ĐÔI ĐIỀU VỀ “TÍNH MẠNG SONG TU”

Trong thời gian qua, sau bài tôi viết về hệ thống công phu của Vĩnh Xuân Nội gia, trong đó tôi có nhắc đến: Tập Vĩnh Xuân Nội gia chính là tập luyện “TÍNH MẠNG SONG TU”, có một số bạn hỏi tôi về vấn đề này và có đề nghị tôi nói rõ thêm. Tôi cũng đang suy nghĩ về việc viết một bài để trả lời chung các bạn. Âu cũng là cơ duyên, hôm nay, 10/3/2018, tôi có qua Hội chợ sách cũ Hà Nội ở cạnh Văn Miếu, ở đây tôi đã tìm được lại cuốn “TÍNH – MẠNG SONG TU” của Thiện Chí do nhà xuất TRÍ THỨC SÀI GÒN xuất bản trước năm 1970. Gọi là mua lại, vì năm 1976, khi lần đầu tiên vào thăm quan thành phố Hồ Chí Minh, sau giải phóng năm 1975, tôi đã mua được cuốn này. Song mấy năm trước đây, nhà bị mối, tôi đã bị mối ăn hết tủ sách, trong đó có cuốn này.
Tôi xin phép các bạn được trích dẫn những đoạn trong cuốn sách này (theo tôi) là cần thiết để nói rõ điều các bạn hỏi tôi về “TÍNH MẠNG SONG TU”:
+ “Đúng theo tiêu đề Tánh Mạng Song Tu, Thiện Chí đã thâu thập những điều căn bản của Phật giáo để trình bay phần tu tâm luyện tánh
Về phần tu mạng, luyện tập xác thân vật chất được khỏe mạnh, sống lâu thì Thiện Chí đã góp nhặt, rút tỉa nững điểm hữu ích trong các phương pháp luyện tập của Đạo Lão và Yoga” (LỜI TỰA của THUẦN TÂM. Trang 7)
+ “Thông thường người học Đạo chỉ chú trọng vào cái Tâm thôi (tu Tâm, Dưỡng Tánh). Nhưng muốn qua sông lớn, ta phải có một chiếc thuyền chắc chắn, nếu thuyền vô nước làm sao đưa ta qua bờ bên kia được..
Chiếc thuyền là tượng trưng cho xác thân và sông lớn kia tượng trưng cho Đạo. do đó cần phải săn sóc cho thể xác ta để nó có thể đưa ta đi được xa trên con đường Đạo vậy
Cho nên người học Đạo trước nhất phải lo Tu Thân” (trang 14, sách đã dẫn)
+ “Tu Tánh và Tu Mạng, mới nghe thì cho là hai việc riêng biệt, những sự thật thì nó đi đôi không tác rời hay chia rẽ như ta tưởng.
Tánh thuộc Tâm. Mạng thuộc Khí (là hơi thở). Tu Tánh là tập luyện cái Tâm và Tu Mạng là tập luyện hơi thở. Hai phương pháp này nương nhau dung hòa nhau như Âm và Dương, Thủy và Hỏa vậy” (trang 16 sách đã dẫn).
Để Tu Tánh, trong cuốn sách, Thiện Chí đã đề cập đến việc phải hiểu biết về “Tứ Diệu Đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo”, phải “Trì Giới Hạnh” và phải “THAM THIỀN”. Trong đó Chí Thiện đã viết rõ: “Muốn Tu tánh phải biết Tham Thiền vì Tham Thiền là cái cửa chánh của Phật tử phải qua. Tu tánh mà không Tham Thiền thì hoài công mà thôi. Tu Tánh mà không Tham Thiền thì khó đạt đến kết quả mong muốn (nếu không muốn nói là không đạt được)”.
Để Tu mạng, Thiện Chí đã viết rõ: “Muốn làm chủ thân ta, trước tiên ta phải làm chủ các bộ phận trong thân ta. Mà các bộ phận trong thân ta, bộ phận quan hệ nhất là bộ phận hô hấp.” Do đó trong Tu Mạng, Thiện Chí đã đưa ra các nội dung: ĐIỀU TỨC (là điều khiển hô hấp theo ý muốn); TẬP THỂ DỤC; DINH DƯỠNG; GIẢI ĐỘC HAY TẨY TRƯỢC. Về việc giải độc hay tẩy trược, Thiện Chí viết rõ: “Nhịn ăn là một cách giải độc hay tẩy trược cho thân thể ta, mà cũng là một sự hành (hình) phạt đối với ta về sự cẩu thả trong vấn đề dinh dưỡng….
Phật Thích Ca Mầu Ni đã không ăn uống trong 49 ngày đêm dưới gốc cây Bồ Đề để tìm ra chơn lý.
Thiện Chí cũng đã đưa ra một lời khuyên đối với chúng ta: “Chúng ta hãy tự ráng sức tu tập, một ngày kia Chơn sư sẽ đến với ta. Nếu Chơn sư không đến thì Minh sư trí sẽ đến vậy”.
“…bên Âu Châu từ cổ (xưa) ông Juvenal đã gom lý tưởng tu thân của mình trong một câu bất hủ: “Mens sana in copore sano” xin tạm dịch; “Một tinh thần Minh Triết trong một thân thể kiện toàn””
Với đôi điều trích dẫn từ cuốn sách “TÍNH MẠNG SONG TU” của tác giả Thiện Chí, hy vọng các bạn cùng tôi nhìn nhận về vấn đề này một cách tích cực.
Chân thành cảm ơn các bạn
Hà Nội ngày 10 tháng 3 năm 2018
                                                     Võ sư Nguyễn Ngọc Nội
 
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo