Đôi điều suy nghĩ về một phương châm trong võ thuật
Trước hết cho tôi được trao đổi đây là những suy nghĩ, những cảm nhận và cũng là phương châm tối thượng trong tập luyện võ thuật của tôi trong hơn 50 năm qua trong cuộc đời. Tất nhiên đây cũng là tiêu chí quan trọng trong võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia quyền của thầy trò chúng tôi ở cả Việt Nam và Ba Lan cùng với tiêu chí: SỨC KHOẺ, BẢN LĨNH & TRÍ TUỆ. Nếu không phù hợp với suy nghĩ của ai đó (mà đây là điều chắc chắn), rất mong mọi người bỏ qua. Vì tôi cũng đã được nghe ai đó nói tôi về việc tôi quán triệt phương châm này: "đây là suy nghĩ của một ông già". Song, tôi không bao giờ cho là như vậy. Tôi không cưỡng lại được quy luật của đời người: sinh - lão - bệnh - tử. Tuy vậy, cho dù tôi đang nhích dần đến thất thập, nhưng trong tâm trí, sức lực của tôi luôn là một "mùa xuân Vĩnh cửu" - VĨNH XUÂN. Hy vọng các bạn đồng cảm.
Phương châm quan trọng được các bậc tiền bối từ ngàn xưa đã dạy trong con đường võ thuật là: "Giữ được mình, tức là thắng được người" (trong giao đấu, đối thủ không đánh được vào người ta thì cũng đã nói lên đối thủ kém ta, nếu không muốn nói thẳng là thua ta). Khi Đức Phật Sư tổ Bồ Đề Đạt Ma dạy cho các môn đồ trong chùa Thiếu Lâm những bài võ, những bài rèn luyện tâm thân, Người đã đặt nền móng để hình thành môn võ Thiếu Lâm, ngôi sao Bắc Đẩu của võ học Thế giới. Mục đích của Người là để cho các môn đồ khỏe mạnh, để có sức tu hành; có bản lĩnh để bảo vệ thân mạng mình, bảo vệ chùa an toàn trước các thú dữ, trước giặc cướp, để có thể tiếp tục tu hành. Tất cả những bài võ Người dạy đều mang tính Phật rất sâu sắc: giữ được mình an toàn và làm triệt tiêu khả năng chiến đấu của đối thủ. Mục đích Người dạy võ cho các môn đồ chính là tự vệ. Và chính từ đây, phương châm tối thượng trong võ thuật ra đời: "giữ được mình, tức là thắng được người".
Không ít người học võ chỉ muốn đánh thắng người khi va chạm (giao đấu). Điều này không sai! Nhất là trong thể thao. Nhưng trong võ thuật từ ngàn xưa, đó chỉ là "cái ngọn" trong võ thuật. Điều quan trọng trong giao đấu là phải giữ được cho mình an toàn, đó mới là "cái gốc" trong võ thuật. Trong cuộc sống cũng vậy, giữ được cho mình sự sống, an toàn trong cuộc đời, đó là mục đích tối thượng cần có để từ đó con người mới thực hiện được các mục tiêu sống của mình. Trong "cái gốc" của võ thuật, một điều phải nói thêm rằng: "đánh thắng chính mình" (điều khiển được tâm trí mình, chân tay mình theo ý mình) đó mới là điều tối thượng trong võ thuật nói riêng và trong cuộc sống nói chung.
Tôi thường nói với các học trò của tôi và tôi cũng nhấn mạnh trong các tôi đã bài viết: nói học võ thực chất là học điều khiển chân tay mình, thân mình theo được ý của mình. Đó là một phần tập luyện để thắng chính mình. Từ đó mới có thể có sự chính xác khi ra đòn (đỡ và đánh) cũng như khi ra lực. Lòng khát khao đánh thắng người trong tập luyện sẽ luôn làm cho tâm trí mình không bình ổn (trong Nội gia, điều này làm khí xấu luôn thăng, hoàn toàn không tốt khi giao đấu cũng như nhiều mặt khác của cuộc sống). Đó cũng là nguyên nhân tạo nên "oan oan tương báo", làm nặng thêm nghiệp của bản thân. Bởi khi bước chân vào học võ tức là bước vào một cái nghiệp của bản thân trong cuộc đời. Để triệt tiêu cái nghiệp này phải lấy võ đức làm đầu và lấy mục tiêu tự vệ làm then chốt.
Tôi cũng xin được trao đổi thêm điều mà tất cả mọi người chúng ta đều biết: trong cuộc đời, sức khỏe là số 1. Muốn làm gì, tập luyện gì, điều đầu tiên phải có được sức khỏe và giữ được sức khỏe. Thực tế, không phải cứ đi tập luyện là sẽ khỏe. Thực tế có môn tập luyện chỉ đem lại sức khỏe ban đầu, còn về lâu dài lại làm tổn hại tới cơ thể. Trong bao năm qua, dù có những người không thích phương thức cũng như cách tập luyện của võ đường của thầy trò chúng tôi, nhưng thầy trò chúng tôi vẫn kiên định theo con đường mà Sư tổ Nguyễn Tế Công đã truyền lại cho sư phụ tôi, cố võ sư Trần Thúc Tiển và tôi đã được sư phụ tôi truyền lại: con đường VĨNH XUÂN NỘI GIA. Tiêu chí của võ đường của thầy trò chúng tôi là SỨC KHOẺ, BẢN LĨNH & TRÍ TUỆ, đồng thời lấy tự vệ làm đầu và tuyệt đối không đấu thử. Công phu của Vĩnh Xuân Nội gia thầy trò chúng tôi cảm nhận được qua tập luyện và hạnh phúc khi tập luyện thành công.
Trong cuộc sống hiện nay, tôi cũng hiểu không dễ đồng cảm và hoà đồng về nhiều phương châm không chỉ trong võ thuật mà cả cuộc sống. Song mỗi người kiên trì đi theo những phương châm sống, phương châm tập luyện, những phương châm đã được người xưa truyền lại và đã được kiểm chứng tính đúng đắn qua bao đời nay, chắc chắn sẽ đạt được những điều tốt lành.
Cảm ơn các bạn đã quan tâm tới bài viết của tôi.
Warszawa ngày 10/7/2017
Võ sư Nguyễn Ngọc Nội
VÕ ĐƯỜNG
LIÊN KẾT