Đôi điều chia sẻ về những sâu xa qua hai chữ “chưa” và “ không” trong tập luyện

     Với trên 50 năm tập luyện theo con đường Nội gia (từ công phu Thiếu Lâm đến Khí công, đến Yoga, Yoga Thiền Định và VĨNH XUÂN NỘI GIA) và qua gần 40 năm truyền dạy công phu Vĩnh Xuân Nội gia, tôi nhận thấy quá trình tập luyện (cũng như trong cuộc sống) nhiều lúc chịu sự tác động không nhỏ từ các suy nghĩ, các ngôn từ thể hiện trong tập luyện (và cả trong những hoạt động trong cuộc sống). Trong phạm vi bài viết này, tôi xin được chia sẻ về bản chất sâu xa của hai chữ “chưa” và “không” trong tập luyện và tôi thiển nghĩ có lẽ đúng cả trong cuộc sống. Điều mà tôi thường xuyên khuyên và nhắc nhở các học trò của mình.
     Trước hết tôi xin được chia sẻ với các bạn là đối với bản thân tôi, tôi nhận thấy dòng võ Nội gia nói chung và Vĩnh Xuân Nội gia nói riêng rất khó tập luyện. Nó đòi hỏi một ý chí, sự kiên định cùng sự tin tưởng rất cao trong tập luyện. Nhất là trong cuộc sống luôn luôn vội vã và có biết bao sự chi phối hiện nay lại càng khó hơn bao giờ hết. Trong suốt bao năm qua, có không ít học trò của tôi trong quá trình tập luyện, thường nói với tôi “khó quá thầy ạ, mãi không tập được”… Cùng với những lý giải, chia sẻ kinh nghiệm tập luyện, tôi cũng thường nói luôn: “chỉ có thể nói: “khó quá, chưa thể tập được” chứ không bao giờ được nói “không tập được”. Vì nếu nói : “chưa” tức là sẽ đến lúc tập được. Còn nói “không” thì sẽ chẳng bao giờ tập được cả”. Các môn Nội gia luôn chú trọng đến “KHÍ” trong tập luyện. Khí trong cơ thể chịu sự tác động rất mạnh từ ý của bản thân. Ngay trong nguyên lý thực thi  nội tam hợp (Ý – KHÍ – LỰC) trong các môn Nội gia cũng đã nêu rất rõ: “Lấy ý khiển khí, lấy khí ra lực”. Chính vì vậy, những diễn biến trong tâm ý của mình trong mọi mặt của cuộc sống (tập luyện chỉ là một phần và ở đây tôi chỉ nói riêng về lĩnh vực này. Trên thực tế có rất nhiều tác nhân khác do chủ quan của con ngươi, do hỉ, nộ, bi, ái, do bệnh tật, do tác động của môi trường...) đều tác động ngay đến Khí trong con người, làm sản sinh ra các Khí tốt (Dương khí), hoặc các khi xấu (Âm khí) cùng tác động đến quá trình vận hành khí trong cơ thể làm khí thăng, khí trầm, loạn khí hay giúp khí được quân bình. Những diễn biến tâm lý này được biểu hiện qua nhiều mặt, trong đó có qua ngôn từ sự dụng. Nhiều khi, chúng ta cứ cảm tưởng chỉ nói cho vui thôi, cho có câu chuyện thôi (mua chuyện làm quà) chắc không ảnh hưởng gì. Những thực tế nó luôn tác dụng lại ngay tới hoạt động bên trong của cơ thể con người. Do đó trong tập luyện, nếu bạn cứ luôn nghĩ đến “khó quá, tập mãi không được” thì bạn đã và đang tạo ra sự trì trệ của quá trính vận hành khí và làm sản sinh ra những khí xấu gây ảnh hưởng đến tâm trí và sự vận động của cơ thể. Còn một khi ta thấy “chưa” thể “vỡ” ra được, “ngộ” ra được, làm được mà ta vẫn quyết tâm muốn vươn lên bằng được, và tin rằng nếu nỗ lực hơn nữa ta sẽ đi được đến đích, tâm trí của bạn sẽ dần được khai mở qua sự vận động tích cực của Khí (DƯƠNG) và sẽ giúp ta vượt qua những khó khăn ban đầu để đi đến thành công. Có thể nói để đạt được thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào, không bao giờ được cho bản thân cảm thấy không thể đi đến đích. Những điều bản thân nói ra, có thể xuất phát từ suy nghĩ của bản thân, nó tác động rất mạnh đến ý chí và sự vươn lên, sự khai mở trong tập luyện. Tôi cũng thường nói với các học trò”: “ đừng bao giờ cho là mình tập đã đúng cả thì mới luôn cố gắng hoàn thiện để vươn lên được. Còn nếu cứ nghĩ mình đã đúng rồi, thì sẽ thiếu động lực hoàn thiện để đạt được đến đỉnh cao”; “tập lấy thuộc, luyện lấy tinh”.
     Điều này, tôi nghĩ cũng chắc chắn đúng cả trong cuộc sống thường nhật. Với những người thiếu lòng tin trong cuộc sống, thường có những suy nghĩ tiêu cực, những suy nghĩ không tốt trong cuộc sống, từ đó những “khí độc” (khí không tốt cho cơ thể, âm khí) được sản sinh ra trong quá trình tư duy và hoạt động của cơ thể sẽ làm trì trệ sự sống tích cực trong con người, thiếu ý chí vươn lên trong cuộc sống, làm mờ đi tâm trí, thậm chí có thể dẫn đến những việc làm, những hành động thiếu suy nghĩ gây tổn hại cho cuộc sống của bản thân, có thể còn làm những việc mắc vào “luật nhân quả” ở đời.  Từ xa xưa, con người xưa đã biết dùng đến sức mạnh của lời nói để tác động đến nhiều mặt trong cuộc sống con người. Nếu nói rộng ra một chút “Lập ngôn” là một trong “tứ lập” quan trọng của đời người mà mỗi người chúng ta phải chú ý đến. “Lập ngôn” không chỉ hiểu là những lời nói thuần túy thể hiện những hiểu biết của mình, hoặc cao hơn là có khả năng nói giỏi (diễn thuyết), mà phải hiểu đó là những lời nói trung chính, mang những hiệu ứng tích cực, tốt đẹp, an lành, chân thiện mỹ. Phật dạy trong mười cái nghiệp của con người, thì trong đó nghiệp do cái miệng mà ra đã chiếm bốn (gần một nửa). Người xưa cũng dạy; “Bệnh tùng khẩu nhập, hoạ tùng khẩu xuất” ( bệnh từ cái miệng do ăn uống mà vào, họa cũng từ cái miệng do nói lời thị phi mà ra). Chỉ một ý nghĩ (thậm chí chỉ là ý nghĩ mà ta nghĩ chỉ có mình ta biết – nhưng thực tế có Trời Đất, Phật, Thánh, Thần hay nói như người xưa “có quỷ thần hai vai” biết), một lời nói, một biểu hiện cũng tác động nhiều khi không nhỏ tới tâm trí, tới hoạt động của chúng ta. Do đó với những điều trung chính mà ta muốn vươn tới, ta muốn có, đừng bao giờ để nẩy sinh trong đầu chữ “không thể làm được”, “không thể có được” mà chỉ có thể là ta “chưa làm được”, ta “chưa có được”, ta quyết tâm phấn đấu chắc chắn sẽ có được, đạt được. Cũng như một lời khuyên trong Yoga: “tìm sẽ thấy”. Vấn đề là có quyết tâm tìm hay không và tìm như thế nào. Thiên tài có được là do 90% nỗ lực phấn đấu lao động kiên trì không mệt mỏi mà nên. Thực tế trong mọi mặt của cuộc sống “có duyên” là rất cần, nhưng chưa hẳn đã đủ, mà phải quyết tâm “giữ duyên”, “nuôi duyên”, phấn đấu trong “hậu duyên”, duyên mới có thể được tròn trĩnh, như vậy mới chắc chắn sẽ đạt được mong ước. Như Phật dạy về con đường Thiền: “không Thiền, không Định; không Định, không Huệ”. Nếu không quyết tâm Thiền, không tin vào Thiền, làm sao tiến tới Định được. Mà đã không Định làm sao phát Huệ được. Trên thực tế, những lời dạy của các bậc Toàn tri, Toàn giác (Phật, Chúa, Thánh…) cũng như những lời dạy của tiền nhân đã được cuộc sống cũng như khoa học hiện nay (dù còn có rất nhiều điều chưa làm được) đang dần minh chứng tính đúng đắn đến vô cùng những lời dạy như chân lý đó.
     Trong tập luyện, đối với các anh em mới tập, tôi thường khuyên họ: nếu không có điều kiện tìm hiểu Triết học phương Đông, nếu chưa có lòng tin trong con người cũng có khí vận hành, nhưng để tập được những môn Nội gia nói chung và Vĩnh Xuân Nội gia nói riêng, trước mắt phải tin trong con người mình có khí và khí cũng vận hành cũng như máu huyết vận hành trong cơ thể. Cũng như biết Vĩnh Xuân Nội gia là khó tập, nhưng quyết tâm tập luyện, tin tưởng vào việc tập luyện, chắc chắn tập thành công.
Những hoạt động bên trong cơ thể chúng ta rất tinh tế. Với những hiểu biết và kiến văn có hạn, lĩnh vực muốn trao đổi lại quá rộng, chắc chắn có điều chưa được thông thuận, chưa làm các bạn hài lòng. Kính mong các bậc cao nhân cùng mọi người lượng thứ cho những điều trình bầy chưa chiết khúc của tôi.
     Tôi chân thành cảm ơn tất cả mọi người.
Hà Nội ngày 02/04/2017
Võ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo