Giới thiệu bài viết về giữ gìn tinh hoa và phát triển môn Thái Cực Quyền ở Trung Quốc

Về việc giữ gìn những tinh hoa, vốn quý của người xưa
   Trong nhiều năm qua, một nỗi đau buồn trăn trở trong cuộc đời tôi là nhiều những tinh hoa, vốn quý, những kết tinh của bao thế hệ tiền bối trong nhiều môn phái trong võ lâm, do nhiều nguyên nhân khác nhau đã không còn được lưu truyền lại cho hậu thế, mà đã trở về với các bậc tiền bối. Một điển hình trong nhánh Vĩnh Xuân Nội gia của tôi là công phu “vững” của sư phụ tôi, cố võ sư Trần Thúc Tiển: Đứng một chân cho người khác xô đẩy mà không chuyển (một sự thật mà cố võ sư – Bác sĩ Phạm Xuân Nhàn trực tiếp chạy xa mấy mét vào đẩy sư phụ tôi không chuyển, thường kể lại với sự kính phục cao độ) đã theo sư phụ tôi về với các Sư tổ. Những học trò của Người, không ai có thể làm nổi công phu này. Vì những mong muốn Tâm thành với môn phái, cho nên trong những năm truyền dạy của tôi, tôi luôn cố gắng cao nhất có thể, để truyền dạy lại những công phu, những điều hiểu biết, tôi đã được dạy, đã được ngộ ra cho các học trò của mình. Tôi thường tâm sự với các học trò của mình: thầy trò mình phải cùng nhau cố gắng nắm bắt, giữ gìn và sau này khi có điều kiện sẽ truyền lại cho các lớp đi sau những tinh hoa của môn phái mà mình có được (tất nhiên là phải trên cơ sở sự tâm huyết, say mê, đạo đức, ngộ tính, quyết tâm của người tập và nguyên tắc tiệm tiến của bản môn).
   Cách đây đã nhiều năm, một người học trò của tôi gửi cho tôi một bài viết, viết về sự phát triển của môn Thái Cực Quyền (TCQ) của Trung Quốc. Tôi vẫn thỉnh thoảng đọc lại và mỗi lần đọc là một lần phải suy nghĩ sâu thêm về giá trị thực tiễn vẫn đúng đến ngày nay. Tôi nghĩ chắc cũng nhiều người đã đọc, vì bài này cũng đã lâu rồi. Tuy nhiên, hôm nay tôi cũng muốn được đăng lại trên trang web của võ đường để chia sẻ những tâm tư của mình qua những nội dung trong đó.
   Tôi phải xin lỗi các bạn ở môn phái TCQ khi đăng bài viết này, vì nội dung bài viết là về môn TCQ. Nhưng với những nội dung trong bài viết, tôi thiển nghĩ có giá trị cho cả võ lâm, trong đó có Vĩnh Xuân Nội gia của chúng tôi.
Tôi rất tiếc là bài viết không ghi rõ xuất xứ từ nguồn nào, tên tác giả, tên người dịch ra tiếng Việt. Nếu ai đó biết được những thông tin này, xin được cho tôi biết, để tôi xin được ghi rõ cụ thể nguồn gốc, tác giả và người dịch bài viết. Qua đó thể hiện sự tôn trọng mọi mặt đối với bài viết. Thông tin xin được gửi tới email của tôi: nguyennoi@gmail.com. Tôi xin được trân trọng cảm ơn.
   Vì bài viết tôi nhận không có đầu đề, nên tôi xin phép tác giả tạm đặt đầu đề cho bài viết.
   Xin chân thành cảm ơn các bạn đã quan tâm đến trang web của võ đường và bài viết đăng lại hôm nay.
Hà Nội ngày 14/4/2015
Võ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
NÓI VỀ SỰ PHÁT TRIỂN THÁI CỰC QUYỀN
 
Sự phát triển của TCQ truyền thống sẽ ra sao. Phóng viên báo chúng tôi (báo Thanh Niên Bắc Kinh) đã mang câu hỏi này đến phỏng vấn 7 vị danh gia được xem là trụ cột của các lưu phái TCQ chủ yếu tại Trung Quốc hiện nay. Danh sách như sau:

   Tôn Kiếm Vân (85 tuổi), Hội trưởng hội nghiên cứu Tôn thức TCQ Bắc Kinh, ái nữ của tông chủ Tôn Lộc Đường, người khai sáng Tôn gia quyền.
   Dương Chấn Cơ (77 tuổi), Hội trưởng hiệp hội Dương gia TCQ thành phố Hàm Đan, chắt nội của Dương Lộ Thiền, sáng tổ Dương thức TCQ.
   Phùng Chí Cường (70tuổi), Hội trưởng hội nghiên cứu Trần thức TCQ Bắc Kinh.
   Ngô Văn Hàn (70 tuổi), Biên tập viên tạp chí “Võ hồn”, truyền nhân đời thứ 5 của Vũ thức TCQ.
   Lý Bỉnh Từ ( 69 tuổi), Hội trưởng hội nghiên cứu Ngô thức TCQ Bắc Kinh
   Vương Hải Châu (53 tuổi), truyền nhân đời thứ 15 Triệu Bảo TCQ.
   Du Huyền Đức, Viện trưởng Viện Võ thuật Đạo giáo Võ Đang.

Hỏi : Sáo lộ (bài quyền) TCQ lưu hành hiện nay như 24 thức, 48 thức và những bài quy định khác so với bài quyền truyền thống khác nhau ra sao ?

Ngô: Bài giản thể 24 thức là bài đơn giản hóa từ bài cổ truyền, học chừng 1 tuần thì xong. So với bài cổ truyền thì hình thức giống nhau nhưng phần nội tại (tức phần nội dung bao hàm bên trong) thì khác nhiều. Bài giản thể 24 thức được rút gọn trên cơ sở Dương thức TCQ của Dương Trừng Phủ, không chú trọng đến kỹ thuật đánh quyền mà chú ý làm sao cho dễ học. Tức là không có mục đích dạy chân công phu. Nếu chân công phu học 1 tuần mà thành thì chỉ còn biết nói đó là thần thông. Bài quyền thi đấu thì mục đích không phải là để tập cho khỏe cũng không có mục đích rèn kỹ năng chiến đấu chỉ chú trọng đến yếu tố biểu diễn, tức là làm sao cho động tác thật đẹp. Ví dụ như tung cước thì hai chân khi đá lên phải thật cao, trông như chim tung cánh bay. Các lão quyền gia xưa kia không ai đá chân lên cao như thế bao giờ. Ngay cả Dương Trừng Phủ cũng không rèn tập để tung cước cao như thế ( từ quan điểm quyền thuật TCQ mà nói thì đá cao quá mức cần thiết là tự làm cho bản thân mình dễ bị mất thăng bằng)

Hỏi: Hội nghiên cứu của quý vị hoạt động như thế nào ?

Tôn: Ngoại trừ việc thêu một lá cờ trao tặng cho phân hội nghiên cứu mới ra đời thì chẳng làm gì cả.

Lý: Nghe nói Hội nghiên cứu thì có vẻ hay ho lắm nhưng thực tế thì chả hoạt động gì. Trong 12 năm gần đây thì mỗi năm thực hiện 2- 3 lần gì đó.

Hỏi: Quý vị có bao nhiêu môn sinh ? Quý vị có nghĩ rằng mình học được hết công phu của thầy mình hay không ? Trong số môn đồ hiện nay, có ai học hết công phu của quý vị không ?

Tôn: Hiện tôi có chừng 100 đệ tử nhập môn. Không có ai lấy TCQ làm nghề chính của mình cả, tất cả đều là dạng tài tử. Trong số đệ tử của tôi thì có Goto Eiji hiện ở Nhật là đệ tử giỏi nhất. ( Sau này, Bà nói với những đệ tử mới “các người muốn học Tôn gia quyền thì sang Nhật tìm anh Goto mà học”) Hội Nghiên cứu có bao nhiêu người thì tôi không biết. Có nhiều người không đến chỗ tôi nên tôi chẳng biết. Tôi học được một ít công phu từ Ông cụ ( ý nói Tôn Lộc Đường), nếu tính trọn là mười phần thì tôi được một, hai. Trong số đệ tử của tôi chả có ai học hết những gì tôi lãnh hội được.

Ngô: Đệ tử thật sự của tôi chỉ chưa đầy 10 người. Tôi kém xa sư phụ tôi. Ngày trước, kẻ học quyền lấy công phu làm trọng, kỹ thuật đánh quyền là trung tâm, thầy tôi đánh đối thủ văng xa cả trượng (chừng 3 mét) chẳng khó khăn gì. Thời gian luyện quyền của thầy tôi cũng khác. Ngoại trừ 2-3 ngày có tang mẫu thân, còn thì ngay cả ngày cưới cũng giành một khoảng thời gian tập TCQ. Đệ tử tôi chẳng có người nào học hết công phu của tôi. Kẻ học chừng một nửa cũng là giỏi rồi.

Lý: Tôi không có nhiều đệ tử. Theo suốt từ trước đến nay chắc chừng 100 người. Thực tế thì những người theo học bài quy định đông còn số cố công theo học TCQ cổ truyền chẳng có bao lăm. Thời này chẳng còn mấy ai luyện theo lối cổ nữa, tập theo nhạc lại đơn giản. Ai nấy cũng muốn học thử cho biết rồi thôi, chẳng có ai tập công phu. Võ thuật Trung Quốc nhìn bề ngoài tưởng đâu được phổ biến rộng rãi nhưng thực tế chẳng có ai công phu vào hạng tuyệt vời cả. Tôi cũng chẳng thừa kế được công phu của thầy tôi. Trong số học trò tôi có được vài người học hết nghề của tôi, ít người lắm.

Phùng: Nếu đếm số người tôi đã dạy quyền thì có lẽ phải đến mấy vạn người. Người thấu hiểu quyền lý, bài quyền chính xác, quyền kỹ tinh thông thì mới có thể gọi là người thừa kế. Nói tôi kế thừa được toàn bộ của thầy tôi là chuyện viễn vông. Mức hiểu biết của tôi khác ông ấy, thời gian học cũng khác, mức độ học cũng khác. Học trò tôi có người kế thừa được phần lớn của tôi.

Dương: Tôi dạy miễn phí đã mười mấy năm nay. Tổng cộng chừng 7 ngàn người. Tôi không thay đổi bất cứ điểm nào trong bài quyền cha tôi truyền dạy. Tôi có thể nói về công phu của cha tôi cũng như phân tích rõ nhược điểm của ông ấy. Tuy nhiên, việc phân tích được với việc làm được là hai chuyện khác nhau. Lấy ví dụ như thế này dùng như thế nào thì giải thích được nhưng trong chiến đấu thực tế có dùng được hay không là chuyện khác. Môn đồ của tôi chẳng có ai kế thừa được hết sở học của tôi. Tôi chưa bao giờ dạy thôi thủ cho học trò. Không thể dạy thôi thủ cho người luyện công chưa đạt đến mức độ công lực cần thiết.

Du: Võ Đang TCQ trong quá khứ được gọi là TCQ bí truyền. Có nhiều điều tôi dạy môn đồ nhưng tuyệt đối không truyền cho người ngoài. Đó là quy tắc, thông lệ. Cũng có thể xem đó là trách nhiệm đối với lịch sử và văn hóa. Nếu đem truyền cho người nào một cách dễ dàng để rồi những điều truyền dạy không được những người học coi trọng thì thật là điều khó chịu. Việc truyền dạy nghiêm cẩn cũng thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên. Vì vậy, phải chọn người ưu tú để truyền dạy. Hiện giờ, trường tôi có 80 -90 người theo học.

Vương: Đệ tử tôi ít cũng khoảng 70 , 80 người.Triệu Bảo TCQ xưa nay đơn truyền, không bao giờ truyền ra khỏi làng. Không thể truyền toàn bộ những gì gọi là chân thực ra ngoài. Có thể truyền cho con dâu nhưng không truyền cho con gái. Tôi có viết một cuốn sách về Triệu Bảo TCQ và xuất bản nhưng điều đó bị phản đối rất quyết liệt. Học trò tôi chẳng có ai học hết sở học của tôi, kẻ nhiều cũng chưa được một phần tám. Tuy nhiên, trong số đệ tử của tôi có người tư chất hơn tôi.

Hỏi: Quý vị có nghĩ rằng chân công phu của TCQ đã bị thất truyền rồi không ?

Tôn: Tôn thức TCQ đến tôi là chấm dứt.

Ngô: Có khả năng ấy. Quyền kỹ công phu thể hiện qua con người và ngày nay càng ngày càng ít đi. Võ thuật dân gian hiện đang đứng trước nguy cơ bị diệt vong. Vấn đề lớn nhất là học được cũng không có chỗ dùng. Ngày xưa có rất nhiều chỗ dùng như dạy võ, làm bảo tiêu, hộ vệ, có tệ cũng làm mãi võ, diễn trò. Ngày nay có học được quyền thuật chiến đấu cũng chẳng thể mang nó ra biểu diễn để đoạt huy chương vàng, chả dùng được vào việc gì cả. Thời Thanh mạt có vị tiền bối tên là Lý Thụy Đông, người ta gọi là “Lý mũi to”, nổi tiếng khắp một dải từ Bắc Kinh đến Thiên Tân. Cuối đời, ông đem sở học soạn ra ba loại TCQ gọi là Thiên bàn, Địa bàn, Nhân bàn, lại soạn thêm về binh khí. Đến nay, chả còn bao người luyện loại TCQ này nữa. Hiện thời, còn vài người biết Nhân bàn TCQ, đánh được Ngũ hành thùy nhưng Thiên bàn và Địa bàn TCQ đã thất truyền.

Phùng: Chẳng cứ gì TCQ mà nói chung là võ thuật môn nào cũng đều thất truyền. Không phải là thất truyền bài bản mà là thất truyền công phu. Bài quyền thì còn người diễn nhưng công phu thì khó mà thực hiện được. Công phu đã thất truyền nhưng hiện tại thì ngoài mặt vẫn được xem là phát triển. Trông hình dáng thấy cũng đẹp, mặc võ phục cũng sang trọng, phát triển như thế đấy. Tôi có hai học trò người Đức học TCQ với tôi, mỗi một động tác họ chăm chỉ luyện đi luyện lại cả trăm lần, không được thì cũng không nản. Trạm trang mỗi ngày đứng 2 tiếng đồng hồ. Người Trung Quốc ta có bao nhiêu người chịu khổ để luyện công phu như thế đâu. Người ngoại quốc biết cái hay của công phu nên gắng sức tập. Chúng ta chẳng lo tập thì tương lai sẽ …

Vương: Triệu Bảo TCQ đời đời truyền trong làng nên khó mà có chuyện thất truyền. Tuy nhiên, trước đây đời trước thường đợi khi sắp lìa đời mới chọn đệ tử giỏi để truyền thụ phần bí truyền. Nếu thầy chết trước khi kịp truyền hết chỗ bí áo cho trò thì TCQ Trung Quốc đứng trước nguy cơ thất truyền là điều không thể phủ nhận.

Lý: Không có chuyện đó. Bao giờ cũng có người mê tập.

Du: Làm gì có chuyện thất truyền. Văn hóa Trung Quốc đã trải qua 5 nghìn năm rồi, thời Tần Thủy Hòang đã từng có chuyện đốt sách chôn học trò nhưng văn hóa Trung Quốc vẫn sống. Thời kỳ Cải cách Văn hóa gần đây, văn hóa Trung Quốc lại một lần nữa gặp tai họa nhưng phần chính yếu vẫn còn được bảo tồn.

Dương: Tôi nghĩ không có chuyện đó. Có người học thì có truyền thừa, một người học thì dạy một người, hai người học thì dạy hai người. Anh sẽ bảo tôi “nhưng công phu thì khác” chứ gì ? Thời này đừng nhắc chi đến công phu, đi cho đúng bài quyền là giỏi lắm rồi.

Để nắm được tình hình quản lý của Chính phủ Trung Quốc về TCQ cổ truyền, ký giả đã phỏng vấn Lý Kiệt, chủ nhiệm Trung tâm Quản lý vận động – võ thuật thuộc Tổng cục Thể dục Quốc gia

Hỏi: Trung tâm hiện nay có nỗ lực gì trong việc duy trì TCQ cổ truyền không ?

Lý: Tôi nghĩ rằng việc có một ngân sách cho các tỉnh thành là việc không thực hiện được vì việc nghiên cứu võ thuật cổ truyền hiện này nằm ngoài trọng tâm. Hiện tại, việc đưa võ thuật thành một hạng mục thi đấu Olympic trở nên cấp bách, không thể chú trọng riêng một môn nào đó. Lý do là có quá nhiều môn. Nội ngân sách cho TCQ thi đấu đã không đủ thì đào đâu ra tiền để nghiên cứu võ thuật cổ truyền.

Hỏi: Như vậy, chẳng lẽ để cho chân công phu của TCQ Trung Quốc bị thất truyền sao?

Lý: Không có gì đáng lo. Võ thuật cổ truyền sẽ không thất truyền. Anh muốn nói chuyện cái mới ra đời thì cái cũ mất đi chứ gì. Nếu cái cũ ấy bị mất đi thật thì cũng có thể nói là nó không còn giá trị tồn tại nữa./.
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo