Thư gửi các bạn yêu quý võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền và trang web của võ đường

Kính gửi các bạn yêu quý võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền và trang web của võ đường.
Như các bạn cũng đã biết, sư phụ của chúng tôi, võ sư Nguyễn Ngọc Nội, với lòng tâm huyết cao độ với môn phái, với các Sư tổ môn phái, với Sư tổ Nguyễn Tế Công và Tôn sư Trần Thúc Tiển, gần 40 năm qua, đã dầy công tập luyện và truyền dạy các công phu của môn phái. Cho đến nay, dù tuổi cũng đã cao, nhưng hàng ngày (30 ngày/30 ngày) vẫn cần mẫn trực tiếp đứng truyền dạy cho các học trò là võ sư, huấn luyện viên các hệ thống quyền thuật cao cấp trong Vĩnh Xuân Nội gia, đồng thời cùng với các võ sư, huấn luyện viên của võ dường truyền dạy các hệ thống quyền thuật cơ bản cho những môn sinh các lớp A và B. Bên cạnh đó, sư phụ chúng tôi cũng đã viết hàng trăm bài đăng trên trang web của võ đường cũng như gửi đăng trên một số báo và tạp chí chia sẻ những kiến thức của bản môn, viết về những hoạt động trong võ đường của thầy trò chúng tôi ở cả hai võ đường tại Việt Nam và Ba Lan. Mặc dù sự tâm huyết với môn phái đã chiếm rất nhiều thời gian của sư phụ chúng tôi, những sư phụ chúng tôi vẫn dành thời gian tham gia các hoạt động trong xã hội và cũng như viết những bài đăng trên một số báo như báo Kinh tế và Đô thị (của thành phố Hà Nội), báo Người Cao tuổi (của  Hội Người Cao tuổi Việt Nam)... về những gương người tốt ở nơi sư phụ chúng tôi sinh sống. Trong thời gian gần đây, sư phụ chúng tôi cũng có những bài viết chia sẻ nhũng suy nghĩ về những lĩnh vực trong xã hội mà sư phụ tôi quan tâm đăng trên tuần báo Thế Giới và Việt Nam (của Bộ Ngoại giao Việt Nam).
Hôm nay, được sự đồng ý của sư phụ Nguyễn Ngọc Nội, chúng tôi xin phép được gửi đến các bạn hai trong số những bài viết của sư phụ chúng tôi đã được đăng trên tuần báo Thế Giới và Việt Nam. Với mong muốn để các bạn hiểu thêm về những hoạt động của sư phụ chúng tôi trong đời sống xã hội.
Chân thành cảm ơn và biết ơn sự quan tâm, yêu mến của các bạn đến võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền và trang web của võ đường cũng như đến sư phụ Nguyễn Ngọc Nội của chúng tôi.
Nhân dịp chuẩn bị bước sang năm mới 2015, thầy trò chúng tôi ở cả hai võ đường tại Việt Nam và Ba Lan, xin chân thành chúc các bạn cùng gia đình đón một năm mới 2015 trong sự khỏe mạnh, an lành, hạnh phúc, thịnh vượng và thành công.
 
Ngày 26 tháng 12 năm 2014
Admin Võ đường Việt nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền
  
Bài: Ngoại giao từ đời thường
     Là người được nhiều lần đi làm việc ở nước ngoài, được thấy những việc hàng ngày góp phần tô đẹp quê hương, đất nước, tôi muốn bày tỏ suy nghĩ của riêng mình để cùng chung tay xây dựng hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
 
    Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã cho thấy vai trò quan trọng của các vị lãnh đạo cũng như của các nhà ngoại giao. Tuy nhiên, song hành cùng ngoại giao nhà nước, tôi nghĩ một điều rất thiết thực, cần thiết và luôn luôn mới đó là công tác "ngoại giao nhân dân". Bởi lẽ, những việc làm bình thường, hàng ngày của công dân cũng như của các tổ chức trong xã hội đều tác động mạnh mẽ đến cảm nhận, góc nhìn của bạn bè quốc tế.
     Trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, dường như ai cũng có cơ hội trở thành một nhà ngoại giao nhân dân. Từ những hành vi trong công việc, giao tiếp của những tiếp viên hàng không, nhân viên hải quan, công an biên phòng, người lái taxi, người bán hàng, người làm công tác dịch vụ đến những người dân bình thường trong cuộc sống, đều có tác động mạnh mẽ đến bạn bè quốc tế khi họ đến thăm Việt Nam. Sức lan tỏa trong cộng đồng bạn bè quốc tế rất hữu hiệu. Họ có thể khuyên nhau nên đến nước ta, đồng thời có thể khuyên nhau không nên đến vì có nhiều những hình ảnh không đẹp, những cư xử thiếu văn hóa. Chúng ta đã có không ít câu chuyện đáng phải suy ngẫm liên quan đến vấn đề này.
     Nhìn ra thế giới, chúng ta đã xúc động trước hình ảnh em bé người Nhật, sau thảm họa sóng thần khủng khiếp, vẫn kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt nhận trợ cấp mà dứt khoát không nhận sự ưu ái cho riêng mình. Chúng ta cũng khâm phục những cổ động viên người Nhật ở World Cup 2014, sau trận bóng đá, đã tự động ở lại đi nhặt rác trên sân vận động. Những hành động như vậy đã làm đẹp đất nước Nhật và người Nhật trước con mắt của cộng đồng quốc tế.
     Trong khi đó, vì cách quản lý còn chưa nghiêm minh, ý thức cộng đồng của người dân còn chưa cao mà ở nước ta, không khó gặp những hình ảnh phản cảm như vứt rác bừa bãi; tùy tiện trong giao thông, tay cầm điện thoại, tay cầm vô lăng lái xe chở khách; ăn xin, bán hàng rong đeo bám dai dẳng khách du lịch; mắc "bệnh tiểu đường" đến khó coi ở khắp mọi nơi; chen lấn nhau trong khi cần phải xếp hàng…Thật đáng buồn nếu bạn bè quốc tế lấy nhận định "muốn biết kỷ cương của một đất nước hãy nhìn vào văn hóa giao thông trên đường để đánh giá" gắn vào đất nước ta. Hơn bao giờ hết, vấn đề xây dựng và cải thiện hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế là một nhiệm vụ cấp thiết của công tác ngoại giao nhân dân.
     Theo tôi, ngoại giao nhân dân, trước hết phụ thuộc vào nền giáo dục của đất nước đối với công dân cùng với những quy định (chế tài) minh bạch, cụ thể để xử lý những sai phạm trong các hành vi, ứng xử xã hội. Từ đó, mỗi người dân thể hiện ý thức cộng đồng, ý thức trong xã hội một cách có trách nhiệm, cụ thể là chấp hành tốt, tự giác các quy định, quy ước, các nội dung pháp luật trong xã hội, nơi công cộng.
     Thiết nghĩ, bằng hình thức nào đó, vai trò của ngoại giao nhân dân có thể đến từng tổ chức xã hội, cơ quan, doanh nghiệp, từng người dân thông qua các tổ chức chính quyền, đoàn thể. Thậm chí nên chăng có cả đầu tư về kinh tế để tổ chức các buổi trao đổi góp phần khích lệ, động viên mọi người làm tốt công việc của mình. Sự đầu tư này, không phải để thu lợi về kinh tế mà là để đạt hiệu quả lớn hơn về mặt xã hội.
     Mong rằng hình ảnh đất nước và con người Việt Nam chúng ta không chỉ đẹp qua các bài phát biểu của các nhà ngoại giao, qua những kỳ festival, mà đẹp ngay từ những điều bình dị trong cuộc sống thường ngày.
                                                                                               Nguyễn Ngọc Nội
                                                                                                     (25/7/2014)

Bài: Những “tự hào” không nên có
     Trong lịch sử giữ nước và dựng nước của mỗi quốc gia, của mỗi dân tộc cũng như lịch sử phát triển của một tổ chức và của mỗi con người, chúng ta đều thấy trong đó có những trang lịch sử, có những giai đoạn rất đáng tự hào. Chúng ta luôn tự hào về truyền thống ngàn năm giữ nước và dựng nước của dân tộc ta, trong đó có biết bao các bậc anh hùng, hào kiệt đã làm nên những trang sử vẻ vang. Chúng ta cũng tự hào đã có không ít các gia đình mà ở đó, các bậc cha mẹ đã “bán lưng cho trời, bán mặt cho đất”, tần tảo sớm hôm, nuôi con học chữ, học nghề, phương trưởng trong cuộc sống, đóng góp công sức vào xây dựng đất nước.
 
     Trong những năm qua, cùng với sự phát triển nhanh về kinh tế xã hội là sự thay đổi quá nhanh về kinh tế trong cuộc sống gia đình, làm cho nhận thức, ý thức trong cuộc sống của bản thân và xã hội của nhiều người không theo kịp. Giá trị về vật chất được đề cao, dẫn đến những giá trị bên trong của con người về tư cách, đạo đức, danh dự và sự tử tế, nói tinh tế hơn là sự Chân – Thiện – Mỹ trong con người bị suy giảm, dẫn đến coi thường cả pháp luật. Bên cạnh đó, việc giáo dục ý thức công dân, học làm người chưa được coi trọng từ nhỏ, còn nhiều cái “chạy”: chạy thành tích, chạy chức, chạy quyền, chạy tội.... Từ đó đã nảy sinh những hệ lụy trên nhiều mặt trong xã hội.
     Tôi đã từng được nghe có những người, khi tranh luận về tiền, đã nói “việc này tính ra có vài mét đất là xong, có gì phải nghĩ”. Họ “tự hào” về việc để có tiền tiêu thật đơn giản. Không ít người “tự hào” và lại cũng được nhiều người khen là “có tay lái lụa”: tay cầm điện thoại nói chuyện, tay lái xe, vẫn phóng tít mù, vượt đèn đỏ, kể cả đang chở khách nước ngoài trên xe. Có những bậc cha mẹ, trước mặt con cái, người quen, “tự hào” nói về sự quen biết của mình và việc bỏ tiền chạy cho con vào học ở trường mình muốn, hay tìm được chỗ làm “có nhiều mầu”. Với những kiểu mập mờ trong kinh doanh, hay lợi dụng sự cả tin của người mua, nhất là khách nước ngoài, không ít người đã “tự hào” vì đã “chặt chém” được khách...
     Rất nhiều những “tự hào” không nên có đó đã và đang diễn ra trong xã hội, đáng lẽ phải được xã hội góp ý, phê phán, thế nhưng vẫn có người lại khen ngợi và cho là sự giỏi giang. Đó là điều mà mỗi người chúng ta cần nhìn lại. Những “tự hào” đó, thực chất không chỉ làm cùn đi ý chí vươn lên làm một con người trung chính trong cuộc sống chung và trong cuộc đời riêng, đồng thời còn dễ gây cho bản thân những cảm giác luôn bị căng thẳng, đè nén về nội tâm. Khi có những điều tác động ngược tới những “tự hào” này, sẽ sẵn sàng bùng phát ra thành những xung đột tâm lý, gây ra những ứng xử không hay, thậm chí dẫn đến giải quyết mâu thuẫn bằng những việc làm không đẹp, vi phạm pháp luật.
     Trong một thế giới rộng mở, mỗi việc làm, mỗi sự ứng xử, mỗi biểu hiện trong cuộc sống, nhất là trong cộng đồng, trong xã hội, đều được phản chiếu, được sự quan sát dưới nhiều góc độ, dưới nhiều góc nhìn của nhiều thành phần trong xã hội, nhất là của bạn bè quốc tế. Trong cuộc sống chung, cuộc sống của mỗi người gắn liền với những hoạt động chung của xã hội, chịu sự ràng buộc của pháp luật dù muốn hay không. Trong xã hội, mỗi người chúng ta nhiều khi trở thành một đại diện cho một tập thể, lớn hơn là cho một dân tộc, một quốc gia.
     Gạt bỏ những “tự hào” không nên có trong cuộc sống là điều rất cần thiết phải làm. Đó cũng là xây dựng một chữ “khiêm” cần có trong mỗi người, không chỉ khi đã trưởng thành, mà ngay từ khi còn chập chững trong cuộc đời.
Nguyễn Ngọc Nội
(26/09/2014)


 
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo