SỨC KHỎE, CÔNG PHU VỚI ĐÔI CHÂN CỦA CHÚNG TA

   Bằng việc đứng và hoạt động được trên đôi chân của mình, con người chúng ta đã tách ra khỏi thế giới động vật và dần trở thành một sinh vật cao cấp với trí thông minh siêu việt, đủ khả năng làm chủ thế giới. Và cũng từ khi Kinh Vệ Đà, một bộ kinh cổ nhất của con người, ra đời cách đây khoảng sáu nghìn năm, các bậc tiền bối xưa đã sáng tạo ra biết bao phương pháp tập luyện cho con người, để hoàn thiện con người; để bảo vệ con người trước những tác nhân trong cuộc sống; cũng như để giữ gìn và nâng cao sức khỏe, chíến thắng mọi bệnh tật.
   Trong bài viết này, tôi muốn được chia sẻ cùng các bạn về một điều, theo sự hiểu biết và nhìn nhận của tôi qua mấy chục năm tập luyện, đó là việc quan tâm đến đôi chân trong tập luyện võ thuật cũng như dưỡng sinh. Một điều mà nhiều người chúng ta, trong cuộc sống hiện đại đã quên quan tâm đến đôi chân: đi làm ngồi trên xe máy, ô tô, đến chỗ làm, đi một đoạn ngắn vào văn phòng, ngồi trên ghế làm việc (có khi ngồi hàng tiếng, nhiều tiếng), chỉ đi lại trong phạm vi văn phòng, cơ quan; hết giờ làm, ra ngồi trên xe máy, ô tô về nhà, rồi cũng chỉ loanh quang trong ngôi nhà nhỏ bé. Nếu không tham gia tập luyện buổi sáng, buổi chiều tối, hoặc ngày nghỉ đi chơi xa đâu đó, thì thời gian dành cho sự đi lại trên đôi chân của một số người còn lại là rất ít. Bằng việc tham gia đi bộ trong ngày (sáng hoặc tối), một số người trong chúng ta đã nghĩ như vậy có thể giải quyết đuợc sự trì trệ của một ngày làm việc và có tác động tốt tới cơ thể rồi. Cũng có thể nghĩ như vậy là đủ, nhưng điều cần quan tâm hơn đó là cần đi bộ đúng cách. Với môn nội gia của chúng tôi điều quan trọng ở đây là đặt ý được vào đôi chân trong quá trình đi bộ (của mọi người) cũng như trong toàn bộ sự tập luyện quyền thuật (của các môn đệ tập luyện quyền thuật). Trong cơ thể con người, một khi đã nói đến “ý”, điều chắc chắn kéo theo đó “khí” trong cơ thể con người. Một thực trạng trong cơ thể con người mà từ hàng nghìn năm trước đây, các bậc tiền nhân đã nhìn ra, đã nhận thấy ở cơ thể con người, đã biết con nguời có thể “lấy ý khiển khí, lấy khí ra lực”. Do đó một khi đã đặt ý được xuống chân thì chắc chắn khí sẽ theo ý xuống chân.
   Trong thực tế, bản chất của “Khí” thường hay “thăng”. Trong hoạt động của con người khi khí thăng thường bao gồm cả khí thanh (khí tốt cho cơ thể) và khí đục (hay còn gọi là trọc khí, khí xấu trong cơ thể được sản sinh ra trong quá trình con người hoạt động). Việc tập luyện thường xuyên đặt ý xuống chân, ngoài ý nghĩa sâu xa của việc luyện đôi chân trong quyền thuật, luyện đôi chân trong dưỡng sinh, còn giúp cho khí trong con người được kiểm soát, thăng giáng đứng phép. Qua đó giúp cho khí trong con người được “sàng lọc”, “khí thanh” được thăng lên, làm cho đầu óc được minh mẫn, lục phủ, ngũ tạng được tươi nhuận; “khí đục” được giáng xuống, ngầm vào đất, giúp cho cơ thể được thanh thoát. Bản thân người phương Tây đã có một phương pháp tập rất trùng với việc đưa ý xuống chân, giúp cho việc ‘thăng (khí) thanh, giáng (khí) trọc” trong cơ thể con người. Đó là cách tập: đứng thẳng người, nhấc gót chân lên rồi hạ xuống, làm nhiều lần, với mục đích để lắng cặn (các chất xấu trong cơ thể) của cơ thể xuống
   Trong dưỡng sinh, tôi được biết, không ít người chỉ nghĩ tham gia đi bộ hàng ngày được là tốt rồi (điều này không sai). Cho nên trong khi đi bộ. họ vẫn chuyện trò thoải mái với người cùng đi, tai vẫn gài tai nghe để nghe nhạc, có khi trong đầu còn nghĩ đủ mọi chuyện… Đây là điều chưa thực sự giúp cho việc luyện tập đôi chân được đúng cách, đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của việc đi bộ tác động tới dưỡng sinh.
   Trong tập luyện quyền thuật, không thể chỉ chăm chú đến đôi tay mà không để ý đến thân pháp và đến đôi chân. Sức mạnh trong thực thi quyền thuật liên quan đến đôi chân, độ vững từ đôi chân rất lớn. Trong nhiều môn phái, trong nhiều võ đường, đã dành rất nhiều thời gian riêng cho luyện tập mã bộ cùng các bộ tấn. Trong Vĩnh Xuân Nội gia của chúng tôi nói riêng và trong võ thuật nói chung, việc đặt tâm (đặt ý) đến ra quyền (đôi tay), đến thân và đôi chân là sự chia ý cần thiết trong tập luyện, để qua đó tạo nên sự “tam hợp” trong thực thi quyền thuật. Tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở hàng ngày các anh em môn sinh trong các buổi tập về điều này, nhưng tôi cũng hiểu để làm được như vậy là một quá trình tập luyện kiên trì và cần mẫn.
   Con người chúng ta từ việc bước trên được đôi chân để đưa chúng ta trở thành sinh vật cao cấp, chúng ta hãy luyện cho đôi chân (luyện mã bộ) được dẻo dai, vững vàng và thật khỏe. Đó chính là những điều cần thiết giúp cho chúng ta thêm hoàn thiện mình hơn nữa, trên đôi chân của mình.
   Đôi dòng trao đổi và chia sẻ. Rất mong các bậc cao nhân và hiểu biết, thể tất cho những hạn hẹp trong suy nghĩ của bản thân.
Cảm ơn mọi người đã quan tâm đến bài viết này của tôi.
Hà Nội ngày 10 tháng 6 năm 2015
                                                                                                                                                               Võ sư Nguyễn Ngọc Nội
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo