đã dành cho tôi và để thể hiện được lòng tri ân sâu nặng đến vô cùng của tôi tới Sư tổ và sư phụ.
Lại một năm nữa sắp trôi qua. Thời gian càng trôi qua, càng làm cho tôi thêm hạnh phúc trên con đường Vĩnh Xuân, con đường sự nghiệp của đời tôi, con đường tôi mãi mãi đi theo.
Cầu mong Sư tổ và sư phụ luôn mát lành nơi chín suối.
Cầu chúc cho môn phái Vĩnh Xuân phát triển và trường tồn mãi mãi.
Cầu mong sự an lành, hạnh phúc đến với mỗi người, mỗi gia đình.
Cầu mong võ đường Việt nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền của thầy trò chúng tôi ở cả Việt Nam và Ba Lan phát triển vững bền.
Tôi xin chân thành chia sẻ tấm lòng của tôi với môn phái, với Sư tổ Nguyễn Tế Công, với sư phụ Trần Thúc Tiển của tôi cùng mọi người.
Cảm ơn mọi người đã đón nhận sự chia sẻ chân thành của tôi.
Hà Nội ngày 06 tháng 01 năm 2014
(tức ngày mùng 6 tháng Chạp năm Quý Tỵ)
Võ sư – Kỹ sư Nguyễn Ngọc Nội
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video
VÕ ĐƯỜNG

LIÊN KẾT