LINH GIÁC – ĐÔI ĐIỀU TRAO ĐỔI THÊM

     Sau khi bài ”LINH GIÁC – ĐÔI ĐIỀU CHIA SẺ” của tôi đăng tải trên trang web của võ đường và trên trang FB của tôi, tôi nhận được nhiều hồi âm của các bạn quan tâm. Trước hết, cho tôi chân thành cảm ơn sự quan tâm của các bạn tới trang web của võ đường, tới trang FB của tôi cũng như những bài viết của tôi. Tôi cũng xin chân thành cảm ơn một số bạn đã hiểu và đồng cảm với tôi trong việc phải tuân thủ môn quy trong những chia sẻ, trao đổi của tôi. Trên thực tế, có những công phu thầy trò chúng tôi chỉ được phép dạy và trao đổi ở võ đường , đặc biệt có những công phu chỉ được phép truyền dạy riêng cho những nội đồ trong môn. Do đó trong những bài viết, trong những trao đổi, có thể có những điều chưa làm hài lòng các bạn, rất mong các bạn thông cảm và lượng thứ. Bởi các bạn cùng hiểu: tổ chức nào cũng phải có những quy định riêng của mình.
     Trong những điều các bạn hỏi tôi, có một số bạn dề nghị tôi nói rõ thêm (đại ý): Tại sao tôi gọi hình thức tập linh giác (theo như bạn đó hiểu) là ”bài tập linh giác”? ”Bài tập linh giác” có giống như một bài quyền không? Tập linh giác như thế nào thì hiệu quả?...
     Qua suy nghĩ về những điều một số bạn hỏi, trên cơ sở môn quy, tôi xin được trao đổi thêm những gì có thể được về LINH GIÁC trong VXNG của chúng tôi. Hy vọng có thể giúp các bạn hiểu thêm về Hệ thống quyền thuật VXNG cũng như những phương pháp tập luyện trong VXNG của thầy trò chúng tôi. Cũng qua bài viết này, tôi cũng xin các bạn thông cảm, không phải tất cả những gì các bạn hỏi, tôi có thể chia sẻ hay đáp ứng được.
     Thực tế, trong VXNG của chúng tôi, đây đúng là ”bài tập linh giác”, trong đó có đẩy đủ các thế, các đòn được sắp xếp theo một trình tự chuẩn mực như một bài quyền tĩnh. Tuy nhiên, nếu gọi đúng, chính xác, thì đây là một hệ thống các thế, các đòn, xuyên chuỗi, kế tiếp nhau theo sự chuyển hóa của tay người thầy và phù hợp với thực tế khả năng của người tập trên cơ sở với bản chất của việc luyện linh giác cũng như theo yêu cầu của từng thế, từng đòn trong bài. Qua quá trình tập luyện và truyền dạy, tôi nhận thấy (theo thiển ý của tôi) hệ thống tập luyện linh giác mà các bậc tiến bối xây dựng nên được sắp xếp vô cùng hợp lý và phải nói rất khoa học. Việc tập luyện trong bài cũng đòi hỏi rất cao sự tổ hợp gần như đầy đủ các yêu cầu cần có trong quá trình thực thi quyền thuật. Đúng như Sư tổ Nguyễn Tế Công đã dạy:”Linh giác là quyền, mà không phải quyền. Nó đứng trên quyền.”. Thực tế, trong hệ thống quyền thuật VXNG, khi bước vào phần LUYỆN CÔNG, là sang hẳn một phương thức tập luyện mới, hoàn toàn khác với những phương thức LUYỆN QUYỀN. Có thể nói: phần LUYỆN CÔNG trong VXNG được tập luyện dưới dạng thiền động. Trong luyện tập Linh giác, người tập luyện phải nhắm mắt để tập trung cho cảm nhận về nhiều mặt qua đôi tay trong quá trình tập luyện cùng thầy qua các thế, các đòn mà người thầy ra. Như tôi thường giải thích cho những trò được tập linh giác là: ‘”Khi tập linh giác, không nhìn tay mình bằng thị giác, mà phải ”nhìn bằng tri giác”. Với việc tập luyện ‘”nhìn bằng tri giác ” cảm nhận cơ thể mình (trên nhiều góc độ) nói chung và cảm nhận đôi tay nói riêng mới dần hình thành và phát triển lên cao được. Không chỉ như vậy, mà qua đó (qua tập ”nhìn bằng tri giác” và tập linh giác), trí tuệ cũng được phát triển tốt lên. Muốn cái ”nhìn bằng tri giác” phát triển bắt buộc phải nhắm mắt trong khi tập”. ”Nhìn bằng tri giác” cũng là điều quan trọng trong phương phương pháp ”Quán tự tại” trong tu Thiền của nhà Phật. Việc tập luyện ”nhìn bằng tri giác” trong VXNG của chúng tôi, thực tế đã được tập luyện (ở mức độ đơn giản) ngay từ khi mới nhập môn, thông qua việc cảm nhận sự lỏng mềm qua các đòn thế. Một điều đặc biệt trong luyện tập linh giác trong VXNG tôi cũng xin chia sẻ cùng các bạn, đó là việc trong một số các thế, các đòn trong bài, người trò phải ”trả đòn” sau khi thầy ra đòn dẫn, thậm chí còn phải ”đối đòn” với người thầy bằng tất cả khả năng mình có. Nếu hiểu đơn giản trong những khi ”đối đòn”, thầy trò bình đẳng với nhau trong việc triển khai đòn thế. Tuy nhiên dưới sự chỉ dạy của người thấy để sao cho việc ”đối đòn” đó đạt hiệu quả tốt nhất trong tập luyện.
     Gọi là đôi điều chia sẻ, những tôi cũng nhận thấy mình cũng đã bộc bạch nhiều điều trong những phương thức tập luyện nói chung và trong tập linh giác nói riêng trong công phu VXNG của chúng tôi. Và tôi cũng hiểu những chia sẻ của tôi không chỉ đáp ứng những mong muốn tìm hiểu của các bạn mà cũng rất cần cho những người học trò của tôi ở mọi trình độ. Tôi cũng phải cảm ơn các bạn cũng đã cho tôi một cơ hội để chia sẻ cùng với các học trò của mình, bởi thầy trò tôi cũng không có nhiều thời gian để trao đổi trong những lúc tập luyện cũng như không có nhiều thời gian để ”trà dư tửu hậu” mà chuyện trò, chia sẻ về những liên quan tới công phu của bản môn.
     Nhân dịp Giáng Sinh năm 2016, tôi chân thành chúc mọi người cùng gia đình đón một mùa Giáng Sinh vui vẻ, đầm ấm và cùng nhau đón một năm mới 2017 với mọi sự an lành, khỏe mạnh, hạnh phúc, thịnh vượng và thành công. Cầu chúc cho Thế giới được sống trong an lạc, phát triển vững bền.
                                                                                 Chân thành cảm ơn các bạn.
                                                                             Warszawa, ngày 24 tháng 12 năm 2016
                                                                             Võ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo