ĐÔI ĐIỀU CHIA SẺ VỀ QUAN ĐIỂM CỦA VÕ ĐƯỜNG VIỆT NAM VĨNH XUÂN NỘI GIA QUYỀN

Trong những năm qua, có những người (ở cả Việt Nam và Ba Lan) hỏi tôi (đại ý): Tại sao không thấy võ đường của thầy lên thi đấu đài; không thấy đi đấu giao lưu với những võ đường khác; không thấy tập đánh nhau trong võ đường? Tôi cũng đã trả lời những nội dung này đến từng người hỏi tôi. Tuy nhiên gần đây vẫn có một số người hỏi lại cũng với những nội dung tương tự. Hôm nay, tôi xin phép được chính thức trả lời chung trên trang web của võ đường và trang FB cá nhân của tôi.
Võ đường Việt Nam Vĩnh Xuân Nội gia Quyền (gọi tắt là võ đường Vĩnh Xuân Nội gia) nằm trong hệ thống môn phái Vĩnh Xuân dòng Nội gia do Sư tổ Nguyễn Tế Công truyền lại. Môn Vĩnh Xuân xuất phát từ nhà Phật do Ngũ Mai Lão ni, một nhà sư nữ, một cao đồ của chùa Thiếu Lâm sáng lập ra. Do đó, hệ thống quyền thuật cũng như đòn thế của Vĩnh Xuân chứa đựng tính Phật sâu sắc, HOÀN TOÀN MANG TÍNH TỰ VỆ. Tôi đã có một số bài viết liên quan về nội dung này như bài “Tính Phật trong võ thuật” đăng trên Tạp chí Thế giới mới số 736 ngày 28/5/2007; bài “Tính Phật, tính nhân văn qua một phương châm ứng xử trong võ thuật” đăng trên trang web của võ đường ngày 05/01/2012...
Thấm nhuần Phật tính trong môn Vĩnh Xuân, trong suốt quá trình truyền dạy 38 năm qua và đặc biệt từ khi chính thức mở võ đường, 17/7/2005, tôi đã đặt tiêu chí cụ thể đối với võ đường là SỨC KHOẺ, BẢN LĨNH & TRÍ TUỆ. Tập luyện trước hết để TẬP CHO MÌNH, tập cho mình một sức khỏe, để có sức khỏe tốt trong cuộc sống, chống đỡ bệnh tật khi ốm đau, sau đó xây dựng cho mình một bản lĩnh vững vàng, tự tin khi có va chạm để bảo vệ mình và bảo vệ người thân. Không chỉ có vậy, các phương pháp tập luyện của Vĩnh Xuân Nội gia (VXNG) còn giúp cho trí tuệ được nâng cao, được phát triển, được hoàn thiện. Thực tế, tập luyện VXNG hoàn toàn là tập để hoàn thiện trên nhiều mặt của cuộc sống cho chính bản thân, không đơn thuần chỉ là võ. Thấm nhuần tính Phật của bản môn, tôi nghiêm cấm học trò của mình thi đấu, đấu thử để so tài cao thấp, hay để thử tài sức của bản thân. Trong hệ thống tập luyện của võ đường, thực tế có những phương pháp đối luyện rất sâu sắc. Đặc biệt khi lên cao, luôn được vào tay tập với thầy, với các võ sư trong võ đường, phải theo được tốc độ ra đòn (2-3 đòn trong một giây với thời gian liên tục 10, 15, 20 phút) cũng như sức nặng trong đòn thầy ra. Thầy trò chúng tôi rất tự tin vào các bài tập luyện này. Đây là những bài tập tôi tin chắc rằng đã được nhiều đời các Sư tổ trong môn phái Vĩnh Xuân áp dụng rồi truyền lại đến Sư tổ Nguyễn Tế Công. Từ Sư tổ Nguyễn Tế Công truyền đến sư phụ Trần Thúc Tiển của tôi và sư phụ tôi truyền lại cho tôi cùng các học trò của Người. Tôi không có ý khoe khoang, nhưng có mấy anh em trong võ đường, trong những tình huống bất khả kháng phải va chạm, đều đạt được hiệu quả cao.
Như các bạn đều biết, tính trượng nghĩa trước đây trong võ thuật đâu còn nữa, võ thuật bây giờ cũng không còn là vũ khí tự vệ độc tôn. Con người giờ đây tính hơn thua rất lớn. Đấu với nhau, thử với nhau dễ tạo ra ý chí hơn thua trong lòng và luôn mong muốn thắng người, nếu thua sẽ phải đấu lại khi có thể. Điều này dễ đem đến “oan oan tương báo”. Nhiều người quên rằng tập luyện để thắng được bản thân mình mới là giỏi và không nhớ, thậm chí là không biết đến lời dạy từ ngàn năm qua trong võ thuật của các bậc tiền nhân: “Giữ được mình tức là thắng được người”.
Học võ tức là mang đến cho mình một cái nghiệp trong cuộc đời. Nếu không biết lấy Đức, lấy cái Đạo trong võ để kiềm chế, để giữ gìn, cái nghiệp này sẽ nặng đối với cuộc đời mình. Do đó học võ trước hết để giữ được mình (“giữ được mình tức là thắng được người”), đừng nung nấu ý chí phải đánh thắng người (mà phải coi trọng chiến thắng bản thân mình là tối thượng) như vậy mới khắc chế được cái nghiệp đối với mình. Đó cũng là chữ KHIÊM vô cùng cần thiết phải có trong võ thuật. Và một điều tôi thường nói và cũng đã viết ra: đừng nghĩ học võ là điều gì cao xa cả mà hãy hiểu học võ là học điều khiển thân chân tay theo được ý mình. Từ đó luyện tập để trở thành kỹ năng của cơ thể. Điều khiển được thân chân tay theo đúng ý mình trong võ thuật, chính xác theo các thế võ chính là chúng ta đang đánh võ.
Với đôi điều trao đổi cơ bản (và cũng là quan trọng đối với thầy trò chúng tôi) nêu trên, do đó tôi không cho các học trò mình đấu đài, đấu thử với bên ngoài võ đường và ngay trong võ đường cũng đối luyện theo bài, không tự đấu thử với nhau. Do vậy rất mong mọi người thông cảm cho thầy trò chúng tôi.
Thầy trò chúng tôi xin chân thành cảm ơn và biết ơn sự thông cảm của mọi người.
                       Hà Nội ngày 30 tháng 4 năm 2018
                                Trưởng võ đường VXNG
                                 Võ sư Nguyễn Ngọc Nội
Bài viết
Chủ đề
Hình ảnh
Video

Sách đã phát hành

VÕ ĐƯỜNG

Thông báo