Mùa xuân, nói chuyện về sức khỏe và những tiêu chí trong VXNG

   Mùa xuân Ất Mùi đã tới, đã tới từ ngày 16 tháng Chạp năm Giáp Ngọ. Nhâm nhi chén trà đầu xuân, có một người bạn của tôi đã hỏi “Tôi thấy tiêu chí của Vĩnh Xuân Nội gia của ông lấy: SỨC KHỎE, BẢN LĨNH VÀ TRÍ TUỆ làm đầu. Ông có thể nói rõ thêm được không?”. Tôi cũng đã trao đổi với bạn tôi, và giờ đây, trong tiết xuân mới Ất Mùi, trong không khí ngày Tết Ất Mùi, tôi xin được chia sẻ thêm cùng mọi người về những tiêu chí này của Vĩnh Xuân Nội gia.
   Trên thực tế, mọi phương thức hoạt động trong những phương pháp vận động (thể dục thể thao, võ thuật, Yoga…) về cơ bản đều đem lại những lợi ích nhất định cho cơ thể con người, trong đó có sức khỏe.
   Tôi cũng đã có những bài viết và trong cuốn “Dưỡng sinh Vĩnh Xuân Nội gia” đã đề cập nhiều về sức khỏe qua việc tập luyện Vĩnh Xuân Nội gia (VXNG). Theo thiển nghĩ của tôi: để giữ được sức khỏe, điều quan trọng là phải giữ được sự cân bằng âm dương và sự chuyển động thông thuận của khí trong cơ thể con người. Mọi hình thái tập luyện liên quan đến dưỡng sinh, đến sức khỏe, đều phải đáp ứng được những đòi hỏi về những điều này mới đúng ý nghĩa sâu xa ẩn chứa trong đó. Người xưa đã đưa ra các luận điểm: Âm Dương trong con người “là gốc của sự sống chết. Trái nó thời tai hại sẽ sinh ra, thuận nó thời bệnh tật không mắc phải”; “Thuận lẽ âm, dương thời sống, trái thời chết”…(sách “Hoàng đế Nội kinh tố vấn”). Đồng thời, cũng đã chỉ rõ: “Khí thông thì huyết thông”; “Khí hành thì huyết hành”; “Thông bất thống, thống bất thông” (Khi huyết trong người thông thì cơ thể không có chỗ đau, cơ thể có chỗ đau là do khí huyết trong người chỗ đó không thông)...
   Trong các phương thức luyện tập của VXNG, hầu hết đều bám sát đến sự cân bằng âm dương và tác động đến nội khí trong cơ thể. Ngay từ những bài tập luyện kỹ thuật cơ bản ban đầu, đều có những phương thức tập luỵện cân bằng hai bên (âm – dương), luyện thở (khí), luyện kết hợp tĩnh – động, luyện các đòn thế phù hợp với sự vận hành của khí trong cơ thể,
   Bản thân việc luyện tập xoay chân theo thế Kiềm dương, khi xoay, thế này tác động rất lớn đến sự lên xuống của khí trong cơ thể. Trong cuốn “Dưỡng sinh Vĩnh Xuân Nội gia”, tôi đã viết về việc xoay chân là điều “kỳ diệu trong Vĩnh Xuân Nội gia”. Có một người bạn của tôi hỏi: “Mình cũng có thể coi là già rồi (năm nay bạn tôi cũng 65 tuổi), nhưng đọc cuốn “Dưỡng sinh Vĩnh Xuân Nội gia” của ông, tôi cũng muốn tập theo. Nhưng tôi chỉ xoay chân và tập một vài thế thấy hợp, có được không?”. Tôi đã nói với bạn tôi là: “hoàn toàn tập được” và phân tích thêm cho bạn tôi về bản chất những lợi ích của việc xoay chân cùng những thế bạn tôi thích. Tôi cũng đã viết “Tập Vĩnh Xuân Nội gia không bao giờ là muộn”.
   Trong cuộc đời, con người có bản lĩnh, là con người có lòng tự tin vào khả năng của bản thân trong giải quyết vấn đề mà mình đang đối mặt. Nói riêng bản lĩnh trong võ thuật thể hiện ở sự tự tin vào công phu của bản thân trước việc phải va chạm (chiến đấu) với đối thủ đang đe dọa mình, hoặc đe dọa người thân của mình (nếu có). Để có được bản lĩnh như vậy, không có nghĩa là ta chỉ cần học ít đòn đánh nhau là đủ. Mà đòi hỏi chúng ta phải tinh thông về kỹ thuật chiến đấu. Hiện nay, trong việc theo tập võ thuật, một số người nghĩ đơn giản “học võ là để đánh nhau”. Họ đã chưa hiểu yếu tố “tự vệ” trong từ “đánh nhau” là một phương châm quan trọng của võ thuật có từ ngàn đời nay, đó là “giữ được mình (tức là) thắng được người”. Do đó khi học võ, có người chỉ chăm chú vào đánh được người mà không nghĩ đến giữ mình. Có người quan niệm: muốn giữ được mình phải lấy tấn công đối thủ làm đầu. Trên thực tế, ngoại trừ những người yếu, tự ti, mấy ai đứng yên để cho đối thủ đánh họ đâu. Họ phải chiến đấu lại và đã chắc ai đánh được vào người ai. Chính vì vậy các tiền bối mới đưa ra phương châm “giữ được mình (tức là) thắng được người”. Một khi đối thủ không thể đánh được vào người của ta, thì việc ta đánh lại đối thủ chắc chắn không khó khăn gì. Để phân tích vấn đề này, một bài viết ngắn này không thể đủ. Phương châm của VXNG là muốn đi đến giỏi võ thì trước hết phải học điều khiển đôi tay, đôi chân của mình theo được đúng ý của mình và tiến tới biến những kỹ thuật chiến đấu thành kỹ năng vận động của cơ thể. Đó là cái gốc của việc luyện tập VXNG. Có như vậy khi phải va chạm, ta mới có thể tự tin ra quyền giữ mình, thắng người. Đồng thời Vĩnh Xuân luôn lấy tính Phật trong võ làm đầu. Tức là học võ lấy tự vệ là chính. Quan điểm này xuyên suốt trong hệ thống quyền thuật của VXNG. Chính vì vậy, VXNG luôn tuân thủ ngặt nghèo khuôn khổ hệ thống tập luyện. Điều này cũng làm cho một số người muốn học nhanh, không thích hệ thống tập luyện của VXNG. Song tuân thủ những lời căn dặn của sư phụ, tôi vẫn duy trì hệ thống tập luyện đã đưa ra trong bao năm qua. Tôi tin rằng và thực tế trong những năm qua tại võ dường, sự kiên trì tập luỵện theo hệ thống quyền thuật VXNG, từng bước (tiệm tiến) sẽ đi đến thành công và cho mình một bản lĩnh vững vàng trước cuộc sống.
   Mọi người chúng ta đều hiểu: trong một cơ thể khỏe mạnh, đầu óc sẽ minh mẫn và trí tuệ có điều kiện phát huy, phát triển tốt. Trong VXNG, rất coi trọng và đặt tâm phát huy đến cao độ sự phối hợp đồng thời, đồng bộ các bộ phận, các phần của cơ thể, như: thân – thủ (tay) - bộ (chân); ý – khí – lực; vai – khuỷu tay – cổ tay; tay phải - tay trái, hai tay – hai chân... Để hiểu và phát huy đến cao độ sự phối hợp này, đòi hỏi người tập phải có tư duy tốt, sự cảm nhận tốt, hay nói theo một sự sâu xa của Đạo là phải có “ngộ tính” tốt. Qua việc tập luyện này, còn giúp cho khả năng làm việc của trí não được nâng cao, thúc đẩy trí tuệ của người tập cũng phát triển rất tốt. Và cũng chính vì những đòi hỏi này, mà những người ít tuổi, trẻ em, không thể học được VXNG, vì khả năng tư duy có hạn. Điển hình như con trai của Sư tổ, anh Nguyễn Chí Thành, từ nhỏ đến năm 15 tuổi, vẫn không được Sư tổ dạy công phu Vĩnh Xuân, cho dù trong những thời gian này, Sư tổ cũng đã cao tuổi. Cũng chính vì hiểu sâu sắc điều này, mà trong bao nhiêu năm qua, tôi cũng không dạy cho các cháu nhỏ, và ngay cả các con tôi, các cháu nội ngoại của tôi cũng vậy. Những ai đã tập luyện các công phu của VXNG (nhất là hàng ngũ huấn luyện viên trở lên) chắc chắn “ngộ” ra điều này.
   Theo suy nghĩ của riêng tôi, VXNG là một môn rất khó tập và có vẻ như không phù hợp với nhịp sống vội vã, hối hả, bận rộn của xã hội hiện nay. Song đó là những công phu của bao thế hệ Tiền nhân, các Sư tổ trong môn phái tâm huyết tích lũy, xây dựng và truyền lại. Là hậu duệ, được truyền dạy và hấp thu những công phu trong VXNG, cùng với năm tháng cần mẫn tập luyện, tôi đã thấy được những điều kỳ diệu tiềm ẩn trong VXNG. Tôi tin rằng, những người tâm huyết, tin tưởng và kiên trì tập luyện, cũng sẽ ngộ ra được, luyện tập thành công những công phu mà các Sư tổ đã truyền lại. Như những sức sống của thiên nhiên sẽ được phát triển, trỗi dậy, vươn lên khoe sắc trong mùa xuân, sau nhưng ngày Đông âm thầm, lạnh lẽo. Vĩnh Xuân không những mang cho mỗi chúng ta sức khỏe, bản lĩnh và trí tuệ mà còn dạy cho chúng ta những đức tính cao quý trong đời người. Đó là sự nhẫn nại và lòng khoan dung.
   Trong những ngày đầu xuân Ất Mùi, chúng ta vui mừng và hạnh phúc đón chào năm mới, năm Ất Mùi. Tôi xin được chân thành thay mặt võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền của thày trò chúng tôi và nhân danh cá nhân, chúc tất cả mọi người cùng gia đình có một năm mới Ất Mùi an lành, khỏe mạnh, hạnh phúc, thành đạt và thịnh vượng. Chúc cho môn phái Vĩnh Xuân mãi mãi trường tồn và phát triển vững mạnh.
   Chân thành cảm ơn và biết ơn các bạn đã yêu mến, quan tâm, giúp đỡ trên nhiều mặt đối với võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền của thày trò chúng tôi và bản thân tôi.
 Xuân Ất Mùi, ngày 16 tháng 02 năm 2015
                                                                                                                                                                                                                                                            Võ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo