MỘT CHUYẾN ĐI THAM QUAN DU LỊCH THẬT Ý NGHĨA

     Sau những ngày thầy trò chúng tôi miệt mài tập luyện, ngày 23/7/2015, tôi và người học trò, anh Nguyễn Xuân Phương đã tham gia chuyến tham quan, du lịch Ba Lan - Thụy Điển – Đan Mạch do Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan tổ chức.
     Đây là lần đầu tiên tôi tham gia vào một sinh hoạt dài ngày với một bộ phận cộng đồng người Việt tại Ba Lan và cũng là lần đầu tiên tôi đi du lịch bằng tàu du lịch biển cao 11 tấng của hãng Stena Line, Thụy Điển. 
     Trước khi đến bến tầu để lên tàu đi sang Thụy Điển, đoàn chúng tôi đã đến vùng kênh hồ ở Szlak Pocztyliona, Ba Lan. Thật ấn tượng khi ngồi trên du thuyền đi dọc kênh, vượt qua 2 cái dốc để lên các kênh có mực nước cao hơn qua các bệ đỡ tầu và được kéo qua dốc bằng tời và đường ray đặt với hệ thống kéo hoàn toàn bằng sức nước qua các đường dẫn làm quay các vòng quay kéo tời. Theo thuyết minh, hệ thống này đã hình thành trên trăm năm. Từ vùng kênh hồ Szlak Pocztyliona, chúng tôi đến tham quan một số điểm du lịch chính trong thành phố Gdańsk cổ kính của đất nước Ba Lan. Trong đó có nhà thờ Bazylika Mariacka (Nhà thờ Đức Bà), một nhà thờ được xây hoàn toàn bằng gạch lớn nhất thế giới. Theo người hướng dẫn du lịch thuyết minh, nhà thờ này được bắt đầu xây dựng từ thế kỷ thứ 15 và trải qua 160 năm mới hoàn chỉnh như ngày nay.
     Khi tới bến cảng, nhìn con tầu du lịch biển của hãng Stena Line, tuy chưa phải là loại tầu to nhất, nhưng tôi cũng đã nhận thấy sự hùng vĩ của tầu. Hàng đoàn xe các loại xếp hàng dài chờ lên 2 tầng hầm của tầu. Nghe nói hôm chúng tôi đi có khoảng 2.000 khách, mà chắc chắn là chưa đủ số khách theo khả năng của tầu. Có một điều rất lý thú là phòng thầy trò chúng tôi nghỉ có số phòng 8448 (tầng 8, khu 4, phòng 48). Đó là sự kết hợp giũa hai số mã vùng quốc gia, trong đó số 84 là mã vùng quốc gia của Việt Nam và 48 là mã vùng quốc gia của Ba Lan. Để phục vụ cho vài nghìn người khách du lịch trên tầu, chắc chắn mọi người sẽ hình dùng được hệ thống phục vụ mọi mặt, mọi nhu cầu (kể cả các máy đánh bạc) và số nhân viên trên tầu kèm theo.  
     Sáng 24/7/2015,trước khi tầu của chúng tôi cập cảng thành phố Karlskrona của Thụy Điển, chúng tôi đã lên boong tầu (tầng thứ 12), để đón bình minh trên biển Ban Tích. Cảnh bình minh trên biển thật tuyệt vời. Nơi tầu chúng tôi cập bến là một hải cảng và cũng là một căn cứ hải quân. Karlskrona là thành phố lớn thứ 3 ở Thụy Điển. Đi tham quan thành phố, cảm giác an lành và sự thanh bình thấm đượm trong tôi. Tôi được nghe giới thiệu đây là một đặc điểm của những nước Bắc Âu nói chung. Vào tham quan Viện bảo tàng biển, nhìn những hiện vật trưng bầy, chúng tôi hình dung được lịch sử phát triển của hải quân cũng như ngành hàng hải của Thụy Điển, từ phương tiện tầu thuyền đến các loại vũ khí, khí tài quân sự.
     Đầu chiều cùng ngày, đoàn chúng tôi lên đi ôtô sang Copenhagen, Thủ đô của Đan Mạch. Tuyến đường Karlskrona – Copenhagen đi qua cây cầu Oresund hiện đại và tuyệt đẹp dài 8 km bắc ngang eo biển giữa Thụy Điển và Đan Mạch. Cây cầu được tiếp nối với một đảo nhân tạo và đi xuống đường hầm xuyên biển cũng dài 8 km. Sau khi dùng bữa cơm chiều tại nhà hàng ‘”Sài Gòn’” của người Việt ở Thủ đô Đan Mạch, mặc dù còn phải đến khách sạn nhận phòng, nhưng đoàn chúng tôi vẫn tranh thủ đi ô tô vào thăm khu trung tâm Thủ đô Copenhagen. Mặc dù đã là 19h, nhưng trời châu Âu vẫn rất sáng, thực sự tối phải ngoài 21h. Thủ đô Copenhagen là thành phố lớn nhất của Đan Mạch, đồng thời là thành phố lớn thứ hai trong khu vực Bắc Âu (chỉ sau thành phố Stockholm - thủ đô của Thuỵ Điển) và cũng là thành phố giàu thứ ba trên thế giới. Tôi cảm nhận sự thanh bình và an lành qua từng dẫy phố mà ôtô đi qua. Chúng tôi dừng xe ở bên ngoài cung điện Amalienborg. Được giới thiệu đây là cung điện nổi tiếng của Hoàng gia Đan Mạch. Cung điện được xây theo lối kiến trúc của Pháp, được ca ngợi là một trong những cung điện đẹp nhất ở châu Âu.
     Sáng 25/7/2015, sau khi trả phòng ở khách sạn, đoàn chúng tôi lên ôtô tiếp tục đi thăm Thủ đô Copenhagen. Chúng tôi tham quan một số nơi mang dấu ấn lịch sử trong quá trình phát triển của Đan Mạch. Chúng tôi đến lại cung điện Amalienborg và đi vào bên trong cung điện tham quan.. Quả thật tôi cũng chỉ có thể nói thêm là thật đẹp và yên bình. Thăm quan Nàng tiên cá, biểu tượng của đất nước Đan Mạch. Tượng Nàng tiên cá, ngồi xõa tóc trên tảng đá, mắt nhìn xa xăm xuống vịnh Oresund, được gắn liền với truyện cổ của văn hào Christian Andersen. Tuyệt phẩm điêu khắc được làm bằng đồng do nhà điêu khắc Edward Eriksen (1876 – 1954) hoàn thành ngày 23/8/1913, đến nay đã được 102 năm. Người ta thường :nói đến Thủ đô Copenhagen mà chưa đến thăm Nàng tiên cá thì có nghĩa là chưa đến Đan Mạch. Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch được mệnh danh là Thủ đô của cây xanh và xe đạp. Những hàng cây, rừng cây, những đường phố đầy hoa ở khắp nơi trong thành phố. Người ta trang trí hoa cho cả những chỗ để thùng rác. Người dân Đan Mạch cũng rất tự hào về văn hóa xe đạp của mình. Mọi người, từ dân thường đến quan chức, và cả người trong hoàng gia, đều đi xe đạp. Họ đi xe đạp để rèn luyện sức khỏe và quan trọng nhất là bảo vệ được môi trường, tránh được rất nhiều sự ô nhiễm môi trường do hạn chế sử dụng các phương tiện có động cơ. Chúng tôi lên tầu thủy du lịch đi tham quan Thủ đô Copenhagen dọc các kênh trong thành phố. Ngoài những tầu thủy du lịch, còn có các tầu thủy (được sơn màu vàng) được coi như ôtô buýt của thành phố.
     Tôi thật ấn tượng nhiều mặt về đất nước Đan Mạch, một đất nước thật đẹp và thanh bình.
     Sau khi ăn trưa xong tại nhà hàng ‘”Sài Gòn’”, đoàn chúng tôi lên xe quay trở lại thành phố biển Karlsrona của Thụy Điển để lên tàu du lịch biển Stena trở về Ba Lan. Buổi tối hôm đó, nhiều người trong đoàn đã tham khiêu vũ cùng với những hành khách ở trên tàu.
     Sáng ngày 26/7/2015, tàu đến cảng Gdynia của Ba Lan. Từ đây, đoàn chúng tôi đến Malbork. Chúng tôi vào tham quan tòa lâu đài xây bằng gạch lớn nhất thế giới. Tòa lâu đài được xây dựng từ thế kỷ thứ 13, đến nay, lâu đài vẫn giữ được dáng vẻ hùng vĩ và tráng lệ của mình. Tham quan lâu đài, chúng tôi vô cùng thán phục tài năng xây dựng của người xưa. Lâu đài đã được Unesco công nhận là di sản thế giới. Rất may, khi chúng tôi tới, bên ngoài lâu đài đang được chuẩn bị cho Festival đặc biệt, giới thiệu về trận đánh lịch sử năm 1410; xem các hình ảnh về cuộc sống thường ngày, cảnh chợ sầm uất, các trang phục, võ phục, cung nỏ, khiên kiếm... của thời ký đó.  15h, chúng tôi rời Malbork trở về Vacsava. 
     Trước khi mọi người trở về gia đình, Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan đã có một buổi liên hoan sang trọng tại khách sạn WinDsor tại Jachranka, cách trung tâm Vacsava độ 30 km, kết thúc một chuyến đi tham quan du lịch đầy ý nghĩa.
Đúng như lời người xưa đã nói ‘”Đi một ngày đàng, học một sàng khôn’”. Tầm mắt, sự suy nghĩ, sự cảm nhận về cuộc sống, sự hạnh phúc trong an lành, thanh bình cùng những điều kỳ diệu của thiên nhiên, của con người tạo ra... trong chuyến đi đã đến với tôi, đọng lại trong tôi sâu sắc và chắc chắn đến với tất cả những người cùng đi trong chuyến đi này. Những điều như vậy tôi nghĩ cũng sẽ đến với tất cả mọi người đi tham quan du lịch trên thế giới.
     Tôi rất cảm ơn Ban chấp hành Hội Phụ nữ Việt Nam tại Ba Lan đã tổ chức chuyến đi thật ý nghĩa cho mọi người, trong đó có tôi. Cảm ơn mọi người cùng đi trong chuyến tham quan du lịch này, trong đó có hai người học trò của tôi, anh Nguyễn Xuân Phương và chị Nguyễn Thị Kim Dung, đã chia sẻ những lời ca, tiếng hát, những câu chuyện vui, những cảm nghĩ, cũng như cùng giúp nhau trong suốt hành trình của chuyến đi.
     Chân thành chia sẻ cùng mọi người về niềm vui và hạnh phúc về chuyến đi này.
Vacsava ngày 28 tháng 7 năm 2015
                                                                                                           Võ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo