Trao đổi thêm về tập luyện Thiền trong VXNG

ĐÔI ĐIỀU TRAO ĐỔI THÊM
VỀ PHƯƠNG PHÁP TẬP LUYỆN TRONG VĨNH XUÂN NỘI GIA
     Trong quá trình truyền dạy cho các học trò, tôi vẫn thường nói: “ Vĩnh Xuân Nội gia (VXNG) xuất phát từ nhà Phật, do Ni sư Ngũ Mai sáng tạo ra. Có rất nhiều điểm tương đồng với giáo lý và phương pháp tu luyện của nhà Phật cũng như Triết học Đông phương”. Trước đây tôi nghĩ vì giáo lý và phương pháp tu luyện của nhà Phật khó tìm hiểu cho nhiều người, cho nên tôi chỉ nhắc các học trò của tôi nên tìm hiểu thêm về Triết học Đông phương trong quá trình tập luyện. Thực ra đây cũng là một thiếu sót, thiếu tin tưởng vào sự tìm học của học trò. Bởi vì giờ đây, tôi biết cũng nhiều học trò của tôi đã và đang dành nhiều thời gian tìm hiểu, học và tu tập theo giáo lý nhà Phật cùng với việc tập luyện VXNG. Do vậy tôi cũng muốn từng bước trao đổi, chia sẻ những tương đồng trong lý luận, phương pháp học và tập VXNG với giáo lý và phương pháp tu luyện của nhà Phật. Tôi hy vọng sẽ giúp thêm cho mọi người trên con đường tập luyện VXNG.
     Trong một bài tôi viết trước đây với nhan đề: “THIỀN ĐỘNG, điều quan trọng xuyên suốt trong quá trình tập luyện Vĩnh Xuân Nội gia”, tôi cũng đã viết rõ: “Thiền là một hình thức tập luyện rất cao, không chỉ là sự tập trung cao độ…”; “Chỉ có Thiền mới đưa được con người hòa nhập với vũ trụ, thành Phật, thành các đấng linh thiêng…”; “Sự tập trung cao độ trong trong quá trình luyện quyền, đi quyền, đó chính là chúng ta đang thực hành ”Thiền động””… Qua đó, tôi cũng chỉ rõ sự cần thiết và quan trọng của việc vận dụng Thiền mà thực tế đó là Thiền trong tập luyện VXNG. Phương pháp Thiền đã dạy những người tập Thiền là: ”đi, đứng, nằm, ngồi, đều Thiền”
     Khi dậy các học trò tôi đi quyền, tôi vẫn thường nói: “Khi đi quyền phải hòa cái tâm của mình vào tinh thần, bản chất của bài quyền. Không cần biết chung quanh mình có ai, kể cả thầy. Chỉ biết mình với bài quyền mình đi đang hòa nhập là một. Như thế mới có thể giỏi được…”. Đó chính là đang tập Thiền )”Thiền động”.
     Vừa rồi đọc trong cuốn “SUỐI NGUỒN TÂM LINH”, một cuốn sách tập hợp những bài giảng của Thiền sư Ajahn Chah (1918-1992), một Thiền sư nổi tiếng của Thái Lan về pháp Thiền thuộc Phật giáo nguyên thủy, trong trang 144, (tái bản lần 2 vào quý 2 năm 2012) có đoạn: “Khi bạn ngồi thiền cùng với những người khác, hãy tưởng tượng là bạn đang ngồi thiền một mình. Củng cố cái cảm giác bạn đang ngồi một mình cho đến khi tâm buông bỏ tất cả ngoại vật, chỉ tập trung vào hơi thở. Nếu bạn tiếp tục suy nghĩ, “Người này đang ngồi chỗ kia, người kia đang ngồi hỗ nọ,” bạn sẽ không thể bình an, bởi tâm không hướng vào trong. Quang những thứ đó qua một bên cho đến khi bạn cảm thấy không có ai chúng quanh cả. cho đến khi không có gì cả, cho đên khi bạn không còn bâng khuâng, lo nghĩ về những thứ chung quanh mình.
     Hãy để hơi thở ra vào tự nhiên. Đừng ép buộc nó ngắn hay dài thêm. Chỉ việc ngồi đó , quan sát nó đi ra, đi vào …”, tôi càng nhận thức thêm mối quan hệ sâu sắc giữa VXNG với các phương pháp tu luyện trong pháp Thiền của nhà Phật. Ngay cả khi dạy các học trò của tôi tập thở. Tôi cũng luôn nhắc mọi người phải để hơi thở ra vào tự nhiên, chỉ dùng ý để điều chỉnh tốc độ ra - vào của hơi thở bằng nhau, không thiên lệch. Sự nhanh chậm hoàn toàn sẽ do cơ thể điều chỉnh theo thực trạng của cơ thể mình.
     Con đường VXNG của bản thân tôi đã có những bước tiến tốt ngay từ những ngày đầu, một điều quan trọng tôi nghĩ do trước đó tôi đã có những hiểu biết về phương pháp Thiền định của nhà Phật và Yoga cũng như đã tu tập tốt Thiền định và yoga trong một thời gian không ngắn.
     Tôi hy vọng các học trò của tôi cùng những bạn có cùng quan tâm, có thể dành thời gian tìm hiểu thêm về đạo Phật trong đó có lĩnh vực Thiền, cũng như tìm hiểu thêm về Triết học Đông phương. Điều này không chỉ giúp cho việc tập luyện thêm hiệu quả mà còn rất hữu ích cho đời sống tâm linh của mỗi người.
     Cảm ơn mọi người đã đọc bài viết của tôi.
 
Hà Nội ngày 27 tháng 5 năm 2016
                                                                                                                                          Võ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo