ĐÔI ĐIỀU TRAO ĐỔI VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN QUYỀN PHÁP MỘC NHÂN

Trong thời gian vừa qua, hai lần tôi được nghe (hỏi trực tiếp), được đọc (qua thư) về một vấn đề mà tôi rất ngạc nhiên khi nghe, khi đọc. Đó là các bạn nêu ra rằng: Khi cụ Tế Công vào Việt Nam, dạy bài Mộc nhân, cụ đã giấu không dạy phần chân của bài quyền đánh với Mộc nhân, nên đã cắt bỏ phần chân ở cây Mộc nhân. Tôi cũng đã trao đổi lại tương đối cụ thể khi được hỏi trực tiếp và trả lời ngắn gọn khi trả lời thư hỏi. Song tôi nghĩ, điều này chắc cũng không ít người thắc mắc vì thấy Mộc nhân của Vĩnh Xuân Việt Nam khác với Mộc nhân của nhiều nhánh Vĩnh Xuân khác. Cho nên tôi xin phép được nói rộng ra để mọi người có thể suy ngẫm thêm, tìm ra câu trả lời xác đáng về việc này theo góc nhìn của mình.
Tuy ngạc nhiên khi nghe, khi đọc, song tôi cũng thấy đó là một vấn đề bình thường khi mà những người khi nghiên cứu, tìm hiểu về hệ thống quyền quyền thuật Vĩnh Xuân Việt Nam nói chung và Vĩnh Xuân Nội gia nói riêng có thể đặt ra câu hỏi như vậy (kể cả những câu hỏi khác) trước sự khác nhau về cấu tạo Mộc nhân (cũng như nhiều vấn đề khác) của các nhánh trong cùng môn phái.
Trong Vĩnh Xuân Nội gia (VXNG) của chúng tôi, bài quyền 108 Mộc nhân nằm trong hệ thống quyền cao cấp 108 trong PHẦN LUYỆN QUYỀN. Hệ thống quyền này được truyền từ Sư tổ Nguyễn Tế Công tới sư phụ tôi, cố võ sư Trần Thúc Tiển và sư phụ Trần Thúc Tiển đã truyền lại cho chúng tôi, các học trò của sư phụ. Bài quyền 108 Mộc nhân của chúng tôi dựa trên cơ sở bài quyền 108 tại chỗ kết hợp với các nguyên tắc khi tập với Mộc nhân. Chính vì vậy các thế đá trong bài quyền 108 Mộc nhân cũng đều là những thế đá trong bài quyền 108 tại chỗ. Tôi nói thêm điều này, có thể rất nhiều bạn chưa biết: trong bộ ảnh Sư tổ Nguyễn Tế Công đánh bài 108 Mộc nhân do cố võ sư Nguyễn Bá Khả chụp trước khi Sư tổ mất khoảng 3 tháng, có những ảnh Sư tổ Nguyễn Tế Công đá trong bài đúng như thế đá hiện nay chúng tôi đã được sư phụ Trần Thúc Tiển truyền dạy. Có thể có bạn sẽ lại đặt vấn đề, vì cụ Tế Công đã giấu, nên khi chụp lưu lại, cụ cũng đánh giống như đã dạy? Ở đây tôi xin chia sẻ đôi điều (cùng với những trao đổi ở trên) để các bạn suy ngẫm, có sự nhìn nhận sự chân thực sâu rộng thêm, trước khi đặt vấn đề.
Về bộ ảnh chụp Sư tổ Nguyến Tế Công: Khoảng 3 tháng, trước khi Sư tổ Nguyễn Tế Công mất, sức khỏe Sư tổ đã suy yếu, cố võ sư Nguyễn Bá Khả, một người học trò vô cùng nghĩa tình của Sư tổ Nguyễn Tế Công, vì muốn có bộ ảnh về Sư tổ đánh bài quyền 108 Mộc nhân để lưu giữ kỷ niệm, nên đã đặt vấn đề với Sư tổ xin chụp. Rất may mắn và hạnh phúc, Sư tổ nhận lời. Chính vì vậy mà giờ đây, hậu duệ chúng ta mới có được bộ ảnh vô giá và duy nhất về Sư tổ đánh quyền (với Mộc nhân). Khi đó sức khỏe Sư tổ đã yếu nhiều, nên có những bức hình, Sư tổ khi thể hiện gần như chỉ lấy hình dáng đòn thế. Trong bộ ảnh này, có những đòn đá, Sư tổ đá thẳng vào Mộc nhân. Tôi chỉ trình bầy như vậy để các bạn hiểu hoàn cảnh có được bộ ảnh vô giá về Sư tổ Nguyễn Tế Công của chúng tôi, để các bạn cùng nhìn nhận qua nhiều góc độ.
Như các bạn đã biết quyền thuật Vĩnh Xuân đặc biệt chú trọng vào luyện đôi tay. Bài quyền cao cấp 108 tại chỗ với 108 thế, chỉ có 4 (x2=8) thế lên gối và 4 (x2=8) thế đá. Các thế đá cũng thể hiện một phần về bản chất quyền thuật của Vĩnh Xuân của chúng tôi.
Về việc có bạn đặt vấn đề là Sư tổ Nguyễn Tế Công giấu những đòn đá trong bài quyền nên không truyền dạy: Tôi xin khẳng định (tất nhiên vẫn là ý kiến của cá nhân tôi) không có chuyện Sư tổ giấu nghề. Trong quyền thuật Vĩnh Xuân Nội gia, còn những công phu (những bài quyền, những phương pháp luyện quyền và công) mang tính bí truyền của bản môn Sư tổ còn truyền lại thì mấy đường quyền cước có gì mà Sư tổ phải giấu. Tất nhiên, không phải ai Sư tổ cũng truyền đủ các công phu. Điều này tôi cũng đã đề cập qua một số bài viết mà cụ thể hơn qua bài viết trên trang FB của tôi hôm chủ nhật, 26/2/2018 vừa qua. Có những công phu chỉ dạy trong “nội đồ” (người kế nghiệp), có những công phu chỉ dạy trong môn phái mà không bộc lộ ra bên ngoài.v.v.
Về việc tập luyện với Mộc nhân trong VXNG: trong hệ thống quyền thuật VXNG của chúng tôi, khi viết về Hệ thống quyền cao cấp 108, tôi chỉ ghi một dòng ngắn là “bài quyền 108 Mộc nhân”. Song thực tế để tập bài này, người tập cũng phải tập những kỹ thuật đánh với Mộc nhân thuần thục rồi mới được tập vào bài. Với chân của Mộc nhân trong VXNG, chúng tôi có những thế tập riêng, không nằm trong bài quyền.
Tôi cũng hiểu việc trao đổi này không thể làm thỏa mãn các bạn và chắc chắn sẽ có những bạn không đồng thuận. Song tôi nghĩ trước vấn đề các bạn đặt ra, cũng nên chia sẻ để góp thêm những góc nhìn đối với mọi người về hệ thống công phu của Vĩnh Xuân Việt Nam nói chung và VXNG nói riêng trong môn phái Vĩnh Xuân. Và điều quan trọng hơn cả là tôi muốn khẳng định Tâm Đức vô cùng lớn lao của Sư tổ Nguyễn Tế Công trong việc truyền dạy cũng như giữ gìn công phu của bản môn.
Con cầu xin Sư tổ Nguyễn Tế Công và sư phụ Trần Thúc Tiển chứng giám cho tấm lòng cùng những suy nghĩ chân thành của con.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của tôi.
Hà Nội ngày 03 tháng 3 năm 2018
Võ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo