Đôi điều chia sẻ

     Tôi được một người học trò tâm huyết của tôi tặng cho tôi cuốn “SUỐI NGUỒN TÂM LINH” của Thiền sư Ajahn Chah, biên dịch Minh Vĩ, do Nhà Xuất bản Lao động ấn hành (cuốn tái bản lần 2 vào quý 2 năm 2012). Một tác phẩm gồm những bài giảng trong cuộc đời tu hành của Thiền sư Ajahn Chah, được các đệ tử của ngài tập hợp lại và xuất bản. Thiền sư Ajahn Chah (1918-1992) là một vị cao tăng Thái Lan nổi tiếng về pháp Thiền thuộc Phật giáo Nguyên Thủy. Người có những ảnh hưởng rất lớn đến Phập giáo Thái Lan. Khi Người viên tịch, đã có hàng triệu người đến kính viếng. Đức vua, Hoàng hậu và Thủ tướng của Thái Lan cũng đến dự Lễ hỏa táng Người.
     Càng đọc tôi càng bị cuốn hút bởi sự Minh triết mà lại rất gần gũi, dễ hiểu và đơn giản, thể hiện qua những lời giảng của Thiền sư Ajahn Chah trong cuốn sách. Là một người thường, tôi chưa đủ hiểu và không dám mạn bàn về những điều sâu xa mà Thiền sư Ajahn Chah đã giảng dạy. Là một võ sư của dòng võ nội gia, lấy luyện tập bên trong làm căn bản, lấy khí làm nguồn lực và chi phối quá trình tập luyện, tôi chỉ xin phép được trích dẫn một đoạn về một phương  pháp luyện TÂM liên quan mật thiết tới KHÍ trong một bài giảng của Thiền sư Ajahn Chah. Đây cũng là phương pháp cơ bản trong tu tập Thiền, tôi thiển nghĩ những ai muốn tập Thiền và đang tập Thiền nên quan tâm. Trong phương pháp này, tôi nhận thấy có nhiều điểm tương đồng với một số phương pháp trong vĩnh Xuân Nội gia của thầy trò chúng tôi.
     Tôi thành tâm kính dâng lòng thành kính và biết ơn lên hương hồn Thiền sư Ajahn Chah, xin phép Người và xin phép Nhà xuất bản Lao động được trích dẫn một phần một bài giảng của Thiền sư Ajahn Chah trong cuốn sách SUỐI NGUỒN TÂM LINH.
Tôi thiển nghĩ bạn nào quan tâm đến Đạo Phật, quan tâm đến đời sống nội tâm, tâm linh, nên tìm đọc cuốn sách quý này.
     Xin chân thành chí sẻ cùng các bạn. Hy vọng đuọc các bạn cùng quan tâm.
Hà Nội ngày 04 tháng 5 năm 2016
Võ sư Nguyễn Ngọc Nội
--------------------------------------------
PHÁT TRIỂN ĐỊNH LỰC
     Phát triển định lực để làm cho đầu óc vững vàng và kiên định. Điều này mang lại sự bình an trong tâm…
     …tâm được kiềm chế và huấn luyện liên tục sẽ là một công cụ vô cùng hữu ích. Chính Đức Phật có nói: “Tâm được điều phục sẽ mang đến chân hạnh phúc, vì thế hãy điều phục tâm của ngươi cho tốt để đạt được những lợi ích cao nhất”…
     Tâm được huấn luyện sẽ mang đến cho chúng ta nhiều phúc lành hơn một cái tâm chưa được huấn luyện... Tâm được kiềm thúc và huấn luyện có thể giúp cho chúng ta tốt hơn trong mọi lĩnh vực, trong mọi tình huống. Tâm được huấn luyện sẽ giúp cho đời sống của chúng ta quân bình, khiến cho công việc của chúng ta dễ dàng hơn và phát triển khả năng lý luận để kiềm chế hành động của chúng ta. Nhờ thế chúng ta sẽ ngày càng trở lên hạnh phúc.
     Sự nhiếp phục tâm có thể thực hiện qua nhiều cách, với nhiều phương pháp khác nhau. Phương pháp thông thường nhất mà mọi người đều có thể thực hành, là sự chánh niệm về hơi thở, tức là phát triển khả năng nhận biết hơi thở vào và hơi thở ra.
     Trong tu viện này, chúng ta tập trung sự chú ý của mình vào chóp mũi và phát triển ý thức về hơi thở vào và ra với câu thần chú Bud – dho. Thiền sinh cũng có thể sử dụng một chữ khác, hay chỉ việc nhận biết sự chuyển động ra vào của hơi thở. Điều chỉnh sự tu tập cho phù hợp với mình. Điều chủ yếu là, thiền sinh nhận thức hơi thở của mình trong thời hiện tại, có nghĩa là nhận biết mỗi hơi thở ra và vào ngay khi nó vừa xảy ra. Trong khi đi kinh hành, chúng ta cố gắng nhận biết những cảm giác của bàn chân khi chúng chạm vào mặt đất.
     Để có kết quả, sự hành thiền phải được thực hiện lên tục, nếu có thể được. Đừng thiền một chút hôm nay, và rồi sau một, hai tuần lễ, hay một, hai tháng mới thiền lại.Tu hành như vậy sẽ không có kết quả tốt. Đức Phật dạy chúng ta tu hành thường xuyên và chuyên cần, có nghĩa là tu hành càng liên tục càng tốt. Để tu tập có hiệu quả, chúng ta phải tìm một nơi yên tĩnh, và không bị quấy nhiễu, chẳng hạn như một khu vườn, dưới bóng mát của một cái cây trong sân sau nhà của chúng ta. Hay bất cứ nơi nào mà chúng ta có thể ngồi yên tĩnh một mình…
     Trong bất kỳ trường hợp nào hay ở bất cứ nơi nào, chúng ta đều phải cố gắng duy trì chánh niệm về hơi thở một cách liên tục. Nếu sự chú ý của chúng ta đi lạc, hãy kéo nó trở lại với đối tượng của sự tập trung. Cố gắng đặt những tư tưởng khác sang một bên. Đừng nghĩ đến bất kỳ điều gì – chỉ việc quan sát hơi thở mà thôi…
     Trích trong SUỐI NGUỒN TÂM LINH của Thiền sư Ajahn Chah, biên dịch Minh Vĩ, do Nhà Xuất bản Lao động ấn hành (tái bản lần 2 vào quý 2 năm 2012), trang 28 – 30.
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo