TẢN MẠN ĐÔI DÒNG TRONG NHỮNG NGÀY XUÂN GIÁP NGỌ

      Mới vài lần ngoảnh đi, ngoảnh lại, đến nay chúng ta đã đi qua một phần mười hai chặng đường của năm Giáp Ngọ. Những giây phút thiêng liêng mọi người phấn khởi chào đón giao thừa năm Giáp Ngọ và  những ngày vui vẻ gặp mặt chúc nhau những lời chúc tốt lành trong những ngày đầu năm mới đã trôi qua. Cùng với những lời chúc tốt lành đầu năm mới là một lời chúc đầy ý nghĩa của năm Giáp Ngọ và cũng là lời chúc đầy ý nghĩa của mỗi khi có công việc khởi đầu, có sự khai trương: “CHÚC MÃ ĐÁO THÀNH CÔNG”.
      Trong buổi tập đầu năm của võ đường , ngày 10/2/2014, tức ngày 11 tháng Giêng năm Giáp Ngọ, tôi cũng chúc mọi người trong võ đường cùng gia đình những lời chúc tốt lành và một năm “ Mã đáo thành công”. Song tôi cũng khuyên mọi người để “ Mã đáo thành công” cần phải chuẩn bị “mã” sao cho thật tốt. Không phải cứ lên“mã” là phóng, là đi và nghĩ có thể đến “thành công” được. Nếu ngựa không ăn uống tốt, ngựa không khỏe và không chuẩn bị mọi mặt hành trang cho việc đi tốt, chắc chắn khó mà đến đích được. Trong đó có sự xác định con đường sẽ đi, phải đi, để vững lòng đi.
      Nghĩ đến chuyện đi, ngẫm về chuyện con đường đi, tôi lại thấy một nỗi buồn, nỗi chua chát khi nhớ đến câu nói của “Táo giao thông” trong chương trình gặp nhau cuối năm của Đài truyền hình Việt Nam phát cuối năm Quý Tỵ vừa qua: ”...Nếu trong một tập thể, ai ai cũng đều có lỗi, vậy mà một mình thần không có lỗi thì thần sẽ biết sống làm sao...Tất cả các táo có lỗi đều đi chung một con đường, còn thần không có lỗi, thần đi một đường... Nói theo kiểu của giao thông, thần đi như vậy là đi ngược chiều...”. Nghĩ làm việc đúng sao khó thế, khổ thế??? Làm người tốt sao khó thế, khổ thế???... Song nếu nói theo cách nói của người dân: sống có Trời có Đất, có gì mà phải lo. Tuy vậy, sống trong hoàn cảnh đó, quả là quá khó và thật khổ.
      Cũng trong buổi tập đầu năm mới ở võ đường, tôi cũng đặt vấn đề với các anh em học trò cần phải xác định rõ việc tập luyện. Cao nhất là gắn bó, tâm huyết với môn phái, với võ đường, hoặc đơn giản hơn là đặt tâm vào việc tập luyện với khả năng cao nhất theo hoàn cảnh, cơ địa, ngộ tính  của bản thân. Trên thực tế, cũng không ít người việc theo tập không hẳn để tiến xa, cũng không nhiều người đặt lòng tâm huyết với Vĩnh Xuân trong từng hơi thở, song cũng có một số người không muốn bỏ nhiều thời gian tập luyện mà lại vẫn muốn đến được đích (theo kiểu có mặt ghi tên, hôm đến hôm nghỉ, hết thời gian học A là sẽ được học B.v.v.) hoặc cho đây là những bài tập đơn giản không cần phải đi tập đều cũng có thể thuộc, thậm chí chỉ chăm chăm học cao mà không chịu tuân thủ nguyên tắc “tiệm tiến” .v.v. Đó là những điều mà tôi khuyên anh em cần phải xem lại việc theo tập của mình, để xác định việc theo tập ở võ đường một cách đúng đắn nhất, qua đó để có thể đạt được đến những mục đích mà mình muốn. Hoặc biết điểm dừng để tránh mất thời gian, công sức của mình, tránh mất thời gian, công sức của huấn luyện viên, của Thầy. Bởi cần phải hiểu việc tập trước hết là cho chính bản thân mình, kết quả luôn luôn dúng với lời người xưa “Linh tại ngã, bất linh tại ngã”.
      Tập luyện bất kỳ môn gì, đều không dễ, nếu mình tập chỉnh chu, tập để giỏi. Mà nói đến võ thuật, phải thể hiện được kết quả việc học của mình qua trình bầy công phu đã học (hay thường gọi là phải có “ấn chứng”), chứ không thể nói bằng lời được (võ mồm). Do đó, nếu không chịu khó luyện thì làm sao mà trình bầy luu loát được bài quyền, đòn thế. Như vậy khi có việc phải “lâm trận”, làm sao mà có thể giành được chiến thắng. Chính vì vậy mà sau khi các lớp tập lấy ngày xong, tôi cũng khuyên các anh em học trò: đã có lòng theo tập, thì phải biết dành thời gian để tập luyện đều đặn, mới có thể lĩnh hội được kiến thức và mới có thể “ngộ” ra được những điều sâu xa của quyền thuật của bản môn, đừng hòi hợt, đừng tập chắp vá. Phải nhớ rằng “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”
     Ngày 16/2/2014, tức ngày 17 tháng Giêng năm Giáp Ngọ, theo tục lệ từ ngàn xưa, nhân những ngày đầu năm mới Giáp Ngọ, thầy trò chúng tôi đã hành hương đến vùng đất Địa linh Kiếp Bạc – Côn Sơn - Chí Linh kính lễ Đức Thánh Trần, kính lễ người anh hùng dân tộc Ức Trai Nguyễn Trãi, kính lễ người thầy của muôn đời Chu Văn An. Bên cạnh việc thể hiện lòng thành, lòng tin với Thế giới Tâm linh, chuyến đi cũng làm tăng thêm tình cảm thầy trò, huynh đệ, tỷ muội, tăng thêm lòng quyết tâm gắn bó với môn phái, với võ đường.
      Tại Ba Lan, ngày 23/2/2014, tức 24 tháng Giêng năm Giáp Ngọ, võ đường Đại Nghĩa – VXNG cũng đã tham gia biểu diễn tại ngày Hội văn hóa Việt Nam được tổ chức ở Thủ đô Vacsava – Ba Lan. Chương trình biểu diễn của các anh em trong võ đường Đại Nghĩa – XVNG cũng đã góp phần làm tăng thêm nét đẹp của ngày Văn hóa Việt Nam trên nuóc bạn Ba Lan 
      Thời cứ gian trôi theo quy luật bất biến hàng triệu triệu năm qua, chẳng biết chờ đợi ai. Nếu không biết quý thời gian, biết tiếc từng giờ, từng phút, thì chỉ cần “chững” lại một chút thôi, là lại sẽ đến giữa năm Giáp Ngọ rồi. Rồi lại sẽ dể một năm trôi qua. Viết đến đây tôi lại nghĩ tới lời khuyên ở đời: Để mất thời gian là mất vĩnh viễn, để mất sức khỏe là mất đi tài sản lớn nhất trong cuộc đời. Và như vậy còn gì nữa mà ta không bắt đầu ngay của việc giữ gìn cho sức khỏe của bản thân mình từ việc tập luyện để rồi ta có thể “mã đáo thành công”.
      Hôm nay, ngày 25/02/2014, tức 26 tháng Giêng năm Giáp Ngọ, trong chuyến đi hành hương lễ chùa, đền ở vùng đất tâm linh Kinh bắc. Tôi lại được chiêm bái hai xá lị toàn thân của hai vị Thiền sư tại chùa Phật Tích và chùa Tiêu Sơn. Tại chùa Phật Tích, Nhục thân xá lị của Thiền sư Chuyết Chuyết được phục dựng từ 133 mảnh xương và 209 mảnh bồi của thân thể Thiền sư. Đây là những phần cơ thể của Thiền sư thu nhặt được sau vụ trộm vứt một vại sành trong đó chứa nhục thân của Thiền sư Chuyết Chuyết. Thông qua các thành tựu khoa học, PTS Nguyễn Lân Cường cùng cộng sự đã phục nguyên thành công thân thể Thiền sư Chuyết Chuyết. Để giờ đây mọi người có thể chiêm bái thân thể xá lỵ của người. 
Tại chùa Tiên Sơn hay còn được gọi là Thiên Tâm tự, chúng ta cũng được chiêm bái nhục thân xá lỵ của Thiền sư Như Trí. Sau gần 300 năm, nhục thân của Người nằm kín bên trong tòa tháp Viên Tuệ, để rồi vào năm 1971, như có sự dẫn dắt của cơ duyên, một viên gạch của tòa tháp rơi đúng lúc Ni sư Đàm Chính, người trụ trì chùa quét dọn tháp. Qua chỗ viên gạch rơi,  Ni sư đã thấy được nhục thân xá lỵ của Người vẫn trong tư thế ngồi thiền. Sau 25 năm giữ kín điều này, năm 1996 Ni sư mới hé lộ ra điều bí mật thiêng liêng này. Đến năm 2004, mặc dù cũng đã có một số bộ phận trên Nhục thân của Người bị hỏng, song nhục thân của Người đã được PTS Nguyễn Lân Cường cùng cộng sự tiến hành tu bổ và bảo quản. Cũng từ đây mọi người chúng ta đến chùa Tiêu Sơn đều được chiêm bái nhục thân xá lỵ của Người, Thiền sư Như Trí. Lúc chúng tôi đến chùa vào khoảng gần trưa, tôi được thấy nhà chùa cúng cơm (mâm cơm nhỏ là một bữa cơm đạm bạc của nhà chùa hàng ngày) trước bàn thờ của Thiền sư. Mặc dù Thiền sư đã yên nghỉ từ gần 300 năm qua (từ năm 1723), song qua việc cúng cơm Thiền sư hàng ngày, tôi cảm nhận chắc chắn mọi người vẫn tin rằng Thiền sư vẫn hiện diện ở đây để phù trợ cho mọi người trên bước đường tu hành và trong cuộc sống. Tôi tin điều này, bởi tôi cũng đã cảm nhận được, đón nhận được sự phù trợ của các Sư tổ môn phái, của Sư tổ Nguyễn Tế Công và sư phụ tôi, cố võ sư Trần Thúc Tiển.
      Hôm nay vẫn còn trong tháng Giêng, vẫn còn trong mùa Lễ Hội. Mọi người vẫn đến những địa danh Tâm linh, Địa linh để cầu mong sự an lành cho Đất nước, cho gia đình, cho bản thân. Tôi cũng xin chân thành cầu chúc sức khỏe đến với tất cả mọi người trên đời và cầu mong mọi người luôn đón nhận mọi niềm vui, mọi hạnh phúc trong sự khỏe mạnh.
Những ngày cuối tháng Giêng năm Giáp Ngọ - 2014
Võ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo