Thư ngỏ gửi các môn sinh trong võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền
Sau những trao đổi của tôi trong buổi tập đầu tiên của năm Giáp Ngọ - 2014, ngày 11 tháng 02 năm 2014, tức ngày 11 tháng Giêng năm Giáp Ngọ và sau ít ngày, bài viết “Tản mạn đôi dòng trong những ngày xuân Giáp Ngọ” của tôi được đưa lên trang web của võ đường, một môn sinh ở võ đường Thanh Quan đã xin gặp riêng tôi để được hỏi đôi điều. Đây là một môn sinh qua quá trình theo dõi việc tập luyện ở võ đường, tôi đánh giá là một môn sinh chịu khó trong các buổi tập. Qua trao đổi tôi cũng nhận thấy một sự chân thành, trung thực toát lên ở người môn sinh này. Và từ hôm đó đến lúc này, cũng đã có thêm một vài anh em môn sinh khác nữa đến hỏi tôi.
Tôi nghĩ chắc chắn những điều họ hỏi sẽ trùng với suy nghĩ của không ít các môn sinh khác trong võ đường. Trên thực tế, những tâm tư này cũng phản ảnh sự trăn trở trong việc theo tập của mỗi môn sinh. Mà đúng ra mỗi người theo học, đều phải nhận thức được con đường tập luyện của mình với hoàn cảnh của bản thân, cả về khách quan và chủ quan trước và trong quá trình theo tập để quyết định con đường tập luyện của bản thân.
Qua những buổi trao đổi như trên, tôi suy nghĩ thấy cũng nên đưa những điều trao đổi này được mở rộng tới toàn thể các anh chị em ở cả võ đường, cho nên tôi viết thư ngỏ này gửi tới các anh chị em trong võ đường.
Điều cơ bản lớn nhất toát lên từ trao đổi của mấy môn sinh của tôi có thể tóm tắt là: “. Qua tìm hiểu, qua lựa chọn và qua một thời gian tập luyện, rất đam mê Vĩnh Xuân Nội gia, muốn gắn bó lâu dài, thậm chí là suốt đời với Vĩnh Xuân Nội gia. Sẽ phải làm gì, làm như thế nào để có thể đạt được ước nguyện này”
Tôi có nói với những người học trò là nếu coi như những yếu tố về lòng tâm huyết, sự đam mê, ý chí quyết tâm đương nhiên đã có qua sự dẫn dắt của “cơ duyên”, thì “ngộ tính” , sự tuân thủ phương pháp tập luyện, sự chân thành, trung thực với thầy và đồng môn trong tập luyện là điều không thể thiếu được.
Trong một bài viết trước đây tôi cũng đã nhắc đến những điều cốt lõi để học được Vĩnh Xuân Nội gia đó là 3 yếu tố: Cơ duyên – Người thầy và Bản thân.
Với riêng tôi, Vĩnh Xuân Nội gia là môn tập luyện rất khó. Chỉ nói riêng 2 trong 3 tiêu chí đầu tiên của Vĩnh Xuân Nội gia là:
+ Lấy lỏng mềm để thể hiện quyền thuật.
+ Lấy KHÍ làm nguồn lực
Để hiểu được thấu đáo, để thực hiện được đúng bản chất của hai tiêu chí này đã không hề đơn giản và mất không ít thời gian tập luyện để “ngộ” ra được bản chất của hai tiêu chí này. Và một điều quan trọng để giúp “ngộ” được sâu sắc, đó là phải kiên trì, cần mẫn, biết “tiệm tiến” (tiến dần) trong tập luyện.
Tôi vẫn thường nói với các anh em: Đừng nghĩ đến là mình đang học võ. Hãy nghĩ đơn giản là mình học điều khiển tay, chân, thân theo ý mình. Mình điều khiển được chân tay theo ý mình vào các đòn thế, thì đó chính là mình đang thực hiện các đòn thế võ. Với phương pháp vận động của VXNG, điều tưởng như đơn giản nói trên, trên thực tế tại võ đường, để làm được điều này thời gian tập luyện không hề ngắn với nhiều người.
Sư phụ Trần Thúc Tiển của tôi thường nhắc đến lời của Sư tổ Nguyễn Tế Công đã nói về mức độ khó trong tập luyện lên cao là “ Đại, đại công phu”. Để vượt qua mức độ khó khăn này, điều tối thượng là phải dành thời gian cho tập luyện. Vì khi đã tâm huyết với môn phái, thì chỉ có thông qua tập luyện mới có thể ngộ ra bản chất của công phu cùng những điều cần thiết trong tập luyện. Mà để tập luyện tốt được thì điều cần thiết hàng đầu là thời gian dành cho tập luyện. Tuy nhiên nếu không “ngộ” ra được bản chất của sự tập luyện (qua các đòn thế, qua các bài quyền, qua các phương pháp) thì sự cần cù theo thời gian sẽ không giúp ích được cho sự đi lên trong tập luyện. Có khi còn làm ngược lại vì cứ tập theo mãi cái sai, chính vì vậy mà rất cần sự chỉ dẫn của người Thầy, khi trên lớp và trong quá trình tập luyện.
Để tập được Vĩnh Xuân Nội gia và nhất là khi muốn lên cao, thời gian dành cho tập luyện quả là một khó khăn với không ít người trong thời đại ngày nay. Mỗi ngày không thể chỉ là dành nửa tiếng, một tiếng cho tập luyện là được. Tôi cũng xin điểm về thời gian cần có ít nhất để tập một ngày, đơn giản như chỉ với tập thở cơ bản mỗi ngày thôi, cũng không thể dưới 20 - 30 phút được. Như tôi cũng thường nói và đã viết: ”Nếu không tập luyện thở, tốt nhất không nên tập Vĩnh Xuân Nội gia”. Vì sức mạnh của Vĩnh Xuân Nội gia là ở nội khí. Mà muốn có nội khí, thì bắt buộc phải tập luyện thở. Trong đó việc tập luyện thở cơ bản là điều quan trọng nhất trong tập luyện thở. Sau khi thở cơ bản tốt cùng với quá trình tập luyện lên cao, sẽ phải tập đến thở Tiểu Chu Thiên. Việc tập thở này cũng phải 30 phút trở lên. Rồi thời gian để tập luyện quyền cùng những phương pháp tập luyện cao cấp khác (khi tập lên cao) cũng mất thêm khoảng 1,5 tiếng nữa. Như vậy thời gian dành cho khi tập lên cao ít nhất (tôi muốn nhắc lại là ít nhất) không dưới 2,5 tiếng một ngày. Điều này rất khó khăn cho những người có hoàn cảnh cuộc sống eo hẹp về thời gian, vì công việc, vì gia đình, vì hoàn cảnh cuộc sống (đi lại, nhà cửa, kinh tế...). Do đó người tập cũng nên tiên liệu hoàn cảnh của mình mà nên tập đến đâu là vừa đủ như: chỉ tập cơ bản (chương trình A); tập cả chương trình cơ bản toàn diện (tập tiếp chương trình B); hoặc tập hết chương trình quyền cao cấp (hệ thống quyền 108), hoặc theo đến cùng hệ thống công phu Vĩnh Xuân Nội gia. Khi có điều kiện lại tập tiếp. Nên nhớ: Tập luyện với VXNG không bao giờ là muộn cả.
Một người học trò cũng hỏi tôi vì sao tôi không dạy thở Tiểu Chu Thiên ngay cho mọi người, vì nghe nói đó là phương pháp thở rất tốt cho sức khỏe. Tôi cũng chân thành nói thẳng: Để dạy thở Tiểu Chu Thiên không khó khăn gì và cũng không mất nhiều thời gian của thầy. Thầy chỉ cần hướng dẫn quy trình thở để người tập làm theo (cũng như dạy thở cơ bản). Nhưng phải hiểu Tiểu Chu Thiên là phương pháp thở dẫn đòi hởi rất cao về sự cảm nhận của bản thân người tập. Trước hết người tập phải thở rất tốt thở căn bản. Nếu không, khi tập thở Tiểu Chu Thiên sẽ khó đạt yêu cầu “dẫn được khí”, thậm chí sẽ không tốt cho cơ thể khi thở không đúng. Để đảm bảo tốt cho môn sinh, tôi không thể hướng dẫn thở Tiểu Chu Thiên khi người tập chưa luyện thở tốt “thở cơ bản”. Trên thực tế, khi tập vào các phương pháp tập luyện cao trong “Tam Luyện” thì bắt buộc phải tập Tiểu Chu Thiên. Trong trường hợp không tập lên cao, nếu thở cơ bản tốt, thì vẫn tập được Tiểu Chu Thiên. Với thở Đại Chu Thiên cũng như với thở Tiểu Chu Thiên, tôi cũng không thể hướng dẫn thở Đại Chu Thiên được khi mà các yêu cầu của luyện thở “ÊM – ĐỀU – CHẬM – SÂU – DÀI” cũng như việc luyện thở Tiểu Chu Thiên chưa đạt. Mọi người cần nhớ rằng: luyện tập thở nói chung và luyện tập VXNG nói riêng đòi hỏi sự CẢM NHẬN của bản thân là vô cùng quan trọng. Tôi cũng không thể phân tích về các phương pháp thở giới thiệu trên mạng. Tôi chỉ khuyên rằng: đã theo học môn nào thì hãy tuân thủ các yêu cầu trong tập luyện của môn đó. Đừng lấy mỗi chỗ một tý rồi ghép lại với nhau để tập luyện.
Nên nhớ, luyện tập những phương pháp thở cao đòi hỏi người tập phải có cảm nhận của bản thân rất tốt, đồng thời phải thực hiện tốt các yêu cầu đặt ra cũng như phải có sự chỉ dẫn của người thầy. Nếu không, sẽ tác động không tốt ngay tới cơ thể. Không thể đơn giản muốn là tập. Điều này đúng với tất cả những ai tập luyện về khí.
Luôn nhớ rằng: “ Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”
Về tập luyện quyền: trong võ đường cũng đã có những thành viên, vì những lý do riêng, chỉ muốn tập nhanh, học nhanh hết chương trình để rồi nghỉ tập, nghĩ sau đó về tự luyện. Đây là một suy nghĩ thật sai lầm trong tập luyện. Thực tế không ít người đã mắc phải điều tôi nhắc đến ở trên: cứ tập theo mãi cái sai mà không biết dẫn đến “Sai một ly đi một dặm”.
Để giỏi được cần phải nhớ “tập ở lớp là cơ bản, tập ở nhà là quan trọng”. Hai điều này quan hệ hữu cơ và thúc đẩy cho sự phát triển và đi lên trong tập luyện. Đi đúng bài quyền chưa đủ (tập để thuộc bài quyền thì không lâu), mà phải thể hiện được bản chất của từng đòn đánh, đỡ trong bài quyền. Bản chất quyền thuật của tất cả các môn nội gia nằm ở bên trong mỗi đường quyền. Để hiểu sâu sắc được bản chất của quyền thuật, rất cần có sự chỉ dẫn của người thầy (đây là điều đòi hỏi phải cần nhiều thời gian). Điều này tôi nói ra không phải đề cao vai trò của người thầy mà là một thực tế cần phải có. Lý Tiểu Long, trong một bài viết của ông về “Phép "Chi sao" của Vịnh Xuân phái Thiếu Lâm Phật Sơn”, ông cũng đã chỉ ra rằng: “...Muốn tập “chi sao” phải có một ông THẦY LÀNH NGHỀ, dần dắt từng bước...”. Thực tế điều này không chỉ có khi tập “chi sao”.
Có một chuyện, tôi nghĩ cũng nên trao đổi lại cũng các anh em. Một người học trò sau những phút đắn đo, nói “rào trước, đón sau” đã mạnh bạo hỏi tôi “...Thầy cho con hỏi: các công phu thầy học được có phải toàn bộ đều từ Tôn sư Trần Thúc Tiển mà ra có phải không?...”. Qua suy nghĩ, tôi cũng chân thành trao đổi với người học trò này.
Trước hết tôi nói đến bài Văn tế “Kính viếng thầy Trần Thúc Tiển” của anh Lê Kim Giao, một người học trò của sư phụ Trần Thúc Tiển viết khi sư phụ tôi qua đời (ngày 07/02/1980 tức 21 tháng Chạp năm Kỷ Mùi). Thực ra, đối với những người tinh ý một chút và đặt tâm một chút, ngay sau khi tôi đưa bài Văn tế “Kính viếng thầy Trần Thúc Tiển” lên trang web của võ đường, qua quá trình đọc, có thể nhìn thấy được phần nào công phu của sư phụ Trần Thúc Tiển của chúng tôi đã lĩnh hội được từ sự truyền dạy của Sư tổ Nguyễn Tế Công. Tôi thật sự rất kính nể ngòi bút, văn phong và nhất là khả năng thâu tóm, diễn giải những công phu của sư phụ Trần Thúc Tiển và thành tựu của những công phu đó chỉ qua đôi dòng của anh Lê Kim Giao khi viết bài văn Kính viếng này. Và tôi luôn chân thành cảm ơn anh Lê Kim Giao mỗi khi nhớ đến, đọc lại bài Văn tế “Kính viếng thầy Trần Thúc Tiển” của anh.
Tôi xin trích dẫn phần nói về công phu Vĩnh Xuân của sư phụ Trần Thúc Tiển của chúng tôi qua bài Văn tế “Kính viếng thầy Trần Thúc Tiển” của anh Lê Kim Giao:
“......
Chúng con nghe chuyện xưa: Thầy đã hết lòng thu nắm được tinh hoa phương Bắc
Bao người đà sớm thử, dạ càng say dạ, cúi đầu làm đệ tử phái Nam
Chúng con đến bái Thầy, lòng thấy mừng sao: mấy ai đã có Thầy, một đời tin tưởng
Bàn bè năng tập luyện, sức thêm, hơi mạnh: ra công rèn chí Phật, càng tập càng ham
Mà lạ sao:
Sức ít công nhiều, dáng Hạc mà vững như núi Thái
Lấy mềm phá cứng, liễu xuân đảo lướt cả gươm đao
Nội công khiếp thu kẻ mạnh
Linh giác chinh phục tài cao
Hai mạch Đốc mạch Nhâm, lòng trẻ vui tìm từng khắc
108 đường quyền cước, công Thầy sâu kể xiết bao
.................”
Với những chữ tôi in đậm, mọi người có thể nhận thấy được phần nào công phu của sư phụ Trần Thúc Tiển của chúng tôi. Sư phụ đã kể cho chúng tôi nghe (“Chúng con nghe chuyện xưa”) về quá trình người được Sư tổ truyền dạy công phu cho mình (“Thầy đã hết lòng thu nắm được tinh hoa phương Bắc”). Các bạn đọc thêm những câu chuyện liên quan đến việc học của sư phụ tôi qua những bài viết đã được đăng tải trên trang web này. Qua những lời văn của anh Lê Kim Giao, ta thấy một công phu của môn Vĩnh Xuân bên ngoài nhìn thì nhẹ nhàng (“sức ít”) mà khả năng công phá cao (“công nhiều”), vì đó là những đòn đánh bằng Khí lực (“sức thêm, hơi mạnh”); một công phu với bộ Ngũ hình (Hổ, Báo, Hạc, Xà, Long) thật ý nghĩa nhiều mặt trong hệ thống quyền thuật mà với dáng đứng “Hạc” (ở thế đứng một chân) đã cho sư phụ tôi một thế vững đến kỳ lạ, cho dù cố võ sư, vô địch quyền Anh hạng 57 kg Phạm Xuân Nhàn đã lùi xa mấy mét chạy vào xô sư phụ tôi mà sư phụ tôi vẫn đứng yên không hề suy chuyển (các bạn xem thêm bài viết lại lời kể của cố võ sư, bác sĩ Phạm Xuân Nhàn trên trang web); một công phu “Lấy mềm” trong thực thi quyền thuật nhưng “đảo lướt cả gươm đao”; một công phu có đầy đủ “Nội công”, “Linh giác” để làm “kẻ mạnh” phải “khiếp” và bị “chinh phục”; một công phu có kỹ thuật thở cao “Tiểu Chu Thiên” để đả thông “Hai mạch Đốc mạch Nhâm”. Mà để đả thông được Nhâm – Đốc, người tập phải đặt tâm cảm nhận từng giây trong quá trình tập luyện (“lòng trẻ vui tìm từng khắc”). Một công phu mà chỉ nói riêng với bài 108 thôi (bài 108 có “108 đường quyền cước”), không nói tới các công phu cao khác, người thầy phải rất tâm huyết truyền dạy qua bao giai đoạn, mất rất nhiều công sức và thời gian, người trò mới giỏi được. Như tôi đã nói và đã viết: bài 108 phải tập hàng năm và phải tập với người thầy có nội công mới nhận ra được đầy đủ ý nghĩa của bài. Những người học trò đã học đến bài 108 đều phải biết tri ân “công thầy sâu kể xiết bao”.v.v. và v.v.
Tôi nói với người học trò: “Mặc dù những công phu của thầy không thể đạt được như sư phụ Trần Thúc Tiển của thầy, nhưng những công phu thầy đã thể hiện, những tiêu chí thầy nói ra, những điều thầy đã viết, tất cả đều nằm trong các công phu của sư phụ Trần Thúc Tiển đã được học từ Sư tổ Nguyễn Tế Công và sư phụ đã truyền lại cho các học trò của sư phụ, trong đó có thầy (tôi, Nguyễn Ngọc Nội)”. Tôi cũng nói lại cho người học trò tôi biết về một điều là đã có những người nghi ngờ công phu tôi có, không phải học từ sư phụ Trần Thúc Tiển. Họ không hiểu rằng, trước khi tôi đến với sư phụ Trần Thúc Tiển của tôi, tôi đã học môn Thiếu Lâm được một số năm. Và nhất là tôi đã tập luyện khá tốt về YOGA. Trong đó, tôi đã luyện rất nhiều phương pháp thở của Yoga (Võ sư Nguyễn Ngọc Nội ngồi thở trong một tư thế của YOGA), mà phương pháp thở 2 kỳ của Yoga tương đồng hoàn toàn với phương pháp thở căn bản của Vĩnh Xuân. Chính vì vậy khi sư phụ Trần Thúc Tiển kiểm tra việc thở của tôi, Người đã rất khen về nội khí của tôi. Có lẽ thành quả tập luyện của tôi có một phần nhờ những luyện tập trước đây của tôi cùng với sự tâm huyết đến vô cùng, sự toàn tâm đến cao độ trong tập luyện. Song điều rất quan trọng mang tính quyết định đến thành quả tập luyện của tôi với sư phụ là trong năm cuối cùng của cuộc đời sư phụ (năm 1979), chỉ còn tôi là người duy nhất vẫn ở bên sư phụ, vẫn thường xuyên được sư phụ truyền dạy, chỉ dẫn. Những kiến thức, những công phu tôi được sư phụ truyền dạy trong những năm tháng cuối của sư phụ, tôi tin chắc nhiều người không thể biết và không thể hiểu nổi. Và chính có những người không hiểu nổi, không tin nổi như người học trò này, nên đã có câu hỏi như vậy. Nhìn nhận sự chân thành trong câu hỏi của người học trò, nên tôi cũng bộc bạch chia sẻ những chuyện xưa của tôi cùng người học trò của mình và qua bài viết này được chia sẻ thêm với các anh em.
Cũng đã lâu rồi, tôi mới lại có những dịp trò chuyện với học trò về những chuyện “ngày xưa”. Như Sư tổ Nguyễn Tế Công và sư phụ Trần Thúc Tiển của tôi đã dạy lại: Học Vĩnh Xuân phải biết cảm nhận, mới có thể “ngộ” ra được và tiến xa được. Mà với tôi, tôi thấy đúng là phải sống với Vĩnh Xuân trong từng hơi thở mới thấy được những điều sâu xa trong hệ thống quyền thuật của bản môn. Ở đời, người giỏi đâu có thiếu. Tôi nghĩ vấn đề là sự tâm huyết đến đâu. Cũng như Yoga đã dạy “tìm thì thấy”. Ở đây là phải biết “tìm” như thế nào để “thấy”. Tôi hiện có những người trỏ giỏi, ngộ tính cao, đầy tâm huyết. Tôi tin rằng họ sẽ góp phần làm vẻ vang cho môn phái. Thật hạnh phúc về điều này.
Trong lịch sử phát triển của môn Vĩnh Xuân đã có biết bao nhiêu người giỏi và tôi tin rằng Vĩnh Xuân sẽ còn nhiều, rất nhiều người giỏi. Chính vì thế mà hàng mấy trăm năm qua, dù có lúc “ẩn”, lúc “hiện”, nhưng môn phái Vĩnh Xuân vẫn luôn phát triển, phát triển rực rỡ, đem lại biết bao điều hữu ích cho những người đến với Vĩnh Xuân.
Đôi dòng chân thành trao đổi, chia sẻ cũng các anh em.
Chúc các anh em đạt được những mong ước của mình trong tập luyện.
Hà Nội ngày 22 tháng 5 năm 2014
Võ sư Nguyễn Ngọc Nội
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video
VÕ ĐƯỜNG
LIÊN KẾT