Tính Phật trong binh khí của Vĩnh Xuân Nội gia

   Trong võ thuật, nói đến đao, kiếm, người ta nghĩ ngay đến đó là loại vũ khí nguy hiểm, tính sát thương rất cao, khi sử dụng dễ gây ra những cảnh tượng đổ máu. Song trên thực tế, không hẳn tất cả các loại đao kiếm đều mang tính chất đó. Tôi nghĩ có thể nhiều người chưa biết đến: Song đao (Bát trảm đao) của Vĩnh Xuân, cũng là đao, nhưng lại là một loại vũ khí không như vậy.
   Có một người học trò của tôi hỏi tôi một câu hỏi mà mấy chục năm trước đây, tôi cũng đã hỏi sư phụ tôi, cố võ sư Trần Thúc Tiển, một câu gần như vậy, khi tôi được sư phụ dạy cho cách dùng song đao: “Thưa thầy, tại sao Song đao của mình lưỡi lại bằng, không được mài sắc?”. Từ những điều được sư phụ giảng giải, tôi cũng đã lý giải một phần cho người học trò của mình. Hôm nay, tôi xin được chia sẻ thêm về việc hiểu tính Phật trong Vĩnh Xuân Nội gia (VXNG) đối với một loại vũ khí đặc trưng của Vĩnh Xuân: đó là song đao, theo lời giảng dạy của sư phụ tôi.
   Cũng như một số Đại môn phái trong lịch sử võ thuật, Vĩnh Xuân cũng xuất phát từ các Đại cao thủ Thiếu Lâm, khi các Tiền bối này phải rời khỏi Thiếu Lâm tự vì những lý do khác nhau. Từ những điều đã ngộ ra được trong quá trình tu luyện môn Thiếu Lâm, qua thực tế trong cuộc sống ngoài đời, các Tiền bối đã sáng tạo ra những môn võ mang những nét đặc trưng riêng có. Tuy vậy, hầu hết những môn võ đó, trong đó có môn phái Vĩnh Xuân, vẫn mang những dấu ấn của giáo lý nhà Phật trong hệ thống công phu mà các Tiền bối đã sáng tạo ra.
   Xuất phát từ nguyên tắc: “ Binh khí là tay nối dài”, “muốn sử dụng binh khí giỏi thì phải giỏi quyền”, VXNG đặc biệt chú trọng đến luyện quyền thuật trong toàn bộ hệ thống công phu của mình. Các đòn đánh của binh khí, hầu hết đều dựa trên các nguyên tắc ra đòn của quyền thuật và kết hợp với những đặc trưng riêng của binh khí.
   Là những người tu hành, rong ruổi trên con đường hành đạo, hoặc trên đường đi lánh nạn, các bậc Đại sư môn phái Vĩnh Xuân chỉ dùng chiếc gậy (côn) làm phương tiện bên người, trên đường, với nhiều tác dụng hữu ích. Khi phải tự vệ (bảo vệ mình trước kẻ thù, thú dữ), với cây gậy trên tay, uy lực của các Đại sư qua cây gậy là vô cùng mãnh liệt, nhưng không tạo ra cảm giác sát thương như đao kiếm. Cùng với cây gậy cầm tay, các Đại sư Vĩnh Xuân còn mang theo đôi song đao (thường được gọi là Bát trảm đao). Như sư phụ tôi giảng giải: Xuất phát từ mục đích tự vệ, ẩn chứa tính Phật sâu sắc và để thuận tiện mang theo người, các Tiền bối môn phái đã làm ra đôi đao theo một cách riêng. Đôi đao của Vĩnh Xuân được làm sống đao và lưỡi đao dầy bằng nhau (được làm ra, rèn ra từ một tấm thép, lưỡi đao dầy, bằng, không mài sắc). Đao được làm dài bằng một cánh tay (từ khuỷu tay đến bàn tay). Đây chính là một đặc điểm riêng của đao Vĩnh Xuân. Trong một bài viết trước đây đã lâu, tôi cũng đã nhắc đến một kỹ thuật dùng đao của môn Vĩnh Xuân là kỹ thuật lật đao, thu về dọc theo cánh tay (vừa đúng bằng cánh tay) để đỡ, đánh. Đây chính là kỹ thuật sử dụng song đao trong cận chiến, tự vệ. Đặc biệt hữu ích ở những nơi địa hình chật hẹp, hay khi giao chiến ở trên thuyền. Với việc làm ra đôi đao như vậy, các Tiền bối rất thuận tiện bọc trong gói đồ đeo trên người và sử dụng rất linh hoạt ở mọi địa hình, đồng thời kết hợp được với sử dụng song quyền một cách rất hiệu quả.
   Việc làm lưỡi đao bằng, không mài sắc, bên cạnh thể hiện tính Phật trong việc phải sử dụng đao khi tình thế bắt buộc, tránh được cảnh thịt rơi, máu chảy, điều quan trọng như sư phụ tôi nói chính là để làm mẻ lưỡi đao, kiếm của đối thủ khi ta dùng lưỡi đao của mình đỡ đao, kiếm của đối thủ. Trên thực tế hiện nay, khó có lưỡi đao, kiếm nào “chém sắt như chém bùn” như các kỹ thuật được nhắc đến qua các truyền thuyết hoặc qua các câu chuyện trên sách. Và giả sử nếu có, thì những đao kiếm đó chỉ thuộc về những con người trượng nghĩa, đâu có chuyện đao kiếm vô tình. Do đó, với đao, kiếm của đối thủ tuy sắc, nhưng mỏng, chạm vào đao Vĩnh Xuân dầy, bằng, chắc chắn sẽ bị mẻ lưỡi, trong khi đao của Vĩnh Xuân cũng không có ảnh hưởng gì. Bên cạnh đó, các môn đồ Vĩnh Xuân khi luyện tập với song đao của bản môn, không sợ gây nguy hiểm cho bản thân và đồng môn cùng tập.
   Qua bài viết này, tôi nghĩ cũng xin được nói thêm về hệ thống quyền thuật VXNG là một hệ thống quyền thuật có mối quan hệ hữu cơ sâu sắc, giàng buộc và tác động qua lại với nhau, xuyên suốt từ quyền thuật cơ bản đến quyền thuật cao cấp (từ Quyền tĩnh, Quyền động, Quyền 108, đến Tam luyện và luyện thở); từ việc sử dụng quyền đến sử dụng binh khí. Trong đó, không thể không nhắc đến mối quan hệ giữa Linh giác với việc sử dụng binh khí (gậy, song đao) của VXNG. Do đó, ở võ đường, tôi vẫn thường nhắc mọi người phải tập luyện một cách tinh thông và đầy đủ, biết tiệm tiến theo hệ thống quyền thuật. Không thể coi nhẹ bất kỳ giai đoạn luyện tập nào trong hệ thống.
   Trong không khí đầu xuân Ất Mùi, trong niềm vui bước vào những ngày đầu của một năm mới với hạnh phúc được đón nhận rất nhiều sự quan tâm, yêu mến và động viên của các bạn đọc gần xa, với lòng chân thành, tôi xin được chia sẻ đôi điều về những hiểu biết của tôi qua những kiến thức, công phu được lĩnh hội từ sự truyền dạy của sư phụ tôi. Võ học vô bờ. Hy vọng các bậc cao nhân, các huynh đệ đồng môn thể tất cho những gì còn hạn hẹp trong hiểu biết của tôi.
   Chúc mọi người một năm mới an lành, hạnh phúc, thịnh vượng và thành công.
   Xin chân thành cảm ơn mọi người đã quan tâm đến bài viết.
Xuân Ất Mùi – 28/02/2015
                                 Võ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo