LINH GIÁC – ĐÔI ĐIỀU CHIA SẺ

     Như tôi đã giới thiệu về Hệ thống quyền thuật của Vĩnh Xuân Nội gia (VXNG), trong đó LINH GIÁC là một trong ba phương thức luyện (Tam luyện) trong phần LUYỆN CÔNG của VXNG. Để tập luyện được và tập luyện thành công VXNG, một trong những đòi hỏi rất cao trong tập luyện đó là sự CẢM NHẬN. Sự cảm nhận trong tập luyện VXNG đòi hỏi phải được rèn luyện ngay từ những bài tập đầu tiên khi nhập môn (như luyện tập lỏng mền, như luyện tập hệ thống quyền tĩnh) và càng lên cao, sự đòi hỏi này càng lớn, đặc biệt là Linh giác. Chính vì vậy mà VXNG rất khó thích ứng với những người không quen sự tập trung cao, lâu dài (trong suốt buổi tập), muốn thành công nhanh, hoặc còn trẻ tuổi. Nhất là với trẻ nhỏ thì không thể tập được. Chính vì vậy mà Sư tổ Nguyễn Tế Công đã không thể kịp truyền lại công phu của Sư tổ cho người con trai duy nhất là bác Nguyễn Chí Thành. Vì trong khi Sư tổ Nguyễn Tế Công còn khỏe, bác Nguyễn Chí Thành còn nhỏ tuổi. Khi Sư tổ mất, bác Thành mới 16 tuổi. Như bác Thành tâm sự với tôi: chỉ còn hình dung những hình ảnh Sư tổ dạy cho các học trò mỗi khi bác Thành theo Sư tổ sang lớp xem Sư tổ dạy (ở Hà Nội trước đây là sang 38 Gia Ngư, nhà của sư phụ tôi, cố võ sư Trần Thúc Tiển) và nhớ được đôi điều những điều Sư tổ nói với các học trò, khi bác Thành ngồi bên Sư tổ.
     Đối với chúng tôi, như Sư tổ Nguyễn Tế Công đã nói: Linh giác là một hình thức tập luyện “cao hơn quyền”; nó không chỉ đòi hỏi sự chuẩn xác cao về quyền, mà còn đòi hỏi rất cao về sự huy động “nội tam hợp” (Ý – Khí – Lực), cũng như sự cảm nhận, biến hóa của đôi tay trong suốt quá trình tập luyện bài tập Linh giác. Thời gian để luyện thành Linh giác là dài nhất so với các thời gian tập luyện của các bài trong toàn bộ Hệ thống quyền thuật VXNG (cả luyện Quyền và luyện Công). Chính vì vậy mà Sư tổ Nguyễn Tế Công đã nói: việc tập Linh giác là “ĐẠI, ĐẠI CÔNG PHU”. (Cho tôi được nói thêm là tất cả những điều tôi dẫn về lời nói của Sư tổ Nguyễn Tế Công trong những bài viết, trong những bộ sách, cuốn sách của tôi, đều là những điều tôi được sư phụ tôi nói cho biết trong những lúc truyền dạy cho tôi hoặc trong những lúc thầy trò ngồi nói chuyện, mỗi khi thầy mệt, không dạy được, hoặc trong những lúc thầy trò ngồi bên Hồ Hoàn Kiếm, trước cửa nhà hàng Bốn mùa trước đây, nơi thầy tôi ưu thích ngồi, mỗi khi tôi đưa thầy ra Bờ hồ đi dạo.).
     Khi sư phụ tôi dạy tôi Linh giác, cũng đã nói với tôi: “ anh phải hiểu việc tập Linh giác chính là sự tập luyện cảm nhận của đôi tay tới mức linh diệu, đồng thời việc điều khí, điều lực phải rất tốt. Do đó muốn tập giỏi, anh phải rất tập trung khi tập, mới có thể giỏi được”. Sự tập trung để cảm nhận trong luyện tập Linh giác đòi hỏi như người tập Thiền khi Thiền. Và thực tế đó cũng như một hình thức luyện Thiền, song ở đây là THIỀN ĐỘNG. Dù việc Thiền trong VXNG không thể so sánh với việc Thiền của nhà Phật, song Thiền động cũng là một hình thức tập luyện rất khó, rất cao và xuyên suốt trong quá trình tập luyện mọi công phu trong VXNG, đặc biệt là trong quá trình LUYỆN CÔNG. Như mọi người tập Thiền đều biết: “Thiền bất lập văn tự,… Trực chỉ nhân tâm…”. Với VXNG cũng có những môn quy bắt buộc mà người thầy phải tuân thủ nghiêm mật, theo đúng lời thề nguyện, đặc biệt với phần LUYỆN CÔNG. Và thực tế có muốn viết ra cũng rất khó diễn tả, nếu muốn nói là “không thể”. Người thầy chỉ có thể truyền cho người trò trong quá trình người trò luyện tập cùng thầy qua những phần tập luyện cụ thể. Đây cũng chính là điều “Trực chỉ nhân tâm” trong VXNG.
     Trong một bài viết của Lý Tiểu Long (Bruce Lee) với nhan đề “Phép "Chi sao" của Vịnh Xuân phái Thiếu Lâm Phật Sơn” (1) đăng trên Tạp chí "Black Bell" năm 1969 (bản dịch của cố võ sư Trần Văn Từ, được đính chính bới cố võ sư Hồ Hải Long), ông có viết: “Trong những năm tôi dạy “chi sao”, tôi coi nó như là một cách tập về vừa THẾ, vừa THẦN, nhấn mạnh về KHÍ LIÊN TỤC (Constant energy flow)…có tập MỘT TAY VÀ HAI TAY bằng cách xoắn tay nhịp nhàng ấy, người TẬP LUYỆN LẤY KHÍ LỰC. Người tập phải giữ cho LIÊN TỤC VÀ TRÀN VÀO MỌI KHE HỞ CÓ THỂ ĐƯỢC trong lúc xoay chuyển. Càng tập lâu thì lực càng tinh vi và càng len vào các khe nhỏ được. Muốn tập “chi sao” phải có một ông THẦY LÀNH NGHỀ, dần dắt từng bước vào tiếp cho người học trò cái KHÍ LỰC THÍCH NGHI”.
     Nói về hiệu quả của Linh giác, tôi xin được trích lại lời kể của cố võ sư Quyền anh, bác sĩ Phạm Xuân Nhàn đã kể trong buổi ra mắt của Võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền ngày 17/7/2005 về một lần ông được sư phụ tôi cho thử với sư phụ tôi, sau khi ông đạt danh hiệu “vô địch Quyền anh” mùa xuân năm 1957 (2), ông kể: “…Thế rồi đến cái thứ hai (trước đó -thứ nhất- là sư phụ tôi đứng cho ông đánh thoải mái vào người sư phụ tôi), Cụ bảo rằng “tôi không cho anh đấm”. Thế thì tôi lại thử. Cụ dùng linh giác của cụ, quấn tay lấy tay tôi, tôi muốn ra đòn gì cụ quấn rồi cũng không thể đánh vào người cụ được… Cái cuối cùng (trước đó –cái thứ ba-  sư phụ tôi đứng một chân cho ông chạy từ xa vào đẩy sư phụ tôi, nhưng không đẩy nổi), Cụ bảo “bây giờ tôi phản đòn anh”. Tôi đấm cụ thì cụ lấy tay cụ gạt. Trước thì cụ giáp vào gạt không cho đấm vào người, bây giờ thì cụ gạt tay tôi làm tôi lạng đi, người tôi mất đà loạng choạng, mà tay thì tê dại…”.
     Chính vì sự đòi hỏi cảm nhận rất cao của Linh giác, cho nên cũng đòi hỏi từ người thầy đến người trò sự tập trung rất lớn (rất công phu – đại, đại công phu) trong quá trình truyền dạy và tập luyện Linh giác. Điều này cũng đúng trong quá trình truyền dạy và tập luyện những công phu trong LUYỆN CÔNG. Vì vậy để luyện tập Linh giác nói riêng và chuyển sang LUYỆN CÔNG nói chung, đòi hỏi người tập VXNG phải trải qua toàn bộ phần LUYỆN QUYỀN mới có thể được tập và tập được.
     Với những phương thức tập luyện trong VXNG, thực tế chỉ có thực sự vào tập và tập với sự say mê, tin tưởng, tập trung cao độ, mới có thể hiểu được, cảm nhận được. Do đó, quyền thuật VXNG không dễ hiểu được, không dễ theo được và lại cũng khó hấp dẫn người tập. Tuy vậy, thực tế trong những năm qua, cũng không ít người say mê theo tập và tập được, tập thành công phu VXNG. Chính vì vậy, những tinh hoa trong công phu VXNG được các tiền bối trong VX dầy tâm huyết xây dựng bao nhiêu năm qua vẫn còn được lưu truyền đến ngày nay và chắc chắn sẽ còn được lưu truyền mãi mãi.
     Chân thành cảm ơn mọi người đã đọc bài viết của tôi. Và cũng xin các bậc cao nhân lượng thứ cho những gì thấy chưa được trong bài viết của tôi.
Hà Nội ngày 20 tháng 11 năm 2016
                                                                                                                                      Võ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
 
     1. Các bạn có thể xem toàn bộ bài viết “Phép "Chi sao" của Vịnh Xuân phái Thiếu Lâm Phật Sơn” của Lý Tiểu Long (Bruce Lee) trên trang web của võ đường được cập nhật ngày 04/9/2006.
     2. Các bạn có thể xem toàn bộ lời phát biểu của cố võ sư Quyền anh, bác sĩ Phạm Xuân Nhàn tại Lễ ra mắt võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền trên trang web của võ đường được cập nhật ngày 22/8/2005
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo