ĐÔI ĐIỀU NÓI THÊM VỀ HỆ THỐNG QUYỀN VĨNH XUÂN NỘI GIA

     Trong những thời gian qua, không ít người (cả trong và ngoài võ đường) hỏi tôi về hệ thống quyền của Vĩnh Xuân Nội gia (VXNG) mà tôi đã viết trong bộ sách 5 tập về quyền pháp Vĩnh Xuân Nội gia và trong cuốn dưỡng sinh Nội gia cũng như trong những bài tôi đã viết về VXNG. Ngay như mấy lớp võ đường mới mở vừa rồi, vẫn có người hỏi tôi những điều, như: “bao giờ được tập Mộc nhân?” hay “bao giờ được quay tay?”.v.v. Tôi cũng đã trao đổi lại những gì có thể nói ra được. Tuy nhiên, hôm nay tôi xin nói rõ thêm đôi điều về Hệ thống quyền Vĩnh Xuân Nội gia để mọi người cùng rõ thêm và nhất là những học trò của tôi dược hiểu thêm, ngoài những gì tôi đã viết trong sách.
     Trong Vĩnh Xuân Nội gia (VXNG), Hệ thống quyền thuật được phân chia hai phần luyện rõ rệt theo cách chia của tiền bối xưa: Phần LUYỆN QUYỀN và phần LUYỆN CÔNG. Trong đó phần LUYỆN QUYỀN gồm những hệ thống quyền mang những bản sắc riêng, song các hệ thống này lại có quan hệ rất hữu cơ với nhau, tương hỗ cho nhau để cùng giúp hoàn thiện việc tập luyện các hệ thống quyền một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, VXNG là một môn Nội gia, cho nên trong quá trình tập luyện quyền, việc tập luyện công cơ bản (tập thở, tập ý) cũng đã được chú trọng và gắn liền trong quá trình suốt quá trình luyện quyền.
     HỆ THỐNG TẬP LUYỆN QUYỀN trong VXNG gồm: Luyện tập lỏng mềm, luyện hệ thống quyền tĩnh - Kỹ thuật tay Ngũ Hình, Luyện hệ thống quyền động - Ngũ Hình quyền, luyện hệ thống quyền cao cấp – những bài 108 (108 Tại chỗ, 108 Tiến lùi và 108 Mộc nhân). Song hành với việc tập luyện quyền là việc tập luyện thở cơ bản của VXNG. Bài 108 Mộc nhân là bài cuối của Hệ thống quyền của VXNG. Để được vào tập bài 108 Mộc nhân, thời gian luyện tập theo chương trình đào tạo tại võ đường không ít hơn 5 – 6 năm. Thực tế cũng có người thời gian tập luyện ngắn hơn. Điều này phụ thuộc vào ngộ tính và khả năng tập trung tập luyện của mỗi người. Tôi đã có bài viết vềviệc tập Mộc nhân, trong đó nói rõ nguyên nhân của việc phải tập Mộc nhân vào thời diểm sau khi đã tập đầy đủ các chương trình tập luyện trước đó. Các bạn có thể xem thêm bài viết này.
     HỆ THỐNG TẬP LUYỆN CÔNG, đây chính là phần “Tam luyện” tôi đã nhắc đến trong phần cuối của tập 5 trong bộ sách Quyền pháp VXNG.Chỉ sau khi hoàn thành chương trình luyện Quyền, thì các môn đệ VXNG mới được vào Phần luyện công. Luyện tập Nội công là phần tập luyện cuối cùng trong Hệ thống luyện công VXNG cũng như của toàn bộ Hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia. Để vào tập phần luyện công của VXNG, người tập phải hoàn thành tốt phần luyện quyền. Có như vậy mới có thể luyện được và luyện tốt Hệ thống tập luyện công. Có nhiều người không tin vào sự đòi hỏi “TIỆM TIẾN” như vậy. Song thực tế, hầu hết các học trò của tôi khi được chuyển sang phần luyện công, mới hiểu được tính đúng đắn và sự tất yếu của những yêu cầu như vậy. Đối với tôi, điều quan trọng là những người học trò theo mình, hiểu và có lòng tin đúng đắn vào những yêu cầu tất yếu trong quá trình tập luyện (chỉ có người trong cuộc mới có thể hiểu được).
     Theo hiểu biết và thiển nghĩ của tôi: Sư tổ Ngũ Mai Lão Ni, người sáng lập ra môn Vĩnh Xuân, một ni sư của nhà Phật, một cao đồ của môn phái Thiếu Lâm, khi Người sáng lập ra môn Vĩnh Xuân, chắc chắn, Người phải xuất phát từ vị trí của một người phụ nữ với những kiến thức của sự tu tập theo đạo Phật và theo môn phái Thiếu Lâm. Người đưa vào môn phái mà Người xây dựng nên những ký năng của người phụ nữ, những kiến thức của nền Triết học Đông phương, những quy luật của Thế giới tự nhiên (Vũ trụ) có trong Đạo Phật cũng như những phương pháp tập luyện, tu luyện riêng của Đạo Phật. Đơn cử như: KHÍ và những liên quan đến Khí trong Triết học Đông phương cũng như trong thế giới tự nhiên;những điểm quan trọng trong phương pháp “Tọa Thiền Chỉ Quán” của nhà Phật về kiểm soát Thân – Khí – Tâmcùng với những phương pháp đạo dẫn khí (Tiểu Chu Thiên, Đại Chu Thiên).v.v.
     Trên thực tế, qua quá trình được sư phụ truyền dạy cũng như qua quá trình tập luyện của bản thân, tôi nhận thấy, ngay từ những hình thức tập luyện đầu tiên (tập quyền và tập thở) và càng lên cao càng rõ rệt các quy luật của tự nhiên, trong Triết học Đông phương và dấu ấn của việc tu luyện trong nhà Phật. Đặc biệt là việc TẬP TRUNG TINH THẦN để kiểm soát và CẢM NHẬN các hoạt động của cơ thể (Thân – Ý - Khí) càng tập lên cao, sự đòi hỏi càng lớn. Có thể nói việc tập trung này dần dần tiến đến mang sắc thái của THIỀN và đó chính là THIỀN ĐỘNG. Mặc dù việc luyện Thiền này, không thể so sánh với việc luyện Thiền của nhà Phật, song để cảm nhận và theo được việc Thiền động này, đối với người tập hoàn toàn không đơn giản chút nào. Nhất là khi chuyển sang phần LUYỆN CÔNG, nếu người tập không tập trung tinh thần cao độ (sự tập trung mang tính Thiền) trong suốt quá trình tập luyện thì: không thể cảm nhận được nội khí (nội lực) phát ra qua phần LUYỆN LỰC; không thể cảm nhận được sự biến hóa của đôi tay qua phần LUYỆN LINH và không thể cảm nhận được sự chuyển động, hoạt động của Khí qua phần LUYỆN NỘI. Chính vì như vậy mà quá trình tôi được sư phụ tôi dạy Linh giác, tôi luôn được sư phụ tôi nói lại nhiều lần câu nói của Sư tổ Nguyễn Tế Công khi nhắc đến việc tập luyện mang tính THIỀN ĐỘNG này là “ĐẠI, ĐẠI CÔNG PHU”.
     Do tính chất tập luyện đỏi hỏi mỗi cá nhân phải tập trung cho bản thân trong quá trình tập luyện, cho nên không khí tập ở võ đường Vĩnh Xuân Nội gia không ồn ào. Khi tập lên cao, chỉ có tiếng đòn đánh vào người thầy, tiếng va chạm của các tay với nhau khi các anh em đối luyện, chạm tay… Chính vì vậy mà đây cũng là điều không mấy hấp dẫn người muốn tập vì thiếu không khí sôi động của một lớp võ. Song bản chất tập luyện của môn là như vậy, thầy trò chúng tôi cũng không thể thay đổi được. Tôi cũng hy vọng rằng và thực tế vẫn có những người đam mê, tin tưởng VXNG và kiên trì theo tập tại võ đường. Tôi tin tưởng sắt đá vào con đường tôi đã, đang và mãi mãi đi theo: Con đường Vĩnh Xuân Nội gia. Và tôi cũng tin rằng, những người học trò tâm huyết của tôi cũng vẫn song hành cùng tôi chung tay xây dựng võ đường VXNG và góp phần phát triển môn phái Vĩnh Xuân.
Qua bài viết này, tôi hy vọng mọi người cùng những người học trò của tôi hiểu thêm về VXNG.
Tôi xin chân thành cảm ơn và biết ơn tất cả.
Hà Nội ngày 26 tháng 10 năm 2016
                                                                             Võ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
       Các bạn có thể xem thêm các bài tôi đã viết trước, đã in trong cuốn “Tuyển tập 10 năm những bài viết về Vĩnh Xuân, Vĩnh Xuân Nội gia và võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền” hoặc trên trang web của võ đường. Như các bài:
+ Bài “ Đôi nét trao đổi về nội công trong quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia” ngày 15/12/2005. Trang 90 sách đã dẫn ở trên.
+ Bài “Trao đổi về luyện tập Linh giác trong võ đường Vĩnh Xuân Nội gia” ngày 02/9/2006. Trang 132 sách đã dẫn ở trên.
+ Bài “ĐÔI ĐIỀU TRAO ĐỔI THÊM VỀ PHƯƠNG PHÁP TẬP LUYỆN TRONG VĨNH XUÂN NỘI GIA” ngày 27/5/2016. Trên trang web của võ đường. 
V.v. và v.v.
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo