Thư ngỏ thứ mười

Kính gửi các bạn yêu quý Vĩnh Xuân Việt Nam.
Đồng kính gửi các bạn yêu quý võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền.
     Trước hết tôi xin lỗi các bạn vì gửi thư ngỏ này viết về một điều có thể các bạn đã biết và đã hiểu từ lâu.
Ngày 05/12/2014, tôi có nhận được thư của một bạn gửi cho tôi qua email. Tôi lúc đầu cũng không muốn trả lời bạn đó, vì tôi biết bạn đó chưa xem phả hệ Vĩnh Xuân Phật gia nhánh Vĩnh Xuân Việt Nam mà tôi đã xây dựng từ năm 2004. Nhưng rồi tôi nghĩ có thể không chỉ một mình bạn đó có suy nghĩ như vậy, do đó tôi thấy cũng nên trả lời chung qua thư ngỏ để chia sẻ cùng mọi người về chuyện này và hy vọng tất cả chúng ta cùng tôn trọng những bậc tiền bối, những sư phụ của mình, những Tôn sư của mình, chúng ta không nói đến những chuyện mang tính liên quan giữa các bậc tiền mà nội dung có thể ẩn chứa những hiểu lầm cho thế hệ sau.
Trong thư gửi cho tôi qua email, bạn gửi thư có nhắc tôi nên tìm hiều để “...hiểu rõ về thầy Trần Thúc Tiển và cụ Ngô Sỹ Quý. Không phải cụ Ngô Sỹ Quý là học trò của cụ Trần Thúc Tiển như học trò của cụ Trần Thúc Tiển hiểu lầm.” (Tôi xin được trích đoạn nội dung thư có liên quan đến thư ngỏ này của tôi). Trong những năm trước đây, trước khi xây dựng phả hệ Vĩnh Xuân Phật gia nhánh Vĩnh Xuân Việt Nam, tôi đã tìm hiểu một số phả hệ cũng như những bài viết (đã được dịch ra tiếng Việt) của một số nhánh Vĩnh Xuân Trung Quốc và Hồng Kông. Đồng thời tôi cũng đọc một số bài viết của nhánh Vĩnh Xuân Việt Nam. Trong đó có những bài viết nói về thời kỳ trẻ, cố võ sư Ngô Sỹ Quý đã theo học Sư tổ Nguyễn Tế Công. Tôn trọng những thông tin từ những bài viết đã đọc, trong phả hệ Vĩnh Xuân Phật gia nhánh Vĩnh Xuân Việt Nam tôi xây dựng, trong dòng các học trò của Sư tổ Nguyễn Tế Công, có tên cố võ sư Ngô Sỹ Quý. Các bạn có thể tìm hiểu phả hệ và một số bài viết của tôi trên website của võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền (wwww.wingchun.com.vn) cũng như trong bộ sách “Những bài viết về Vĩnh Xuân và võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền” (Phần 1 xuất bản năm 2007, tái bản năm 2010) hay cuốn “Tuyển tập 10 năm, những bài viết về Vĩnh Xuân, Vĩnh Xuân Nội gia và võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền” (xuất bản tháng 6 năm 2013).
Qua thư ngỏ này tôi cũng xin trình bầy thêm một số nội dung liên quan có thể các bạn quan tâm. Sau năm 1970, sư phụ tôi, cố võ sư Trần Thúc Tiển, có được Viện Khoa học giáo dục mời đến trình bày công phu môn Vĩnh Xuân trong một chương trình nghiên cứu để có thể đưa việc tập luyện võ thuật vào giáo dục thể chất học đường. Sư phụ tôi đã tham gia trình bày công phu môn Vĩnh Xuân nhiều tháng tại Viện và được Viện gửi tiền bồi dưỡng hàng tháng trong những tháng tham gia. Tham gia trong chương trình này cùng với sư phụ tôi, có ông Vũ Huyến, chuyên viên của Viện, chuyên nghiên cứu về võ thuật và cố võ sư Ngô Sỹ Quý, khi đó là cán bộ của Bộ Giáo dục. Viện khoa học giáo dục chắc chắn sẽ vẫn còn lưu giữ các hồ sơ về các chương trình Viện đã xây dựng, trong đó có chương trình này. Với việc thực hiện chương trình này, có thể hiểu là sự trao đổi, tiếp nhận các thông tin để đưa vào xây dựng chương trình, không mang tính dạy và học. Nhân đây tôi cũng xin nói đến một bài viết trước đây (năm 2004), tôi có sử dụng từ “dạy” và “học” khi nói về chương trình này, có thể do đó mà một số bạn hiểu đó như nói đến thầy – trò. Nay tôi xin được nói lại rõ theo như ý ở trên cũng như đã thể hiện rõ cố võ sư Ngô Sỹ Quý là học trò của Sư tổ Nguyễn Tế Công trong phả hệ tôi đã xây dựng từ năm 2004. Cũng trong những năm sau năm 1970, cố bác sỹ Nguyễn Khắc Viện có mời sư phụ tôi đến dạy môn Vĩnh Xuân cho ông và một số cán bộ của nhà Xuất bản Thế giới ở phố Trần Hưng Đạo tại văn phòng nhà xuất bản Thế giới. Bác Nguyễn Thế Trường, nhà Yoga số 1 của Việt Nam, thời kỳ đó là cán bộ của Viện Khoa học giáo dục, một người có những quan hệ mật thiết với cố bác sỹ Nguyễn Khắc Viện và cố võ sư Ngô Sỹ Quý cũng đã tham gia theo học sư phụ tôi trong quãng thời gian đó.
Chúng ta, những người học trò, những hậu duệ của Vĩnh Xuân Việt Nam mãi ghi nhớ công ơn của các sư phụ, các bậc Tôn sư của Vĩnh Xuân Việt Nam: cố võ sư Ngô Sỹ Quý, cố võ sư Trần Văn Phùng, cố võ sư Hồ Hải Long, cố võ sư Lục Viễn Khai, cố võ sư Trần Thúc Tiển và một số cố võ sư Vĩnh Xuân khác, những học trò của Sư tổ Nguyễn Tế Công, đã dầy công lưu giữ và truyền thụ những công phu Vĩnh Xuân được học từ Sư tổ Nguyễn Tế Công cho thế hệ chúng ta. Đó là điều lớn nhất mà mỗi chúng ta nên trân trọng giữ trong lòng và không có điều gì có thể làm thay đổi những tình cảm của chúng ta với các bậc tiền bối của Vĩnh Xuân Việt Nam.
Đôi dòng trao đổi và chia sẻ qua thư ngỏ này. Rất mong các bậc huynh đệ, các môn đệ trong môn phái cùng những bạn yêu quý Vĩnh Xuân Việt Nam, yêu quý võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền hiểu và thông cảm cho những chia sẻ của tôi trong thư ngỏ này.
Xin chân thành cảm ơn tất cả mọi người.
Hà Nội ngày 08 tháng 12 năm 2014
                                              Võ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo