Giới thiệu về những bài báo đã đăng trên tuần báo Thế giới và Việt Nam

     Chân thành chào các bạn yêu quý trang web của võ đường
     Trong những ngày vừa qua, tôi nhận được những trao đổi của những bạn của tôi có khuyên tôi nên chia sẻ rộng hơn những bài báo tôi viết đã đăng trên tuần báo Thế giới và Việt Nam của Bộ Ngoại giao. Theo những người bạn của tôi, những chia sẻ tôi đã viết là những thực tế mà nhiều người cần chung suy nghĩ cho xã hội, cho bản thân để cùng có được cuộc sống tử tế và an lành. Tôi rất cảm ơn những người bạn của tôi đã cảm nhận cùng tôi những suy nghĩ của tôi mà tôi đã mạo muội viết ra để chia sẻ chung. Tôi cũng nhận thấy, những điều suy nghĩ của tôi, nếu được nhiều người đồng cảm, thì đó cũng là một trong những niềm hạnh phúc trong cuộc đời. Và cũng để giúp cho trang web của võ đường thêm phong phú về nội dung, tôi xin phép được đăng lại những bài viết của tôi đã được đăng trên tuần báo Thế giới và Việt Nam trong những tháng qua.
     Từ 25/6/2014 đến 11/3/2015, tôi đã viết 6 bài báo và được đăng trên tuần báo. Ngày 26/12/2014, admin của võ đường đã giới thiệu trên trang web của võ đường 2 bài của tôi. Một bài đăng trên số báo ra ngày 23/7/2014 với tiêu đề ”Ngoại giao từ đời thường” và một bài đăng trên số báo ra ngày 24/9/2014 với tiêu đề ”Những ”tự hào” không nên có”. Hôm nay, tôi xin được chia sẻ nốt 4 bài đã đăng (tính đến 11/03/2015) để các bạn cùng xem.
     Cảm ơn sự quan tâm của các bạn rất nhiều.
Vácsava, ngày 14/03/2015
Võ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Làm ngoại giao từ những điều bình dị
(Bài đăng trên số ra ngày 06/8/2014)
     Trong cuộc sống, nhiều người trong chúng ta, và ngay bản thân tôi trước đây cứ nghĩ: Công tác ngoại giao là của Nhà nước mà cụ thể hơn là của Bộ Ngoại giao. Song qua thời gian ở nước ngoài và thực tế ở xã hội ta, tôi nhận thấy: Những điều tưởng như chuyện thường ngày trong cuộc sống nhưng nhiều khi có tác động rất sâu sắc đến lĩnh vực ngoại giao, đến nhận thức của người nước ngoài về đất nước và con người mình.
     Tôi xin được chia sẻ hai trong số những việc làm - hình ảnh đã tác động rất sâu sắc tới tôi về đất nước và con người của bạn.
     Sau chuyến thăm Thụy Sỹ, thầy trò chúng tôi ra sân bay để trở về Ba Lan. Khi vào trong sân bay, anh Trương Anh Tuấn, một người trong đoàn mới nhớ ra đã để quên chiếc mũ trên xe taxi. Dù giá trị chiếc mũ không lớn song đó là một kỷ niệm, nên anh rất tiếc. Nhưng việc tìm lại là bất khả thi, nên anh Tuấn cũng bỏ qua, chúng tôi vào xếp hàng làm thủ tục gửi hành lý. Khi chúng tôi đang làm thủ tục thì thấy người lái xe taxi ban sáng chở chúng tôi đến bên và đưa ra chiếc mũ mà anh Tuấn đã để quên...
     Thật bất ngờ đến sững sờ! Tất cả chúng tôi đều nói lời cảm ơn người lái xe taxi. Sau khi trả lại chiếc mũ, người lái xe đã nhanh chóng đi nhanh ra phía cửa. Thầy trò chúng tôi cùng nhìn theo và tự hỏi nhau không biết người taxi đó đã đi bao nhiêu cây số trước khi phát hiện ra chiếc mũ khách để quên để rồi quay lại sân bay, gửi xe, tìm đến tận quầy làm thủ tục để gửi lại cho khách, trong khi không biết có thể gặp lại hay không...
     Cùng với những cảnh quan tuyệt đẹp và ấn tượng sâu sắc về con người Thụy Sỹ mà chúng tôi đã tiếp xúc, nhất là việc làm rất đẹp của người lái xe taxi, chúng tôi thấy khát khao muốn được trở lại thăm quốc gia Tây Âu này...
     Trong một chuyến công tác ở Ba Lan, vào một buổi sáng sớm, tôi có việc ra siêu thị. Trên đường tản bộ, trong khung cảnh tuyết rơi dày đêm qua, gần như không có ai. Tôi nhìn thấy một thiếu nữ còn trẻ, mặc măng tô đen, tay dắt theo "cún cưng" đang đứng trong khu đất trước đây là thảm cỏ, giờ thì trắng xóa tuyết. Có vẻ như cô gái đang chờ "cún cưng" của mình "giải quyết việc riêng". Và rồi tôi thấy cô gái đó đi lại chỗ "cún cưng”, thò tay vào túi lấy ra vật gì đó (tôi đoán là chiếc túi), ngồi xuống, đưa tay bốc vào chỗ tuyết mà chắc "cún cưng" vừa "giải quyết" xong. Cô gái đứng dậy và giật dây ra hiệu cho "cún cưng" tiếp tục đi, còn cô đi theo, tay xách chiếc túi có chứa sản phẩm mà "cún cưng" cô ta vừa thải ra (tôi được biết có những chỗ quy định riêng để bỏ chất thải đó vào).
     Hình ảnh diễn ra trong một khung cảnh thật ấn tượng, cô gái và "cún cưng" đều có màu sẫm đen, in đậm trên nền tuyết trắng xóa, tuyết vẫn rơi nhẹ, xung quang không có ai, ngoài tôi đang đi ngược chiều ở trên lối đi bộ. Nhìn cô gái đó tự giác làm một việc mà tôi nghĩ không thích thú gì trong một khung cảnh rất đẹp, trong lòng tôi trào dâng một cảm xúc mạnh mẽ, khiến tôi thấy yêu quý thêm đất nước và con người Ba Lan.
     Đó là hai trong số rất nhiều việc, mặc dù tôi biết đó là những việc bình thường trong cuộc sống của họ, nhưng đã để lại trong tôi những ấn tượng rất sâu sắc. Tôi thiển nghĩ đó là những việc làm ngoại giao không nói bằng lời hữu hiệu nhất về đất nước và con người mình, hay có thể gọi đó là những hình ảnh "ngoại giao nhân dân".
     Rất mong đất nước và con người chúng ta đẹp ngay từ những điều bình dị trong cuộc sống.
                                                                                            Nguyễn Ngọc Nội
 
-----------------------------------------
Cảm nghĩ của một công dân về ngoại giao hiện nay
(Bài đăng trên số ra ngày 06/8/2014)
     Trong quá trình phát triển và tồn tại của thế giới tự nhiên, xã hội và con người, mọi hiện tượng, sự vật và mọi sự việc diễn ra đều có hai mặt tồn tại song hành. Đó là: mặt bên trong (“nội”) và mặt bên ngoài (“ngoại”). Hai mặt đó liên quan chặt chẽ và gắn bó hữu cơ với nhau để cùng thúc đẩy hiện tượng, sự vật và sự việc cùng phát triển. Nó tồn tại khách quan như một lẽ tự nhiên, và cũng có thể coi đó như một quy luật. Tùy theo hoàn cảnh, điều kiện hiện tại mà cần phải cân bằng giữa trong và ngoài (giữa “nội” và “ngoại”).
     Công tác ngoại giao là một hoạt động của xã hội, của con người, chắc chắn cũng không nằm ngoài quy luật này. Việc “hướng ngoại” trong công tác ngoại giao, hay ta vẫn thường gọi là “công tác đối ngoại” là nhiệm vụ cốt lõi mà Ngoại giao đã và đang thực hiện, tôi nghĩ đó là “Ngoại giao Nhà nước”.
     Trong thời đại hội nhập quốc tế, việc quan tâm đến các hoạt động trong nước theo góc độ của công tác ngoại giao (“hướng nội”) tôi nghĩ cũng là điều cần thiết và không thể thiếu. Trong thời gian qua, ngành ngoại giao cũng đã góp phần vào việc đưa các ngành nghề trong xã hội, của nền kinh tế nước nhà hội nhập với thế giới. Trên thực tế, các công việc trong nước, hiện đều do các cơ quan chức năng khác trong hệ thống quản lý nhà nước thực thi. Song những vấn đề diễn ra trong xã hội thông qua các hoạt động của người dân cũng như những tổ chức xã hội của người dân đều có tác động không nhỏ vào công tác đối ngoại.
     Trong công tác đối ngoại, chúng ta thường ca ngợi đất nước và con người Việt Nam chúng ta rất đẹp, mến khách và rất thuận lợi cho việc đầu tư trước bạn bè quốc tế. Tuy nhiên điều này phải song hành với thực tế diễn ra trên đất nước qua nhiều mặt nhiều hoạt động, trong đó có cả của người dân, cũng như các tổ chức xã hội. Nếu có những hình ảnh, việc làm phản cảm ở nhiều góc độ, chắc chắn sẽ phá vỡ những gì chúng ta mong muốn. Đó là việc “hướng nội”, là lĩnh vực “ngoại giao nhân dân” trong công tác ngoại giao.
     Từ cảm nhận của một công dân, tôi nghĩ cần có những sách lược cụ thể về vấn đề “ngoại giao nhân dân” để song hành với “ngoại giao Nhà nước”. Chúng ta đã gặt hái được nhiều thành công trong công tác ngoại giao, song hiệu quả hoạt động sẽ bị hạn chế khi mà những vấn đề liên quan đến ngoại giao diễn ra trên đất nước không đồng thuận với những lời phát biểu. Do đó trong ngoại giao cũng rất cần phải có những nhà thuyết trình giỏi để trình bày, trao đổi chân thành trực tiếp về những nội dung thiết thực, cụ thể với mọi tầng lớp người dân, tổ chức xã hội của người dân qua nhiều hình thức: tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi trực tiếp, phát tài liệu tham khảo, có các buổi thuyết trình trên các phương tiện thông tin đại chúng... về những điều nên làm trong xã hội, nhất là những lĩnh vực liên quan đến bạn bè quốc tế, bên cạnh những chủ đề khác kèm theo như về luật pháp, về giáo dục... Đây là một việc làm đòi hỏi sự kiên trì lâu dài, nhưng liên tục mới có thể dần có những kết quả hữu hiệu. Tất nhiên, chúng ta không thể thiếu được những khích lệ, động viên cụ thể, để mọi người tự nguyện thực thi.
     Hy vọng “ngoại giao nhân dân” sẽ luôn là một đối trọng cần thiết trong ngoại giao, một hoạt động tự nhiên trong đời sống xã hội và luôn thường trực trong mỗi người dân. Qua đó góp phần cho sự thành công toàn diện trong công tác ngoại giao.
                                                                                     Nguyễn Ngọc Nội

---------------------------------------
Những sự chờ, đợi nên có trong cuộc sống
(Bài đăng trên số ra ngày 14/01/2015)
     Trong những năm qua, sự thay đổi của nền kinh tế, của xã hội và của từng gia đình, thậm chí từng con người diễn ra với tốc độ rất nhanh. Bên cạnh mặt tích cực có được để hòa nhập với thế giới, cũng có nhiều mặt không hay nảy sinh. Không ít người đã đổ lỗi những mặt không hay đó là do áp lực của nền kinh tế thị trường gây ra. Họ luôn thể hiện sự vội vã trong công việc, đi lại, kể cả khi nghỉ ngơi, thậm chí cả trong nhận thức “tư duy nhiệm kỳ”. Thường nhân danh sự thiếu thời gian, sự vội vã, mà họ thường bỏ qua, không tôn trọng, không nghiêm túc thực hiện các chuẩn mực ứng xử trong đời sống xã hội cũng như những quy định của pháp luật.
     Nhìn cuộc sống và sự đi lại ở nước ngoài, ta thấy mọi hoạt động trong đó về cơ bản đều rất nhanh. Song chúng ta cũng thấy hầu hết tất cả mọi người đều tuân thủ pháp luật một cách nghiêm chỉnh. Nhìn những người dân đi bộ, chúng ta thấy họ đi rất nhanh, nhiều lúc cảm thấy như họ vội vã. Nhưng khi qua đường, dù hai phía không có xe qua lại, họ vẫn kiên nhẫn chờ đến khi có đèn cho phép người đi bộ qua đường.
     Khi lái xe ô tô, mặc dù cần phải sớm đến nơi giao, nhận hàng, cần phải đến công sở, trường học đúng giờ hoặc phải sớm về nhà, nhưng gặp đèn đỏ, các tài xế vẫn kiên nhẫn dừng chờ, cho dù khi đó chỉ có mình xe của họ ở cung đường rộng thênh thanh...
     Còn ở ta thì “bất chấp, xe phải tránh ta”. Có thể gặp bất cứ ở đâu những xe máy, ngang nhiên vượt đèn đỏ, đi cắt ngang luồng xe, bất chấp nguy hiểm dành cho chính họ và những người khác. Không hiểu họ có nghĩ rằng, họ chỉ nhanh hơn vài chục giây, nhưng nếu sơ sẩy, đơn giản sẽ là ách tắc do tránh nhau, hoặc nặng hơn là có tai nạn. Họ và rất nhiều người khác bị hệ lụy, làm mất thêm nhiều thời gian, thậm chí là phải trả giá bằng chính tính mạng mình hoặc của người khác.
     Chúng ta đã quen với hình ảnh xếp hàng ở nước ngoài. Dù chỉ là mua một chai nước uống, khi nhìn thấy có hai, ba người cùng mua, người ta sẵn sàng tự động đứng phía sau để chờ đến lượt mình. Với chúng ta, có biết bao cảnh chen lấn xô đẩy, cho dù có biển báo nhắc nhở xếp hàng thứ tự. Và hình như không ít người “tự hào” đã chen đi trước được, chen mua trước được, chen lấy trước được, kể cả ở những nơi tâm linh như Đền Trần, Chùa Hương...
     Những tai nạn máy bay thương tâm làm đau lòng hàng triệu triệu người trên thế giới. Song vẫn còn những người chỉ vì vội vài ba phút, vẫn gọi điện thoại khi máy bay đang cất cánh, hay hạ cánh, bất chấp quy định “không được sử dụng điện thoại trên máy bay”.
     Xã hội đã dùng biết bao công sức và tiền của để cố gắng thiết lập một sự công bằng trong xã hội, tuy nhiên người tham gia trong đó phải biết đợi, biết chờ trong những hoàn cảnh nhất định: Chờ đợi đến lượt mình để giao dịch làm việc, chờ đợi đến đèn xanh để đi tiếp, chờ đợi trước những quy định chung… Đấy chính là sự thể hiện ý thức cộng đồng, tuân thủ pháp luật, kỹ năng sống đúng trong xã hội.
     Sự chuyển động tuần tự của bốn mùa; sự chuyển đổi của các màu đèn giao thông; sự di chuyển của những con người, đến trước đi trước, đến sau đi sau; sự luân chuyển của các con số tự nhiên từ nhỏ đến lớn... là những tuần tự làm lên những sự thông thuận trong cuộc sống, mà mỗi cá thể trong đó phải biết tuân thủ, hay cụ thể hơn là phải biết theo đúng, trong đó là biết chờ, biết đợi. Đó chính là những sự chờ, đợi nên có trong cuộc sống.
                                                                                Nguyễn Ngọc Nội 
----------------------------------------
Thói quen đẹp, tính cách đẹp
(Bài đăng trên số ra ngày 11/03/2015)
     Trong cuộc sống của chúng ta, ai cũng có những thói quen tốt và cả những thói quen không tốt. Những điều tốt và không tốt ấy trở thành thói quen từ lúc nào không biết và khi ta nhận ra thì nó đã rất quen rồi. Bởi, thói quen là sự lặp đi, lặp lại thường xuyên một hành động, một việc làm, một cách nhìn, một cách nghĩ, một nếp sống…
     Mọi người thường nhìn vào thói quen của bạn để đánh giá, nhìn nhận về con người bạn. Có những thói quen không ảnh hưởng đến người ngoài, chỉ tác động đến bản thân mình, nhưng cũng có những thói quen tác động tới môi trường xung quanh, trong đó có con người, nhất là những thói quen tạo nên những phản cảm, bức xúc cho người khác.
     Đơn cử như thói quen rất phổ biến hiện nay là xem tin tức, chơi game… trên điện thoại, Ipad, kể cả khi làm việc, đang ngồi họp - cho dù đó là cuộc họp quan trọng. Hay một số công chức, quen nhận phong bì trong tập hồ sơ khi giải quyết công việc của dân mà quên mất đó phận sự phải làm. Khi không thấy có phong bì kèm theo là khó chịu, gây khó dễ cho người dân, dù chỉ là việc đơn giản. Hay như những thói quen tham gia giao thông một cách tùy tiện, không biết nói cảm ơn, xin lỗi hay là vô cảm với những việc diễn ra xung quanh.
     Ngoài ra còn những thói quen xấu như nói to khi gọi điện thoại, xả rác bừa bãi, nói bậy, hút thuốc tại những nơi hạn chế, coi thường các quy định ứng xử nơi công cộng… Đó là những thói quen chúng ta không nên có trong cuộc đời.
     Nhà văn Samuel Smilles (Scotland) từng viết: "Gieo suy nghĩ, gặt hành động. Gieo hành động, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận". Hay nói một cách dân dã là "Trồng cây gì, ăn quả nấy". Như vậy, những thói quen xấu đã làm bạn xấu đi trước mọi người.
     Việc thay đổi những thói quen nói chung là một việc rất khó, nhưng không có nghĩa là không làm được. Điều đó đòi hỏi bạn phải có nghị lực và quyết tâm loại bỏ những thói quen không hay đó ra khỏi cuộc sống. Thậm chí, có thể bạn còn phải gánh chịu những bài học không mong muốn về những thói quen xấu ấy.
     Có thói quen tốt sẽ giúp ta nên người, cho ta những tính cách hay. Với những hành vi, những việc làm, ngay cả những suy nghĩ không hay, chúng ta cần phải gạt bỏ chúng ra đời sống hàng ngày của chúng ta ngay từ khi mới chớm hình thành… Làm được như vậy, chính là chúng ta làm đẹp cho cuộc đời của chúng ta và cho xã hội.
                                                                                            Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo