THIỀN ĐỘNG, điều quan trọng xuyên suốt trong quá trình tập luyện Vĩnh Xuân Nội gia

     Thiền là một lĩnh vực cao siêu, chỉ có Thiền mới đưa được con người hòa nhập với vũ trụ, thành Phật, thành các đấng linh thiêng, tôi không dám lạm bàn sâu. Tôi chỉ xin mượn chữ THIỀN để nói đến một điều đơn giản trong Thiền là khả năng tập trung cao để qua đó nói về sự tập trung trong tập luyện võ thuật. Trong bài viết này tôi trao đổi về khả năng tập trung trong quá trình tập luyện tại võ đường Vĩnh Xuân Nội gia (VXNG) của thầy trò chúng tôi.
     Nội gia là dòng võ nhu quyền, lấy luyện tập bên trong con người là chủ đạo. Trong đạo Phật việc luyện bên trong cơ thể là phương pháp ”Quán tự tại” mà đỉnh cao là Thiền. Việc tập luyện về bên trong cơ thể, ”nhìn” vào bên trong cơ thể, trước hết là một quá trình luyện tập, tập trung cao độ, liên tục, không đứt đoạn, như một dòng nước chẩy triền miên, đặt tâm vào mục tiêu của việc tập luyện. Đây là một đòi hỏi không đơn giản trong tập luyện những môn nội gia nói chung và VXNG nói riêng. Đây cũng là điều then chốt để quyết định thời gian tập luyện đi đến thành công. Khả năng tập trung càng cao trong tập luyện thì giúp cho thời gian đi đến những thành công càng ngắn.
     Trên phương diện hình thái của sự vận động, ”Động” và ”Tĩnh” là hai trạng thái đối lập nhau. Song thực tế trong tập luyện Thiền không có trạng thái ”Tĩnh”. Nhìn những người ngồi tập Thiền, ta cứ nghĩ họ đang ngồi trong yên lặng, tĩnh tại, nhưng thực tế họ đang tập luyện, vận động tâm thức, khí lực bên trong cơ thể họ với sự cố gắng rất lớn. Ngay cả những người không vận động khí lực thì họ phải vận động tâm thức để giữ cho con người họ được tịnh, không bị ”tâm viên, ý mã” làm khuấy động sự tĩnh lặng của họ. Đối với những người phải vận động khí lực (tập luyện thở, tập luyện dẫn khí, luyện khí) thì cường độ tập luyện, tập trung tâm thức của họ rất cao để ”khiển khí”, dẫn khí theo con đường họ muốn dẫn, tập trung khí vào nơi họ cần, dùng khí để khai mở huyệt đạo, khai mở các trung tâm lực (Luân xa - Chakra)...
     Các bạn cũng đã biết: Nội gia là dòng võ nhu quyền, lấy luyện tập bên trong con người là chủ đạo. Các hình thức bên ngoài (quyền, đòn thế) mặc dù là những kỹ thuật điêu luyện, nhưng cũng là những phương tiện để đưa tâm ý, nội lực từ bên trong cơ thể ra hóa giải, ứng biến các tình huống, các đòn thế trong giao đấu. Do đó, trong VXNG, việc tập luyện gần như là song hành, vừa tập luyện những phương thức quyền thuật (quyền tĩnh, quyền động) vừa tập luyện phần bên trong cơ thể (sự tập trung, thở, khả năng cảm nhận...). Ngay từ những buổi tập đầu tiên, tập những đòn thế đầu tiên, VXNG đã đòi hỏi người tập phải tập trung để cảm nhận những yêu cầu đặt ra trong quá trình ra quyền và điều này được đỏi hỏi xuyên suốt toàn bộ qua trình tập luyện VXNG từ thấp đến cao, và càng lên cao, những hỏi này càng lớn. Để có được cảm nhận về cơ thể trong quá trình thực hiện quyền, đòi hỏi người tập phải tập trung tinh thần, không sao nhãng. Do vậy, khi vào tập, người tập gần như dồn hết thời gian vào việc tập trung thực hiện kỹ thuật quyền, thậm chí phải nhắm mắt trong quá trình tập luyện để nâng cao khả năng tập trung. Đã có người học trò nói với tôi: ” con thấy tập VXNG trầm lắng quá. Không có sự sôi động của việc tập võ’’. Tôi cũng nói với người trò đó và cũng đã trao đổi với các anh em ở võ đường: ”Mỗi môn võ có những đòi hỏi trong tập luyện khác nhau. Để cảm nhận được những điều diễn ra bên trong cơ thể trong quá trình tập luyện đòi hỏi sự tập trung rất cao. Không thể vừa tập vừa chuyện trò hay nghĩ đến điều gì khác. Có như vậy mới có được những cảm nhận cần thiết trong tập luyện và mới tiến bộ được”. Sự tập trung cao độ trong trong quá trình luyện quyền, đi quyền, đó chính là chúng ta đang thực hành ”Thiền động”.  Trên thực tế, việc tập luyện trong võ đường VXNG thường trầm lắng. Mọi người phải tập trung theo các đường quyền, rất ít khi chuyện trò trong khi tập. Đối với những người trẻ thường khó thích hợp, nhất là trong thời đại sôi động hiện nay. Và thực tế ở võ đường, cũng không ít người đến tập một thời gian, thấy không thích hợp đã nghỉ tập. Song bản chất của việc tập luyện của môn là như vậy, không thể khác được. ”Nhập gia tùy tục”, để nắm bắt và tập luyện được VXNG, sự đoig hỏi tập trung đó là những yêu cầu phải tuân thủ. Trong Đạo hay trong võ thuật, ngoài ”cơ duyên’” ra cũng cần có ”cơ địa” thích hợp. Và quan trọng là bên cạnh sự yêu thích, phải có lòng tin, ý chí quyết tâm theo và thực hiện tốt phương pháp thực hành. Có như vậy mới đi xa được trên con đường Đạo cũng như trên con đường tập luyện.
     Trong tập luyện, tu luyện, ”Thiền” là một hình thức tập luyện rất cao, không chỉ là sự tập trung cao độ. Do vậy, dùng chữ ”Thiền”, tôi nghĩ người tập và mọi người sẽ hiểu sâu hơn là chỉ dùng chữ ”tập trung” trong tập luyện. Thực tế cũng đúng là như vậy. Trong cuốn sách “PHÁT TRIỂN NỘI CÔNG VÀ CÁC ỨNG DỤNG THỰC TIỄN TRONG MÔN VĨNH XUÂN” của võ sư Scott Baker (người Mỹ) viết về những  điều cảm nhận qua tập luyện tôi thấy rất hay. Tuy võ sư Scott Beker không nói đến Thiền trong tập luyện, song nếu không tập trung cao độ (như Thiền) trong tập luyện như võ sư Scott Beker khi phải tập chậm trong luyện tập Vĩnh Xuân, thì không thể cảm nhận thấy tốc độ ra quyền như ” bông hoa nở”. 
     Mặc dù việc tập luyện bên trong cũng phụ thuộc vào cơ địa, khả năng tư duy, cảm nhận của bản thân người tập, nhưng với ý chí, tâm huyết, tuân thủ nguyên tắc, phương thức tập luyện, với các môn nội gia đòi hỏi phải tập trung như Thiền không chỉ trong luyện công mà trong suốt cả quá trình luyện quyền, được như vậy mới có thể đi đến thành công.
     Đôi điều tôi trao đổi để thầy trò chúng tôi cùng nâng cao nhận thức trong tập luyện tại võ đường VXNG. Kính mong các bậc cao nhân, các huynh đệ đồng môn thể tất cho những gì còn khiếm khuyết.
     Chân thành cảm ơn mọi người đã đọc bài viết của tôi. 
Vacsava ngày 18 tháng 12 năm 2015
                                                                                                              Võ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo